Cách chữa tràn dịch khớp gối tại nhà đơn giản, hiệu quả
Áp dụng các cách chữa tràn dịch khớp gối tại nhà giúp cải thiện triệu chứng và thúc đẩy tổn thương chóng lành. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời, không thể thay thế hoàn toàn cho điều trị y tế.
7 Cách chữa tràn dịch khớp gối tại nhà rất đơn giản
Tràn dịch khớp gối đề cập đến sự gia tăng lượng dịch bất thường trong ổ khớp gối diễn ra sau chấn thương hoặc khi có sự tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau. Bao gồm cả các nguyên nhân bệnh lý, điển hình như thoái hóa khớp, viêm khớp nhiễm khuẩn, bệnh gout, viêm khớp dạng thấp…
Tình trạng này có thể gây sưng đau và hạn chế khả năng vận động của khớp gối. Ngoài ra, nếu không can thiệp điều trị sớm thì bệnh có thể tiến triển rất nhanh. Lúc này, các biến chứng nghiêm trọng sẽ phát sinh, thậm chí gây phá hủy khớp.
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương, nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối và các vấn đề ảnh hưởng khác mà sẽ có cách điều trị khác nhau. Song song với điều trị y tế, người bệnh được khuyên là nên áp dụng một số cách chữa tràn dịch khớp gối tại nhà.
Các giải pháp tại nhà sẽ giúp khắc phục triệu chứng hiệu quả. Đồng thời còn thúc đẩy tốc độ chữa lành tổn thương, tăng cường khả năng vận động cho khớp và ngăn ngừa biến chứng xảy ra.
Dưới đây là 7 cách chữa tràn dịch khớp gối tại nhà rất dễ áp dụng:
1. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng với sức khỏe xương khớp nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung. Việc duy trì chế độ ăn uống không lành mạnh sẽ làm tăng nguy cơ hoặc khiến cho bệnh tràn dịch khớp gối tồi tệ thêm. Do đó, người bệnh cần sớm có sự điều chỉnh cho phù hợp để hỗ trợ quá trình điều trị.
Trên thực tế, rất nhiều loại thực phẩm có tác dụng hỗ trợ giảm đau, chống viêm và tăng cường sức khỏe xương khớp rất tốt. Tuy nhiên cũng có không ít thực phẩm có thể khiến triệu chứng bệnh tồi tệ hơn. Đặc biệt là còn gây cản trở quá trình điều trị bệnh.
Các thực phẩm người bị tràn dịch khớp gối nên bổ sung bao gồm:
- Thực phẩm giàu acid béo Omega-3: Cá béo, trứng cá muối, quả bơ, dầu ô liu, hạt lanh, quả óc chó, hạnh nhân…
- Thực phẩm giàu canxi: Sữa tách béo hoặc ít béo, sữa chua, các loại đậu, các loại hạt, đậu nành, rau lá xanh…
- Thực phẩm giàu vitamin D: Lòng đỏ trứng, các loại nấm, hải sản, sữa đậu nành, sữa bò, bột yến mạch…
- Thực phẩm giàu vitamin C: Quả mọng, trái cây có múi, dưa lưới vàng, bông cải, ớt chuông đỏ…
- Thực phẩm giàu vitamin A: Khoai lang, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, ớt chuông, dầu gan cá…
- Thực phẩm giàu vitamin K: Cải bó xôi, dâu tây, đậu nành, cải bắp, cải xoăn, bông cải xanh…
- Thực phẩm giàu sulforaphane và glucosinolate: Súp lơ, cây cải ngựa, cải bắp, nước dùng xương…
- Thực phẩm giàu chất xơ: Táo, bột yến mạch, chuối, lê nguyên vỏ, khoai lang, rau lá xanh…
Dưới đây là một số đồ ăn thức uống nên kiêng:
- Thực phẩm ngọt, nhiều đường
- Thực phẩm chứa chất béo bão hóa
- Đồ ăn mặn, nhiều muối
- Bột ngọt
- Thực phẩm giàu Omega-6
- Thực phẩm cay nóng
- Đồ nếp
- Thức ăn nhanh, chế biến sẵn
- Rượu bia và chất kích thích
2. Tác dụng nhiệt
Tác dụng nhiệt là cách chữa tràn dịch khớp gối rất đơn giản có thể thực hiện ngay tại nhà. Tuy nhiên với giải pháp này cần chú ý căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để lựa chọn chườm nóng hay chườm lạnh cho phù hợp.
– Chườm lạnh:
Cách này phù hợp khi bệnh tràn dịch khớp gối gây sưng nhiều. Nhiệt độ thấp từ túi chườm có tác dụng làm tê liệt tạm thời hệ thống dây thần kinh cảm giác tại khớp gối. Đồng thời còn hạn chế cấp máu đến vùng khớp gối đang bị sưng và tổn thương.
Chườm lạnh sẽ hỗ trợ làm giảm đau và giảm sưng rất hiệu quả. Người bệnh chỉ cần sử dụng vài viên đá, cho vào túi chườm rồi áp trực tiếp lên khớp gối đang bị sưng. Thực hiện khoảng 15 – 20 phút/ lần/ ngày đến khi tình trạng sưng giảm hẳn.
– Chườm nóng:
Giải pháp này có thể áp dụng trong trường hợp bệnh tràn dịch khớp gối gây tụ máu tại đầu gối. Nhiệt độ cao sẽ giúp phá tan huyết ứ một cách hiệu quả. Đồng thời còn giúp giải phóng sự chèn ép lên rễ dây thần kinh và cải thiện tình trạng cứng khớp.
Chườm nóng giúp làm giảm đau và nâng cao khả năng vận động cho khớp một cách hiệu quả. Hơn nữa còn tăng cường lưu thông máu để thúc đẩy tốc độ chữa lành tổn thương. Người bệnh cần sử dụng túi chườm nóng áp trực tiếp lên khớp gối khoảng 15 – 20 phút. Tuyệt đối không thực hiện khi khớp gối đang bị sưng.
3. Massage
Bên cạnh giải pháp tác dụng nhiệt thì massage cũng là một cách chữa tràn dịch khớp gối tại nhà rất hữu hiệu. Tuy nhiên người bệnh cần khéo léo, thao tác đúng cách để tránh làm triệu chứng của bệnh nghiêm trọng hơn.
Massage có tác dụng giảm đau, thúc đẩy quá trình lưu thông máu. Đồng thời cải thiện tình trạng cứng khớp và tăng cường chức năng vận động. Nhưng cần nhớ rằng, cách này không phù hợp khi khớp gối đang bị sưng nhiều. Chỉ khi tình trạng sưng giảm hẳn thì người bệnh mới được áp dụng.
Người bệnh sử dụng lực từ bàn và các ngón tay xoa bóp nhẹ nhàng lên vùng khớp gối theo chuyển động tròn. Nên xoa bóp lan ra cả các khu vực lân cận để nhận được kết quả tốt nhất. Tuyệt đối không dùng lực tay quá mạnh bởi có thể làm tổn thương da và mô mềm.
4. Tập yoga
Yoga là bộ môn vận động nhẹ mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đặc biệt với những người bị tràn dịch khớp gối thì yoga là giải pháp tốt giúp thúc đẩy tốc độ phục hồi và cải thiện chức năng vận động cho khớp.
Tuy nhiên không phải bất cứ bài tập nào cũng phù hợp với thể trạng cũng như tình trạng bệnh. Chính vì vậy, người bệnh cần chú ý xem xét kỹ càng và nhận tư vấn từ những người có chuyên môn để việc tập luyện mang lại kết quả tích cực.
Dưới đây là một số bài tập yoga phù hợp với những người bị tràn dịch khớp gối:
– Bài tập tư thế tam giác:
- Bước 1: Đứng thẳng trên sàn tập, 2 chân mở rộng 1 khoảng bằng vai
- Bước 2: Giơ tay trái lên cao và duỗi thẳng. Nghiêng người sang phải sao cho tay phải chạm xuống mặt sàn. Đầu hướng lên theo phía tay trái.
- Bước 3: Giữ nguyên tư thế và hít thở đều trong khoảng 15 – 20 giây.
- Bước 4: Trở về tư thế ban đầu và thực hiện tương tự với bên còn lại. Mỗi bên thực hiện ít nhất 3 lần/ bài tập.
– Bài tập đứng kéo giãn cơ chân:
- Bước 1: Đứng thẳng, 2 chân bước rộng 1 khoảng bằng vai. Quay lưng vào bức tường.
- Bước 2: Đưa chân phải ra đằng sau và giữ bằng tay phải, kéo cho chân càng gần về mông càng tốt.
- Bước 3: Dựa lưng vào tường để giữ thăng bằng. Cố gắng giữ nguyên tư thế khoảng 30 giây.
- Bước 4: Trở về tư thế ban đầu, thực hiện tương tự với bên còn lại. Mỗi bên thực hiện khoảng 3 – 5 lần/ bài tập.
– Bài tập tư thế con bướm:
- Bước 1: Ngồi thẳng lưng trên sàn tập. 2 chân duỗi thẳng và đặt song song về phía trước. 2 tay để trên đầu gối.
- Bước 2: Co 2 chân lên sao cho 2 lòng bàn chân chạm vào nhau. Dùng tay kéo 2 gót chân càng sát vào nhau càng tốt.
- Bước 3: 2 tay nắm ngón chân, cúi gập người xuống. Khuỷu tay đặt ngay trên đùi sao cho lưng càng thẳng càng tốt.
- Bước 4: Cố gắng giữ tư thế khoảng 1 phút và thực hiện 5 – 7 lần/ bài tập.
5. Kê cao chân khi nằm
Các triệu chứng của bệnh tràn dịch khớp gối ngoài ảnh hưởng đến chức năng vận động thường ngày thì còn làm giảm chất lượng giấc ngủ. Đặc biệt là khi cơn đau kích hoạt vào ban đêm, có thể khiến người bệnh ngủ không ngon giấc, thường xuyên thức dậy giữa đêm.
Cơn đau do bệnh tràn dịch khớp gối thường xảy ra khi có dịch ứ đọng chèn lên ổ khớp. Lời khuyên cho người bệnh là nên kê cao chân khi nằm để làm giảm lượng dịch ứ đọng. Từ đó giúp làm giảm sưng đau, tránh ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
6. Dùng thảo dược tự nhiên
Dùng thảo dược tự nhiên chữa tràn dịch khớp gối là giải pháp đơn giản có thể thực hiện ngay tại nhà. Thực tế, nhiều loại thảo dược có khả năng hỗ trợ giảm sưng đau và chống viêm rất hiệu quả. Hơn nữa còn giúp cường gân, kiện cốt và tăng cường chức năng vận động cho khớp gối đang bị tổn thương do tràn dịch. Đặc biệt các loại thảo dược tự nhiên đa phần đều rất quen thuộc, lành tính và không tốn nhiều chi phí điều trị.
Dưới đây là một số loại thảo dược tự nhiên có thể dùng chữa tràn dịch khớp gối:
– Lá lốt:
- Chuẩn bị 1 nắm lá lốt tươi đem rửa sạch, để ráo
- Cho vào cối giã sơ qua cùng 1 ít muối hạt
- Sau đó cho lên chảo sao nóng rồi bọc vào miếng vải sạch
- Chờ cho bớt nóng rồi chườm lên vùng khớp gối bị đau
– Cây trinh nữ:
- Chuẩn bị 35g rễ cây trinh nữ, 25g bưởi bung, 20g rễ cúc tần và 15g lá đinh lăng
- Rửa sạch các vị thuốc trên rồi cho vào ấm sắc
- Thêm vào 5 chén nước, đun trên lửa nhỏ đến khi còn 3 chén
- Loại bỏ bã, chia nước thuốc thành 3 lần uống/ ngày
– Cây gối hạc:
- Chuẩn bị 50g rễ cây gối hạc đem rửa sạch rồi để ráo
- Thái thành lát mỏng sau đó đem phơi nắng cho khô
- Sau đó cho vào ấm sắc cùng nửa lít nước trên lửa nhỏ
- Đến khi nước thuốc cạn còn khoảng phân nửa thì tắt bếp
- Loại bỏ bã, uống hết nước sắc trong ngày
7. Dùng thuốc không kê đơn
Việc sử dụng thuốc có thể không cần thiết với quá trình điều trị bệnh tràn dịch khớp gối. Tuy nhiên một số loại thuốc không kê toa có thể hỗ trợ làm giảm sưng đau và hạn chế các tổn thương nghiêm trọng.
Dùng thuốc giúp làm giảm nhanh triệu chứng nhưng lại tiềm ẩn nhiều hệ lụy. Đặc biệt là các thuốc giảm đau và kháng viêm dùng trong thời gian dài có thể ảnh hưởng dạ dày, gan, thận. Đồng thời khiến cho người bệnh bị phụ thuộc vào thuốc.
Dù là các loại thuốc không kê đơn thì người bệnh cũng nên chú ý dùng theo chỉ dẫn của dược sĩ hoặc bác sĩ. Không nên tùy tiện mua thuốc về dùng hay thay đổi liều lượng, tần suất và thời gian dùng thuốc. Đặc biệt là cần tránh tình trạng lạm dụng thuốc Tây trong bất cứ trường hợp nào.
Một số lưu ý khi bị tràn dịch khớp gối
Tràn dịch khớp gối là bệnh cơ xương khớp rất phổ biến hiện nay. Ngoài gây sưng đau, hạn chế vận động thì các biến chứng nghiêm trọng hoàn toàn có thể xảy ra nếu người bệnh chủ quan trong phát hiện và điều trị.
Dưới đây là một số vấn đề cần chú ý:
- Sớm nắm bắt được các triệu chứng bất thường tại khớp và kịp thời thăm khám bác sĩ.
- Nghiêm túc điều trị theo phác đồ mà bác sĩ chuyên khoa đã chỉ định. Có thể bao gồm dùng thuốc, chăm sóc tại nhà và can thiệp ngoại khoa khi cần thiết.
- Điều chỉnh và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng dưỡng chất với các nguồn thực phẩm tốt.
- Xây dựng thói quen sinh hoạt nề nếp và khoa học. Đảm bảo đi ngủ sớm, ngủ đúng giờ, đủ giấc. Không vận động mạnh, mang vác nặng hay di chuyển nhiều khi khớp gối đang tổn thương.
- Dành thời gian khoảng 30 – 45 phút/ ngày cho hoạt động thể chất. Có thể tham khảo bác sĩ vật lý trị liệu để được hướng dẫn các bài tập phù hợp.
- Kiểm soát cân nặng ở mức độ phù hợp. Trường hợp bị thừa cân – béo phì thì người bệnh cần sớm có kế hoạch giảm cân an toàn. Nếu gặp khó khăn, hãy tìm gặp bác sĩ dinh dưỡng để được hỗ trợ.
Các cách chữa tràn dịch khớp gối tại nhà chỉ có tác dụng hỗ trợ, không thể tác động toàn diện tới tiến triển của bệnh. Do đó, người bệnh cần sớm thăm khám đề bác sĩ chỉ định kế hoạch điều trị phù hợp, tránh vấn đề nghiêm trọng phát sinh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!