Trật Khớp Cổ Chân Bao Lâu Thì Khỏi? Dấu Hiệu, Điều Trị
Trật khớp cổ chân bao lâu thì khỏi là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Tình trạng trật khớp khiến người bệnh đau nhói, cổ chân sưng tấy, bầm tím và biến dạng, ảnh hưởng đến khả năng vận động. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng mà thời gian điều trị và khỏi bệnh sẽ khác nhau ở mỗi người.
Trật khớp cổ chân là gì?
Trước khi giải đáp trật khớp cổ chân bao lâu thì khỏi, người bệnh cần hiểu hơn về trật khớp (sai khớp) ở cổ chân. Trật khớp cổ chân là tình trạng mất tính ổn định và di lệch của khớp cổ chân khiến các đầu xương trượt ra khỏi ổ khớp. Tinh trạng này khiến người bệnh đau nhói đột ngột và dữ dội, cổ chân có dấu hiệu sưng tấy và bầm tím, giảm khả năng nâng đỡ cơ thể.
Ngoài ra trật khớp cổ chân thường kèm theo những tổn thương ở gân, dây chằng và cơ. Trong nhiều trường hợp, người bệnh bị gãy xương và chén ép dây thần kinh quanh khớp. Tùy thuộc vào tổn thương đi kèm mà triệu chứng có thể đa dạng hoặc tăng độ nghiêm trọng.
Thông thường trật khớp cổ chân được phân thành bốn loại, bao gồm:
- Trật khớp ra sau
- Trật khớp trước
- Trật khớp một bên
- Trật khớp cấp trên
Nguyên nhân gây trật khớp cổ chân
Trật khớp cổ chân xảy ra khi:
- Lòng bàn chân uốn cong quá mức khi té ngã, bao gồm cả uốn cong sang hai bên, các ngón chân hướng xuống dưới hoặc hướng lên. Trường hợp này thường có gãy xương, căng cơ hoặc rách cơ/ gân.
- Một cú đánh mạnh lên cổ chân khiến ổ khớp bị đẩy ra khỏi vị trí của nó kèm theo tổn thương ở mô và xương.
Chấn thương này thường gặp ở những người bị tai nạn giao thông, té ngã trong sinh hoạt và trong khi chơi thể thao. Đặc biệt trật khớp cổ chân phổ biến hơn ở những vận động viên thể dục dụng cụ, trượt băng và người chơi những môn thể thao tiếp xúc như khúc côn cầu, đá bóng…
Triệu chứng của trật khớp cổ chân
Sau khi bị trật khớp cổ chân, người bệnh sẽ có những triệu chứng sau:
- Đau ở cổ chân với các đặc điểm:
- Đau đột ngột và nghiêm trọng
- Cơn đau thường lan rộng xuống bàn chân
- Đau nhiều hơn khi cố gắng đứng lên, đi lại, nắn bóp chân
- Đau giảm nhẹ khi chườm đá, nghỉ ngơi và nâng cao chân
- Biến dạng rõ ràng ở khớp cổ chân
- Khó hoặc không thể tự đứng lên, đi lại hay chuyển động cổ chân do cổ chân bị biến dạng và giảm khả năng chịu lực
- Bầm tím và sưng to ở cổ chân và bàn chân
- Tê hoặc ngứa ran ở bàn chân do dây thần kinh bị tổn thương hoặc viêm.
Trật khớp cổ chân bao lâu thì khỏi?
Trật khớp cổ chân bao lâu thì khỏi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
- Mức độ nghiêm trọng của tình trạng trật khớp
- Các tổn thương đi kèm (gãy xương, đứt gân, rách cơ, căng cơ, chèn ép dây thần kinh…)
- Các biến chứng
- Cách xử lý ban đầu và phương pháp điều trị
Đối với những trường hợp nhẹ, không kèm theo tổn thương mô, bệnh nhân được nắn chỉnh có thể đưa khớp về vị trí cũ và kiểm soát triệu chứng sau 3 – 4 tuần. Tuy nhiên cần mất thêm 2 – 4 tháng để khớp cổ chân có thể phục hồi hoàn toàn.
Ở những trường hợp nặng, có tổn thương mô hoặc/ và xương cần phải phẫu thuật điều trị, thời gian lành lại thường dao động trong khoảng 4 – 8 tuần. Ngoài ra người bệnh mất thêm 3 – 6 tháng (hoặc lâu hơn) tập phục hồi chức năng, 8 -12 tháng để khớp cổ chân phục hồi hoàn toàn.
Hầu hết bệnh nhân được chỉ định vật lý trị liệu kết hợp với những phương pháp hỗ trợ khác như chườm lạnh, nghỉ ngơi, nâng cao chân… để rút ngắn thời gian phục hồi, sớm trở về với đời sống bình thường.
Các biến chứng của trật khớp cổ chân
Nếu không được xử lý ban đầu và điều trị tốt, trật khớp cổ chân có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Tổn thương dây thần kinh
- Tổn thương mạch máu
- Xuất hiện cục máu đông
- Hội chứng khoang
- Đau mắt cá chân và viêm khớp mắt cá chân
- Nhiễm trùng
- Cứng khớp
- Biến dạng khớp vĩnh viễn
- Mất khả năng cận động ở chân tổn thương
Cách xử lý ban đầu khi bị trật khớp cổ chân
Bệnh nhân bị trật khớp cổ chân cần chú trọng đến những biện pháp xử lý ban đầu. Bởi điều này có thể giúp người bệnh giảm những tổn thương đi kèm và rút ngắn thời gian chữa lành.
Thông thường phương pháp RICE sẽ được ưu tiên cho tất cả các trường hợp bị trật khớp cổ chân. Bởi đây là phương pháp xử lý chấn thương hiệu quả nhất (đã được kiểm tra và chứng minh lâm sàng).
1. Nghỉ ngơi (Rest)
Trong phương pháp RICE, nghỉ ngơi được xác định là quá trình quan trọng nhất đối với những bệnh nhân bị chấn thương. Khi nghỉ nghỉ, khớp xương tổn thương cùng với các mô và dây thần kinh sẽ được bảo vệ, tránh phát sinh thêm tổn thương. Đồng thời giảm áp lực lên vị trí tổn thương và làm dịu cơn đau.
Ngoài ra nghỉ ngơi còn cho phép các thương tổn do trật khớp cổ chân được chữa lành, hạn chế sưng và hỗ trợ phục hồi vận động cho bệnh nhân. Trong khi nghỉ ngơi, khớp cổ chân cần được thư giãn hoàn toàn. Người bệnh cố gắng đứng lên, đi lại hoặc thực hiện những động tác kích thích sưng và đau.
2. Chườm lạnh (Ice)
Chườm lạnh trong 3 ngày đầu sau chấn thương là một trong các cách xử lý trật khớp cổ chân tốt nhất. Sự tác động của nhiệt lạnh có thể giúp người bệnh giảm sưng và đau hiệu quả. Đồng thời ngăn máu bầm tích tụ quanh vị trí tổn thương.
Chườm lạnh nên được thực hiện trong 20 phút, mỗi 2 – 6 giờ 1 lần. Khi thực hiện, hãy lấy một chiếc khăn bông mềm bọc một vài viên đá lạnh hoặc túi rau củ đông lạnh, sau đó đặt lên cổ chân tổn thương.
3. Nén (Compression)
Nén mắt cá chân tổn thương bằng nẹp hoặc băng thun để giữ cho khớp ổn định, ngăn khớp di lệch thêm. Đồng thời hỗ trợ khớp xương và mô, tạo điều kiện cho tổn thương được chữa lành.
Ngoài ra biện pháp này còn có tác dụng giảm sưng và đau, bảo vệ khớp và mô tổn thương, tránh những tác động khiến cơn đau khởi phát. Tuy nhiên chỉ nén ở mức vừa phải, cần tránh thắt chặt khớp. Vì điều này có thể làm tăng mức độ đau và khiến tổn thương thêm nghiêm trọng.
4. Nâng cao (Elevation)
Chân tổn thương cần được nâng cao hơn tim để giảm sưng và đau, tăng tính ổn định cho ổ khớp. Chẳng hạn như người bệnh có thể đặt chân lên một chiếc gối cao trong khi nằm nghỉ.
Sau xử lý trật khớp cổ chân, người bệnh cần di chuyển đến bệnh viện trong 72 giờ đồng hồ để được điều trị y tế, giúp khớp tổn thương phục hồi hoàn toàn.
Điều trị trật khớp cổ chân
Người bệnh cần được điều trị y tế sớm để khớp cổ chân được chữa lành đúng cách, rút ngắn thời gian phục hồi. Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh có thể được nắn chỉnh hoặc phẫu thuật kết hợp với những phương pháp hỗ trợ khác.
1. Nắn chỉnh
Phần lớn bệnh nhân bị trật khớp cổ chân được nắn chỉnh để đưa khớp trật về vị trí cũ. Khi thực hiện, bác sĩ thường di chuyển đầu gối và mắt cá chân liên tục cho đến khi xương thẳng hàng và mắt cá chân trở về vị trí giải phẫu.
Trước khi nắn chỉnh trật khớp cổ chân, người bệnh được dùng thuốc an thần hoặc thuốc gây tê tại chỗ. Đối với những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh sẽ được gây mê và nắn chỉnh trong phòng phẫu thuật.
Bệnh nhân được chụp X-quang khớp cổ chân sau khi nắn chỉnh để chắc chắn rằng quá trình sắp xếp khớp trật đã thành công.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật cho bệnh nhân bị trật khớp cổ chân khi:
- Trật khớp cổ chân nghiêm trọng
- Trật khớp kèm theo gãy xương hoặc tổn thương mô
- Tổn thương mạch máu và dây thần kinh do trật khớp
- Trật khớp tái phát
- Yếu khớp
Tùy thuộc vào tổn thương đi kèm và mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể được phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở. Sau điều trị, bệnh nhân được bó bột và áp dụng những phương pháp hỗ trợ để phục hồi như nghỉ ngơi, chườm đá, sử dụng thuốc giảm đau khi cần, tập đi với nạng và hạn chế những chuyển động kích thích cơn đau.
Sau tháo bột, người bệnh được tập đi không dùng nạng, tập chống chân, thực hiện một số bài tập kéo giãn và tăng cường sức cơ trong vật lý trị liệu để khớp tổn thương được phục hồi hoàn toàn.
3. Phương pháp hỗ trợ
Những phương pháp dưới đây sẽ được sử dụng để hỗ trợ quá trình điều trị và phục hồi trật khớp cổ chân:
- Sử dụng thuốc: Dựa vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, một số loại thuốc như Acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và thuốc giãn cơ sẽ được sử dụng. Trong đó Acetaminophen có tác dụng giảm đau, được dùng cho những cơn đau nhẹ. NSAID có tác dụng chống viêm và giảm đau, được dùng cho trường hợp có cơn đau trung bình. Thuốc giãn cơ được dùng cho bệnh nhân bị căng cơ, thuốc có tác dụng điều trị co cứng và co thắt cơ quá mức, giảm đau.
- Bó bột hoặc nẹp: Sau nắn chỉnh hoặc phẫu thuật, người bệnh sẽ được bó bột hoặc nẹp để hỗ trợ cho quá trình phục hồi. Phương pháp này giúp ổn định khớp tổn thương, bảo vệ và cho phép mô lành lại nhanh chóng. Đồng thời hạn chế những tác động bên ngoài gây đau và trật khớp tái phát. Thông thường bó bột/ nẹp cho đến khi khớp cứng cáp, vết thương lành lại.
- Vật lý trị liệu: Sau nắn chỉnh khớp cổ chân và điều trị tổn thương mô, vật lý trị liệu sẽ được chỉ định. Phương pháp này có tác dụng tăng cường sức cơ, tăng tính ổn định cho ổ khớp. Đồng thời cải thiện vận động, tăng tính linh hoạt và khả năng chống đỡ trọng lượng cơ thể của khớp tổn thương. Thông thường, sau tháo bột, người bệnh được tập đi với nạng, tập chống chân và tập chuyển động với những bài tập nhẹ. Sau 1 – 2 tuần, người bệnh được tập kéo giãn, phục hồi chức năng khớp và phục hồi chức năng vận động.
Tiên lượng
Tiên lượng của bệnh nhân bị trật khớp cổ chân khá tốt. Hầu hết bệnh nhân có đáp ứng tốt với điều trị nội khoa. Những trường hợp năng có thể cải thiện tình trạng bằng phương pháp phẫu thuật kết hợp luyện tập.
Mặc dù trật khớp cổ chân cần nhiều thời gian để chữa lành nhưng hầu hết trường hợp đều có khớp tổn thương phục hồi tốt. Ngoài ra người bệnh có thể vận động linh hoạt và trở về với đời sống bình thường.
Trong một số trường hợp, người bệnh xử lý không đúng cách hoặc trật khớp nặng có thể làm hỏng mạch, giảm lưu thông máu đến sụn bao bọc xương. Vì thế nếu không phục hồi đúng cách, bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao bị viêm khớp kèm theo đau mãn tính và cứng khớp trong tương lai.
Trên đây là thông tin cơ bản giúp giải đáp trật khớp cổ chân bao lâu thì khỏi, dấu hiệu nhận biết, hướng dẫn cách xử lý và chữa trị hiệu quả. Nhìn chung trật khớp cổ chân là một chấn thương nghiêm trọng, cần nhiều thời gian để phục hồi. Tuy nhiên nếu xử lý và điều trị đúng cách, khớp cổ chân có thể phục hồi hoàn toàn, bệnh nhân sớm trở về với đời sống bình thường.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!