Người Bị Thoát Vị Đĩa Đệm Được Chơi Thể Thao Không?
Thoát vị đĩa đệm có chơi thể thao được không? Nên chơi môn thể thao nào, tránh môn nào và chơi với cường độ ra sao? Bài viết bên dưới sẽ giúp người bệnh có câu trả lời chính xác và có kế hoạch tập luyện, phục hồi chức năng, nâng cao thể lực hiệu quả, an toàn.
Bị thoát vị đĩa đệm có chơi thể thao được không?
Thoát vị đĩa đệm là một tổn thương cột sống, xảy ra khi nhân mềm bên trong đĩa đệm tràn ra ngoài, dẫn đến đau đớn, tế, yếu hoặc giảm khả năng vận động linh hoạt ở tay hoặc chân.
Đau đớn, đặc biệt là khi di chuyển, là dấu hiệu phổ biến của thoát vị đĩa đệm. Điều này khiến người bệnh có xu hướng dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, hạn chế vận động để tránh các cơn đau. Tuy nhiên, các bác sĩ và nhà trị liệu thường khuyến khích người bệnh vận động nhẹ nhàng hoặc chơi các môn thể thao tác động thấp nhằm tăng cường sức mạnh cơ bắp cũng như góp phần đưa đĩa đệm về vị trí ban đầu.
Vậy thoát vị đĩa đệm có chơi thể thao được không? Các chuyên gia cho biết người bệnh có thể chơi một số môn thể thao khi bị thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, cần tránh các môn thể thao và hoạt động mạnh trong một thời gian để cột sống có thời gian phục hồi. Nếu môn thể thao nào gây đau đớn, khó chịu liên quan đến thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần tránh tham gia cho đến khi các đĩa đệm lành hẳn.
Người thoát vị đĩa đệm nên chơi môn thể thao nào?
Hầu hết các hoạt động thể thao đều tốt cho sức khỏe nếu được tập luyện đúng cách và với cường độ phù hợp. Trên thực tế, tập thể dục có thể giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng, nâng cao sức mạnh cơ và ổn định cấu trúc cột sống.
Đối với bệnh nhân thoát vị đĩa đệm, cần chọn các hoạt động thể thao tác động thấp, chẳng hạn như các bài tập aerobic không gây căng thẳng cho lưng hoặc đi bộ, thể dục nhịp điệu dưới nước. Tuy nhiên, trước khi tham gia các môn thể thao, người bệnh cần hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu để đảm bảo sức khỏe.
Nếu bác sĩ cho phép, người bệnh có thể tham gia một số môn thể thao như:
1. Đi dạo
Đi dạo là một bài tập thể dục tác động thấp, có lợi cho sức khỏe tổng thể và cũng góp phần làm giảm các triệu chứng thoát vị đĩa đệm. Thoát vị đĩa đệm có thể gây đau đớn lan tỏa, tê và yếu, cũng góp phần dẫn đến suy nhược cơ cũng như mất chức năng vận động.
Mặc dù không có cách chữa khỏi thoát vị đĩa đệm, nhưng có những phương pháp điều trị có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và giúp các hoạt động hàng ngày trở nên dễ kiểm soát hơn. Đi bộ là một cách tuyệt vời để tập thể dục nhẹ nhàng mà không gây quá nhiều căng thẳng cho lưng và có thể giúp giảm đau cũng như làm giảm các triệu chứng khác liên quan đến thoát vị đĩa đệm.
Đi bộ giúp làm tăng tuần hoàn máu và các chất dinh dưỡng. Điều này góp phần tạo ra và lưu thông các hóa chất kiểm soát cơn đau tự nhiên, chẳng hạn như endorphin. Bên cạnh đó, đi bộ cũng có thể cải thiện các vấn đề thiếu oxy đến các tế bào, giúp các mô, tế bào có cơ hội phục hồi nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Đi bộ thường được chỉ định cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm như một phần của chương trình vật lý trị liệu. Điều quan trọng là tập luyện an toàn với lịch trình phù hợp. Các gợi ý khi bắt đầu đi bộ tập thể dục như sau:
- Chuẩn bị đi bộ: Tìm hiểu các chương trình đi bộ an toàn, đầu tư vào các thiết bị như giày và quần áo phù hợp.
- Kỹ thuật đi bộ: Tập trung vào tư thế thích hợp, ngẩng cao đầu, giữ thẳng cột sống và chuyển động chân nhẹ nhàng.
- Lịch trình đi bộ: Cần xác định tần suất đi bộ, tốc độ, các kiểu đi và duy trì ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Duy trì động lực: Khi cơ thể đã quen với cường độ, có thể thay đổi các kỹ thuật đi bộ cũng như sửa đổi các sai lầm để đạt hiệu quả tốt nhất và tránh các chấn thương.
Người thoát vị đĩa đệm cần trao đổi với bác sĩ trước khi tiến hành đi bộ tập thể dục. Bác sĩ có thể hướng dẫn lịch trình, các bước chuẩn bị và đưa ra lời khuyên hữu ích.
2. Đi xe đạp trên địa hình bằng phẳng hoặc xe đạp cố định
Đạp xe là một hình thức tập thể dục nhịp điệu tác động thấp và là một gợi ý phổ biến khi người bệnh thắc mắc thoát vị đĩa đệm có chơi thể thao được không. Đi xe đạp ít gây chấn động cột sống hơn nhiều hình thức tập thể dục khác, chẳng hạn như chạy bộ. Ngoài ra, đạp xe cố định đặc biệt nhẹ nhàng đối với cột sống và ít gây áp lực lên thắt lưng.
Người thoát vị đĩa đệm nên bắt đầu đạp xe với tốc độ chậm, dễ dàng trong 5 – 10 phút mỗi lần. Sau đó tăng tốc độ khi cơ thể đã quen với tác động. Nếu đang đạp xe tại chỗ, chỉ cần thay đổi cài đặt để có tốc độ nhanh hơn. Sau khi đã sẵn sàng để kết thúc buổi tập luyện, hãy đạp xe nhẹ nhàng với tốc độ chậm dần thêm 5 phút để hạ nhiệt cơ thể.
Một số lưu ý khi đi xe đạp cho người thoát vị đĩa đệm:
- Chọn xe phù hợp với mục đích, với tay cầm thẳng, cao hơn (nhằm đảm bảo cột sống luôn thẳng) và lốp xe lớn hơn (để hấp thụ sốc tốt hơn)
- Điều chỉnh xe đạp phù hợp với cơ thể, tránh tình trạng rướn người, uốn cong cột sống hoặc chùng đầu gối
- Định kỳ nâng và hạ đầu nhẹ nhàng để thả lỏng cổ, tránh mỏi cổ, đau vai gáy
- Sử dụng các phụ kiện giảm xóc phù hợp để hạn chế tối đa tác động đến cột sống
- Trao đổi với bác sĩ hoặc nhà trị liệu để được hướng dẫn phù hợp
3. Bơi lội
Bơi lội là môn thể thao tác động thấp và thường là lựa chọn phù hợp khi người bệnh phân vân thoát vị đĩa đệm có chơi thể thao được không. Bơi lội và các môn thể thao dưới nước rất an toàn cho người có bệnh cột sống, đĩa đệm, bởi vì nước làm giảm áp lực lên cột sống.
Mọi người đều nổi trong nước ở một mức độ nhất định, hay nói cách khác, nước sẽ giúp nâng một phần trọng lượng cơ thể, từ đó giúp cột sống không phải chịu toàn bộ trọng lượng. Bên cạnh đó, bơi lội cũng giúp tăng cường sức mạnh cho cánh tay, chân, các cơ cốt lõi cũng như góp phần nâng cao sức khỏe tim mạch mà không gây tác động đến cột sống.
Một số lời khuyên khi bơi dành cho người thoát vị đĩa đệm:
- Bắt đầu chậm rãi để ngăn ngừa đau khớp, đau cột sống
- Bơi ngửa và các kỹ thuật tương tự là kiểu bơi phù hợp nhất cho người thoát vị đĩa đệm
- Hít thở bằng cơ hoành để giảm căng thẳng và giảm đau do thoát vị đĩa đệm
- Nếu có thể hãy chọn hồ bơi có nước ấm, điều này giúp tăng cường lưu lượng máu và hỗ trợ quá trình chữa bệnh
- Tránh lạm dụng hoặc tập luyện quá sức, điều này có thể khiến các triệu chứng thoát vị đĩa đệm trở nên nghiêm trọng hơn
Trao đổi với bác sĩ nếu lo lắng hoặc cần thêm thông tin về vấn đề thoát vị đĩa đệm có chơi thể thao được không. Tuy nhiên, một điều quan trọng cần lưu ý là chơi thể thao và các hoạt động thể chất không thể điều trị dứt điểm thoát vị đĩa đệm. Người bệnh cần kết hợp với các biện pháp điều trị phù hợp, xây dựng lối sống khoa học cũng như chế độ ăn uống lành mạnh để nâng cao hiệu quả điều trị.
Thoát vị đĩa đệm cần tránh môn thể thao nào?
Sau khi tìm hiểu thoát vị đĩa đệm có chơi thể thao được không, người bệnh cần biết các môn thể thao không phù hợp để ngăn ngừa các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh cần tránh các môn thể thao gây áp lực lên cột sống khi bị thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, các môn thể thao đòi hỏi phải gập cột sống quá nhiều cũng cần tránh để ngăn ngừa các tổn thương.
Thoát vị đĩa đệm có đá bóng được không?
- Bóng đá là môn thể thao tác động mạnh, có tính cạnh tranh cao và có thể dẫn đến nhiều áp lực lên cột sống. Bên cạnh đó, bóng đá cũng đòi hỏi tốc độ, các động tác bật nhảy linh hoạt, điều này có thể dẫn đến xô lệch các đĩa đệm, khiến các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, môn thể thao này không phù hợp cho người thoát vị đĩa đệm.
- Bên cạnh đó, người thoát vị đĩa đệm khi chơi bóng đó có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến các triệu chứng co thắt nghiêm trọng, chấn thương tủy sống, gãy xương hoặc trật đốt sống. Ngoài ra, các nguy cơ như té ngã, va chạm, cũng góp phần khiến các triệu chứng thoát vị đĩa đệm trở nên nghiêm trọng hơn.
Thoát vị đĩa đệm có chơi cầu lông được không?
- Cầu lông là một trong những môn thể thao mà người thoát vị đĩa đệm nên tránh. Môn thể thao này yêu cầu các động tác xoay người, chống đỡ, vung tay, ưỡn người cũng như sử dụng các tư thế không phù hợp cho người thoát vị đĩa đệm.
Thoát vị đĩa đệm có chơi bóng chuyền được không?
- Bóng chuyền hoặc bóng rổ là những môn thể thao cường độ cao, yêu cầu các động tác phản xạ nhanh, thay đổi hướng chuyển động đột ngột, điều này có thể gây tổn thương cột sống và các đĩa đệm. Các động tác vươn người, nhảy cao, bật xa, khi chơi bóng chuyền cũng không phù hợp cho người thoát vị đĩa đệm.
- Ngoài ra, việc hoạt động liên tục với cường độ cao khi chơi bóng chuyền sẽ tạo một lực tác động lên toàn bộ cột sống, cổ, vai, gáy và các cơ cốt lõi. Điều này có thể dẫn đến đau nhức cơ thể, xô lệch các đĩa đệm cũng như khiến tình trạng thoát vị đĩa đệm trở nên nghiêm trọng hơn.
Thoát vị đĩa đệm có chơi golf được không?
- Người bệnh thoát vị đĩa đệm có thể chơi golf nhưng cần duy trì ở mức độ vừa phải và tránh thực hiện nhiều động tác tác động mạnh, chẳng hạn như vụt gậy nhanh, mạnh. Tuy nhiên, hầu hết các bác sĩ đều khuyến cáo người bệnh tránh chơi golf cho đến khi thoát vị đĩa đệm được chữa lành.
Thoát vị đĩa đệm có chơi bóng bàn được không?
- Người bệnh thoát vị đĩa đệm cần tránh các hoạt động gây áp lực lên dây thần kinh, chẳng hạn như bóng bàn hoặc quần vợt. Bóng bàn là một môn thể thao đòi hỏi thể chất, chuyển động nhanh, đột ngột và linh hoạt, do đó không phù hợp cho người thoát vị đĩa đệm. Trong một số trường hợp, bóng bàn có thể là nguyên nhân dẫn đến lồi đĩa đệm và thoát vị đĩa đệm.
Rủi ro khi chơi thể thao ở người thoát vị đĩa đệm
Rủi ro lớn nhất khi chơi thể thao cho người thoát vị đĩa đệm là khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Đối với người thoát vị đĩa đệm, các lực bổ sung tác động lên cột sống có thể gây đau và các triệu chứng khác. Bên cạnh đó, lực tác động này góp phần đẩy ra ngoài, gây chèn ép dây thần kinh, rễ thần kinh và thậm chí cả cột sống.
Chơi các môn thể thao không phù hợp hoặc lạm dụng hoạt động thể chất có thể dẫn đến các chấn thương cấp tính, làm chậm quá trình phục hồi đĩa đệm và khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, hoạt động thể chất quá sớm sau khi điều trị thoát vị đĩa đệm cũng góp phần làm căng cơ, thậm chí là tổn thương các mô mềm, dẫn đến nhiều rủi ro nghiêm trọng khác, bao gồm suy nhược, suy giảm phạm vi hoạt động.
Lưu ý khi chơi thể thao đối với người thoát vị đĩa đệm
Trao đổi với bác sĩ về vấn đề thoát vị đĩa đệm có chơi thể thao được không, nên chơi môn nào, tránh môn nào, là cách tốt nhất để tránh các chấn thương cũng như góp phần phục hồi sức khỏe cột sống. Bên cạnh đó, cơ thể cần thời gian để chữa lành và phục hồi. Hầu hết người bệnh sẽ cần 1 – 2 tuần nghỉ ngơi, giảm các hoạt động thể chất và tránh chơi thể thao để đĩa đệm phục hồi hoàn toàn.
Người bệnh có thể quay trở lại các hoạt động thể thao nếu:
- Cơn đau đã biến mất hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn
- Phục hồi phạm vi chuyển động bình thường hoặc gần bình thường ở cổ, lưng dưới
- Các cơ cốt lõi, cột sống đã được phục hồi, khỏe mạnh, săn chắc
- Các đĩa đệm đã phục hồi, có khả năng chịu trọng lượng của cơ thể mà không gây đau đớn, khó chịu
Người thoát vị đĩa đệm có thể chơi các môn thể thao tác động thấp với cường độ phù hợp để tăng cường sức khỏe và duy trì chức năng vận động. Tuy nhiên, người bệnh cần tránh các môn thể thao gắng sức, chẳng hạn như bóng đá, bóng chuyền, để ngăn ngừa nguy cơ tổn thương thêm ở cột sống. Hỏi ý kiến của bác sĩ nếu có bất cứ thắc mắc nào về vấn đề thoát vị đĩa đệm có chơi thể thao được không.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!