10 Cách Chữa Thoái Hoá Đốt Sống Cổ Tại Nhà Hay Nhất
Cách chữa thoái hoá đốt sống cổ tại nhà được áp dụng để cải thiện các cơn đau nhẹ và giúp người bệnh khôi phục khả năng hoạt động bình thường. Các biện pháp này thường an toàn, đơn giản và dễ thực hiện. Dưới đây là những mẹo chữa thoái hoá cột sống cổ tốt nhất, người bệnh có thể tham khảo.
10 cách chữa thoái hoá đốt sống cổ tại nhà hiệu quả
Thoái hóa cột sống cổ là một bệnh viêm khớp cổ phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 85% người trên 60 tuổi. Bệnh lý này xảy ra khi các sụn khớp bị hao mòn tự nhiên, có thể dẫn đến đau và cứng cổ.
Người bị thoái hóa đốt sống cổ gặp các triệu chứng với nhiều cường độ khác nhau. Đôi khi người bệnh không có triệu chứng hoặc các triệu chứng rất nhẹ và không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Tuy nhiên, cơn đau có thể trở nên dữ dội và cần điều trị y tế để tránh các biến chứng liên quan. Thời điểm tốt nhất để áp dụng các mẹo chữa thoái hoá đốt sống cổ là khi các triệu chứng còn nhẹ.
Dưới đây là một số cách chữa thoái hoá đốt sống cổ tại nhà, người bệnh có thể tham khảo:
1. Chườm lạnh và nóng
Trong các trường hợp thoái hóa đốt sống cổ, việc chườm nóng và chườm lạnh có thể giảm đau cũng như khó chịu ở cổ.
Nhiệt độ ẩm có tác dụng giảm đau, cải thiện tuần hoàn máu, thư giãn các cơ quanh cổ. Nhiệt có thể được áp dụng theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như:
- Sử dụng túi chườm nóng ẩm đặt lên vị trí bị đau để cải thiện các triệu chứng.
- Đặt gạc ấm lên cổ.
- Ngâm mình trong bồn nước nóng hoặc vòi hoa sen.
Khi chườm nóng cần chú ý đến độ nóng của nước để tránh gây bỏng và khó chịu trên da. Không nên chườm nóng quá 15 phút mỗi lần, nếu bị đau hoặc nổi mẩn đỏ, hãy ngừng sử dụng phương pháp.
Chườm lạnh có thể được sử dụng để điều trị các chứng đau cổ cấp tính hoặc khó chịu liên quan đến thoái hóa khớp. Biện pháp này có thể chống viêm, giảm đau và sưng do hạn chế lưu lượng máu đến cổ. Người bệnh có thể chườm đá bằng túi nước đá, túi đá lạnh hoặc gạc lạnh.
Người bệnh có thể chườm đá lên cổ trong vòng 15 phút mỗi lần và nhiều lần mỗi ngày. Tuy nhiên quá lạnh có thể dẫn đến bỏng lạnh, do đó hãy bọc đá trong khăn mặt hoặc nhiều lớp vải khác để tránh gây tổn thương da. Ngừng áp dụng biện pháp nếu cảm thấy đau đớn, nổi mẩn đỏ hoặc kích ứng quá mức.
2. Tập thể dục thường xuyên
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thoái hóa cột sống cổ là do lười vận động thường xuyên. Do đó, thường xuyên vận động cũng như tập thể dục có thể cải thiện cơn đau cổ hiệu quả.
Người bệnh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ vật lý trị liệu để cải thiện các triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể tham khảo một số bài tập đơn giản tại nhà, chẳng hạn như:
- Xoay đầu theo chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ hoặc gật đầu từ bên này sang bên kia. Thực hiện động tác trong 10 phút và 2 – 3 lần mỗi ngày. Điều này có thể cải thiện tình trạng đau cổ cũng như ngăn các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Xoay cánh tay theo chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ, đồng thời kết hợp nắm và thả lòng bàn tay đều đặn để kiểm soát cơn đau.
Ngoài ra, người bệnh có thể thử các bài tập aerobic tác động thấp như bơi lội hoặc đi bộ nhanh trong 30 phút ít nhất 5 lần mỗi tuần. Người bệnh cũng có thể đi xe đạp thường xuyên, tuy nhiên hãy đảm bảo luôn giữ lưng và cổ thẳng khi đạp xe để tránh gây áp lực lên cột sống cổ.
Nếu việc luyện tập gây đau khi thực hiện bất cứ bài tập nào, hãy ngưng tập và trao đổi với bác sĩ chuyên môn.
3. Xoa bóp
Massage, xoa bóp có thể tạo cảm giác dễ chịu và thư giãn để cải thiện tình trạng căng cơ cũng như tăng cường tuần hoàn máu đến cổ. Có rất nhiều phương pháp, xoa bóp cũng như bấm huyệt được áp dụng để điều trị tình trạng đau cổ. Trong trường hợp cần thiết, người bệnh có thể đến các spa trị liệu cổ vai gáy để được chăm sóc bởi kỹ thuật viên có chuyên môn.
Bấm huyệt và giác hơi cũng có thể cải thiện các triệu chứng ở bệnh nhân đau cổ mãn tính. Tuy nhiên các phương pháp này cần được thực hiện bởi các kỹ thuật viên có chuyên môn để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khi xoa bóp cải thiện tình trạng cứng và đau cổ do thoái hóa cột sống cổ, người bệnh có thể sử dụng kèm 1 thìa cà phê dầu ô liu nguyên chất kèm 2 – 3 giọt tinh dầu bạc hà để tăng cường hiệu quả massage. Có thể thực hiện phương pháp xoa bóp 2 – 3 lần mỗi ngày.
4. Thực hiện chế độ ăn uống chống viêm
Việc thay đổi kế hoạch ăn uống có thể tác động đến tình trạng đau cổ hoặc khó chịu liên quan đến thoái hóa đốt sống cổ. Chế độ ăn uống chống viêm có thể làm giảm viêm khớp và cải thiện cơn đau.
Một chế độ ăn uống nhiều trái cây tươi, rau xanh, cá và các loại đậu có thể giảm viêm khớp cũng như cải thiện khả năng vận động của người bệnh. Tránh các loại thực phẩm đóng gói, đồ uống có đường, thịt đỏ cũng có thể chống viêm và hỗ trợ điều trị thoái hóa cột sống cổ.
Ngoài ra người bệnh cũng cần tránh một số loại thực phẩm như:
- Rượu
- Chất làm ngọt nhân tạo (aspartame)
- Muối
- Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
- Đường
Không có chế độ ăn uống dành riêng cho người thoái hóa đốt sống cổ. Tuy nhiên, chế độ ăn uống nhiều rau xanh, trái cây tươi, dầu ô liu và cá được cho là phù hợp với người viêm khớp nói chung.
5. Bổ sung Curcumin
Curcumin là hợp chất có đặc tính chống viêm có trong nghệ. Việc bổ sung Curcumin tự nhiên có thể giảm đau và khó chịu liên quan đến viêm khớp. Ngoài ra, do đặc tính chống viêm, nghệ cũng thường xuyên được sử dụng như một mẹo chữa thoái hoá đốt sống cổ tại nhà hiệu quả cao. Nghệ cũng có thể làm tăng cường lưu thông máu, giảm cứng cổ và cải thiện tình trạng đau cơ.
Để bổ sung Curcumin, người bệnh có thể thêm nghệ và chế độ ăn uống hàng ngày. Người bệnh có thể trộn 1 thìa cà phê bột nghệ với một ly sữa, sau đó hâm nóng trong 5 phút, để nguội, cho thêm một ít mật ong, dùng uống 2 lần mỗi ngày.
Để cải thiện tình trạng thoái hóa đốt sống cổ, người bệnh cần bổ sung ít nhất 1.000 miligam (mg) curcumin mỗi ngày. Do đó, việc chỉ sử dụng nghệ là chưa đủ, do đó người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về các viên nang bổ sung để tăng cường hiệu quả điều trị.
Ngoài ra, việc làm dụng hoạt chất curcumin có thể dẫn đến các phản ứng không tốt trong cơ thể. Do đó, người bệnh nên bổ sung với liều lượng phù hợp.
6. Tập thái cực quyền
Thái cực quyền là bộ môn võ thuật cổ xưa của Trung Quốc, kết hợp các chuyển động nhịp nhàng, chậm rãi với việc kéo giãn và thiền định. Bộ môn này đã được chứng minh là có thể cải thiện khả năng vận động, giảm nguy cơ té ngã và cải thiện các triệu chứng ở những người bị đau nhức xương khớp mãn tính.
Một số nghiên cứu đã cho biết, thái cực quyền có lợi cho các triệu chứng viêm xương khớp và cải thiện chức năng thể chất ở những bệnh nhân bị thoái hóa. Nghiên cứu cũng cho biết, thái cực quyền cũng phù hợp với hầu hết bệnh nhân viêm khớp, không chỉ riêng thoái hóa đốt sống cổ. Ngoài ra, người bệnh có thể tập luyện môn võ thuật này để tăng cường khả năng vận động và linh hoạt ở cột sống cổ.
7. Gừng chữa đau cổ
Gừng là một cách chữa thoái hoá đốt sống cổ tại nhà phổ biến và được áp dụng rộng rãi. Loại thảo mộc này rất giàu đặc tính chống viêm, có thể cải thiện lưu thông máu, do đó giúp giảm viêm và giảm đau ở các vùng xung quanh cổ.
Mẹo chữa thoái hoá đốt sống cổ với gừng được thực hiện như sau:
- Uống trà gừng 3 lần mỗi ngày. Để pha trà, hãy đun sôi một thìa gừng thái mỏng trong với 2 cốc nước trong 10 phút. Lọc bỏ xác gừng, cho thêm mật ong và dùng uống.
- Gừng khô cũng có thể chế biến thành bột hương liệu thêm vào món ăn để cải thiện hương vị và giảm đau cổ. Uống 1 thìa cà phê bột gừng với nước trước khi đi ngủ cũng có thể hỗ trợ cải thiện cơn đau hiệu quả.
Người bệnh cũng có thể xoa bóp cổ và khu vực bị ảnh hưởng với dầu gừng vài lần mỗi ngày để cải thiện cơn đau.
8. Lá lốt chữa thoái hóa cột sống cổ
Lá lốt thường xuyên được sử dụng như một cách chữa thoái hoá cột sống cổ tại nhà hiệu quả cao. Ngoài ra loại thảo dược này cũng có thể điều trị tình trạng đau nhức xương khớp, tê bì chân tay, đau lưng mỏi gối, phù thũng hoặc đau bụng.
Theo Đông y, lá lốt là dược liệu có mùi thơm, tính ấm, vị cay, có tác dụng chỉ thống, tán hàn và ôn trung. Sử dụng lá lốt trị thoái hóa khớp có thể cải thiện tình trạng đau nhức, duy trì khả năng vận động cũng như ngăn ngừa các rủi ro liên quan.
Cách chữa thoái hoá cột sống cổ tại nhà với lá lốt như sau:
- Sử dụng rễ lá lốt tươi, rễ cỏ xước, rễ cây vòi voi và rễ bưởi bung, mỗi vị đều 50 gram
- Mang các loại dược liệu đi sao vàng, sau đó sắc thành nước
- Chia nước sắc thành 3 phần bằng nhau, dùng uống hết trong ngày
9. Trái nhàu trị thoái hóa cột sống cổ
Trái nhàu là một loại dược liệu phổ biến, thường được sử dụng để nhuận tràng, chống viêm, giảm đau, tăng cường hệ thống miễn dịch và loại bỏ độc tố hiệu quả. Loại dược liệu này thường được sử dụng để điều trị tình trạng nhức mỏi chân tay, đau lưng, đau cột sống cổ cũng như các bệnh lý khác như mụn nhọt, sốt, rối loạn kinh nguyệt.
Một số nghiên cứu cũng cho biết, trong trái nhàu có chứa prosertonin và serotonin. Hai thành phần này có tác dụng hỗ trợ khả năng chữa lành vết thương, làm chậm quá trình thoái hóa các tế bào.
Để chữa thoái hóa cột sống cổ với trái nhàu, người bệnh thực hiện như sau:
- Sử dụng 200 gram quả nhàu và 2 lít rượu trắng
- Mang quả nhàu đi rửa sạch, để ráo, thái lát
- Xếp những lát nhàu vào bình thủy tinh, đổ đầy rượu trắng, ngâm trong 30 ngày thì dùng được
- Mỗi ngày sử dụng 20 – 30 ml, 2 – 3 lần mỗi ngày để cải thiện các triệu chứng
10. Cây xấu hổ chữa đau cột sống cổ
Cây xấu hổ, còn gọi là cây trinh nữ, là một loài thực vật nhỏ, mọc hoang ở các bụi đất gần sông, suối hoặc có mạch nước ngầm. Rễ cây xấu hổ được sử dụng như một loại dược liệu điều trị phòng thấp, an thần, chống viêm.
Ngoài ra, rễ cây xấu hổ cũng được ứng dụng trong các bài thuốc điều trị đau nhức xương khớp, đau cột sống, đau thắt lưng, tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng và làm chậm quá trình thoái hóa.
Mẹo chữa thoái hoá đốt sống cổ với cây xấu hổ như sau:
- Sử dụng 20 – 30 gram rễ cây xấu hổ, rửa sạch, để ráo nước
- Mang đi sắc với 400 ml nước lọc đến khi cạn còn 100 ml thì tắt lửa
- Chia thuốc thành 2 phần bằng nhau, dùng uống trong ngày
Các cách chữa thoái hoá cột sống cổ tại nhà phù hợp với tình trạng bệnh nhẹ và không gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó, nếu các triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
Lưu ý khi chữa thoái hoá cột sống cổ tại nhà
Để các biện pháp chữa thoái hóa đốt sống cổ tại nhà mang lại hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần lưu ý:
- Tránh ngủ hoặc nằm nhiều vào ban ngày
- Tránh ăn những thực phẩm khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như đường và thực phẩm chế biến sẵn
- Hạn chế thức ăn mặn, chua, nhiều dầu và chất béo động vật
- Đừng cố nâng vật nặng quá mức, điều này có thể gây áp lực lên đầu hoặc vai và khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn
- Cố gắng tránh ở cả ngày trong điều kiện máy lạnh, bởi vì điều này có thể dẫn đến khô cơ thể
- Cố gắng điều chỉnh tư thế phù hợp khi đi, đứng, ngồi và nằm
- Ngủ và thức dậy vào một giờ cố định mỗi ngày để cải thiện chất lượng giấc ngủ
- Tránh cuộn hoặc uốn cong cổ hơn 10 phút, chẳng hạn như động tác khi đọc sách, nhìn màn hình điện thoại di động hoặc máy tính
- Thường xuyên thư giãn cổ bằng cách nghiêng cổ từ bên này sang bên kia một cách chậm rãi
Khi nào cần đến bệnh viện?
Cách chữa thoái hoá cột sống cổ tại nhà được áp dụng cho các trường hợp đau nhẹ hoặc khó chịu do thoái hóa cột sống cổ gây ra. Tuy nhiên người bệnh cần đến bệnh viện nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Người bệnh cũng nên đến bệnh viện ngay khi:
- Đau nhức cột sống cổ, thắt lưng và nhiều khớp khác
- Đỏ và sưng ở các khớp không được cải thiện trong nhiều ngày
- Đau hoặc sưng có thể làm hạn chế hoạt động bình thường
- Đau cổ kèm sốt, khó chịu hoặc sụt cân đột ngột mà không rõ nguyên nhân
Vì thoái hóa cột sống cổ là tình trạng hao mòn tự nhiên, do đó không có cách điều trị dứt điểm. Tuy nhiên việc thay đổi phong cách sống, duy trì vận động có thể cải thiện 90% các triệu chứng và giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Thông thường, các biện pháp điều trị tại nhà có thể giảm đau cũng như duy trì các hoạt động hàng ngày của người bệnh.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!