Thoái Hóa Khớp Gối Có Nên Chơi Thể Thao? Môn Nào Phù Hợp?
Nếu thắc mắc thoái hóa khớp gối có nên chơi thể thao không, người bệnh có thể tham khảo một số chia sẻ của chuyên gia thông qua bài viết bên dưới. Điều trị kịp lúc và vận động phù hợp là cách tốt nhất để duy trì sức khỏe xương khớp cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thoái hóa khớp gối có nên chơi thể thao?
Thoái hóa khớp gối xảy ra khi sụn ở đầu gối bị phá vỡ, khiến các xương ở khớp gối cọ sát với nhau, dẫn đến đau đớn, cứng khớp hoặc sưng viêm. Theo thời gian, khớp gối có thể bị biến dạng, khiến các khớp không ổn định và ảnh hưởng đến khả năng chuyển động.
Hiện tại, không có cách chữa khỏi thoái hóa khớp gối, tuy nhiên có nhiều biện pháp hỗ trợ cải thiện các triệu chứng, duy trì sức khỏe khớp và phục hồi chức năng vận động. Điều trị thoái hóa khớp gối bao gồm thay đổi lối sống, thường xuyên vận động, sử dụng thuốc và phẫu thuật.
Duy trì hoạt động thể chất và chơi thể thao rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân viêm khớp, thoái hóa khớp gối, một số môn thể thao có thể dẫn đến đau đớn, khó chịu và gây ảnh hưởng đến quá trình phục hồi. Vậy người thoái hóa khớp gối có nên chơi thể thao không?
Theo các chuyên gia, các hoạt động thể chất và thể thao có tác động thấp rất phù hợp cho người thoái hóa khớp gối hoặc các tình trạng sức khỏe khác (chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hoặc Lupus ban đỏ) có thể gây cứng khớp và khó chịu. Tuy nhiên, trước khi tham gia các môn thể thao, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn các môn thể thao phù hợp. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa và nâng cao hiệu quả của các hoạt động thể chất.
Đối với những người có vấn đề về khớp như đau khớp và viêm khớp , tham gia tập thể dục cường độ vừa phải, tác động thấp có thể mang lại những lợi ích bổ sung có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn, bao gồm:
- Giảm đau: Các nghiên cứu cho thấy rằng việc di chuyển các khớp có thể cải thiện các triệu chứng đau đớn ở khớp gối.
- Cải thiện chức năng và tính linh hoạt: Tập thể dục và chơi thể thao thường xuyên giúp bôi trơn các khớp, giảm cứng khớp và duy trì phạm vi chuyển động linh hoạt, đối với những người bị viêm khớp, thoái hóa khớp gối. Chơi thể thao thường xuyên, tác động thấp thậm chí có thể làm chậm tình trạng mất khớp, góp phần duy trì sức khỏe khớp và phục hồi phạm vi hoạt động bình thường.
- Cải thiện chức năng cân bằng: Hoạt động thường xuyên có thể giúp tăng cường cơ bắp và cải thiện khả năng giữ thăng bằng, điều này góp phần làm giảm nguy cơ bị ngã và bị chấn thương.
- Cải thiện tâm trạng: Tập thể dục đã được chứng minh là giúp điều chỉnh tâm trạng ở những người bị trầm cảm và lo lắng. Hoạt động thể thao tích cực có thể giúp người bệnh cảm thấy tràn đầy năng lượng và có thêm sức mạnh trong các hoạt động hàng ngày.
Mặc dù chơi thể thao hoàn toàn an toàn và phù hợp với người thoái hóa khớp gối, tuy nhiên các triệu chứng thoái hóa khớp là khác nhau ở mỗi người, do đó người bệnh cần trao đổi với bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu để được hướng dẫn cụ thể.
Thoái hóa khớp gối nên tập môn thể thao gì?
Sau khi tìm hiểu thoái hóa khớp gối có nên chơi thể thao không, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các môn thể thao an toàn để cải thiện các triệu chứng cũng như nâng cao sức khỏe tổng thể. Hầu hết các môn thể thao dành cho người thoái hóa khớp gối cung cấp các tác động thấp, cường độ vừa phải, không gây nhiều căng thẳng cho khớp. Để đạt hiệu quả tốt nhất, hãy cố gắng thêm các môn thể thao này vào kế hoạch tập luyện thể chất thường xuyên.
Các môn thể thao phù hợp cho người thoái hóa khớp gối bao gồm:
1. Đi bộ
Đi bộ là môn thể thao tác động thấp, góp phần giảm đau liên quan đến thoái hóa khớp gối và cải thiện khả năng vận động tổng thể. Nhà vật lý trị liệu hoặc bác sĩ điều trị có thể đề nghị kế hoạch đi bộ phù hợp đối với từng người bệnh nhằm giúp cải thiện các triệu chứng viêm, đau và suy nhược khớp.
Đi bộ có thể mang lại một số lợi ích đối với thoái hóa khớp gối, chẳng hạn như:
- Bôi trơn các khớp
- Hạn chế ma sát, tăng tính linh hoạt và bảo vệ các khớp
- Tăng cường lưu lượng máu đến các mô, góp phần nuôi dưỡng các mô khớp
- Phục hồi và tái tạo sức mạnh cơ bắp để hỗ trợ đầu gối
- Giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh, từ đó giảm thiểu áp lực và căng thẳng lên khớp gối
Đi bộ là một môn thể thao tuyệt vời cho nhiều bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối vì đây là một hoạt động có tác động thấp không gây căng thẳng quá mức lên khớp. Hơn nữa, đi bộ có thể làm tăng phạm vi chuyển động của đầu gối và giữ cho khớp gối không bị cứng quá mức. Tuy nhiên trước khi đi bộ, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu để được hướng dẫn cụ thể.
Để bắt đầu đi bộ mà không gây ảnh hưởng đến khớp gối, người bệnh nên đi bộ nhẹ nhàng trong khoảng 10 – 15 phút mỗi ngày và tăng dần đến khi đạt được 30 phút mỗi ngày. Người bệnh có thể đi bộ 30 phút hoặc đi bộ ngắn hơn vài lần trong ngày.
Khi đi bộ, người thoái hóa khớp gối cần lưu ý:
- Khởi động bằng cách duỗi cơ bắp, làm nóng cơ và ngăn ngừa chấn thương liên quan đến thoái hóa khớp gối.
- Chọn địa điểm phù hợp, bằng phẳng, chẳng hạn như công viên, để tránh các tai nạn có thể xảy ra.
- Nên đi bộ ngắn với tốc độ vừa phải, thoải mái để giúp các khớp làm quen với thay đổi.
- Dừng lại và nghỉ ngơi nếu cảm thấy đau đớn.
2. Đi xe đạp
Bên cạnh thắc mắc thoái hóa khớp gối có nên chơi thể thao không, một số người bệnh cũng phân vân về việc thoái hóa khớp gối có nên đi xe đạp không. Theo các chuyên gia, đạp xe là môn thể thao tác động thấp và mang lại nhiều lợi ích cho người thoái hóa khớp gối.
Đạp xe có thể giúp đốt cháy calo đồng thời giúp tăng cường độ linh hoạt và sức mạnh ở đầu gối. Tuy nhiên, để môn thể thao này đạt hiệu quả tối đa và không gây áp lực lên đầu gối, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên đi xe đạp trên địa hình bằng phẳng cũng như cần tránh các ngọn đồi, khu vực dốc. Ngoài ra, nâng độ cao của yên xe lên một chút sẽ giúp đầu gối thẳng, giảm áp lực lên xương bánh chè, góp phần điều trị và phòng ngừa viêm khớp gối.
Một số lợi ích khi đạp xe cho người thoái hóa khớp gối bao gồm:
- Tăng cường sức mạnh cơ bắp ở đầu gối, hông, đồng thời tăng cường sức mạnh ở cơ tứ đầu, từ đó giảm đau, chống viêm và bảo vệ các khớp khỏi chấn thương.
- Tăng hormone hạnh phúc, giúp thư giãn, cảm thấy dễ chịu và góp phần giảm đau.
- Kiểm soát cân nặng, giảm áp lực lên đầu gối, hông, hỗ trợ giảm đau và làm chậm quá trình thoái hóa khớp. Đạp xe giúp đốt cháy calo và tăng khối lượng cơ bắp, giúp ổn định cân nặng cũng như nâng cao sức khỏe xương khớp.
- Cải thiện sức khỏe tổng thể, giúp củng cố tim, phổi và mạch máu. Đạp xe cũng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm căng thẳng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Cải thiện khả năng cân bằng và phối hợp, giảm nguy cơ té ngã.
- Phục hồi phạm vi chuyển động của khớp gối, chân, giúp bôi trơn các khớp và ngăn ngừa chấn thương.
Một số lưu ý khi đạp xe cho người thoái hóa khớp gối bao gồm:
- Làm nóng các khớp trước khi bắt đầu đạp xe. Người bệnh có thể đi bộ, căng cơ, vươn người trong 5 – 10 phút.
- Đạp xe trong khu vực dành cho xe đạp hoặc công viên để tránh va chạm, tai nạn.
- Bắt đầu với 5 – 10 phút đạp xe liên tục và tăng dần đến khi đạt 150 phút mỗi tuần.
- Dừng lại nếu bị đau hoặc tổn thương các khớp.
3. Bơi lội
Bơi lội là một môn thể thao tác động thấp, linh hoạt, đốt cháy calo nhanh chóng và phù hợp nhất cho người bệnh thoái hóa khớp gối. Môn thể thao này gây áp lực tối thiểu lên các khớp, hạn chế nguy cơ tổn thương, đau khớp mãn tính và nâng cao sức khỏe tinh thần.
Ngoài ra, tất cả các hình thức bơi lội, bào gồm bơi bướm, bởi ngửa, bơi sải hoặc bơi ếch, đều tác động lên các nhóm cơ chính trên cơ thể, bao gồm cơ mông, cơ bụng và cơ ngực. Điều này góp phần tăng sự phối hợp, tinh linh hoạt và nâng cao sức khỏe tổng thể ở các khớp.
Bơi lội là cách lý tưởng để giảm đau và cứng khớp liên quan đến thoái hóa khớp gối. Nước cung cấp một lực cản nhất định, giúp tăng cường sức mạnh và sự chuyển động của các khớp. Bên cạnh đó, nước cũng hỗ trợ trọng lượng cơ thể, giảm căng thẳng lên các khớp và ngăn ngừa các triệu chứng thoái hóa khớp trở nên nghiêm trọng hơn.
Lưu ý khi tập thể thao cho người thoái hóa khớp gối
Chơi thể thao thường xuyên, điều độ có thể góp phần cải thiện các triệu chứng thoái hóa khớp và phục hồi sức khỏe tổng thể. Để các hoạt động thể chất đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề như:
- Chơi thể thao vài lần mỗi tuần, thậm chí là bắt đầu với 5 – 10 phút
- Kéo giãn các cơ và khớp trước khi chơi thể thao để tránh gây tổn thương khớp
- Nếu bị đau hãy ngừng tập luyện, nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc giảm đau nếu cần thiết
- Sau khi hoạt động thể chất, hãy chườm đá để tránh gây sưng tấy các khớp
Bơi lội, đi bộ hoặc đạp xe là các môn thể thao phù hợp với người bị thoái hóa khớp gối. Người bệnh có thể thường xuyên tham gia các hoạt động này để nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên cần trao đổi với nhà vật lý trị liệu hoặc bác sĩ điều trị để được hướng dẫn và tư vấn phù hợp.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!