Bấm huyệt điều trị xương khớp

Theo dõi IHR trên goole news

Bấm huyệt điều trị xương khớp là giải pháp điều trị bệnh trong y học cổ truyền rất phổ biến và mang lại hiệu quả tích cực. Trong điều trị xương khớp, phương pháp bấm huyệt thường được bác sĩ chỉ định kết hợp với bài thuốc YHCT nhằm điều trị dứt điểm các căn bệnh xương khớp.

1/ Bấm huyệt là gì? Phân loại bấm huyệt

Bấm huyệt (tiếng Anh là Acupressure) là phương pháp dùng bàn tay, ngón tay để thực hiện các thủ thuật ấn (dùng ngón tay ấn vào vùng huyệt cần tác động), day (dùng gốc bàn tay ấn xuống vùng da của bệnh nhân theo đường tròn), lăn (dùng mu bàn tay lăn trên vùng định xoa bóp), véo (dùng đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ, kéo da người bệnh lên).

Thông qua những tác động lên huyệt, da, gân, cơ, khớp của người bệnh, từ đó tạo nên những thay đổi về thần kinh thể dịch, nội tiết đến toàn thân.

Hiện nay, tùy thuộc vào mục đích thực hiện mà bấm huyệt được chia thành các loại như sau:

  • Bấm huyệt phục hồi sức khỏe
  • Bấm huyệt điều trị bệnh
  • Bấm huyệt trong chấn thương và thể dục thể thao
  • Bấm huyệt thư giãn, thẩm mỹ.

2/ Nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của bấm huyệt

Tại Việt Nam, bộ môn bấm huyệt cũng đã sớm xuất hiện. Đó là thành quả từ những kinh nghiệm qua hàng ngàn năm của dân tộc kết hợp với quá trình giao lưu kinh nghiệm nước ngoài, được cha ông ta vận dụng và tổng kết lại.

Từ xa xưa, con người đã biết dùng đôi bàn tay để xoa bóp, làm dịu đi những đau nhức trên cơ thể. Trong các văn tự khảo cổ, đều có ghi lại cách xoa bóp trong dân gian. Đây được xem là phương pháp chữa bệnh ra đời sớm nhất.

Theo các tài liệu y thư, từ thời Hồng Bàng dựng nước (cách đây 2900 TCN), nhân dân ta đã biết dùng lá ngải cứu, cúc tần, trầu không,… xoa bóp chườm nóng.

Từ đó tới nay, xoa bóp ngày càng được phát triển, được tổng hợp, ghi chép lại trong sách vở của các nhà danh y nổi tiếng:

Đến thế kỷ XIV, Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh đã tổng kết những kinh nghiệm xoa bóp bấm huyệt chữa một số bệnh trong cuốn “Hồng nghĩa giác tư y thư”.

Thế kỷ XVI, Hoang Đơn Hòa đã đề cập đến phương pháp xoa bóp trong cuốn “Hoạt nhân toát yếu”, Hải Thượng Lãn Ông đã bàn về kỹ thuật xoa bóp trong cuốn “Vệ sinh yếu quyết”.

Khi thực dân Pháp xâm lược đã đàn áp nên y học dân tộc, trong đó có xoa bóp bấm huyệt. Sau Cách mạng tháng Tám, Đảng và Nhà nước đưa ra chính sách khôi phục, phát triển và mở rộng nền Y học dân tộc, kết hợp YHCT và YHHĐ. Xoa bóp bấm huyệt dần được đưa vào trong phác đồ điều trị của các bệnh viện, kết hợp với YHHĐ nhằm tăng cường khả năng phòng bệnh và chữa bệnh cho người dân.

3/ Nguyên tắc điều trị của bấm huyệt

Theo lý thuyết YHCT, cơ thể con người có tổng cộng 108 huyệt đạo, trong đó có 72 huyệt cơ bản và 36 huyệt quan trọng (được gọi là “tử huyệt”, vì tác động lên những huyệt này không đúng cách có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe). Hệ thống huyệt đạo này có mối liên hệ mật thiết với hệ thống kinh mạch và các tạng phủ trong cơ thể.

Y học cổ truyền quan niệm rằng, trong cơ thể con người, ngoài huyết để nuôi dưỡng cơ thể thì còn một yếu tố vô cùng quan trọng là khí. Khí được hình thành do sự hoạt động của các tạng phủ. Khí và Huyết lưu thông khắp cơ thể. Khi sự lưu thông này bị tắc nghẽn, gián đoạn thì con người sẽ sinh ra ốm đau, bệnh tật.

Do đó, các phương pháp bấm huyệt sẽ tác động trực tiếp đến da thịt, dây thần kinh, hệ thống mạch máu làm thay đổi vấn đề về thần kinh, nội tiết, thể dịch. Từ đó, giúp cho khí huyết được lưu thông đi toàn thân, nuôi dưỡng tạng phủ, cơ quan bên trong cơ thể, giảm đau nhức, giãn cơ, phục hồi sức khỏe, phòng và chữa bệnh.

Các nguyên tắc bấm huyệt cơ bản bao gồm:

  • Nguyên tắc điều chỉnh âm dương

Theo Y học cổ truyền, cơ thể con người là sự hòa hợp, thống nhất của hai mặt âm dương. Âm dương trong cơ thể cần phải thăng bằng, tương hỗ cho nhau để hoạt động, tồn tại, giúp cơ thể thích ứng được với môi trường xung quanh.

Sở dĩ bệnh tật phát sinh là do sự mất cân bằng âm dương. Sự mất cân bằng âm dương xảy ra bởi các tác nhân gây bệnh (tà khí) xâm nhập vào cơ thể, thể trạng suy yếu, chính khí hư hoặc bởi tinh thần bất ổn, sinh hoạt không điều độ,…

Vì vậy, nguyên tắc điều trị bệnh là cần thiết lập lại cân bằng âm dương trong cơ thể. Cụ thể, trong quá trình điều trị bệnh bằng bấm huyệt, tùy thuộc vào tình trạng, thể bệnh để tiến hành vận dụng các kỹ thuật bấm huyệt làm lưu thông khí huyết, từ đó giúp cơ thể trở về trạng thái cân bằng âm dương động.

Bấm huyệt có tác dụng tăng cường lưu thông khí huyết, cân bằng âm dương
Bấm huyệt có tác dụng tăng cường lưu thông khí huyết, cân bằng âm dương
  • Nguyên tắc điều chỉnh chức năng kinh lạc và khí huyết tạng phủ

Hệ thống kinh lạc trong cơ thể bao gồm những đường kinh (thẳng) và đường lạc (ngang) nối liền các tạng phủ với tứ chi, da, xương khớp. Trong kinh lạc, có kinh khí thực hiện nhiệm vụ điều hòa khí huyết, chống lại các tác nhân gây bệnh.

Đồng thời, kinh huyệt nằm trên kinh lạc cũng là nơi tiếp nhận các kích thích vật lý của thao tác xoa bóp, bấm huyệt. Mỗi đường kinh lạc đều có mối liên hệ mật thiết đến một tạng hoặc một phủ nhất định.

Do đó, khi cơ thể bị bệnh sẽ gây ra bế tắc trong vận hành kinh khí. Nếu như tà khí xâm nhập vào cơ thể mà kinh lạc thất thường thì bệnh tà sẽ chuyển vào trong tạng phủ. Và ngược lại, khi có bệnh từ tạng phủ mà kinh lạc thất thường cũng sẽ phản ánh qua các vùng da, cơ tương ứng.

Vì vậy, khi bấm huyệt, bác sĩ sẽ sử dụng đôi bàn tay để tác động một lực trực tiếp nhất định đến hệ thống huyệt vị, thúc đẩy tuần hoàn máu, điều hòa khí huyết, thông kinh lạc.

  • Phục hồi chức năng vận động của cơ xương khớp

Đối với các bệnh lý xương khớp, bấm huyệt sẽ làm giãn cơ, đặc biệt là những nhóm cơ đã bị co cứng. Khi bị bệnh xương khớp, gân và dây chằng bao giờ cũng có hiện tượng co cứng các nhóm cơ xung quanh khớp, gây triệu chứng đau nhức, căng cứng khi vận động.

Bấm huyệt sẽ tác động đến da, thịt, hệ thống dây thần kinh, mạch máu, cơ quan cảm giác, thúc đẩy khả năng lưu thông khí huyết đến xương khớp, kích thích sản sinh hormone giảm đau tự nhiên endorphin, giãn cơ và giảm đau xương khớp theo tiết đoạn thần kinh tương đương với các vùng da tương thích.

Bên cạnh đó, bấm huyệt còn còn thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu đến các khớp xương, gân cốt, dây chằng, gia tăng tiết dịch khớp, tăng độ đàn hồi của dây chằng, phục hồi khả năng vận động linh hoạt của khớp xương.

  • Phục hồi và tăng cường các hoạt động sống của cơ thể

Quá trình bấm huyệt sẽ tác động trực tiếp lên các thụ cảm thần kinh dày đặc ở dưới da, kích thích các phản xạ thần kinh, lập lại sự cân bằng của hoạt động thần kinh, giúp giảm căng thẳng, thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung.

Bên cạnh đó, dưới tác động của bấm huyệt còn giúp tăng cường quá trình nhu động ruột, dạ dày, cải thiện chức năng tiêu hóa. Đặc biệt, bấm huyệt thúc đẩy quá trình lưu thông máu tốt hơn, có tác dụng làm đẹp da.

Đối với người bình thường, bấm huyệt giúp tăng cường hệ miễn dịch và thể lực, cải thiện cơ địa, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, phòng ngừa nhiều bệnh lý.

4/ Các kỹ thuật bấm huyệt

Có nhiều kỹ thuật bấm huyệt khác nhau nhưng tất cả đều chung một mục đích là tạo ra một lực tác động có ý nghĩa lên huyệt đạo. Bấm huyệt được thực hiện thông qua kỹ thuật sau:

Các kỹ thuật bấm huyệt bao gồm day miết, nắn bóp, bấm huyệt
Các kỹ thuật bấm huyệt bao gồm day miết, nắn bóp, bấm huyệt

Kỹ thuật day miết

Day miết là kỹ thuật bắt đầu kích thích sâu vào các cơ, gân, dây chằng, mạch máu, dây thần kinh. Day miết có dụng làm tăng lưu thông máu, chống teo cơ, tăng lực cơ.

  • Day: Là kỹ thuật sử dụng phần gốc bàn tay kết hợp với mô ở ngón cái và mô ở ngón út day mạnh vào da, di chuyển theo hình tròn.
  • Miết: Là kỹ thuật sử dụng đầu ngón tay cái miết chặt, thẳng vào da người bệnh. Khi bàn tay của kỹ thuật viên di chuyển tới đâu sẽ kéo căng làn da người bệnh.  Miết thường được sử dụng ở vùng đầu, bụng, hai chân tay.

Kỹ thuật nắn bóp

Nắn bóp là kỹ thuật tác động chính lên các cơ, dây chằng và các tổ chức xung quanh khớp. Kỹ thuật này có tác dụng chống teo cơ, tăng cường lực cơ, nuôi dưỡng các tổ chức cơ, ức chế quá trình cơ cứng cơ, tạo ra kích thích cơ – thần kinh bị tê liệt, mất cảm giác,…

Kỹ thuật này sử dụng ngón tay cái và ngón tay kia bóp lên khu vực cần điều trị. Có thể bóp bằng hai, ba hoặc cả bốn, năm ngón tay cùng lúc. Vừa bóp vừa kéo lên, sử dụng lực ở đốt ngón tay thứ ba để bóp. Lực bóp mạnh hay nhẹ tùy vào từng trường hợp cụ thể. Kỹ thuật nắn bóp thường dùng ở vùng cổ, vai, gáy, nách.

Kỹ thuật bấm huyệt

  • Bấm huyệt: Dùng đầu ngón tay cái, gốc bàn tay, mô ngón tay cái và mô ngón út bấm trực tiếp vào chỗ đau hoặc vị trí huyệt đã xác định. Lực tác động đi qua da vào cơ, xương bị đau nhức hoặc vào huyệt.
  • Điểm huyệt: Sử dụng ngón tay cái hoặc phần mu khớp đốt 2 và 3 của ngón trỏ, ngón giữa hoặc khuỷu tay ấn thẳng vào góc huyệt. Thủ thuật này thường được sử dụng ở các vùng mông, thắt lưng, chân tay.

Khi thực hiện các kỹ thuật bấm huyệt điều trị xương khớp, người thực hiện cần chú ý kiểm soát lực tác động ở mức vừa phải, tránh gây cảm giác đau cho người bệnh.

5/ Quy trình bấm huyệt

Theo quy định của Bộ Y tế, quy trình bấm huyệt sẽ bao gồm các bước cơ bản sau:

Bước 1: Chuẩn bị

  • Người thực hiện: Bác sĩ, kỹ thuật viên được đào tạo chuyên sâu về bấm huyệt, cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định.
  • Phương tiện, trang thiết bị: Phòng bấm huyệt, giường bấm huyệt, cồn sát trùng, bột talc,…
  • Người bệnh: Cần được hướng dẫn, giải thích về quy trình, vị trí bấm huyệt và chấp thuận, đồng ý bấm huyệt tại cơ sở. Trước khi bấm huyệt, người bệnh cần phải thăm khám và làm hồ sơ bệnh án đầy đủ theo quy định. Người bệnh được sắp xếp ở tư thế nằm sấp hoặc ngồi trong phòng bấm huyệt.

Bước 2: Xoa bóp trước khi bấm huyệt

Xoa bóp trước khi bấm huyệt có tác dụng làm nóng, thư giãn các mô cơ, giúp bệnh nhân giảm bớt đau nhức, khó chịu.

Khi xoa bóp, cần thực hiện nhẹ nhàng để cơ bắp được thư giãn, kích thích tăng tuần hoàn máu. Tránh sử dụng lực tay quá mạnh bởi có thể gây tổn thương, bầm tím da.

Bước 3: Thực hiện kỹ thuật bấm huyệt

  • Xát, miết, bóp, ấn, day, đấm, vỗ vùng xương khớp bị viêm nhiễm, thoái hóa, chấn thương.
  • Ấn các huyệt đạo tùy theo tình trạng và thể bệnh xương khớp.
  • Người bệnh được kết hợp vận động khớp nhẹ nhàng để gia tăng hiệu quả trị liệu.

Bước 4: Theo dõi và xử trí tai biến

  • Kết thúc bấm huyệt, bệnh nhân được theo dõi toàn trạng, các triệu chứng đi kèm nếu có.
  • Xử trí triệu chứng tai biến (nếu có).

6/ Ứng dụng bấm huyệt trong điều trị xương khớp

Theo Y học cổ truyền, bệnh xương khớp được cho là thuộc chứng tý, do phong hàn thấp nhiệt thâm nhập khiến cho kinh lạc bị ứ nghẽn, tắc trệ và gây ra các cơn đau nhức xương khớp. Hoặc bệnh xảy ra ở người cao tuổi do can tỳ thận hư yếu, khí huyết suy giảm, chính khí hư suy khiến cho khí huyết bị ứ nghẽn, không đi nuôi dưỡng xương khớp được, gây thoái hóa xương khớp.

Với khả năng tác động sâu vào hệ thống kinh mạch, gân khớp, bấm huyệt được ứng dụng phổ biến trong điều trị các bệnh về xương khớp như thoái hóa cột sống, viêm đau khớp, đau thắt lưng. đau mỏi vai gáy, thoát vị đĩa đệm,…

Bấm hyệt được ứng dụng phổ biến trong điều trị các bệnh lý xương khớp
Bấm hyệt được ứng dụng phổ biến trong điều trị các bệnh lý xương khớp

Trong điều trị các bệnh cơ xương khớp, bấm huyệt sẽ đem lại công dụng như sau:

  • Tăng tuần hoàn máu đi nuôi dưỡng hệ thống cơ – xương – khớp, hạn chế tình trạng thoái hóa, bào mòn hay tổn thương xương khớp.
  • Thư giãn gân cơ: Bấm huyệt sẽ tác động vào hệ thống các cơ, làm thư giãn cơ, giải tỏa hiện tượng co cứng cơ, giúp giảm đau nhức do bệnh xương khớp gây ra.
  • Cải thiện tính linh hoạt của xương khớp: Bấm huyệt sẽ cải thiện các hoạt động ở khu vực xương khớp bị ảnh hưởng, hỗ trợ hồi phục chức năng và tăng cường khả năng vận động.
  • Thư giãn tinh thần: Các kỹ thuật bấm huyệt có thể hỗ trợ giải phóng hoạt chất giảm đau nội sinh endorphin của cơ thể, giúp người bệnh giảm đi những căng thẳng, thư giãn và thả lỏng tinh thần.

Người bệnh xương khớp nên thực hiện bấm huyệt trong các trường hợp sau:

  • Căng cứng cơ, khớp
  • Đau nhức xương khớp
  • Gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ
  • Gây chèn ép rễ thần kinh

Tùy vào vị trí, thể bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn bấm huyệt khác nhau:

  • Bấm huyệt chữa đau mỏi vai gáy: Sử dụng đầu ngón tay ấn và day vào huyệt Phong trì, Đại chùy, Phong môn, Kiên tỉnh, Đốc du,…
  • Bấm huyệt chữa đau lưng: Tập trung tác động vào các huyệt Thận du, Thiên khu, Mệnh môn,…
  • Bấm huyệt chữa thoái hóa cột sống cổ: Tập trung vào các huyệt như phong trì, á thị, kiên tỉnh, bách hội,…
  • Bấm huyệt điều trị thoát vị đĩa đệm: Tập trung vào các huyệt như Thận du, Đại trường du, A thị huyệt, Huyệt giáp tích, Cách du,…
  • Bấm huyệt điều trị bệnh gout: Tập trung day ấn huyệt vùng bàn ngón chân như Giải khê, Xung dương, Thái bạch, Dũng tuyền, Thái khê, Côn lôn, Kinh cốt, Công tôn,..

7/ Những điều cần chú ý khi thực hiện bấm huyệt

Bấm huyệt là phương pháp điều trị bệnh xương khớp hiệu quả, an toàn. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả điều trị, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:

  • Cần có chẩn đoán rõ ràng trước khi tiến hành bấm huyệt: Trước khi tiến hành bấm huyệt, người bệnh cần phải được thông qua các phương pháp thăm khám, chẩn đoán bằng Đông – Tây y nhằm xác định chính xác tình trạng, mức độ bệnh lý, từ đó mới xác định vị trí cần bấm huyệt.
  • Xác định đúng vị trí huyệt: Sử dụng đầu ngón tay day vòng tròn nhẹ nhàng để tìm đúng huyệt rồi ấn vào. Mỗi huyệt giữ nguyên tư thể day trong khoảng 20 giây.
  • Xác định đúng tư thế của người bệnh: Trong lúc bấm huyệt, người bệnh cần nằm úp sấp, có thể vận động đầu bằng cách quay sang trái hoặc phải để tránh gây mỏi. Người bệnh cần thả lỏng toàn thân, tránh căng thẳng sẽ gây co cứng cơ, ảnh hưởng đến điều trị.
  • Kiểm tra kỹ vùng huyệt: Người bệnh nên kiểm tra kỹ lại vùng huyệt đã được xác định để quyết định có tiến hành bấm huyệt luôn hay cần xoa bóp trước. Nếu phần cơ của huyệt bị cứng thì cần tiến hành bấm huyệt luôn. Còn nếu không bị căng cứng cơ, có thể sử dụng phương pháp xoa bóp để giảm thiểu đau nhức.
  • Người bệnh cần chú ý tới cảm nhận của bản thân trong quá trình bấm huyệt để phản ánh, lưu ý mức độ nặng nhẹ của động tác khi thực hiện. Từ đó, bác sĩ, kỹ thuật viên sẽ điều chỉnh cho phù hợp.
  • Để tránh người bệnh gặp phải hiện tượng nghiện bấm huyệt và phát huy tối đa hiệu quả của phương pháp, thời gian bấm huyệt thường kéo dài từ 15 – 20 phút/ngày, mỗi lần bấm huyệt từ 10 – 15 phút. Với chứng bệnh cấp tính, có thể mỗi ngày thực hiện một lần. Còn đối với chứng bệnh mãn tính thì thường cách một ngày thực hiện một lần hoặc thực hiện 2 lần/tuần.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua