Cách Châm Cứu Điều Trị Hội Chứng Ống Cổ Tay Và Lưu Ý

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Phạm Thị Minh Dương | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Cách châm cứu điều trị hội chứng ống cổ tay mang đến hiệu quả cao cho trường hợp nhẹ và vừa. Châm kim vào huyệt đạo thích hợp giúp đả thông kinh mạch, tăng tuần hoàn, giảm đau đớn và tê yếu. Tuy nhiên cần tác động vào đúng huyệt đạo và đúng cách để tránh phát sinh rủi ro.

Cách châm cứu điều trị hội chứng ống cổ tay
Hướng dẫn thực hiện và các lưu ý an toàn khi châm cứu điều trị hội chứng ống cổ tay

Lợi ích từ châm cứu điều trị hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay là một trong những nguyên nhân gây đau cổ tay phổ biến. Trong bệnh lý này, dây thần kinh giữa (từ cổ xuống cẳng tay và đi qua cổ tay) bị nén hoặc kích thích ở vùng cổ tay. Từ đó tạo cảm giác đau đớn, tê yếu, châm chích, giảm khả năng vận động ở bàn – ngón tay và cổ tay.

Châm cứu là một liệu pháp giảm đau và chữa bệnh bằng kim châm, thường được dùng cho những người mắc hội chứng ống cổ tay mức độ nhẹ và vừa. Trong quá trình này, kim châm mảnh được dùng để châm vào huyệt đạo thích hợp.

Cách châm cứu điều trị hội chứng ống cổ tay có thể mang đến những lợi ích sau:

  • Giảm đau, bao gồm cả đau dây thần kinh và cơn đau mạn tính
  • Đả thông kinh mạch và tăng lưu thông máu
  • Giảm triệu chứng tê bì và ngứa ran của hội chứng ống cổ tay
  • Tăng cường hoạt động và chức năng của hệ thần kinh
  • Phục hồi chức năng vận động và cảm giác ở tay bị thương
  • Giảm tình trạng co thắt cơ
  • Cải thiện chức năng điện sinh lý và giảm tình trạng yếu chi
  • Bổ chính (tăng kinh khí)
  • Khử tà phù chính
  • Điều hòa cân bằng âm dương
  • Tăng chất lượng giấc ngủ.
Liệu pháp châm cứu giúp giảm đau, giảm tê yếu, cải thiện cảm giác và khả năng vận động
Châm cứu giúp giảm đau, giảm tê yếu, tăng chức năng của hệ thần kinh, cải thiện cảm giác và khả năng vận động

Trong một vài cuộc nghiên cứu và đánh giá điện sinh lý, người ta phát hiện ra rằng châm cứu điều trị hội chứng ống cổ tay có thể cải thiện đáng kể về tốc độ dẫn truyền vận động ở cổ tay và bàn tay. Đồng thời kích thích có lợi ở dây thần kinh giữa, cải thiện thời gian tiềm vận động ngoại vi (trong điện cơ học và nghiên cứu dẫn truyền thần kinh).

Ngoài ra một nghiên cứu khác cũng cho thấy, hiệu quả từ liệu pháp châm cứu tương đương với thuốc Prednisolone (thuốc kháng viêm thuộc nhóm Corticosteroid) liều thấp ngắn hạn. Nghiên cứu này được thực hiện trên nhóm người mắc hội chứng ống cổ tay mức độ nhẹ và vừa.

Ai nên châm cứu chữa hội chứng ống cổ tay?

Cách châm cứu chữa bệnh phù hợp với những bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ tay ở mức độ nhẹ và vừa. Ngoài ra đây cũng là một trong những lựa chọn tốt nhất đối với những bệnh nhân không lựa chọn phẫu thuật sớm và chống chỉ định với steroid.

Chống chỉ định và thận trọng

Liệu pháp châm cứu nói chung không được chỉ định cho những người mắc hội chứng ống cổ tay kèm theo những tình trạng sau:

  • Trạng thái hoặc tinh thần không ổn định
  • Thiếu máu
  • Có bệnh lý tim mạch
  • Thể trạng và sức khỏe yếu
  • Có những tình trạng cần cấp cứu khẩn cấp
  • Cơ thể mệt mỏi do bệnh lý hoặc vừa lao động nặng nhọc
  • Quá đói hoặc quá no

Thận trọng khi châm cứu cho những trường hợp sau:

  • Phụ nữ mang thai hoặc đang có kinh
  • Tiểu đường
  • Có vấn đề về đông máu
Thận trọng và không tự ý châm cứu cho những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường
Thận trọng và không tự ý châm cứu điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường

Hướng dẫn cách châm cứu điều trị hội chứng ống cổ tay

Cách châm cứu điều trị hội chứng ống cổ tay giúp giảm nhẹ triệu chứng và mang đến nhiều lợi ích khác cho quá trình phục hồi. Tuy nhiên cần thực hiện đúng kỹ thuật, tác động đúng huyệt đạo tương ứng tình trạng. Điều này giúp đảm bảo an toàn và tránh phát sinh rủi ro trong quá trình điều trị.

Hướng dẫn cách châm cứu điều trị hội chứng ống cổ tay hiệu quả và an toàn:

Huyệt đạo cần tác động

  • Đại lăng
    • Vị trí: Chỗ lõm giữa hai đường sau bàn tay là vị trí của huyệt Đại lăng
    • Tác dụng: Giảm căng thẳng mệt mỏi, ổn định tinh thần, điều trị các bệnh ở chi trên (đau mỏi khớp cổ tay, hội chứng ống cổ tay, viêm khớp cổ tay…) và đau xương sườn ngực, chống co giật.
  • Nội quan
    • Vị trí: Huyệt này nằm ở mặt dưới của cẳng tay, cách lằn chỉ cổ tay hai thốn về phía khuỷu tay.
    • Tác dụng: Thư giãn, giảm căng thẳng thần kinh; chữa viêm gân cổ tay, hội chứng ống cổ tay, tê tay.
  • Ngoại quan
    • Vị trí: Huyệt này nằm ở mặt trên của cẳng tay, ngay chỗ lõm giữa xương trụ và xương quay, cách đường lằn cổ tay hai thốn.
    • Tác dụng: Thông khí trệ ở kinh lạc và khu đờm, giải biểu nhiệt, giảm đau (đau tay, đau khuỷu tay…), trị liệu tay, run tay.
  • Hợp cốc
    • Vị trí: Huyệt Hợp cốc nằm giữa ngón cái và ngón trỏ (hơi lệch hơn về phía ngón trỏ).
    • Tác dụng: Tán phong, điểm bổ âm, giảm đau, chống co thắt, cải thiện tâm trí.
  • Bát tà
    • Vị trí: Huyệt Bát tà gồm 4 huyệt con. Các huyệt nằm ở kẽ 5 ngón tay.
    • Tác dụng: Điều trị ngón tay liệt, bàn tay sưng tê, cánh tay sưng đau.
  • Thần môn
    • Vị trí: Huyệt này nằm gần chỗ lõm của bờ ngoài gân cơ, ở cổ tay tại xương trụ.
    • Tác dụng: Điều hòa hệ thống thần kinh, chữa bệnh động kinh.
  • Khúc trì
    • Vị trí: Huyệt Khúc trì nằm trên đường gấp khúc khuỷu tay, ngay tại phần hõm ở đầu bên ngoài.
    • Tác dụng: Hạ huyết áp, giảm các chứng đau, trị teo khuỷu tay và khó uốn – duỗi khuỷu tay, thanh nhiệt, bổ huyết, cải thiện các bệnh ngoài da, tăng chức năng của hệ miễn dịch.
Châm cứu vào huyệt Khúc trì giúp giảm các chứng đau
Châm cứu vào huyệt Khúc trì giúp giảm các chứng đau, trị teo khuỷu tay, cải thiện uốn – duỗi khuỷu tay

Cách châm cứu

  • Xác định chính xác vị trí của các huyệt cần châm cứu
  • Sát trùng vùng da cần châm cứu
  • Châm kim. Lưu ý nhấn sâu cho đến khi đạt đắc khí. Lúc này người bệnh sẽ có cảm giác nhức mỏi, tê và căng ở vùng bị châm
  • Rút kim, sát khuẩn vùng da vừa châm cứu.

Trong nhiều trường hợp, các huyệt đạo có thể được kích thích bằng điện châm hoặc thủy châm.

Châm cứu điều trị hội chứng ống cổ tay bao lâu?

Đối với hội chứng ống cổ tay, thời gian châm cứu giao động trong khoảng 20 – 30 phút. Một liệu trình kéo dài 15 ngày, châm cứu 1 lần một ngày. Tuy nhiên liệu trình điều trị có thể được rút ngắn hoặc kéo dài tùy thuộc vào tình trạng.

Lưu ý khi châm cứu điều trị hội chứng ống cổ tay

Châm cứu là một trong những liệu pháp điều trị hội chứng ống cổ tay đơn giản và mang đến nhiều lợi ích. Tuy nhiên để đảm bảo tính an toàn và phòng ngừa rủi ro, liệu pháp này cần được thực hiện đúng kỹ thuật, đảm bảo tác động đúng huyệt đạo.

Vì thế cách châm cứu điều trị hội chứng ống cổ tay cần được thực hiện bởi thầy thuốc có kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc về cách châm kim và các huyệt đạo. Việc tác động không đúng cách có thể phát sinh rủi ro.

Châm cứu bởi thầy thuốc có kinh nghiệm
Châm cứu bởi thầy thuốc có kinh nghiệm để đảm bảo về tính an toàn và hiệu quả chữa hội chứng ống cổ tay

Ngoài ra cần lưu ý thêm một số vấn đề dưới đây:

  • Nếu muốn châm cứu chữa bệnh, cần thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ. Liệu pháp này chỉ nên thực hiện khi có chỉ định hoặc khuyến khích từ bác sĩ chuyên khoa.
  • Không dựa vào kết quả chẩn đoán của người hành nghề châm cứu. Cần dựa vào chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa để có phương pháp điều trị thích hợp.
  • Trước khi châm cứu, cần thông báo với bác sĩ nếu có một trong những tình trạng thuộc nhóm chống chỉ định và thận trọng, tâm lý sợ hãi, lo lắng, căng thẳng quá mức hoặc cơ thể yếu ớt.
  • Không nên để cơ thể mệt mỏi, ăn quá no hoặc quá đói trước khi châm cứu. Ngoài ra không nên quá lo âu hoặc căng thẳng. Bởi điều này làm tăng cảm giác đau nhói và tăng nguy cơ co rút cơ.
  • Người bệnh được khuyên nghỉ ngơi trước khi châm cứu khoảng 10 – 15 phút. Điều này giúp phục hồi thể trạng và cải thiện tâm lý.
  • Châm cứu chữa hội chứng ống cổ tay cần được thực hiện đều đặn theo liệu trình vì huyệt đạo cần được kích thích vài ngày và liên tục để đạt hiệu quả tối đa. Không tự ý ngừng điều trị.
  • Châm kim vào huyệt đạo thường gây đau và khó chịu nhẹ. Tuy nhiên cảm giác này tự mất đi trong 24 giờ. Thông báo với bác sĩ nếu quá đau, đau đớn kéo dài, chảy máu, tê bì hoặc xuất hiện những dấu hiệu vựng châm (hoa mắt, khó chịu, buồn nôn, toát mồ hôi, ngất, tay chân lạnh, trụy tim mạch…) để được xử lý đúng cách và kịp thời.
  • Cầm máu khi bị chảy máu và chườm ấm khi có vết bầm sau khi châm cứu.
  • Lựa chọn địa chỉ uy tín để tránh làm tổn thương mạch máu và dây thần kinh do châm cứu không đúng kỹ thuật.

Nhìn chung cách châm cứu điều trị hội chứng ống cổ tay có thể giúp giảm đau, tê bì, cải thiện vận động và cảm giác. Tuy nhiên liệu pháp này cần được thực hiện đúng kỹ thuật để đảm bảo an toàn. Tuyệt đối không tác động sai huyệt đạo hoặc tác động sai cách.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Bệnh Lupus Ban Đỏ Có Di Truyền Không
Có rất nhiều thắc mắc xung quanh vấn đề bệnh lupus ban đỏ có di truyền không và làm thế nào để phòng ngừa. Người bệnh có thể tham khảo các thông tin cơ bản trong bài viết để có ...
Xem chi tiết
Bệnh Lupus Ban Đỏ Có Ngứa Không
Ở da, lupus ban đỏ có thể gây phát ban, lở loét, dày hoặc đỏ da. Tuy nhiên bệnh lupus ban đỏ có ngứa không, người bệnh có thể tham khảo một số thông tin trong bài viết và có ...
Xem chi tiết
Lupus Ban Đỏ Sống Được Bao Lâu
Lupus ban đỏ là bệnh lý mãn tính, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng và chưa có biện pháp điều trị dứt điểm. Vậy, bệnh lupus ban đỏ sống được bao lâu và làm thế nào để ...
Xem chi tiết
Lupus Ban Đỏ Có Lây Không
Bệnh lupus ban đỏ có lây không là thắc mắc của hầu hết người bệnh trong việc cố gắng điều trị và phòng ngừa các triệu chứng. Do đó, người bệnh có thể tìm hiểu một số thông tin cơ ...
Xem chi tiết
Bệnh Lupus Ban Đỏ Có Chữa Được Không
Bệnh lupus ban đỏ có chữa được không là thắc mắc của rất nhiều người. Tìm hiểu thông tin từ bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có được câu trả lời. Đồng thời giúp thiết lập kế hoạch chăm ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua