Châm cứu điều trị thoái hóa khớp gối: Phương pháp hiệu quả

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Lương y Phùng Hải Đăng | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Châm cứu điều trị thoái hóa khớp gối là phương pháp không sử dụng thuốc và được áp dụng phổ biến hiện nay. Thông qua tác động của kim châm đến các huyệt vị cùng nhiệt nóng giúp tăng tuần hoàn máu, kích thích cơ chế tự chữa bệnh và phục hồi những tế bào khớp gối bị hư tổn, thoái hóa.

Tìm hiểu phương pháp châm cứu điều trị thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là một trong những dạng thoái hóa khớp phổ biến ở nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh là do quá trình lão hóa, người thường xuyên lao động nặng nhọc, tập luyện quá mức hoặc chấn thương đầu gối.

châm cứu điều trị thoái hóa khớp gối
Phương pháp châm cứu điều trị thoái hóa khớp gối có nguồn gốc từ Y học cổ truyền

Bên cạnh sử dụng thuốc, vật lý trị liệu kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt lành mạnh thì nhiều người bệnh còn tìm đến phương pháp châm cứu để điều trị thoái hóa khớp gối. Đây là phương pháp lâu đời của Y học cổ truyền và không ngừng phát triển, cải tiến để tác động tích cực đến quá trình điều trị bệnh, duy trì kết quả lâu dài và có độ an toàn cao.

Theo Y học cổ truyền, phương pháp châm cứu chữa thoái hóa khớp gối có tác dụng cân bằng âm dương, loại bỏ tà khí trong cơ thể, điều hòa khí huyết, tăng cường chức năng của hệ kinh lạc. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh khác nhau sẽ mang đến một số lợi ích khác nhằm cải thiện các triệu chứng bệnh hiệu quả.

Trong khi đó, các nghiên cứu Y học hiện đại chỉ ra rằng, người bị thoái hóa khớp gối khi châm cứu sẽ kích thích tạo nên cung phản xạ mới và phá vỡ cung phản xạ của bệnh nhanh chóng. Nhờ đó mà người bệnh có thể cảm nhận hiệu quả giảm đau, co cứng cơ sau khi áp dụng liệu pháp này.

Nhìn chung, phương pháp châm cứu mang đến những công dụng đối với người bị thoái hóa khớp nói chung, đặc biệt là thoái hóa khớp gối. Đây là phương pháp điều trị không dùng thuốc, có nguồn gốc từ Y học cổ truyền và được áp dụng đến nay. Theo đó, tác dụng của cách chữa này không chỉ được nghiên cứu trên cơ sở YHCT mà còn ở Y học hiện đại.

Xem thêm: 4 Cách Điều Trị Thoái Hóa Khớp Gối Bằng Đông Y Hiệu Quả, An Toàn

Quy trình châm cứu điều trị thoái hóa khớp gối

Điều trị thoái hóa khớp gối bằng châm cứu được đánh giá có độ an toàn cao. Bên cạnh đó, vì không dùng thuốc nên sẽ hạn chế được một số tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến chức năng gan, thận. Ngoài ra, châm cứu còn giúp điều hòa khí huyết, giúp tăng cường sức đề kháng, người bệnh cảm thấy thoải mái, ngủ ngon và hấp thu tốt các dưỡng chất.

Tuy nhiên, phương pháp này cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên môn để tránh phát sinh những tác dụng ngoại ý. Theo đó, sau khi thực hiện các chẩn đoán lâm sàng và xét nghiệm cần thiết. Trường hợp đủ điều kiện để châm cứu khớp gối, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị, liệu trình châm cứu cụ thể. Người bệnh cần tuân thủ đúng liệu trình để đạt được kết quả tốt nhất.

khám thoái hóa khớp gối
Trước khi tiến hành châm cứu, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xây dựng phác điều trị phù hợp

Dưới đây là quy trình châm cứu điều trị thoái hóa khớp gối:

Chuẩn bị

Để quy trình châm cứu diễn ra thuận lợi và tránh phát sinh vấn đề trong quá trình thực hiện, cần thực hiện tốt các bước chuẩn bị. Cụ thể:

  • Dù sử dụng kim châm tác động trực tiếp lên da nhưng cũng sẽ không gây đau nhiều hay khó chịu nên người bệnh không nên quá căng thẳng, lo lắng. Thay vào đó cần giữ tinh thần thoải mái nhất để quá trình diễn ra thuận lợi.
  • Trước khi châm cứu, bạn không nên ăn quá no nhưng cũng tránh để bụng đói. Theo đó, chỉ nên bổ sung lượng thực phẩm vừa đủ để không gây ra cảm giác khó chịu khi châm cứu.
  • Tuyệt đối không sử dụng bia rượu, một số loại đồ uống có cồn khác hoặc chất kích thích trước khi châm cứu.
  • Trước khi châm cứu ít nhất 2 ngày, người bệnh cần ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng quá mức hoặc suy nhược cơ thể.
  • Đối với phụ nữ tới kỳ kinh nguyệt nên thông báo với bác sĩ để được dời lịch châm cứu phù hợp. Bởi nếu thực hiện trong trường hợp này có thể xảy ra biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Trước khi châm cứu, bạn nên tắm rửa, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, chọn mặc trang phục rộng rãi, thoáng mát.
  • Chủ động thông báo với bác sĩ điều trị về vấn đề sức khỏe, đặc biệt là người bị tiểu đường, cao huyết áp, viêm nhiễm, cơ địa nhạy cảm, sốt, chấn thương và xuất hiện vết thương hở, rối loạn đông máu, bệnh ngoại khoa,…

Các huyệt đạo cần tác động

Trước khi tiến hành châm cứu, bác sĩ chuyên môn sẽ xác định các huyệt vị cần tác động, đánh dấu và sát khuẩn trên da, kim châm để đảm bảo an toàn, tránh phát sinh rủi ro trong quá trình điều trị. Thời gian châm cứu thường kéo dài từ 12 – 15 phút. Với một số trường hợp có thể kéo dài đến 30 phút. Hầu hết các trường hợp châm cứu thoái hóa khớp gối đều không gây đau hay khó chịu nhiều.

châm cứu chữa thoái hóa khớp gối
Huyệt Huyết hải, Lương khâu là những huyệt vị được tác động trong điều trị thoái hóa khớp gối bằng châm cứu

Dưới đây là một số huyệt vị thường được tác động trong điều trị thoái hóa khớp gối:

  • Huyệt Độc tỵ: Huyệt vị này được xác định ở đầu nối tiếp giữa xương bánh chè và đầu trên của xương chày. Bằng mắt thường khi quan sát sẽ thấy vùng hõm bờ dưới ngoài xương đầu gối. Châm Huyệt Độc tỵ có tác dụng hoạt lạc, sơ phong, khu lợi quan tiết và chỉ thống.
  • Huyệt Tất nhãn: Huyệt Tất nhãn nằm ở khe xương đầu gối tại mé trong. Khi quan sát sẽ có hình dáng tương tự như mắt của con bò. Việc tác động vào hoạt vị này có tác dụng giảm đau nhức ở đầu gối hiệu quả, cải thiện tình trạng tích nước, tăng tuần hoàn máu, giúp các hoạt động khớp linh hoạt hơn.
  • Huyệt Lương khâu: Huyệt Lương khâu được xác định ở đầu gối khoảng 2 tấc. Cụ thể nằm giữa 2 đường gân và nhìn thẳng lên trên Huyệt Độc tỵ. Huyệt vị này có tác dụng giảm đau, giải phóng dây thần kinh bị chèn ép. Từ đó cải thiện các triệu chứng lâm sàng do thoái hóa khớp gối gây ra hiệu quả. Bên cạnh đó, Huyệt Lương khâu còn cải thiện chức năng tiêu hóa, trị viêm tuyến vú, tắc tia sữa,…
  • Huyệt Huyết hải: Đây là huyệt vị thứ 10 thuộc kinh Tỳ. Khi người bệnh đứng thẳng có thể xác định được huyệt khi đo từ bờ trên xương bánh chè lên 2 thốn và ngang từ ngoài vào trong 1 thốn. Nhờ vào công dụng điều huyết, chỉ thống, tuyên thống hạ tiêu,… Huyệt có tác dụng cải thiện triệu chứng đau nhức đầu gối do bệnh lý gây ra.
  • Huyệt Tuyệt cốt: Huyệt Tuyệt cốt hay Huyệt Huyền chung nằm ở trên đỉnh mắt cá chân 3 thốn và tại động mạch. Huyệt có công dụng khu phong tà, thanh thủy nhiệt, thượng tiên vị sơ, bổ tỳ thận phế. Ngoài tác dụng chữa đau nhức đầu gối do bệnh lý gây ra, châm cứu huyệt này còn hỗ trợ điều trị đau khớp vai, đau nhức xương khớp từ bên trong,…
  • Huyệt Âm lăng tuyền: Huyệt đạo này có vị trí ở chỗ lồi xương cao nhất của xương ống chân. Khi tác động tại chỗ, huyệt có tác dụng cải thiện cơn đau nhức khớp gối, hỗ trợ phục hồi, tái tạo sụn khớp bị hư tổn, thoái hóa. Từ đó giúp tăng chức năng khớp, làm chậm quá trình thoái hóa khớp gối.
  • Huyệt Thận du: Trong điều trị các bệnh lý về xương khớp, Huyệt Thận du thường được tác động để cải thiện các triệu chứng do bệnh lý gây ra. Đồng thời giúp dưỡng huyết, tăng cường chức năng thận, giúp người bệnh vận động, đi lại dễ dàng hơn.

Chăm sóc sau châm cứu

Sau khi tác động đến các huyệt vị tương ứng để điều trị thoái hóa khớp gối. Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân ở lại bệnh viện khoảng 30 phút để theo dõi các phản ứng của cơ thể. Nếu không xuất hiện vấn đề bất thường, người bệnh có thể trở về nhà và nghỉ ngơi.

Trong 1 – 2 ngày đầu sau khi châm cứu, bệnh nhân tránh các hoạt động mạnh, đi lại nhiều. Thay vào đó nên thực hiện một số bài tập có cường độ nhẹ, phù hợp với tình trạng bệnh lý để giúp giãn cơ, kích thích cơ chế tự chữa bệnh và điều hòa khí huyết. Nếu nhận thấy các bất thường, bạn cần thông báo với bác sĩ để được khám và xử lý kịp thời.

Xem ngay: 9 Bài Tập Cho Người Thoái Hóa Khớp Gối (Thể Dục, Yoga) Hiệu Quả

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tăng cường bổ sung các thực giàu vitamin, canxi, chất xơ cùng một số thực phẩm chứa chất chống viêm để giúp cơ thể nhanh chóng bình phục. Ngoài ra, cần uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày để thúc đẩy quá trình trao đổi chất.

Sau châm cứu, cần kiêng các món ăn chứa nhiều dầu mỡ, giàu đạm, nhiều đường, chất hóa học và các loại bia rượu, thức uống có cồn khác. Đối với người hút thuốc lá cần chủ động từ bỏ thói quen này để giúp quá trình điều trị bệnh đạt được kết quả tốt nhất.

Chỉ định và chống chỉ định

Mặc dù là phương pháp điều trị không dùng thuốc và có độ an toàn cao nhưng không phải tất cả các trường hợp bị thoái hóa khớp gối đều có thể áp dụng liệu pháp châm cứu để chữa bệnh. Theo đó, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ bệnh lý và tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ chỉ định châm cứu hoặc thay thế phương pháp điều trị khác phù hợp với bệnh nhân.

đau khớp gối
Không châm cứu với những trường hợp viêm khớp gối nhiễm trùng

Chỉ định:

Châm cứu điều trị thoái hóa khớp gối được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Thoái hóa khớp gối gây đau ở mức độ nhẹ và vừa
  • Bệnh khởi phát do chấn thương nhưng không xuất hiện vết thương hở
  • Đau khớp gối do chèn ép dây thần kinh
  • Thoái hóa khớp gối gây tắc nghẽn lượng máu tuần hoàn đến khớp gối

Chống chỉ định:

Không thực hiện châm cứu chữa thoái hóa khớp gối trong những trường hợp sau:

  • Người có sức đề kháng kém, cơ thể suy nhược
  • Phụ nữ mang thai, đang trong kỳ kinh nguyệt
  • Viêm khớp nhiễm trùng
  • Sốt cao
  • Xuất hiện vết thương hở, nhiễm trùng tại vùng châm kim
  • Một số tình trạng sức khỏe đặc biệt cũng không được chỉ định châm cứu

Châm cứu điều trị thoái hóa khớp gối có hiệu quả không?

Châm cứu giúp tác động vào các huyệt vị trên cơ thể nhằm kích thích cơ chế tự chữa bệnh, giảm đau, cải thiện tuần hoàn máu và phục hồi chức năng khớp gối. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng châm cứu có hiệu quả trong việc điều trị các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân thoái hoá khớp gối, giúp tăng khả năng phục hồi, tái tạo mô sụn khớp bị tổn thương, ngăn chặn quá trình thoái hóa diễn ra.

Tuy nhiên độ hiệu quả của phương pháp này còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố cơ địa. Theo đó, những trường hợp đáp ứng tốt sẽ kiểm soát bệnh nhanh chóng mà không gây ra tác dụng phụ. Ngược lại, một số trường hợp có thể xảy ra tác dụng ngoại ý và đáp ứng kém với liệu pháp này.

Để đảm bảo an toàn cũng như đạt được kết quả điều trị tốt nhất, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được thăm khám, tư vấn và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, châm cứu thường không phát huy công dụng nhanh chóng nên đòi hỏi người bệnh tuân thủ liệu trình để đạt được hiệu quả như mong muốn.

Biến chứng châm cứu điều trị thoái hóa khớp gối

Việc sử dụng kim châm tác động trực tiếp lên da tại những huyệt vị tương ứng thường không gây đau nhức hay khó chịu nhiều. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau khi châm cứu có thể bị sưng đau tại chỗ, bầm tím. Đây là những biến chứng ở mức độ nhẹ và thường gặp ở người có làn da nhạy cảm. Ở một số người nặng hơn có thể bị nhiễm trùng, tổn thương mạch máu, dây thần kinh,…

vựng châm
Các biểu hiện vựng châm có thể xảy ra ngay sau khi châm kim vào huyệt vị

Dưới đây là một số biến chứng của phương pháp châm cứu điều trị thoái hóa khớp gối:

  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng là một trong những biến chứng phổ biến ở người bị thoái hóa khớp gối khi châm cứu. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng là do quy trình sát khuẩn kim châm không đảm bảo, thực hiện ở cơ sở kém chất lượng, không vô trùng, vô khuẩn.
  • Vựng châm: Sau khi châm kim, người bệnh có các biểu hiện như buồn nôn, nôn mửa, hoa mắt, chóng mặt, đổ mồ hôi, lạnh tay chân hoặc thậm chí ngất. Đây được gọi là biểu hiện của vựng châm. Biến chứng này cần được xử lý nhanh chóng để tránh tác động xấu đến sức khỏe.
  • Chảy máu kéo dài: Thông thường, sau khi châm cứu có thể bị chảy máu tại vị trí châm. Tuy nhiên, tình trạng này không quá nghiêm trọng và có thể tự khỏi sau 1 – 2 ngày. Nhưng trong một số trường hợp sau khi châm cứu chữa thoái hóa khớp gối có thể bị chảy máu kéo dài do tổn thương mạch máu.
  • Cơ thể mệt mỏi: Một số biểu hiện như cơ thể mệt mỏi, suy nhược, tâm lý không ổn định,… cũng có thể xuất hiện sau khi châm cứu. Nếu nhận thấy các biểu hiện này, bạn cần thông báo với bác sĩ để được khám và xử lý đúng cách.

Một số lưu ý khi điều trị thoái hóa khớp gối bằng châm cứu

Điều trị thoái hóa khớp gối bằng châm cứu là một trong những phương pháp được áp dụng cho nhiều trường hợp, đặc biệt là những trường hợp mắc phải một số bệnh lý nền nhằm làm giảm tác dụng phụ do thuốc tây gây ra. Ngoài công dụng giảm đau nhức, cứng khớp gối, phương pháp này còn giúp cân bằng âm dương, cải thiện sức khỏe tổng thể.

Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp điều trị này, bệnh nhân nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Phương pháp châm cứu chữa thoái hóa khớp gối cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên môn, có kinh nghiệm và đảm bảo vô trùng, vô khuẩn để tránh phát sinh biến chứng. Do đó, người bệnh cần lựa chọn địa chỉ uy tín, chất lượng cao.
  • Chủ động thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng, bệnh nền (nếu có),… để được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
  • Châm cứu chữa thoái hóa khớp gối cần được thực hiện theo liệu trình mới mang lại kết quả. Đây cũng là mặt hạn chế của phương pháp. Đối với những trường hợp bệnh tiến triển nặng, cấp tính thường sẽ không thực hiện châm cứu.
  • Bên cạnh châm cứu, người bệnh có thể kết hợp với bấm huyệt, massage, xoa bóp để tăng tuần hoàn máu, kích hoạt cơ chế tự chữa bệnh.
  • Trong quá trình điều trị bệnh bằng phương pháp châm cứu nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường. Người bệnh nên thông báo với bác sĩ để được khám và xử lý đúng cách.
  • Kết hợp chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ và tái khám theo đúng lịch hẹn để giúp quá trình điều trị đạt được kết quả tốt nhất.

Phương pháp châm cứu chữa thoái hóa khớp gối có tác dụng giảm đau, giải phóng dây thần kinh bị chèn ép, loại bỏ tà khí và cân bằng âm dương trong cơ thể. Tùy thuộc vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ tư vấn và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Thoái Hóa Khớp Gối Có Chữa Được Không
Thoái hóa khớp gối có chữa được không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như phương pháp điều trị và biện pháp chăm sóc tại nhà. Điều trị càng sớm khả năng thuyên giảm càng cao và ...
Xem chi tiết
Thoái Hóa Khớp Gối Có Nên Chơi Thể Thao
Nếu thắc mắc thoái hóa khớp gối có nên chơi thể thao không, người bệnh có thể tham khảo một số chia sẻ của chuyên gia thông qua bài viết bên dưới. Điều trị kịp lúc và vận động phù ...
Xem chi tiết
Thoái Hóa Khớp Gối Có Nên Đạp Xe
Bệnh thoái hóa khớp gối có nên đạp xe không là một thắc mắc phổ biến đối với hầu hết người bệnh. Tham khảo các chia sẻ của chuyên gia trong bài viết bên dưới để có kế hoạch tập ...
Xem chi tiết
Thoái Hóa Khớp Gối Có Nên Đi Bộ
Việc thường xuyên đi bộ có thể giúp hệ xương khớp khỏe, cải thiện chức năng vận động, tăng cường sự dẻo dai và độ linh hoạt cho các khớp. Bên cạnh đó đi bộ còn giúp duy trì cân ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua