7 Cách Chữa Đau Dây Thần Kinh Số 5 Bằng Đông Y Hiệu Quả
Chữa đau dây thần kinh số 5 bằng Đông y nhằm mục tiêu giảm đau, thanh nhiệt, bổ máu, cải thiện các triệu chứng váng đầu, bực bội, mất ngủ, đỏ mặt và miệng họng khô, lưỡi đỏ. Các bài thuốc và phương pháp điều trị cần được chỉ định bởi thầy thuốc Y học cổ truyền để đảm bảo hiệu quả và tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Đau dây thần kinh số 5 theo Đông y
Dây thần kinh số 5 còn được gọi là dây thần kinh sinh 3 hoặc dây thần kinh tam thoa, là cặp dây thần kinh số 5 trong tổng số 12 cặp dây thần kinh có nguồn gốc từ não bộ. Dây thần kinh này được chia thành ba nhánh bao gồm nhánh mắt, nhánh hàm trên và nhánh hàm dưới.
Nhánh mắt và nhánh hàm trên chịu trách nhiệm cảm giác ở vùng da đầu, trán, mắt, mũi, da mí mắt trên, phần trên hầu và các tuyến hạnh nhân. Nhánh hàm dưới chịu trách nhiệm cho ⅔ cảm giác ở trước lưỡi, tuyến nước bọt và răng hàm trên.
Tổn thương dây thần kinh số 5, chẳng hạn như viêm, tổn thương nền sọ, zona thần kinh, chấn thương hoặc bị chèn ép trong trường hợp ung thư xương, khối u mạch máu, sẽ dẫn đến đau nửa mặt, đau như dao cắt, lửa đốt hoặc bỏng lạnh. Mỗi cơn đau có thể kéo dài trong vài giây, vài phút và xuất hiện nhiều lần trong ngày. Đôi khi cơn đau dây thần kinh sinh ba có thể dẫn đến co rút, chảy nước mắt, nước miếng và co giật một số bộ phận cụ thể trên mặt.
Tổn thương dây thần kinh số 5 thường gây mất cảm giác ở phần dây phân nhánh, khiến người bệnh dễ bị choáng váng, đau đầu, hàm không cắn chặt và suy giảm chức năng hàm dưới. Đôi khi cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi tiếp xúc với không khí lạnh hoặc nóng. Trong một số trường hợp, đau dây thần kinh số 5 bị ngầm lẫn với cơn đau răng hoặc các vấn đề răng miệng khác.
Trong Đông y, đau thần kinh số 5 được liệt vào chứng Diện Thống, Đầu Thống, Đầu Phong, Thiên Đầu Thống và Quyết Nghịch. Nguyên nhân chính dẫn đến chứng đau dây thần kinh tam thoa bao gồm:
- Phong tà, chủ yếu là phong hàn hoặc phong nhiệt, xâm nhập vào các kinh dương ở mặt, đặc biệt là kinh Đại Trường và kinh Vị. Điều này khiến khí huyết không thông và gây tổn thương dây thần kinh. Tình trạng này thường phổ biến ở người lớn tuổi, sức khỏe yếu, tà khí dễ xâm nhập.
- Huyết ứ do tà khí xâm nhập lâu ngày không được điều trị phù hợp, dẫn đến đình trệ và gây bệnh.
- Tâm trạng uất ức, giận dữ, không thoải mái, có thể gây tổn thương Can. Can yếu dẫn đến mất chức năng sơ tiết, hóa thành hỏa. Hỏa là dương, Can là âm điều này khiến tà khí xâm nhập vào kinh Dương và gây bệnh.
- Người từ độ tuổi 40, huyết không còn nuôi dưỡng Can khiến Can mất chức năng sơ tiết. Ngoài ra, Can hoạt động nhờ Thận dương ôn dưỡng, trong khi đó tuổi già khiến chức năng này suy giảm, dẫn đến Can uất và gây đau dây thần kinh.
- Khí hư, khí trệ, âm hư hoặc dưỡng hư có thể khiến khí huyết không thông, dinh dưỡng kém và gây bệnh.
7 Bài thuốc Đông y điều trị đau dây thần kinh số 5 theo thể bệnh
Đông y điều trị đau dây thần kinh số 5 dựa theo các thể bệnh và khả năng đáp ứng của người bệnh. Do đó, điều quan trọng là xác định thể bệnh để kế hoạch điều trị phù hợp nhất.
Một số thể đau dây thần kinh số 5 và cách trị theo Đông y như sau:
1. Phong nhiệt đờm trở kinh mạch
Thể bệnh này khiến người bệnh có cảm giác đau và nóng rát không chịu được ở một bên mắt hoặc đầu. Khi đau thì ra mồ hôi, nếu gặp nóng thì cơn đau nghiêm trọng hơn, da mặt đỏ. Khi được chườm mát thì dễ chịu. Các triệu chứng kèm theo bao gồm sốt, miệng khô, lưỡi đỏ, nước tiểu sậm màu, lưỡi có rêu đỏ, mạch Huyền Sác.
Trong trường hợp có đờm nhiệt gây tắc nghẽn trong kinh mạch, người bệnh có thể cảm thấy ngực đầy, chóng mặt, tay chân tê, lưỡi đỏ có rêu vàng, mạch Hoạt, Huyền, Sác.
Phương pháp điều trị: Khoát đờm, tiết nhiệt, khu phong, thông kinh hoạt lạc.
Bài thuốc: Khung Chỉ Thạch Cao Thang gia giảm
Dùng Thạch cao 20g; Bạch chỉ, Xuyên khung, Cát căn đều 15g, Bán hạ, Bạch phụ tử, Kinh giới, Nam tinh, Cương tằm, Cảo bản, Cúc hoa, Kim nhân hoa, Khương hoạt, đều 9 g.
Gia giảm bài thuốc:
- Nếu bệnh kéo dài hoặc huyết trệ nghiêm trọng, gây đau một chỗ thì gia thêm Tam thất bột 3g (hòa nước thuốc, dùng uống) Thổ miếng trùng 2g.
- Nếu bài thuốc không hiệu quả, cho thêm Toàn yết (để đuôi), Ngô công đều 2g, Cương tằm 3g, tán thành bột hòa với bài thuốc sắc, dùng uống.
- Nếu nóng nhiều ở mặt thêm Địa long 9g, Thăng ma 12g.
- Nếu ăn kém, khó tiêu, nôn mửa khi sử dụng thuốc, thêm Chỉ xác 9g và Mạch nha.
2. Bài thuốc Đông y Can uất hóa hỏa chữa đau dây thần kinh số 5
Thể Can uất hóa hỏa khiến người bệnh dễ bị tức giận, một bên mặt đau rát và đau ở một bên đầu, khi gặp nóng các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Đôi khi người bệnh có thể bị đau đầu, mắt đỏ, mặt đỏ, co giật, co thắt từng cơn. Giữa các đợt triệu chứng, người bệnh có thể cảm thấy đắng miệng, họng khô, bứt rứt, ngực đầy, hông sườn đau, ngủ không ngon giấc, hay mơ, nước tiểu sậm, lưỡi đỏ, táo bón, mạch Sác, Huyền.
Chữa đau dây thần kinh số 5 bằng Đông y sử dụng phương pháp thông kinh hoạt lạc và thanh Can giải nhiệt.
Bài thuốc: Chi Tử Thanh Can Tán gia giảm
Dùng Thạch cao 20g; Xuyên khung 15g, Sài hồ, Ngưu bàng tử, Bạch thược, Chi tử, Cương tằm, , Đơn bì, Hoàng cầm, mỗi vị đều 9g; Hoàng liên 3g. Mang các loại dược liệu sắc thành thuốc, dùng uống.
3. Bài thuốc Phong hàn đờm ngưng
Đau dây thần kinh số 5 thể phong hàn đờm ngừng dẫn đến đau đớn dạng co giật. Nếu cơn đau nghiêm trọng có thể dẫn đến da mặt xám như chì, thích chườm ấm, gặp lạnh đau tăng, lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng và mạch Khẩn. Trong trường hợp đờm gây trở kinh lạc, người bệnh có thể cảm thấy tê dại ở mặt, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch Nhu, Khẩn, Hoạt.
Đông y điều trị đau dây thần kinh số 5 theo pháp tá hàn, khu phong, đạo đờm, thông kinh hoạt lạc.
Bài thuốc: Xuyên Khung Trà Điều tán gia giảm
Dùng Bạch chỉ, Xuyên khung đều 15g; Kinh giới, Phòng phong, Khương hoạt, mỗi vị đều 9g; Ngô công, Toàn yết, Nam tinh, đều 6g; Tế tân đều 3g.
Gia giảm bài thuốc nếu:
- Lạnh nhiều, gia thêm Phụ tử 9g
- Ứ nhiều cho thêm Đan sâm, Ngũ linh chi, Chỉ xác, đều 12 g
- Có dấu hiệu nhiễm hàn rõ rệt thì thêm Ma hoàng 9g
- Nội nhiệt kèm táo bón, khát nước, nướu sưng đỏ, gia thêm Thạch cao 25g
- Nghẹt mũi hoặc sổ mũi, chảy nước mũi thì gia thêm Thương nhĩ tử và Kim ngân hoa, đều 9g
- Khó tiêu, ăn kém, nôn mửa liên quan đến bài thuốc thì thêm Chỉ xác và Mạch nha, mỗi vị đều 9g
- Lưu ý và thận trọng: Tế tân và Phụ tử không nên dùng lâu dài để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
4. Trị đau dây thần kinh số 5 với bài thuốc Đông y Đờm ngưng ngăn trở
Tổn thương dây thần kinh số 5 thể đờm ngưng ngăn trở gây đau dữ dội ở một bên đầu hoặc mặt, tê và mất cảm giác ở khoang miệng, lưỡi xanh nhạt, rêu lưỡi nhờn, mạch Tế, Nhu, Huyền.
Chữa đau dây thần kinh số 5 bằng Đông y dựa theo phương pháp thông kinh hoạt lạc, khoát đờm.
Bài thuốc: Thông Khiếu Hoạt Huyết thang gia giảm và Nhị Trần Thang
Dùng Bạch chỉ, Xuyên khung, đều 15g; Bán hạ 12g; Hồng hoa, Đào nhân, Phục linh, Xích thược, Trần bì, đều 9g; Cam thảo 3g; Sinh khương 2 lát.
Gia giảm bài thuốc:
- Đau nghiêm trọng gia thêm Bạch phụ tử, Tế tân, mỗi vị 3g
- Đau cố định tại một vị trí gia thêm Tam thất và Thổ miết trùng, mỗi vị 3g, tán thành bột mịn, hòa nước, dùng uống
- Mất cảm giác hoặc tê bì gia thêm Bạch phụ tử 9g và Tạo giác 5g
- Đau lâu ngày không được cải thiện, gia thêm Toàn yết (để đuôi) và Ngô công, đều 2g; Cương tằm 3g (tán bột, hoà nước thuốc, dùng uống)
- Nếu Tỳ hư gia thêm Hoàng kỳ 15g và Bạch truật 9g
- Thường xuyên ứa nước miếng trong miệng, có ít đờm thì gia thêm Can khương 6g và Tế tân 3g
- Ăn không ngon, khó tiêu, nôn mửa khi sử dụng bài thuốc thì gia thêm Mạch nha và Chỉ xác, mỗi vị đều 9g
- Can uất khí trệ gia thêm Thanh bì và Hương phụ đều 9g, Xuyên luyện tử 5g
5. Khí hư huyết ứ
Đau dây thần kinh sinh ba thể khí hư huyết ứ dẫn đến đau mặt kéo dài trong một thời gian, cơn đau thường cố định tại một vị trí và đau dữ dội không chịu được. Các dấu hiệu kèm theo bao gồm mặt xám, co giật, tay chân tê mỏi, sợ gió, toát mồ hôi, hơi thở ngắn, tiếng nói nhỏ, ngại nói chuyện, sức yếu, da mặt trắng nhạt, lưỡi có vị trí ứ huyết, mạch Nhược, Tế và Trầm.
Phương pháp chữa đau dây thần kinh số 5 bằng Đông y nhằm mục tiêu hoạt huyết, ích khí và thông kinh hoạt lạc.
Bài thuốc: Thuận Khí Hòa Trung Thang gia vị
Dùng Hoàng kỳ, Xuyên khung, mỗi vị đều 15g; Bạch truật, Xích thược, Bạch thược, Đảng sâm, Địa long, Mạn kinh tử, mỗi vị đều 9g; Cam thảo và Trần bì, mỗi vị đều 6g; Tế tân, Sài hồ, mỗi vị đều 3g.
Gia thêm các vị thuốc nếu:
- Các triệu chứng lâu ngày không khỏi, bệnh xâm vào kinh mạch, gia thêm Toàn yết, Ngô công và Cương tằm, mỗi vị đều 6g
- Trong trường hợp chỉ có huyết ứ, khí hư, thay bài thuốc Thuận Khí Hòa Trung Thang bằng bài Chỉ Kinh Tán gia giảm. Dùng Địa long, Xuyên khung, Xích thược, Đơn bì đều 15g; Cương tằm 12g; Đào nhân, Đương quy, Hồng hoa đều 9g; Toàn yết và Ngô công đều 6g. Nếu đau nhiều thì cho thêm Băng phiến 1g (tán thành bột mịn, hoà vào nước thuốc, dùng uống).
6. Âm hư dương khang, huyết ứ
Đau dây thần kinh số 5 thể âm hư dương khang, huyết ứ có thể gây đau rát dữ dội ở một bên mặt và đầu, người bệnh bị sốt về chiều, gò má ửng đỏ, ù tai và chóng mặt. Đôi khi có thể kèm theo các triệu chứng như lưng đau, gối mỏi, bứt rứt, mắt đỏ, lưỡi đỏ rêu mỏng hoặc lưỡi khô, mạch Sác, Tế, Huyền.
Phương pháp điều trị: Bổ Thận, tư âm, thanh nhiệt, thông kinh hoạt lạc.
Bài thuốc: Địa Hoàng Thạch Cao Thang
Dùng Sinh địa, Huyền sâm, Thạch cao, mỗi vị đều 30g; Bạch thược 24g; Một dược 15g; Khương hoạt 6g; Tế tân và Thiên ma đều 3g.
Gia giảm các vị thuốc nếu:
- Đau nhiều ở phía trên một bên mặt, gia thêm Xuyên khung 15g.
- Đau ở phía dưới một bên mặt, thêm Tri mẫu 15g
- Nếu co thắt cơ mặt (mặt giật giật) gia thêm Câu đằng 15g và Ngô công 6g
- Có triệu chứng mắt đỏ, chảy nước mắt, gia thêm Cúc hoa 15g và Hoàng cầm 9g.
- Âm hư, Can phong nội động dẫn đến co giật và tê thì dùng bài Thiên Ma Câu Đằng Ẩm. Sử dụng Bạch thược 30g; Dạ giao đằng 20g, Thạch quyết minh và Câu đằng, đều 18g; Xuyên ngưu tất và Ích mẫu thảo đều 15g; Phục thần, Bạch tật lê đều 12g; Sơn thù, Đỗ trọng, Thiên ma, Chi tử, Hoàng cầm, đều 9g.
7. Bài thuốc Đông y Đờm hỏa thượng xung trị đau dây thần kinh số 5
Thể đờm hỏa thượng xung dẫn đến đau tức, nóng rát từng cơn ngắn, gây căng trướng da, cơn đau nghiêm trọng hơn khi ăn, các triệu chứng được cải thiện khi chườm cay ấm. Ngoài ra, người bệnh cũng gặp một số triệu chứng như miệng khô nhưng không muốn uống nước, đầu nặng, ngực đầy nặng, đau lưng, đau vai gáy, đôi khi có thể nôn ra đờm, nước chua đắng, miệng đắng, dễ tức giận, lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng mỏng, mạch Huyền Hoạt, Sác.
Phương pháp chữa đau dây thần kinh số 5 bằng Đông y nhằm mục tiêu hóa đờm, thông kinh hoạt lạc, chỉ thống, thanh nhiệt.
Bài thuốc: Hoàng Liên Ôn Đởm Thang gia vị
Dùng Xuyên khung và Diên hồ sách, mỗi vị đều 15g; Trần bì, Phục linh, mỗi vị 12g; Nam tinh, Bán hạ, Chỉ thực, Thiên ma, Trúc nhự, Đan sâm, đều 9g; Hoàng liên 6g, Cam thảo 3g, Đại táo 3 trái.
Gia thêm các vị thuốc trong trường hợp:
- Nếu sốt cao thì gia thêm Hoàng cầm 9g và Thiên trúc hoàng 5g
- Nếu Vị có nhiệt thêm Tri mẫu 9g và Thạch cao 20g.
Bên cạnh các bài thuốc, chữa đau dây thần kinh số 5 bằng Đông y cũng dùng phương pháp châm cứu, bấm huyệt và massage để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng. Bên cạnh đó, người bệnh nên xây dựng phong cách sống lành mạnh theo hướng dẫn của thầy thuốc để ngăn ngừa các triệu chứng tái phát.
Lưu ý chữa đau dây thần kinh số 5 bằng đông y
Đau dây thần kinh số 5 có thể trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là khi không có kế hoạch điều trị phù hợp. Khi áp dụng phương pháp chữa đau dây thần kinh số 5 bằng Đông y, người bệnh nên đến phòng khám hoặc cơ sở y tế được cấp phép để đảm bảo các vấn đề sức khỏe.
Bên cạnh đó khi dùng thuốc người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như:
- Sử dụng bài thuốc phù hợp với thể bệnh, triệu chứng liên quan và gia giảm các vị thuốc phù hợp.
- Sử dụng dược liệu đạt chuẩn, không chứa các tạp chất hoặc hóa chất để tăng cường hiệu quả điều trị.
- Vị thuốc Ngô công, Phụ tử, Đào nhân kỵ thai, do đó phụ nữ có mang cấm dùng. Để tránh các rủi ro không mong muốn, nếu nghi ngờ có thai, người bệnh nên thông báo với thầy thuốc để được hướng dẫn phù hợp.
- Dược liệu Huyền sâm, Đan sâm, Xích thược và Bạch thược kỵ với Lê lô, do đó tránh sử dụng kết hợp. Để đảm bảo an toàn, người bệnh nên thông báo cho thầy thuốc về các loại thuốc, thảo dược bổ sung, thực phẩm chức năng đang sử dụng.
Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả điều trị tình trạng đau dây thần kinh số 5, người bệnh nên tránh ăn thức ăn cay nóng, chiên xào, nhiều dầu mỡ và tránh uống rượu, bia hoặc các chất kích thích khác. Theo dõi tình trạng dinh dưỡng nếu việc nhai dẫn đến đau dây thần kinh.
Nếu các bài thuốc chữa đau dây thần kinh số 5 bằng Đông y không mang lại hiệu quả trong 4 – 6 tuần, người bệnh nên trao đổi với thầy thuốc để được hướng dẫn cụ thể.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!