Bài Tập Phục Hồi Đứt Dây Chằng Chéo Trước (Sau Phẫu Thuật)

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Sau phẫu thuật, người bệnh cần áp dụng các bài tập phục hồi đứt dây chằng chéo trước để đầu gối cử động nhanh chóng, phục hồi phạm vi chuyển động. Ngoài ra các bài tập còn giúp giảm sưng đau, ngăn cứng khớp và nhiều biến chứng khác sau mổ tái tạo ACL.

Các bài tập phục hồi đứt dây chằng chéo trước
Hướng dẫn các bài tập phục hồi đứt dây chằng chéo trước, tác dụng và lưu ý khi luyện tập

Vì sao cần luyện tập sau mổ tái tạo ACL?

Phục hồi chức năng tích cực chính là tiêu chuẩn vàng giúp tăng hiệu quả điều trị của phương pháp phẫu thuật tái tạo ACL. Khi mổ đứt dây chằng chéo, một mảnh ghép (mô tự thân được được hiến tặng) sẽ được dùng để thay thế cho ACL bị đứt.

Việc dùng mảnh ghép giúp xây dựng lại và phục hồi chức năng của dây chằng chéo trước, tăng tính ổn định cho đầu gối, tạo điều kiện cho quá trình phục hồi và lấy lại phạm vi vận động.

Tuy nhiên bệnh nhân cần phục hồi chức năng tích cực sau phẫu thuật điều trị. Việc thực hiện các bài tập phục hồi đứt dây chằng chéo trước có thể mang đến những lợi ích sau:

  • Đầu gối cử động nhanh chóng, phục hồi phạm vi chuyển động
  • Phục hồi chức năng và sự dẻo dai của mảnh ghép cùng các dây chằng đầu gối
  • Bảo vệ dây chằng mới
  • Tăng cường cơ bắp và sức mạnh cơ
  • Tăng tính ổn định cho đầu gối
  • Hỗ trợ khớp gối phục hồi hoàn toàn, sớm trở lại với các hoạt động thể thao
  • Ngăn ngừa biến chứng sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước. Cụ thể như cứng khớp, đau đầu gối, mô sẹo…

Chính vì thế mà những bài tập phục hồi đứt dây chằng chéo trước thường được thực hiện sớm. Việc luyện tập cần được thực hiện đều đặn và đúng kỹ thuật. Đặc biệt bài tập được lựa chọn phải phù hợp với các giai đoạn phục hồi của đầu gối sau mổ đứt dây chằng chéo trước.

Các bài tập phục hồi đứt dây chằng chéo trước

Thông thường sau khi phẫu thuật, đầu gối bị thương sẽ được hỗ trợ bằng nẹp trong khoảng 2 tuần. Ngoài ra người bệnh còn được hướng dẫn chườm đá mỗi 2 – 3 giờ 1 lần, mỗi lần 20 phút để giảm sưng và đau.

Khi sưng giảm, bệnh nhân được hướng dẫn các bài tập phục hồi (sau phẫu thuật tái tạo ACL khoảng vài ngày). Khi thực hiện các bài tập, nẹp đầu gối sẽ được tháo ra và đeo trở lại sau khi hoàn tất.

Tùy thuộc vào tình trạng và các giai đoạn phục hồi, người bệnh cần lựa chọn các bài tập thích hợp. Dưới đây là những bài tập phục hồi đứt dây chằng chéo trước (sau phẫu thuật) thường được áp dụng:

1. Bài tập co thắt cơ tứ đầu

Bài tập co thắt cơ tứ đầu nên được thực hiện trong giai đoạn từ 0 đến 2 tuần đầu sau phẫu thuật. Bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cho cơ tứ đầu (nhóm cơ kiểm soát chuyển động của chân). Đồng thời giúp đầu gối mở rộng, đạt được tư thế chân thẳng.

Ngoài ra thực hiện bài tập co thắt cơ tứ đầu còn giúp giảm sưng và đau, hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng cứng khớp gối hay mất duỗi gối. Bài tập này thường được thực hiện liên tục 2 tuần.

Bài tập co thắt cơ tứ đầu
Bài tập co thắt cơ tứ đầu giúp tăng cường sức mạnh cho cơ tứ đầu, hỗ trợ đầu gối đạt được tư thế chân thẳng

Thực hiện bài tập:

  • Nằm thẳng trên giường với tay đặt theo thân mình, chân duỗi thẳng và thả lỏng
  • Tập trung và siết chặt cơ đùi trong khi giữ nguyên đầu gối thẳng
  • Cố gắng đẩy mặt sau của đầu gối xuống giường
  • Giữ nguyên tư thế trong 10 giây và thả lỏng
  • Lặp lại 10 lượt/ lần, mỗi ngày từ 3 – 4 lần.

2. Bài tập gập đầu gối thụ động

Đây là một trong những bài tập phục hồi đứt dây chằng chéo trước nên được thực hiện trong giai đoạn đầu sau phẫu thuật. Bài tập này giúp tăng khả năng phục hồi vận động và phạm vi của khớp gối. Đồng thời giúp đầu gối co lại, đạt được tư thế chân gập, tăng cường sức cơ.

Ngoài ra việc kết hợp giữa bài tập gập đầu gối thụ động và bài tập co thắt cơ tứ đầu có thể giúp bệnh nhân ngăn ngừa cứng khớp, sớm phục hồi vận động và trở lại với hoạt động bình thường.

Bài tập gập đầu gối thụ động
Tăng khả năng phục hồi vận động và phạm vi của khớp gối bằng bài tập gập đầu gối thụ động

Thực hiện bài tập:

  • Ngồi trên mép ghế hoặc mép giường, chống hai tay lên giường để tạo điểm tỳ
  • Cố gắng uốn cong đầu gối càng nhiều càng tốt
  • Có thể dùng chân lành đẩy chân bệnh ra sau để tăng phạm vi
  • Giữ nguyên tư thế trong 5 giây và thả lỏng
  • Mỗi ngày thực hiện từ 3 – 4 lần, mỗi lần 5 phút.

3. Bài tập nâng chân thẳng

Bài tập nâng chân thẳng giúp tăng cường các cơ hỗ trợ, giảm đau và tăng phạm vi chuyển động sau phẫu thuật. Đồng thời hỗ trợ phục hồi dây chằng chéo trước được tái tạo, tăng tính ổn định cho đầu gối.

Bài tập này nên được thực hiện sớm (sau phẫu thuật vài ngày). Khi bắt đầu, có thể chỉ duỗi thẳng chân mà không cần nâng lên. Khi triệu chứng giảm và tiến bộ, có thể nâng cao chân trong khi giữ đầu gối thẳng.

Bài tập nâng chân thẳng
Bài tập nâng chân thẳng giúp tăng cường sức mạnh cho mảnh ghép và tính ổn định của đầu gối

Thực hiện bài tập:

  • Nằm ngửa trên sàn, cuộn khăn tắm và đặt dưới mắt cá chân
  • Siết chặt cơ và duỗi thẳng chân trong khi giữ nguyên mắt cá chân trên cuộn khăn
  • Giữ nguyên tư thế trong 10 giây và thả lỏng
  • Lặp lại động tác 10 lượt/lần, nhiều lần trong ngày
  • Khi đã tiến bộ, nhắc chân khỏi giường, nâng cao chân lên khoảng 12 inch trong khi giữ thẳng đầu gối
  • Giữ nguyên tư thế từ 5 – 10 giây. Từ từ hạ xuống và thả lỏng
  • Lặp lại động tác 10 lần.

4. Bài tập trượt gót chân

Sau phẫu thuật vài ngày, khi sưng và đau giảm, người bệnh có thể thực hiện bài tập trượt gót chân để tăng tốc độ phục hồi. Đây là bài tập phục hồi đứt dây chằng chéo trước đơn giản, có khả năng tăng tính ổn định cho đầu gối, lấy lại phạm vi vận động và phục hồi tính linh hoạt.

Bên cạnh đó, lặp lại bài tập trượt gót chân mỗi ngày còn giúp ngăn ngừa biến chứng sau phẫu thuật ACL (chẳng hạn như cứng khớp, đau đầu gối). Đồng thời tăng cường cơ bắp và sức mạnh cơ, giúp khớp gối phục hồi hoàn toàn.

Bài tập trượt gót chân
Lấy lại phạm vi vận động và phục hồi tính linh hoạt bằng cách thực hiện bài tập trượt gót chân

Thực hiện bài tập:

+ Trượt gót chân khi nằm

  • Nằm thẳng trên giường, gập đầu gối, gót chân chạm giường
  • Trượt gót chân về phía mông. Lưu ý không để đầu gối lăn ra ngoài hoặc vào trong
  • Khi uốn cong đầu gối hết mức có thể, giữ tư thế trong 10 giây
  • Từ từ trượt chân để trở về tư thế ban đầu
  • Lặp lại động tác 20 lần trong 4 buổi mỗi ngày.

+ Trượt gót chân khi ngồi

  • Ngồi trên giường, giữ lưng thẳng, hai chân duỗi thẳng ra phía trước
  • Dùng vải, khăn hoặc thắt lưng vòng ra sau bàn chân bên chân bệnh, hai tay giữ hai đầu khăn
  • Từ từ kéo gót chân về phía mông
  • Khi uốn cong đầu gối hết mức có thể, giữ tư thế từ 5 – 10 giây
  • Trượt gót chân ra khỏi mông để giữ thẳng chân
  • Giữ thẳng chân và thư giãn trong 5 giây
  • Lặp lại động tác 4 lần/ ngày, mỗi ngày 5 phút.

5. Bài tập huy động gân bánh chè

Bài tập này giúp tăng sức mạnh cho mảnh ghép gân bánh chè, thúc đẩy phục hồi chức năng và ổn định đầu gối. Bên cạnh đó bài tập huy động gân bánh chè khắc phục tình trạng lỏng lẻo, phục hồi cấu tạo của khớp gối.

Ngoài ra khi thực hiện bài tập đều đặn, người bệnh có làm mạnh gân xương bánh chè, tăng cường các cơ hỗ trợ. Đồng thời giữ xương bánh chè di động, ngăn hình thành mô sẹo dẫn đến cứng khớp gối, giảm nhẹ cơn đau sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước.

Bài tập này phù hợp với những bệnh nhân dùng mảnh ghép gân bánh chè tái tạo ACL hoặc chấn thương có liên quan đến gân xương bánh chè.

Bài tập huy động gân bánh chè
Bài tập huy động gân bánh chè có tác dụng ngăn ngừa hình thành mô sẹo dẫn đến cứng khớp gối

Thực hiện bài tập:

  • Ngồi trên sàn nhà hoặc trên giường, duỗi thẳng hai chân ra trước mặt
  • Đặt bàn tay vào hai bên của xương bánh chè
  • Nhẹ nhàng trượt xương bánh chè sang hai bên và lên xuống. Giữ khoảng 2 giây ở mỗi hướng
  • Tiếp tục trong 1 phút
  • Lặp lại bài tập 4 lần/ ngày.

Lưu ý:

  • Đảm bảo xương bánh chè trượt đều.

6. Bài tập squat bán phần với tường (Mini wall squat)

Đây là một bài tập củng cố giúp hỗ trợ khớp gối, tăng khả năng chịu lực cho đầu gối bị thương và lấy lại phạm vi vận động. Bên cạnh đó bài tập này còn giúp tăng cường các gân cơ hỗ trợ, chẳng hạn như gân kheo, gân xương bánh chè… Đồng thời luyện tập giúp tăng sức bền cho dây chằng mới.

Bài tập squat bán phần với tường nên được thực hiện đều đặn mỗi ngày sau khi sưng và đau thuyên giảm, khớp gối có khả năng mở rộng và chịu lực.

Bài tập squat bán phần với tường
Bài tập squat bán phần với tường là bài tập củng cố giúp tăng khả năng chịu lực và hỗ trợ khớp gối

Thực hiện bài tập:

  • Đứng thẳng trước tường, hai chân mở rộng bằng vai
  • Ngồi xổm 30°, lưng dựa vào tường
  • Giữ nguyên tư thế trong 10 giây
  • Thả lỏng, đứng lên để trở về tư thế bắt đầu
  • Thư giãn trong 5 giây. Lặp lại động tác 10 lần.

Sau khi làm quen, người bệnh có thể ngồi xổm lên đến 60° mà không cần dựa tường. Có thể bắt đầu squat 60° trong tuần thứ 2 đến tuần thứ 6.

7. Bài tập tư thế bắt cầu

Nếu muốn tìm bài tập phục hồi đứt dây chằng chéo trước, người bệnh có thể thực hiện bài tập tư thế bắt cầu. Đây là một bài tập tăng cường và đào tạo cốt lõi. Việc duy trì cốt lõi mạnh mẽ có thể giúp hỗ trợ cơ thể trong quá trình vận động thể chất và phục hồi chức năng ở đầu gối bị thương.

Bên cạnh đó, bài tập tư thế bắt cầu còn mang đến nhiều lợi ích trong việc lấy lại phạm vi và khả năng vận động linh hoạt của đầu gối. Đồng thời tăng cường các cơ xung quanh (như bắp chân, các cơ đùi…), giảm đau, tăng cường chức năng ổn định đầu gối của mảnh ghép.

Bài tập tư thế bắt cầu
Bài tập tư thế bắt cầu giúp tăng cường và đào tạo cốt lõi, phục hồi chức năng cho đầu gối bị thương

Thực hiện bài tập:

  • Nằm thẳng trên giường, uốn cong hai đầu gối, bàn chân phẳng trên giường
  • Hai tay duỗi thẳng và đặt theo thân người
  • Nâng hông lên cao, lấy bàn chân, tay và vai làm điểm tỳ. Đầu gối, hông và ngực tạo thành một đường thẳng hướng xuống
  • Giữ nguyên tư thế trong 20 giây
  • Thả lỏng và hạ thấp hông, lặp lại động tác 5 lần.

8. Bài tập gập đầu gối khi nằm sấp

Sau mổ tái tạo dây chằng đầu gối từ 2 – 6 tuần, người bệnh có thể thực hiện bài tập gập đầu gối khi nằm sấp. Bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cho chân bị thương và mô ghép, tăng khả năng co và duỗi gối linh hoạt. Từ đó giúp đi lại dễ dàng và sớm trở lại với các hoạt động.

Bài tập gập đầu gối khi nằm sấp nên được thực hiện đều đặn mỗi ngày 4 lần, mỗi lần 5 phút. Việc thực hiện đều đặn có thể thúc đẩy quá trình phục hồi.

Bài tập gập đầu gối khi nằm sấp
Bài tập gập đầu gối khi nằm sấp giúp tăng phạm vi, tăng cường sức mạnh cho chân bị thương và mô ghép

Thực hiện bài tập:

  • Nằm úp mặt xuống giường, giữ lưng thẳng, uốn cong đầu gối
  • Dùng vải, khăn hoặc thắt lưng vòng ra sau cổ chân/ bàn chân bên chân bệnh, hai tay giữ hai đầu khăn
  • Từ từ kéo bàn chân bệnh về phía mông để uốn cong đầu gối hết mức có thể
  • Giữ tư thế từ 5 giây khi kéo
  • Duỗi thẳng chân và thư giãn trong 5 giây
  • Lặp lại động tác 4 lần/ ngày, mỗi ngày 5 phút.

9. Bài tập về đi lại

Chuyên gia vật lý trị liệu có thể yêu cầu bạn thực hiện một số bài tập liên quan đến dáng đi. Bài tập này giúp nâng cao chân bị thương trong tư thế đi bình thường, điều chỉnh dáng đi và tránh vung chân sang một bên.

Khi thực hiện, người bệnh chuyển trọng lượng đều hai bên chân, đi lên, đi lùi và sang ngang. Ngoài ra, hãy cố gắng bước lên mọi thứ trong khi đi lại cho đến khi có thể nâng đầu gối cao về phía ngực.

Bài tập về đi lại
Bài tập về đi lại giúp nâng cao chân bị thương trong tư thế đi bình thường, hạn chế vung chân sang một bên

10. Bài tập giữ thăng bằng trên một chân

Những bài tập thăng bằng là một phần của chương trình huấn luyện phục hồi chức năng. Do đó nếu muốn thực hiện bài tập phục hồi đứt dây chằng chéo trước, người bệnh có thể thử giữ thăng bằng trên một chân.

Bài tập này có tác dụng tăng khả năng chịu lực của đầu gối bị thương, cải thiện khả năng giữ thăng bằng, tăng sức mạnh và sự dẻo dai cho mảnh ghép cũng như các cơ hỗ trợ. Bài tập giữ thăng bằng trên một chân nên được thực hiện sau phẫu thuật ít nhất 6 tuần.

Bài tập giữ thăng bằng trên một chân
Bài tập giữ thăng bằng trên một chân giúp tăng khả năng chịu lực và giữ thăng bằng của đầu gối bị thương

Thực hiện bài tập:

  • Đứng thẳng trên sàn, duỗi thẳng tay dọc theo thân người
  • Từ từ nâng cao một chân và duỗi ra sau, giữ cho hai đầu gối thẳng
  • Trong khi giữ thăng bằng một chân, hãy thực hiện nhiều tư thế khác nhau của cánh tay, đầu và thân mình
  • Mỗi tư thế giữ nguyên trong 10 giây
  • Hạ chân xuống. Thả lỏng trong 5 giây
  • Lặp lại động tác 5 lượt/ lần mỗi chân. Thực hiện 4 lần/ ngày.

Lưu ý khi tập phục hồi đứt dây chằng chéo trước

Khi thực hiện các bài tập phục hồi đứt dây chằng chéo trước, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề dưới đây:

  • Đeo nẹp đầu gối phục hồi chức năng sau phẫu thuật. Tháo nẹp khi luyện tập hoặc sau 2 tuần (theo chỉ định của bác sĩ).
  • Tập phục hồi đứt dây chằng chéo trước theo chỉ định và hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu.
  • Các bài tập cần được thực hiện đúng kỹ thuật, phù hợp với thể trạng, thời điểm luyện tập thích hợp. Nên luyện tập sớm, không quá muộn để tránh biến chứng, không thể phục hồi hoàn toàn.
  • Nên nâng cao chân và chườm đá để giảm sưng và đau trong giai đoạn đầu.
  • Ngừng luyện tập và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu các bài tập gây đau.
  • Không ngồi lâu trừ khi tập thể dục. Không nên cúi người về phía trước trong khi giữ thẳng đầu gối.
  • Thực hiện bài tập nhẹ trong thời gian đầu. Không luyện tập gắng sức.
  • Dùng khung tập đi hoặc nạng trong 2 tuần đầu sau mổ để giảm bớt trọng lượng cơ thể lên chân bị thương.
  • Khi luyện tập, chịu sức nặng qua đầu gối ở mức có thể.
  • Luyện tập với tần suất phù hợp, khoảng 3 – 4 lần/ ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tuân thủ quá trình luyện tập cho đến khi dây chằng chéo trước phục hồi hoàn toàn.
  • Các bài tập phục hồi đứt dây chằng chéo trước cần được thực hiện đều đặn mỗi ngày để đạt hiệu quả cao nhất.

Những bài tập phục hồi đứt dây chằng chéo trước mang đến nhiều lợi ích cho quá trình hồi phục, giúp tăng phạm vi và lấy lại khả năng vận động linh hoạt. Đồng thời tăng cường sức mạnh cho mảnh ghép và các cơ, ổn định đầu gối. Tuy nhiên những bài tập này cần được thực hiện đều đặn và đúng kỹ thuật để đạt hiệu quả cao nhất.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Gãy Xương Ngành Ngồi Mu Bao Lâu Mới Lành
Gãy xương ngành ngồi mu bao lâu mới lành phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ tổn thương, mức độ di lệch xương cũng như khả năng đáp ứng điều trị của người bệnh. Để rút ngắn ...
Xem chi tiết
Đứt Dây Chằng Chéo Trước Có Đi Được Không
Đứt dây chằng chéo trước là chấn thương phổ biến ở những người chơi thể thao, đặc biệt là ở vận động viên. Điều này khiến nhiều người thắc mắc, đứt dây chằng chéo trước có đi được không và ...
Xem chi tiết
Đứt Dây Chằng Đầu Gối Để Lâu Có Sao Không
Đứt dây chằng đầu gối là một chấn thương cực kỳ phổ biến, thường không nghiêm trọng nếu được điều trị kịp lúc và đúng cách. Vậy đứt dây chằng đầu gối để lâu có sao không và xử lý ...
Xem chi tiết
Gãy Xương Cổ Tay Có Phải Mổ Không
Gãy xương cổ tay có phải mổ không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương cũng như chỉ định điều trị của bác sĩ. Do đó, điều quan trọng là đến bệnh viện để được chẩn đoán ...
Xem chi tiết
Thay Khớp Háng Ở Bệnh Viện Nào Tốt Nhất
Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108... có thể giúp trả lời thay khớp háng ở bệnh viện nào tốt nhất. Thay khớp háng mang đến hiệu quả ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua