Thông tin về cách điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc
Phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc có thể giảm đau, giảm viêm và hỗ trợ làm chậm quá trình thoái hóa khớp. Tuy nhiên đây là một liệu pháp mới, do đó người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc là gì?
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc là một phương pháp đang trở nên phổ biến, tuy nhiên phương pháp này không được xem là phương pháp điều trị tiêu chuẩn.
Tế bào gốc là các tế bào có ở khớp cơ thể và có một số đặc điểm như:
- Tự làm mới: Tế bào gốc có thể tự phân chia, nhân đôi cả ở trong cơ thể hoặc trong môi trường nuôi cấy. Bác sĩ có thể thu thập một lượng nhỏ tế bào gốc của người bệnh sau đó nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để phục vụ công tác điều trị bệnh.
- Phát triển thành các tế bào khác nhau: Bản thân tế bào gốc không có chức năng đối với cơ thể theo bất cứ cách nào. Tuy nhiên, tế bào gốc có thể phát triển thành các tế bào phân biệt, chẳng hạn như tế bào sụn hoặc tế bào xương, nhằm phục vụ các chức năng khác nhau của cơ thể.
Trẻ sơ sinh phát triển từ một tế bào gốc duy nhất, đó là tế bào phôi. Do đó, các nhà khoa học tin rằng, tế bào gốc cần thiết cho cơ thể trong việc sửa chữa các tế bào bị tổn thương, chẳng hạn như chữa lành vết thương sau các chấn thương.
Loại tế bào gốc phổ biến nhất được sử dụng trong trị liệu, bao gồm liệu pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc, là tế bào gốc trung mô (Mesenchymal stem cell- MSCs). Đây là tế tế bào gốc trưởng thành và có tiềm năng phát triển thành tế bào cơ xương, chẳng hạn như tế bào mỡ, xương hoặc sụn. Nhiều nghiên cứu cho rằng tế bào trung mô có thể sửa chữa và thay thế các sụn khớp bị tổn thương ở bệnh nhân thoái hóa khớp gối.
Mặc dù được áp dụng phổ biến, tuy nhiên phương pháp này không được xem là phương pháp điều trị thoái hóa khớp tiêu chuẩn. Ngoài ra, hiện tại chưa có quy trình chuẩn bị tiêm và không có đủ bằng chứng để chứng minh phương pháp này là an toàn.
Tế bào gốc điều trị thoái hóa khớp gối có nguồn gốc từ đâu?
Loại tế bào gốc thường được sử dụng để điều trị thoái hóa khớp gối là tế bào gốc trung mô. Tế bào gốc trung mô thường được thu thập từ mô mỡ, máu hoặc tủy xương của bệnh nhân.
Quá trình thu thập tế bào gốc như sau:
- Tế bào gốc mỡ: Mô mỡ có chứa các tế bào gốc. Bác sĩ có thể thu thập các tế bào gốc bằng cách phẫu thuật hoặc hút mỡ. Một số bác sĩ có thể lấy tế bào gốc từ một miếng mỡ nhỏ bên dưới da ở phía sau đầu gối.
- Tế bào gốc máu ngoại vi: Tế bào gốc này được tìm thấy trong máu, thường được xem là tế bào chưa trưởng thành. Tuy nhiên tế bào gốc máu ngoại vi có thể phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau, bao gồm cả tế bào sụn khớp.
- Tế bào gốc tủy xương: Tế bào gốc tủy xương có thể phát triển thành tế bào sụn khớp. Để thu thập tế bào này, bác sĩ thường lấy tủy xương từ xương chậu của người bệnh bằng cách sử dụng kim và ống tiêm để hút tủy xương. Bệnh nhân sẽ được gây tê cục bộ hoặc được tiêm thuốc an thần trước khi thực hiện thủ thuật.
Sau khi thu hoạch, các tế bào gốc thường được:
- Nuôi cấy trong phòng thí nghiệm
- Chế tạo thành một dung dịch đậm đặc
Ngoài ra, có một loại tế bào gốc trung mô khác là tế bào gốc dây rốn. Tế bào gốc dây rốn có thể được thu thập từ máu cuống rốn của trẻ sơ sinh và đông lạnh bảo quản đến khi cần sử dụng. Tuy nhiên, điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc dây rốn không có nhiều nghiên cứu và không rõ về hiệu quả.
Khi nào nên điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc?
Hiện tại không có hướng dẫn y tế cụ thể trong việc điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc. Do đó, các trường hợp áp dụng phương pháp được quyết định bởi bệnh nhân và bác sĩ điều trị.
Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu, những người bị viêm khớp nặng có thể áp dụng phương pháp để cải thiện các triệu chứng. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi hoặc bệnh nhân viêm xương khớp từ nhẹ đến trung bình thường có hiệu quả điều trị tốt nhất.
Liệu pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc có thể mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên phương pháp này cần được nghiên cứu và được hướng dẫn thêm.
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc có hiệu quả không?
Biện pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc có thể mang lại một số tác dụng như:
- Phát triển các tế bào sụn cần thiết
- Ức chế tình trạng viêm và ngăn ngừa các triệu chứng viêm khớp trở nên nghiêm trọng hơn
- Giải phóng các protein (cytokine) làm chậm quá trình thoái hóa sụn và hỗ trợ giảm đau
Liệu pháp tế bào gốc điều trị thoái hóa khớp gối là một biện pháp mới và đang được nghiên cứu. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn kế hoạch điều trị và chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc có an toàn không?
Hầu hết các tế bào gốc được thu thập từ các tế bào trưởng thành, do đó được xem là an toàn và hạn chế các rủi ro liên quan. Tuy nhiên, sau khi tiêm tế bào gốc, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như sưng và đau.
Mặc dù hầu hết liệu pháp tế bào gốc cho bệnh viêm xương khớp được xem là an toàn, tuy nhiên tương tự như các liệu pháp khác, phương pháp có thể dẫn đến nhiễm trùng. Nguy cơ này thường không cao nhưng có thể tăng lên nếu:
- Sử dụng một loại tế bào gốc khác, chẳng hạn như tế bào gốc đa năng thay vì tế bào gốc trưởng thành
- Tế bào gốc được nuôi cấy, lấy từ bệnh nhân và phát triển trong phòng thí nghiệm theo thời gian
- Tế bào gốc được hòa trộn với nhiều hóa chất khác
Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu cho rằng, liệu pháp tế bào gốc có thể làm tăng nguy cơ phát triển các khối u.
Các biện pháp điều trị thoái hóa khớp gối khác
Bên cạnh phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh tham khảo nhiều biện pháp điều trị hiệu quả khác, chẳng hạn như:
1. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu sử dụng các bài tập có mục tiêu để duy trì khả năng hoạt động và đảm bảo các công việc hàng ngày, chẳng hạn như đi bộ, chạy hoặc nhảy. Ngoài ra, tập vật lý trị liệu có thể giúp cơ bắp khỏe hơn, hỗ trợ tính ổn định và giảm căng thẳng cho khớp.
Cụ thể, vật lý trị liệu thoái hóa khớp gối bao gồm:
- Thay đổi dáng đi và tư thế: Bác sĩ có thể đánh giá dáng đi của người bệnh và xác định các vấn đề cơ sinh học để góp phần dẫn đến thoái hóa khớp gối. Sau đó, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh thực hiện các thói quen tốt và hạn chế các vấn đề xương khớp trong tương lai.
- Vật lý trị liệu dưới nước: Các bài tập dưới nước có thể hỗ trợ cải thiện các vấn đề liên quan đến thoái hóa khớp gối mà không gây đau đớn. Thực hiện các bài tập thường xuyên có thể tăng cường các cơ xung quanh khớp và ngăn ngừa các rủi ro liên quan.
2. Các phương pháp chăm sóc tại nhà
Ngoài vật lý trị liệu, có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối tại nhà có thể mang lại hiệu quả cao. Mục tiêu của các phương pháp này là hỗ trợ giảm đau, giảm căng thẳng lên khớp và làm chậm quá trình tiến triển của viêm khớp.
Cụ thể, các biện pháp bao gồm:
- Giảm cân: Giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh có thể giảm trọng lượng dư thừa tác động lên khớp gối. Điều này có thể giảm viêm ở khớp gối cũng như trên toàn cơ thể và ngăn ngừa các biến chứng của tình trạng viêm xương khớp.
- Sử dụng giày phù hợp: Đi giày phù hợp hoặc có các miếng lót được thiết kế để giảm áp lực lên đầu gối, hông và đầu gối.
- Sử dụng các thiết bị hỗ trợ: Các thiết bị, chẳng hạn như nẹp, gậy có thể được sử dụng để ổn định và giảm áp lực ở khớp gối.
- Nghỉ ngơi phù hợp: Dành thời gian nghỉ ngơi có thể làm dịu tình trạng viêm khớp và ngăn ngừa bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Khi cơn đau do viêm khớp trở nên trầm trọng hơn do các chuyển động lặp đi lặp lại, người bệnh nên dừng các hoạt động và nghỉ giải lao.
- Chườm ấm: Chườm ấm có thể thư giãn các khớp, hạn chế tình trạng cứng khớp và cải thiện cơn đau.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh sau khi hoạt động thể chất có thể giảm sưng và giảm đau nhanh chóng.
- Xoa bóp, massage: Các biện pháp này có thể cải thiện lưu thông, làm giảm căng cơ và giảm đau.
- Thực hiện chế độ ăn uống chống viêm: Chế độ ăn uống chống viêm nhằm mục đích giảm viêm trong cơ thể, hạn chế quá trình thoái hóa khớp và giảm đau. Người bệnh có thể tăng cường bổ sung các loại rau xanh, trái cây, chất béo omega 3 để cải thiện các triệu chứng.
Các phương pháp điều trị tại nhà thường cần một thời gian để phát huy tác dụng. Ngoài ra, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
3. Tiêm nội khớp
Nếu các phương pháp điều trị không xâm lấn, chẳng hạn như giảm cân hoặc vật lý trị liệu không mang lại hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể đề nghị tiêm nội khớp để cải thiện các triệu chứng.
Một số loại thuốc tiêm được sử dụng để điều trị thoái hóa khớp gối bao gồm:
- Tiêm chất nhờn điều trị thoái hóa khớp gối có thể giúp bôi trơn, giảm ma sát khớp và cải thiện các triệu chứng thoái hóa.
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) có thể giảm đau cũng như kích thích tế bào và mô lành lại.
- Tiêm cortisone (steroid) làm giảm viêm, sưng và cải thiện cơn đau khớp.
Tiêm steroid là phương pháp chính trong điều trị thoái hóa khớp, tuy nhiên phương pháp có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
4. Phẫu thuật
Nếu khớp gối bị tổn thương nghiêm trọng, không thể phục hồi, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng.
Mặc dù phẫu thuật khớp có thể giảm đau và cải thiện chức năng khớp gối nhưng quá trình hồi phục có thể kéo dài, cần sử dụng thuốc giảm đau và vật lý trị liệu hàng tuần hoặc hàng tháng. Ngoài ra, phẫu thuật có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như nhiễm trùng. Do đó, trước khi phẫu thuật, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc có thể cải thiện các triệu chứng nhưng thường không được xem là phương pháp tiêu chuẩn. Hiện tại không có quy trình cũng như hướng dẫn cụ thể cho phương pháp này, do đó người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
Thông tin thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!