Các Cách Chữa Còng Lưng Ở Người Già Hiệu Quả Nên Biết
Điều trị nguyên nhân, bổ sung canxi và vitamin D, luyện tập… là những cách chữa còng lưng ở người già hiệu quả. Đây là tình trạng cột sống ở phần lưng trên bị cong quá mức. Điều này làm ảnh hưởng đến vóc dáng, tăng áp lực dư thừa lên cột sống dẫn đến đau đớn. Những trường hợp nặng có thể bị khó thở do áp lực đè lên phổi.
Còng lưng ở người già là gì?
Còng lưng còn được gọi là gù lưng – một biến dạng và rối loạn phát triển của cột sống. Trong đó phần lưng trên có những đốt sống phát triển bất thường khiến cột sống bị cong quá mức. Còng lưng ở người già thường xảy ra ở đoạn ngực và thắt lưng, chủ yếu liên quan đến bệnh loãng xương.
Trong giải phẫu học, vùng ngực của cột sống (lưng trên), cổ và lưng dưới có một đường cong nhẹ tự nhiên. Điều này giúp hỗ trợ trọng lượng của đầu và hấp thụ chấn động. Gù lưng xảy ra khi những đường cong tự nhiên lớn hơn bình thường.
Còng lưng ở người già dễ dàng được phát hiện bằng cách quan sát. Khi nhìn có thể nhận thấy một cái bướu ở lưng trên. Trông thấy lưng trên nhô ra đáng kể hoặc tròn khi nhìn từ bên cạnh.
Ngoài ra chứng còng lưng khiến người bệnh bị chùng xuống, giảm chiều cao, vai tròn bất thường và đầu hơi cúi về phía trước. Lưng gù làm tăng áp lực lên cột sống dẫn đến đau đớn hoặc gây khó thở do áp lực đè lên phổi.
Nguyên nhân gây còng lưng ở người già
Còng lưng ở người già xảy ra do một số nguyên nhân sau:
- Loãng xương
Loãng xương là nguyên nhân hàng đầu gây chứng còng lưng ở người già. Đây là một dạng rối loạn chuyển hóa của xương, trong đó chất lượng xương (mật độ xương) bị suy giảm đáng kể. Điều này làm ảnh hưởng đến độ vững chắc của nhiều xương, gây xẹp lún đốt sống dẫn đến còng lưng.
Ngoài ra loãng xương còn làm tăng nguy cơ gãy xương. Khi chất xương của một người mất trên 30% so với bình thường, những triệu chứng như gù lưng, đau lưng… sẽ xuất hiện.
Loãng xương thường phổ biến hơn ở phụ nữ mãn kinh. Điều này thường liên quan đến sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể.
- Quá trình lão hóa tự nhiên
Cơ thể bị lão hóa theo thời gian. Điều này khiến người cao tuổi gặp nhiều khó khăn hơn trong việc chuyển hóa và hấp thu chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Từ đó làm tăng nguy cơ thiếu dưỡng chất, hệ thống xương khớp không được nuôi dưỡng dẫn đến suy yếu và xẹp lún. Cuối cùng phát triển chứng gù lưng.
Canxi là thành phần xây dựng và duy trì hệ xương chất khỏe. Chế độ ăn uống thiếu canxi khiến chất lượng xương suy giảm, tăng nguy cơ loãng xương và còng lưng ở người già.
Một số vấn đề như mãn kinh, lão hóa dẫn đến khó hấp thụ dinh dưỡng, hút thuốc lá… khiến người già mất nhiều chất xương (canxi). Lâu ngày, các đốt sống trở nên xốp hơn, yếu và mềm, dễ bị lún, gãy. Ngoài ra người bệnh còn có nguy cơ còng lưng.
- Nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác có thể gây còng lưng ở người già:
-
- Viêm cột sống dính khớp
- Sinh hoạt và lối sống không lành mạnh. Chẳng hạn như hút thuốc lá, chế độ ăn nhiều muối…
- Cột sống bị biến dạng do thực hiện tư thế sai trong sinh hoạt. Từ đó dẫn đến bệnh gù lưng khi về già.
Các cách chữa còng lưng ở người già hiệu quả
Còng lưng ở người già nên được điều trị khi:
- Cột sống bị cong quá mức, ảnh hưởng đến đời sống và khả năng chuyển động
- Đau lưng thường xuyên
- Khó thở
- Mệt mỏi
Ở người lớn tuổi, còng lưng không được điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên những phương pháp được áp dụng có thể cải thiện tư thế và đường cong cột sống, hạn chế đau đớn và tránh còng lưng thêm nghiêm trọng.
1. Điều trị loãng xương
Kiểm soát loãng xương là cách chữa còng lưng ở người già do bệnh loãng xương gây ra. Thông thường các thuốc sẽ được hướng dẫn sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Điều trị loãng xương giúp ức chế quá trình thoái hóa cột sống, ngăn ngừa gù lưng trở nên tồi tệ hơn.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, thuốc trị loãng xương có thể bao gồm:
- Paracetamol: Thuốc này giúp giảm đau ở bệnh nhân bị loãng xương gây còng lưng và đau lưng. Thông thường, Paracetamol được sử dụng với liều 325 – 600mg/ lần, mỗi 4 – 6 giờ, dùng trong 2 hoặc 3 ngày.
- Thuốc Calcitonine: Calcitonine được dùng phổ biến trong điều trị loãng xương. Thuốc này có tác dụng ngăn chặn hoặc làm giảm tiêu calci trong xương, giảm calci trong huyết thanh. Từ đó cải thiện chất lượng xương, kiểm soát bệnh loãng xương và ngăn chứng gù lưng thêm nghiêm trọng.
- Bisphosphonate: Bisphosphonate (chẳng hạn như Ibandronate) được dùng trong phòng ngừa và điều trị loãng xương, lún xẹp đốt sống dẫn đến còng lưng ở người già. Thuốc có tác dụng làm chậm quá trình hủy xương, kiểm soát loãng xương và ngăn gãy xương. Đồng thời hạn chế tình trạng còng lưng thêm nghiêm trọng.
- Thuốc Denosumab: Đây là một loại thuốc kháng thể đơn dòng. Trong điều trị loãng xương, thuốc này giúp tạo mật độ xương và hạn chế hỏng xương do tế bào hủy xương. Denosumabd được dùng ở dạng thuốc tiêm, khoảng 6 tháng 1 lần khi điều trị loãng xương ở người già.
- Thuốc làm tăng mật độ xương: Calci Canbonat + vitamin D3 là thuốc làm tăng mật độ xương thường được dùng. Thuốc này giúp bổ sung vitamin D3 và canxi, tăng mật độ khoáng xương và cải thiện khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. Từ đó xây dựng hệ xương khớp chắc khỏe, giảm nhẹ triệu chứng của bệnh loãng xương.
2. Nẹp lưng
Đôi khi nẹp lưng được sử dụng trong điều trị còng lưng ở người già. Thiết bị này giúp cải thiện tư thế lưng, ngăn đường cong cột sống trở nên tồi tệ hơn. Đồng thời giảm đau lưng và khó thở do đường cong bất thường làm tăng áp lực lên vùng ngực.
Tuy nhiên so với trẻ em và người trẻ tuổi, nẹp lưng ít hiệu quả hơn khi dùng cho người già. Chính vì thế mà những phương pháp khác cần được sử dụng bổ sung để tăng hiệu quả.
3. Bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D
Nếu muốn tìm cách phòng ngừa và chữa còng lưng ở người già, hãy bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D từ chế độ ăn uống. Canxi giúp tái tạo và kích thích sản sinh tế bào xương mới, tăng mật độ khoáng xương, duy trì hệ thống xương chắc khỏe. Đồng thời giảm nguy cơ gãy xẹp đốt sống và bệnh còng lưng ở người già.
Canxi có nhiều trong những loại thực phẩm sau:
- Các loại rau xanh
- Đậu nành
- Ngũ cốc
- Sữa và những chế phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua…)
- Tôm, động vật có vỏ
- Hạnh nhân
- Các loại hạt và đậu…
Vitamin D giúp cải thiện hệ miễn dịch, tăng khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. Từ đó ức chế quá trình thoái hóa xương khớp, tránh còng lưng thêm nghiêm trọng. Tắm nắng sáng hoặc ăn nhiều tôm, trứng, nấm, ngũ cốc, dầu gan cá… là cách bổ sung đủ hàm lượng vitamin D cần thiết.
Nếu kém hấp thu hoặc ăn uống không đủ chất, người bệnh có thể dùng thêm thuốc bổ sung canxi cho người lớn (viên nang hoặc dung dịch uống). Nên ưu tiên sử dụng những sản phẩm chứa canxi nano hoặc canxi kết hợp vitamin D, K2, magie, kẽm… để tăng hấp thu, giúp cải thiện chất lượng xương và đường cong tự nhiên của cột sống.
4. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là một trong những phương pháp chữa còng lưng ở người già hiệu quả. Tùy thuộc vào tình trạng, chuyên gia có thể hướng dẫn những bài tập kéo giãn và co duỗi hợp lý.
Những bài tập này có tác dụng tăng cường sự dẻo dai cho cột sống, cải thiện tính linh hoạt, điều chỉnh tư thế và đưa những đốt sống về vị trí đúng. Từ đó giúp giảm đau lưng và cải thiện đường cong của cột sống.
Ngoài ra, một số bài tập tăng cường cũng được áp dụng để cải thiện cơ và dây chằng hỗ trợ cột sống. Điều này giúp cải thiện sức mạnh, ngăn còng lưng ở người già thêm nghiêm trọng.
Ở người già, cấu trúc xương đã bị lão hóa. Chính vì thế mà những bài tập trị liệu cần được thực hiện chậm rãi và đúng kỹ thuật. Lựa chọn bài tập thích hợp và tăng dần cường độ luyện tập để tránh chấn thương.
5. Tập thể dục
Người lớn tuổi có thể vận động và tập thể dục tại nhà với những bộ môn như dưỡng sinh, yoga, đi bộ, bài tập kéo giãn nhẹ nhàng… để tăng cường cơ cốt lõi và cơ lưng, cải thiện độ dẻo dai và tính linh hoạt cho cột sống. Từ đó cải thiện tư thế lưng, ngăn ngừa và giảm nhẹ triệu chứng của còng lưng.
Tham khảm thêm: 10 Bài Tập Chữa Gù Lưng Đơn Giản, Hiệu Quả Mỗi Ngày
6. Phẫu thuật
Phẫu thuật là một trong những cách chữa còng lưng ở người già. Thông thường phương pháp này sẽ được xem xét cho những trường hợp sau:
- Lưng gù nghiêm trọng, điều trị bảo tồn không hiệu quả.
- Có chèn ép dây thần kinh hoặc tủy sống
- Đau lưng dai dẳng ảnh hưởng đến đời sống và khả năng vận động
Phẫu thuật giúp cải thiện đường cong của cột sống, giảm nguy cơ chèn ép mô lân cận và đau nhức. Tuy nhiên phương pháp này không được chỉ định cho người không đủ sức khỏe để tránh gây rủi ro.
Một số biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật:
- Nhiễm trùng
- Tổn thương dây thần kinh
- Vết thương khó lành
- Tổn thương mạch máu
Người bệnh cần thăm khám kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn điều trị thích hợp.
Phòng ngừa còng lưng ở người già
Những biện pháp dưới đây có thể hạn chế còng lưng ở người già:
- Thường xuyên đo mật độ xương, điều trị loãng xương và những tình trạng khác có thể gây còng lưng.
- Tập thể dục đều đặn giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, độ chắc khỏe và tính dẻo dai cho cột sống. Đồng thời tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng và làm chậm quá trình lão hóa cơ thể. Từ đó giúp phòng ngừa còng lưng ở người già hiệu quả.
- Đảm bảo bổ sung đủ canxi và vitamin D từ nguồn thực phẩm lành mạnh như rau xanh, thịt, các loại đậu, hạt, ngũ cốc, sữa… Những người kém hấp thu dinh dưỡng từ thực phẩm hoặc có nhu cầu canxi cao nên dùng thêm sản phẩm bổ sung. Ngoài ra nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (chẳng hạn như các loại quả mọng, cà chua…). Vì điều này có thể làm chậm quá trình lão hóa xương khớp.
- Tránh những tư thế xấu khi nằm, ngồi hoặc sinh hoạt.
- Tránh những hoạt động có thể gây chấn thương hoặc co thắt cột sống đột ngột, chẳng hạn như đột ngột gập người, xoắn hay uốn cong cơ thể.
Trên đây là những cách chữa còng lưng ở người già hiệu quả. Tình trạng này không được điều trị hoàn toàn. Tuy nhiên những phương pháp thích hợp có thể cải thiện đường cong cột sống, giảm đau lưng và ngăn còng lưng thêm nghiêm trọng. Vì thế, người bệnh nên được khám và điều trị tích cực theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!