Tê bì chân tay theo Đông y và bài thuốc điều trị
Theo dõi IHR trênChữa tê bì chân tay theo Đông y bao gồm sử dụng các bài thuốc kết hợp với xoa bóp bấm huyệt và châm cứu. Ngoài giúp khắc phục triệu chứng thì còn tăng cường lưu thông máu và cải thiện sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên cần căn cứ vào triệu chứng để xác định rõ thể bệnh và lựa chọn giải pháp điều trị phù hợp.
Tê bì chân tay theo quan niệm Đông y
Tê bì chân tay là thuật ngữ dùng để mô tả cảm giác giống như bị kim châm hay kiến bò ở chân tay, đôi khi đi kèm với tình trạng bỏng rát. Ngoài ra, nhiều người còn có thể cảm thấy ngứa ran, đau nhức hoặc yếu ở tay chân lan tỏa ra các bộ phận xung quanh.
Tình trạng này có thể xảy ra do chấn thương, áp lực hoặc chèn ép, tổn thương dây thần kinh. Hầu hết các trường hợp tê bì chân tay đều không nghiêm trọng, có thể cải thiện bằng cách loại bỏ đi áp lực tác động.
Theo Đông y, tê bì chân tay thuộc phạm vi chứng ma mộc để chỉ tứ chi cảm giác giảm sút. Ma là tình trạng da bị tê rần nhưng vẫn có khả năng cảm nhận được kích thích và vẫn sinh hoạt được bình thường. Còn mộc là giai đoạn sau của ma, tay chân dần mất hết cảm giác và bị tê bại hoàn toàn. Lúc này, người bệnh không cảm nhận được kích thích, cử động khó, tiềm ẩn nguy cơ bị teo cơ, liệt cơ.
Chứng tê nhức chân tay thường gặp khi sức đề kháng suy giảm, sức khỏe giảm sút. Lúc này cơ thể dễ bị tác động bởi phong hàn, ẩm thấp. Điều này khiến cho kinh mạch bị ứ trệ và khí huyết kém lưu thông. Từ đó gây ra các triệu chứng tê mỏi, tê buốt, tay chân lạnh, co mỏi, đau nhức các khớp, đau vai gáy và lưng gối đau mỏi.
Các bài thuốc điều trị tê bì chân tay theo Đông y
Theo Đông y chia chứng tê bì chân tay thành nhiều thể bệnh khác nhau. Ở mỗi thể bệnh sẽ có bài thuốc điều trị đặc hiệu riêng. Cần căn cứ vào triệu chứng để xác định rõ thể bệnh và lựa chọn bài thuốc phù hợp. Cụ thể như sau:
1. Thể can huyết hư
Bệnh tê bì chân tay thể can huyết hư đặc trưng bởi các triệu chứng gân bị co, co duỗi khó khăn, chân tay tê, móng tay không phát triển. Ngoài ra nhiều người còn bị đầu váng, mắt hoa, đau đớn và ngủ ít. Nữ giới thường bị ra ít kinh nguyệt.
Cần áp dụng pháp trị dưỡng huyết nhu can với bài thuốc Bổ can than. Thông tin về bài thuốc cụ thể như sau:
– Chuẩn bị:
- Quy đầu, mộc qua, kỷ tử, tục đoạn, tang ký sinh và ngưu tất mỗi vị 12g.
- Kê huyết đằng, bạch thược và táo nhân mỗi vị 16g.
- Mạch môn 10g, thục địa 20g, xuyên khung 8g và trích thảo 6g.
– Thực hiện:
- Rửa sạch rồi cho hết các vị thuốc vào ấm sắc.
- Thêm 1 lít nước vào sắc trên lửa nhỏ khoảng nửa tiếng đồng hồ.
- Loại bỏ hết bã, chia nước sắc làm 2 lần uống/ ngày.
- Sắc uống đều đặn 1 thang thuốc mỗi ngày.
2. Thể khí huyết hư
Khí huyết đều hư có thể khiến cho tấu lý không kín đáo. Từ đó tạo điều kiện cho ngoại tà xâm nhập và ngăn trở các tôn lạc. Đây là nguyên nhân khá phổ biến gây bệnh tê bì chân tay.
Các triệu chứng thường bao gồm tê bì, đau mỏi chân tay, tê dại và vô lực. Đi kèm với đó là các dấu hiệu người gầy, sợ gió lạnh, mệt mỏi, hồi hộp, đoản khí và dễ cảm mạo.
Có thể điều trị bằng phương pháp phù chính khu tà thự dự hoàn với bài thuốc sau:
– Chuẩn bị:
- Táo, hoài sơn và bạch truật mỗi vị 12g.
- Bạch chỉ, bạch thược, bạch linh, mạch môn, sài hồ, quy đầu và thần khúc mỗi vị 10g.
- Phòng phong và biển đậu mỗi vị 8g.
- Can khương và quế chi mỗi vị 4g.
- Đẳng sâm 16g, cát cánh 9g và cam thảo 6g.
– Thực hiện:
- Rửa sạch các vị thuốc, để ráo rồi cho vào ấm.
- Sắc lấy nước đặc, chia đều làm 2 lần uống/ ngày.
- Sắc uống đều đặn 1 thang thuốc mỗi ngày.
3. Thể đàm thấp trở lạc
Chứng tê bì chân tay do đàm thấp trở lạc thường xảy ra phổ biến ở những người cao tuổi. Dấu hiệu đặc trưng bao gồm đau tê chân tay, vai gáy, cơ bụng nhão, tràng vị không khỏe lắm. Những người thừa cân – béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao.
Có thể áp dụng bài thuốc Nhị truật thang để điều trị:
– Chuẩn bị:
- Bạch truật, nam tinh, hương phụ, hoàng cầm, trần bì, khương hoạt và uy linh tiên mỗi vị từ 1.5 – 2g.
- Phục linh và xương truật mỗi vị 1.5 – 3g.
- Cam thảo 1 – 1.5g, bán hạ 1 – 2g, sinh khương 0.6 – 1g.
– Thực hiện:
- Rửa sạch rồi cho hết các vị thuốc vào trong ấm.
- Thêm vào 1.5 lít nước sắc trên lửa nhỏ 45 phút.
- Loại bỏ phần bã, chia lượng nước thuốc thu được thành 3 lần uống/ ngày.
- Sắc uống đều đặn 1 thang thuốc mỗi ngày.
4. Thể khí hư ma mộc
Triệu chứng đặc trưng của bệnh tê bì chân tay thể khí hư ma mộc là chân tay dần dần tê bì, nhất là khi nằm co. Ngoài ra người bệnh còn có biểu hiện thở ngắn, ăn ít, lười nói, tiếng nói nhỏ nhẹ, nước tiểu trắng xanh, đại tiện nát, chất lưỡi đạm, mạch nhược.
Cần điều trị theo phương pháp tuyên bổ khí huyết. Có thể áp dụng bài thuốc Tứ quân tử thang gia vị:
– Chuẩn bị:
- Phục linh 20g, chích cam thảo 10g.
- Phòng phong, hoàng kỳ và bạch truật mỗi vị 15g.
- Quế chi, tang chi và nhân sâm mỗi vị 5g.
– Thực hiện:
- Cho hết các vị thuốc vào ấm, thêm vào 5 bát nước.
- Sắc trên lửa nhỏ để thu lấy 2 bát.
- Loại bỏ bã, chia nước sắc làm 2 lần uống/ ngày.
- Duy trì đều đặn mỗi ngày 1 thang thuốc.
5. Thể phong tà nhập lạc
Triệu chứng của bệnh tê bì chân tay thể phong tà nhập lạc theo Đông y thường có nhiều điểm đặc trưng. Tê bì chân tay có thể kèm theo tê bì 1 bên mặt. Đôi khi đột nhiên phát sinh khẩu nhãn oa tà, nói khó khăn. Trường hợp nặng có thể bị chảy nước dãi hay kèm theo sợ lạnh phát sốt, mạch phù, rêu lưỡi trắng.
Cần điều trị theo phương pháp giải biểu thông lạc. Có thể áp dụng bài thuốc Quân chính tán gia giảm:
– Chuẩn bị:
- Khương hoạt, phòng phong và độc hoạt mỗi vị 15g.
- Thương nhĩ tử 12g, bạch phụ tử 10g, cam thảo 3g.
- Thiên ma, toàn yết và khương trùng mỗi vị 5g.
– Thực hiện:
- Cho hết các vị thuốc trên vào ấm, thêm vào 1 lít nước.
- Sắc trên lửa nhỏ trong khoảng 25 – 30 phút.
- Loại bỏ phần bã, chia nước thuốc làm 2, uống hết trong ngày.
- Sắc uống 1 thang thuốc mỗi ngày.
6. Thể khí trệ ma mộc
Ở thể bệnh này, chân tay người bệnh thường có cảm giác nặng nề. Tình trạng tê bì có thể giảm nhẹ hơn khi vận động phù hợp. Kèm theo đó là các chứng ngực sườn đầy tức, mạch huyền, hay thở dài, rêu lưỡi trắng mỏng. Bệnh tê bì chân tay thể khí trệ ma mộc hay gặp ở nữ giới hơn là nam giới.
Cần điều trị theo pháp tuyên thông can giải uất, thông lạc dưỡng cân. Có thể áp dụng bài thuốc Tiêu giao tán:
– Chuẩn bị:
- Bạch thược 15g, phục linh 12g.
- Tang ký sinh, sài hồ và bạch truật mỗi vị 10g.
- Đương quy và nhân sâm mỗi vị 5g.
- Cam thảo và thông thảo mỗi vị 3g.
– Thực hiện:
- Cho hết các vị thuốc vào ấm, thêm vào 6 bát nước.
- Sắc trên lửa nhỏ cho đến khi nước rút còn 3 bát.
- Loại bỏ bã, chia nước thuốc làm 3 lần uống/ ngày.
- Sắc uống đều đặn với liều 1 thang/ ngày.
7. Thể huyết hư ma mộc
Triệu chứng đặc trưng của thể bệnh này là chân tay co rút, người tê bì, vai co, cả lưng eo đều bị tê bì. Người bệnh thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt, sắc mặt môi trắng nhạt, lưỡi nhạt, mạch tế.
Cần điều trị theo pháp tuyên bổ huyết sinh tinh. Có thể áp dụng bài thuốc Tứ vật thang:
– Chuẩn bị:
- Tang ký sinh, ngưu tất và độc hoạt mỗi vị 12g.
- Đương quy, xuyên khung, xích thược và bạch thược mỗi vị 15g.
- Thục địa 20g.
– Thực hiện:
- Các vị thuốc trên đem cho vào ấm sắc với 1 lít nước trên lửa nhỏ khoảng 30 phút.
- Loại bỏ bã thuốc, chia phần nước sắc thu được làm 3 lần uống/ ngày.
- Cần duy trì đều đặn với tần suất 1 thang thuốc/ ngày.
8. Thể huyết ứ trở lạc
Bệnh tê bì chân tay thể huyết ứ trở lạc theo Đông y gây ra nhiều triệu chứng đặc trưng. Bao gồm chân tay tê bì kèm theo môi miệng xanh tím. Người bệnh còn bị cơ nhục, chất lưỡi tím tối và có điểm huyết ứ, mạch sáp.
Cần điều trị theo pháp tuyên hoạt huyết hóa ứ. Có thể áp dụng bài thuốc Tứ vật đào hồng gia giảm:
– Chuẩn bị:
- Kê huyết tất 20g, sinh địa 15g.
- Xích thược và lạc thạch thất mỗi vị 12g.
- Đương quy và đào nhân mỗi vị 10g.
- Hồng hoa và xuyên khung mỗi vị 5g.
– Thực hiện:
- Rửa sạch, để ráo rồi cho hết các vị thuốc vào ấm.
- Thêm vào 5 bát nước đun trên lửa nhỏ thu lấy 2 bát.
- Loại bỏ phần bã, chia đều nước thuốc làm 2 lần uống/ ngày.
- Sắc uống với tần suất 1 thang thuốc mỗi ngày.
9. Thể thấp đàm trở lạc
Ở thể thấp đàm trở lạc, người bệnh ngoài bị tê bì chân tay thì còn gặp thêm nhiều triệu chứng đi kèm khác. Điển hình như tứ ti nặng nề, đầu nặng như quá tạ, buồn nôn và nôn ói, rêu lưỡi trắng bẩn, lưỡi bệu, mạch hoạt. Theo Đông y, bệnh tê bì chân tay thể thấp đàm trở lạc thường hay gặp ở những người béo bệu.
Cần điều trị theo phương pháp tuyên hóa đàm lợi thấp, thông lạc dưỡng huyết. Có thể áp dụng Đạo đàm thang gia giảm:
– Chuẩn bị:
- Chỉ thực và phục linh mỗi vị 12g.
- Chế nam tinh, thiên ma và bán hạ mỗi vị 10g.
- Trần bì và ý dĩ nhân mỗi vị 15g.
– Thực hiện:
- Cho hết các vị thuốc trên vào ấm, thêm vào 1 lít nước.
- Sắc trên lửa nhỏ đến khi nước thuốc cạn còn khoảng 1/3.
- Loại bỏ bã, chia đều nước sắc làm 3 lần uống/ ngày.
- Sắc uống với tần suất 1 thang thuốc mỗi ngày.
10. Các bài thuốc bổ trợ
Ngoài các bài thuốc Đông y chữa tê bì chân tay theo từng thể bệnh thì người bệnh có thể kết hợp các bài thuốc bổ trợ khác. Bao gồm cả những bài thuốc sắc uống và bài thuốc ngâm chân, xông hơi. Cụ thể như sau:
– Bài thuốc 1:
- Chuẩn bị: Đẳng sâm 16g, cát cánh 9g, cam thảo 6g. Bạch truật, hoài sơn và táo mỗi vị 12g. Bạch chỉ, mạch môn, bạch truật, thần khúc, quy đầu, sài hồ và bạch linh mỗi vị 10g. Phòng phong và biển đậu mỗi vị 8g. Can khương và quế chi mỗi vị 4g.
- Thực hiện: Cho hết các vị thuốc vào ấm sắc lấy nước đặc. Dùng 1 thang thuốc/ ngày.
– Bài thuốc 2:
- Chuẩn bị: Thục địa 20g, mạch môn 10g, xuyên khung 8g, trích thảo 6g. Táo nhân, bạch thược và kê huyết đằng mỗi vị 16g. Mộc qua, tục đoạn, ngưu tất, kỷ tử, quy đầu và tang ký sinh mỗi vị 12g.
- Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào trong ấm. Thêm 1 lít nước vào đun trên lửa nhỏ 30 phút. Loại bỏ bã, chia nước sắc thành 3 lần uống/ ngày. Dùng tần suất 1 thang thuốc/ ngày.
– Bài thuốc 3:
- Chuẩn bị: Hồng hoa, kê huyết đằng và thư cân thảo mỗi vị 15g. Khung cùng, sinh địa, đỗ trọng, hoàng bá và sài hồ mỗi vị 12g. Ma hoàng, cúc hoa, xuyên đoạn và quế chi mỗi vị 9g. Tang diệp và tri mẫu mỗi vị 6g. Thổ nguyên và tế tân mỗi vị 3g.
- Thực hiện: Các vị thuốc trên cho vào ấm, thêm vào 1.5 lít nước. Đun sôi khoảng vài ba phút rồi dùng để xông hơi 10 – 15 phút. Hoặc có thể cho ra chậu, chờ nguội bớt rồi ngâm tay chân 15 phút.
– Bài thuốc 4:
- Chuẩn bị: Thấu cốt thảo, xuyên đoạn, ban mộc thiết, ngưu tất và địa phong mỗi vị 15g. Tuế linh tiên, đương quy, hồng hoa, một dược, nhũ hương, độc hoạt, bạch chỉ, xuyên khung, xích thược, mộc qua, phòng phong và tế tân mỗi vị 10g. Thái cửu và giáng hương mỗi vị 5g. Ngoài ra có thể tùy chứng mà gia giảm thêm các vị thuốc khác.
- Thực hiện: Cho hết các vị thuốc trên vào ấm. Thêm vào 1.5 lít nước đun sôi lên. Đổ ra chậu, hòa thêm 1 ít nước lã cho ấm rồi dùng ngâm chân tay 15 phút.
Kết hợp xoa bóp bấm huyệt và châm cứu
Song song với việc áp dụng các bài thuốc chữa tê bì chân tay theo Đông y, người bệnh có thể kết hợp thêm một số liệu pháp khác để nâng cao hiệu quả. Điển hình như xoa bóp bấm huyệt hay châm cứu. Cụ thể như sau:
1. Xoa bóp bấm huyệt
Xoa bóp bấm huyệt là giải pháp chữa bệnh được áp dụng phổ biến trong Đông y. Đặc biệt có thể đáp ứng tốt với các trường hợp bị tê bì chân tay hay đau nhức xương khớp. Cần thực hiện đúng cách để nhận được kết quả tốt nhất.
– Xoa bóp bấm huyệt chữa tê tay:
- Bước 1: Dùng bàn tay này miết vào các khe ngón tay của bàn tay kia. Vừa miết vừa dùng lực mạnh để bóp vào 5 khớp ngón tay. Lắc bàn tay và vuốt từ cẳng tay xuống 5 ngón tay vài ba lần. Thực hiện tương tự với bên còn lại.
- Bước 2: Nắm bàn tay bị tê bì lại rồi xòe các ngón tay ra với lực mạnh và dứt khoát. Sử dụng tay bên này để xoa bóp tay bên kia và thực hiện ngược lại.
- Bước 3: Sử dụng mu bàn tay bên này để chà xát lên mu bàn tay bên kia với lực vừa phải. Thực hiện khoảng 10 lần với mỗi bên tay.
- Bước 4: Sử dụng bàn tay này bóp vào tay kia theo hướng từ cổ tay lên vai khoảng 3 lần. sau đó xát mạnh từ phía trong cổ tay lên nách rồi làm ngược lại. Thực hiện khoảng 5 lần rồi đổi bên.
– Xoa bóp bấm huyệt chữa tê chân:
- Bước 1: Để bàn chân trái lên đùi chân phải. Sau đó dùng tay cùng bên để kéo căng gan bàn chân. Kết hợp sử dụng lòng bàn tay kia nhẹ nhàng xoa gan bàn chân khoảng 30 lần rồi đổi bên.
- Bước 2: Sử dụng đầu ngón tay cái miết thật mạnh lên các khe xương đối ngón chân khoảng 3 – 5 lần. Mẹo này giúp làm giảm cảm giác ngứa ran rất hiệu quả.
- Bước 3: Dùng tay vuốt nhẹ nhàng xung quanh đầu gối. Sau đó ấn 2 ngón tay cái lên trên gối và di chuyển lên phía đùi. Thực hiện liên tục cho tới khi cảm giác tê mỏi biến mất.
- Bước 4: Xoa tay nắm trọn lấy bắp chân. Ấn mạnh 2 ngón tay cái vào trung tâm bắp chân. Giữ khoảng 7 – 10 giây. Sau đó di chuyển 2 ngón tay lên phía trên và ấn vào vị trí trung tâm 7 – 10 giây. Lặp lại động tác này 15 – 20 lần.
2. Châm cứu
Chấm cứu cũng là một trong những liệu pháp chữa bệnh được dùng phổ biến trong Đông y. Với phương pháp này, kim châm mảnh sẽ được sử dụng để tác động vào các huyệt vị trên cơ thể. Tác dụng chính là cải thiện quá trình lưu thông máu, giảm đau và giảm viêm.
Giải pháp châm cứu đáp ứng tốt với những trường hợp bị tê bì chân tay do máu lưu thông tới các chi kém. Châm cứu có tác dụng tăng tuần hoàn máu. Đồng thời giải phóng một số chất như serotonin và endorphin để làm giảm cảm giác khó chịu.
Các huyệt vị có thể được tác động bao gồm:
- Huyệt Bách hội
- Huyệt Khúc trì
- Huyệt Kiên ngung
- Huyệt Phong trì
- Huyệt Ngoại quan
- Huyệt Uyển cốt
- Huyệt Phong thị
- Huyệt Túc lâm khấp
- Huyệt Phong long
- Huyệt Dương lăng tuyền
- Huyệt Thái xung
Châm cứu chỉ mang lại kết quả tốt khi xác định đúng huyệt vị và thao tác đúng cách. Điều này cần được thực hiện bởi thầy thuốc Đông y hoặc bác sĩ y học cổ truyền. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý thực hiện.
Lưu ý khi chữa tê bì chân tay theo Đông y
Thực tế, các phương pháp chữa tê bì chân tay theo Đông y đều mang đến những cải thiện rõ ràng. Hơn nữa, đây còn là giải pháp an toàn, ít tốn kém và phù hợp với nhiều đối tượng. Ngoài khắc phục được triệu chứng thì còn giúp bồi bổ thể trạng tốt hơn.
Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần cẩn trọng và chú ý đến các vấn đề sau:
- Nên tham khảo bác sĩ chuyên khoa hoặc thầy thuốc Đông y trước khi áp dụng các bài thuốc Đông y chữa trị tê bì chân tay.
- Riêng liệu pháp châm cứu cần thực hiện bởi thầy thuốc hoặc bác sĩ y học cổ truyền. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý thao tác.
- Cần lựa chọn các nhà thuốc Đông y hay cơ sở y học cổ truyền uy tín để khám chữa bệnh.
- Đảm bảo sử dụng nguồn thuốc chất lượng để nhận được hiệu quả điều trị tốt, tránh phát sinh rủi ro.
- Một số ít trường hợp vẫn có thể gặp phải phản ứng phụ khi dùng thuốc Đông y. Triệu chứng có thể bao gồm đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nổi mề đay, phát ban… Cần chủ động ngưng lại và báo cho bác sĩ được biết.
- Cần kết hợp với ăn uống lành mạnh và sinh hoạt điều độ để hỗ trợ tối ưu cho quá trình điều trị bệnh.
Chữa tê bì chân tay theo Đông y có thể mang lại kết quả khả quan trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên nếu triệu chứng kéo dài hay trở nên nghiêm trọng thì nên chủ động tới bệnh viện thăm khám. Lúc này, chăm sóc y tế có thể cần thiết để kiểm soát tốt triệu chứng và loại bỏ vấn đề căn nguyên.
Tham khảo thêm: Tê bì chân tay nên ăn gì, kiêng gì tốt cho bệnh?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!