Các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến và lưu ý

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Doãn Hồng Phương | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến có thể giúp người bệnh lấy lại sức mạnh và khả năng vận động. Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân cần luyện tập dưới sự hỗ trợ của chuyên gia và người thân. Sau khi cử động được, người bệnh có thể chủ động luyện tập tại nhà với các bài tập đơn giản mà không cần trợ giúp. 

Các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến và lưu ý
Công dụng và cách thực hiện các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến, một số lưu ý

Nguyên tắc luyện tập phục hồi chức năng sau tai biến

Tùy thuộc vào tình trạng và khả năng phục hồi, người bệnh cần lắng nghe ý kiến của chuyên gia và biết cách điều chỉnh các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến. Thông thường luyện tập phục hồi chức năng sau tai biến sẽ được chia thành 2 giai đoạn.

Trong giai đoạn đầu (cơ thể chưa cử động được), người bệnh sẽ thực hiện những bài tập thụ động dưới sự hỗ trợ của chuyên gia vật lý trị liệu. Điều này chủ yếu hỗ trợ bên bị ảnh hưởng thông qua những chuyển động, tăng cơ hội phục hồi cơ liệt do đột quỵ và giúp người bệnh dần trở về đời sống bình thường.

Sau khi khả năng vận động đã được cải thiện (xuống giường và cử động được), người bệnh sẽ được hướng dẫn những bài tập mang tính chủ động hơn. Bệnh nhân có thể luyện tập tại nhà nhưng cần phải thực hiện đúng cách.

Bài tập phục hồi chức năng sau tai biến khi chưa cử động được

Khi cơ thể chưa cử động được sau tai biến, người bệnh sẽ được chuyên gia vật lý trị liệu hỗ trợ thực hiện những bài tập dưới đây để phục hồi chức năng:

1. Tập tư thế nằm

Tập tư thế nằm là bài tập phục hồi chức năng sau tai biến nên được thực hiện đầu tiên. Bài tập này có tác dụng cải thiện sự co cứng, tăng khả năng phục hồi bên liệt và giảm cảm giác tê mỏi bên lành. Đồng thời giúp máu huyết lưu thông dễ dàng hơn.

Tư thế nằm ngửa

  • Nằm ngửa, dùng gối có kích thước lớn kê cao đầu đến vai
  • Cuộn tròn khăn và đặt dưới chân bên liệt
  • Cuộn tròn khăn và đặt dưới hông bên liệt.

Tư thế nằm nghiêng bên lành

  • Nằm nghiêng sang bên lành, bên liệt ở phía trên
  • Gập vai, cánh tay bên lành thả lỏng tự nhiên, cánh tay bên liệt được đặt trên một chiếc gối mềm để tạo điểm tựa
  • Dùng một chiếc gối mềm đặt ở sau lưng
  • Đặt một chiếc gối giữa hai đầu gối, toàn bộ chân liệt đặt lên gối mềm
  • Chân bên lành co hoặc duỗi tự nhiên.

Tư thế nằm nghiêng bên liệt

  • Nằm nghiêng sang bên liệt, bên lành ở phía trên
  • Giữ cho trục cơ thể thẳng
  • Dùng gối có kích thước lớn kê cao đầu đến vai
  • Dùng một gối mềm đặt dọc sau lưng
  • Gập vai, cánh tay bên liệt duỗi vuông góc
  • Chân liệt duỗi thẳng, chân lành đặt trên một chiếc gối và gập vuông góc

Lưu ý:

  • Thường xuyên thay đổi tư thế để tránh máu huyết kém lưu thông và ê mỏi.
Tập tư thế nằm
Tập tư thế nằm giúp cải thiện co cứng, tăng khả năng phục hồi bên liệt và giảm cảm giác tê mỏi hiệu quả

2. Tập sinh hoạt hàng ngày

Sau vài ngày tập tư thế nằm, người bệnh có thể tập một số động tác giúp thích nghi với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Từ đó cải thiện khả năng vận động và chăm sóc bản thân.

Các bước tập sinh hoạt hàng ngày:

Tập thay quần áo

  • Bệnh nhân mặc áo và mặc quần theo thứ tự bên liệt trước, bên lành sau.

Tập mặc quần áo

  • Cởi áo, sau đó cởi quần và thực hiện theo thứ tự bên lành trước, bên liệt sau.

Tập cài khuy, buộc dây giày

  • Dùng bằng hai tay
  • Nếu các ngón bên tay liệt co cứng, người bệnh có thể dùng miếng dán thay thế cho khuy và dây giày để đơn giản thao tác.

Tập di chuyển từ xe lăn hoặc ghế sang giường

  • Kéo xe lăn sát mép giường
  • Người hỗ trợ giúp người bệnh đứng dậy và tựa vào thân người
  • Giúp bệnh nhân xoay người và từ từ hạ xuống giường.

Tập di chuyển từ giường sang xe lăn hoặc sang ghế

  • Để ghế/ xe lăn cạnh giường, sau đó hỗ trợ bệnh nhân bị liệt ngồi ở mép giường
  • Dìu bệnh nhân đứng dậy, để bệnh nhân dựa sát vào người thân
  • Giúp bệnh nhân xoay người và từ từ hạ xuống xe lăn.
Di chuyển từ giường sang xe lăn hoặc sang ghế
Tập di chuyển từ giường sang xe lăn hoặc sang ghế

3. Tập đứng dậy

Đây là bài tập phục hồi chức năng sau tai biến quan trọng. Bài tập này giúp bệnh nhân linh hoạt hơn trong các hoạt động, có thể ngồi xuống, đứng lên, đứng vững và đi lại dễ dàng hơn.

Tập đứng dậy không dùng nạng

  • Người bệnh ngồi sẵn trên ghế, hai chân đặt xuống sàn
  • Hai tay vòng lại và bám lên cổ người thân. Đồng thời người thân đặt hai tay vào thắt lưng của người bệnh
  • Khom người và tỳ gối, dìu bệnh nhân đứng dậy
  • Người thân đứng phía sau, hai tay giữ vào thắt lưng người bệnh để họ tập bước đi.

Tập đứng dậy bằng nạng

  • Người thân/ chuyên gia vật lý trị liệu giúp người bệnh đứng dậy và tập đứng vững trên thanh song song. Lưu ý dồn trọng lượng đều cả hai chân khi đứng dậy
  • Từ từ ngồi xuống, hai chân đặt đều nhau
  • Vịn tay vào nạn
  • Đứng dậy từ từ với lực đứng cân đều trên hai chân.
Tập đứng dậy bằng nạng
Tập đứng dậy bằng nạng giúp bệnh nhân linh hoạt hơn trong các hoạt động

4. Tập đứng thăng bằng

Tập đứng thăng bằng giúp người bệnh cân bằng lực hai bên, giữ vững cơ thể, hỗ trợ tập đi và thực hiện các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến tiếp theo.

Các bước thực hiện:

  • Người bệnh đứng thẳng trên sàn, hai tay dang ngang cân bằng với thân người
  • Từ từ hạ thấp cơ thể và cúi gập người sang hai bên. Lặp lại 10 lần mỗi bên
  • Thường xuyên tập đứng thẳng và đi lại trong thanh song song.
Tập đứng thăng bằng
Tập đứng thăng bằng giúp người bệnh giữ vững cơ thể, cân bằng lực hai bên, hỗ trợ tập đi hiệu quả

5. Tập tập luyện các động tác

Bài tập này có thể giúp người bệnh làm quen với các động tác, tăng cường sức mạnh, nâng cao khả năng phục hồi cơn liệt sau tai biến. Đồng thời giúp bên liệt linh hoạt và chủ động hơn trong các hoạt động.

Tập đưa hai tay lên phía đầu

  • Nằm thẳng trên sàn
  • Hai tay đan lại hoặc tay lành giữ tay liệt
  • Nâng đồng thời hai tay đến ngang tai
  • Sau 3 nhịp đếm, hạ tay về vị trí cũ
  • Thực hiện 10 lần.

Tập nâng mông

  • Nằm thẳng trên sàn, gối đầu
  • Tay duỗi thẳng, bàn tay úp
  • Co gối, bàn chân chạm sàn
  • Tự nâng hông để hông được nâng cao hết mức có thể
  • Giữ nguyên trong 20 giây
  • Hạ thấp thân người
  • Thực hiện 10 lần.
Tập nâng mông
Tập nâng mông giúp tăng cường sức mạnh, nâng cao khả năng phục hồi cơn liệt sau tai biến

Bài tập phục hồi chức năng sau tai biến khi đã cử động được

Khi đã cử động được, người bệnh có thể bắt đầu các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến dưới đây:

1. Bài tập tăng trương lực cơ

Những bài tập tăng trương lực cơ có thể giúp người bệnh hồi chức năng sau tai biến, cải thiện sức mạnh và tăng khối lượng cơ.

Bài tập ức chế lực cơ chân

  •  Ngồi trên giường, tay duỗi thẳng và chống xuống giường
  • Chân liệt thả lỏng, tạo gốc vuông tại đầu gối, bàn chân đặt sát xuống nền nhà
  • Chân lành bắt chéo sang chân liệt
  • Cẳng chân lành tỳ vào đầu gối chân liệt
  • Giữ nguyên tư thế từ 5 – 10 phút.

Bài tập ức chế lực cơ tay

  • Ngồi trên giường, thả lỏng hai chân và chạm sàn
  • Duỗi thẳng tay và chống tay xuống giường, sát với thân người
  • Mở rộng và xòe các ngón tay
  • Dồn lực vào bàn tay và cố gắng nâng người
  • Lặp lại động tác 10 lần.

Có thể nhờ sự hỗ trợ của người thân hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để tập tăng trương lực cơ

Bài tập ức chế lực cơ tay
Bài tập ức chế lực cơ tay có thể được thực hiện bởi hỗ trợ của người thân hoặc chuyên gia vật lý trị liệu

2. Tập phục hồi chức năng cho chân

Bài tập phục hồi chức năng sau tai biến này có tác dụng mở rộng các khớp xương ở chân, tăng cường sức cơ và giúp chuyển động linh hoạt.

Tập gấp háng

  • Ngồi thẳng trên giường hoặc gối, khớp gối vuông góc
  • Người hỗ trợ ôm lấy gối bên liệt của bệnh nhân, từ từ nhấc lên
  • Giữ nguyên tư thế từ 1 – 2 phút.

Tập duỗi gối giúp đứng vững

  • Ngồi thẳng trên ghế
  • Gối duỗi, cẳng chân duỗi thẳng
  • Người hỗ trợ tỳ vào cổ chân để chống lại sự di chuyển và những cử động của bệnh nhân.

Ngồi diễu hành

  • Ngồi thẳng trên ghế
  • Từ từ nâng chân liệt lên ngực
  • Giữ tư thế trong 10 giây, hạ chân xuống
  • Thực hiện tương tự với bên chân lành
  • Lặp lại động tác 10 lần cho mỗi bên chân

Tập khớp mắt cá chân

  • Ngồi trên ghế, bàn chân chạm sàn, chân vuông góc
  • Bắt chéo chân liệt lên chân lành
  • Từ từ uốn cong bàn chân hướng về phía ống chân
  • Giữ tư thế trong 10 giây
  • Thực hiện tương tự với bên chân lành
  • Lặp lại bài tập phục hồi chức năng sau tai biến này 10 lần mỗi bên.

Có thể dùng tay hỗ trợ chân nếu chân không thể tự nâng cao.

Tập mở rộng đầu gối

  • Ngồi trên ghế hoặc giường
  • Mở rộng chân liệt đến khi song song với sàn. Lưu ý không khóa đầu gối
  • Sau 10 giây, hạ chân xuống
  • Thực hiện tương tự với bên chân lành
  • Lặp lại động tác 10 lần cho mỗi bên chân.
Tập mở rộng đầu gối
Tập mở rộng đầu gối giúp tăng cường sức cơ, người bệnh chuyển động linh hoạt

3. Tập giữ thăng bằng và trọng tâm

Bài tập này có tác dụng cải thiện sự căng bằng và trọng tâm của cơ thể. Đồng thời điều chỉnh dáng đi, ổn định sự cốt lõi và giảm nguy cơ ngã.

Tập xoay thân người

  • Ngồi thẳng trên ghế, tay phải đặt bên ngoài đùi trái
  • Nhẹ nhàng vặn thân người sang trái
  • Sau 10 giây, quay trở lại trọng tâm
  • Lặp lại động tác 15 lần
  • Thực hiện tương tự với bên chân còn lại.

Tập duỗi ngón chân

  • Nằm ngửa trên sàn
  • Co gối một góc 90 độ, bàn chân chạm sàn
  • Đưa chân liệt xuống và gõ nhẹ xuống sàn
  • Dùng các cơ cốt lõi để đưa chân trở về vị trí ban đầu
  • Lặp lại 10 lần
  • Thực hiện tương tự với bên chân lành.

Tập co gối

  • Nằm thẳng trên giường, thả lỏng cơ thể
  • Nâng chân liệt, co gối và hướng vào ngực
  • Đan hai tay và đặt dưới gối, ép đầu gối vào ngực (không quá sát)
  • Giữ tư thế trong 10 giây, trở về tư thế ban đầu
  • Lặp lại 10 lần
  • Thực hiện tương tự với bên chân lành.
Tập co gối
Tập co gối giúp cải thiện sự căng bằng và trọng tâm của cơ thể

4. Tập phục hồi chức năng cho cánh tay

Trong thời gian thực hiện những bài tập phục hồi chức năng sau tai biến, người bệnh không nên bỏ qua các bước luyện tập phục hồi chức năng cho cánh tay. Bài tập này có tác dụng cải thiện khả năng di chuyển và cầm nắm cho tay, tăng cường sức cơ. Từ đó giúp bệnh nhân tự chăm sóc bản thân và trở lại cuộc sống hàng ngày.

Bài tập cong cánh tay không trọng lượng

  • Ngồi thẳng
  • Chống khuỷu tay trên bàn, cánh tay uốn cong một góc 90 độ
  • Từ từ cuộn cánh tay lên một chút, giữ 5 giây
  • Hạ cánh tay xuống một chút, giữ 5 giây
  • Lặp lại động tác 10 lần

Bài tập mở cánh tay

  • Ngồi thẳng trên ghế hoặc trên giường
  • Giữ chai nước bằng tay liệt, giữ hai khuỷu tay gần với thân người, uốn cong cánh tay một gốc 90 độ
  • Mở rộng cánh tay sao cho cẳng tay đưa ra hai bên
  • Từ từ di chuyển cánh tay về trung tâm
  • Lặp lại 10 lần.

Bài tập hình tròn trên mặt bàn

  • Ngồi thẳng trên ghế, phía trước có bàn rộng
  • Đặt chai nước trên bàn, đan hai và ôm lấy chai nước
  • Di chuyển đồng thời hai cánh tay để tạo ra những vòng tròn lớn. Nên thực hiện chậm rãi
  • Thực hiện 10 vòng tròn chậm.
Bài tập hình tròn trên mặt bàn
Bài tập hình tròn trên mặt bàn có tác dụng cải thiện những chuyển động của cánh tay bên liệt

5. Tập phục hồi chức năng cho ngón tay, bàn tay và cổ tay

Tập phục hồi chức năng cho ngón tay, bàn tay và cổ tay giúp tăng khả năng phục hồi các cơ nhỏ, giúp các chuyển động của tay trở nên linh hoạt hơn. Đồng thời kích não bộ và giảm các cơn co thắt. Bài tập này cần được thực hiện mỗi ngày cho đến khi phục hồi hoàn toàn.

Tập căng bề mặt tay

  • Duỗi tay mở trên mặt bàn, trên quả bóng tập hoặc trên đùi để cải thiện sự linh hoạt của các ngón tay
  • Thực hiện khi có thời gian rảnh.

Tập chuyển động cổ tay sang hai bên

  • Đặt bài tay liệt trên bàn, lòng bàn tay úp
  • Dùng bàn tay lành trượt bàn tay liệt qua trái, giữ 5 giây (chỉ cổ tay chuyển động)
  • Trượt bàn tay liệt qua phải, giữ 5 giây
  • Trở về trọng tâm
  • Lặp lại động tác 10 lần.

Tập mở rộng bàn tay

  • Đặt chai nước vào lòng bàn tay liệt
  • Nắm tay lại để giữ chặt chai nước
  • Thả tay cầm
  • Lặp lại động tác 10 lần.

Tập tay với bút

  • Đặt bút trên bàn, dùng tay liệt giữ bút
  • Xoay bút bằng các ngón tay
  • Xoay 10 vòng.

Tập uốn cong cổ tay (không có hỗ trợ)

  • Đặt khuỷu tay lên bàn
  • Tay liệt nắm chặt chai nước, dùng tay lành đỡ cánh tay liệt
  • Để cổ tay duỗi xuống, giữ trong 5 giây
  • Cuộn cổ tay lên, giữ trong 5 giây
  • Lặp lại 10 lần.

Tập uốn cong cổ tay (có hỗ trợ)

  • Đặt khuỷu tay lên bàn
  • Dùng bàn tay lành để hỗ trợ và duỗi bàn tay bị ảnh hưởng
  • Mở rộng cổ tay về phía sau trong 5 giây
  • Mở rộng cổ tay về phía trước trong 5 giây
  • Trở về trọng tâm và lặp lại 5 lần.
Tập uốn cong cổ tay (có hỗ trợ)
Tập uốn cong cổ tay có tác dụng cải thiện tính linh hoạt của cổ tay khi chuyển động

6. Tập phục hồi chức năng cho vai và phần thân trên

Bài tập phục hồi chức năng sau tai biến này có tác dụng tăng cường sức cơ, giảm teo cơ và cải thiện khả năng vận động ở phần trên cơ thể.

Tập chống đẩy trên mặt bàn

  • Đặt một chai nước trên mặt bàn
  • Dùng mặt sau của cổ tay liệt đẩy chai nước qua mép bàn. Không nâng cao vai
  • Dùng mặt trước của cổ tay đẩy chai nước về vị trí ban đầu
  • Lặp lại động tác 5 lần.

Tập đẩy về phía trước trên mặt bàn

  • Đặt một chai nước trên mặt bàn
  • Bàn tay liệt nắm chặt để tạo thành nấm đấm
  • Đẩy chai nước về phía trước. Không nâng cao vai
  • Lặp lại động tác 5 lần.

Tập giữ trọng lượng

  • Ngồi trên mép giường hoặc ngồi thẳng chân dưới sàn
  • Chống tay liệt lên giường, nghiêng người hướng về tay liệt
  • Dùng bàn tay lành hỗ trợ và ổn định khuỷu tay bị ảnh hưởng, nhẹ nhàng dựa vào để tạo cảm giác căng nhẹ
  • Giữ động tác này trong 10 giây
  • Trở về vị trí trung tâm
  • Lặp lại 3 – 5 lần.
Tập giữ trọng lượng
Tăng cường sức cơ, giảm teo cơ và cải thiện khả năng vận động bằng bài tập giữ trọng lượng

7. Tập phục hồi cơn liệt sau tai biến

Đây là bài tập phục hồi chức năng sau tai biến không nên bỏ qua. Bài tập này có tác dụng phục hồi liệt nửa người sau tai biến, giúp các chi bị ảnh hưởng vận động linh hoạt thông qua những chuyển động. Đồng thời giảm tê bì chân tay sau tai biến.

Tập lên và xuống (bàn tay)

  • Đặt bàn tay liệt lên mặt bàn, lòng bàn tay hướng lên trên
  • Dùng bàn tay lành lật lòng bàn tay liệt xuống
  • Mở rộng và lật lòng bàn tay liệt lên
  • Lặp lại liên tục 10 lần.

Tập căng tay (cánh tay)

  • Đặt bàn tay liệt lên một cây gậy, bàn tay lành đặt lên trên
  • Từ từ dựa vào cây gậy để tạo cảm giác căng nhẹ ở cánh tay liệt
  • Giữ tư thế trong 3 giây
  • Trở lại trọng tâm
  • Lặp lại động tác 5 lần.

Tập nằm xoay (lưng)

  • Nằm ngửa trên sàn, đầu gối co 90 độ, hai bàn chân đặt trên sàn
  • Đầu gối khuỵu xuống hướng về bên phải, đồng thời vặn người để hạ chân thấp hơn
  • Giữ tư thế trong 3 giây
  • Nâng đầu gối để trở về tư thế ban đầu
  • Thực hiện tương tự, hướng về bên trái
  • Lặp lại động tác 5 lần mỗi bên.
Tập nằm xoay (lưng)
Tập nằm xoay (lưng) là một trong các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến đơn giản nên được thực hiện mỗi ngày

Lưu ý khi thực hiện các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến

Một số lưu ý cơ bản khi thực hiện các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến:

  • Kiên trì thực hiện các bài tập mỗi ngày.
  • Người bệnh cần có quyết tâm cao độ khi thực hiện các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến.
  • Luyện tập đúng cách theo hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu.
  • Có thể thêm một số bài tập tăng cường sức cơ vào quá trình phục hồi chức năng sau tai biến để đạt mục đích điều trị.
  • Lặp đi lặp lại các động tác và đảm bảo sự nhất quán chính là biện pháp giúp kích thích não bộ, phục hồi khả năng vận động trong thời gian ngắn. Vì thế nên lặp lại mỗi bài tập ít nhất 20 lần/ ngày.
  • Trong thời gian đầu có thể gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến. Tuy nhiên người bệnh có thể nhờ chuyên gia vật lý trị liệu hoặc người thân hỗ trợ.
  • Cần đặt giường bệnh ở những nơi thoáng mát, rộng rãi, sạch sẽ để thuận tiện hơn trong các hoạt động và hỗ trợ tốt quá trình phục hồi
  • Quá trình luyện tập phục hồi chức năng sau tai biến của người bệnh cần được quan sát và hỗ trợ bởi chuyên viên hoặc người thân. Tuy nhiên người bệnh cần chủ động tập luyện nhiều hơn và nên tự giác.
  • Bên cạnh các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến, người bệnh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, nên ăn uống đủ chất để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng và tăng tốc độ phục hồi. Tốt nhất nên ăn những loại thực phẩm xanh, sạch và giàu dinh dưỡng như cá, thịt, rau xanh, các loại hạt, các loại đậu, trái cây tươi, nước ép hoa quả, các loại củ… Ngoài ra nên uống nhiều nước. Tránh ăn thực phẩm đã lên men, đồ ăn chiên rán, nhiều chất béo và mỡ, rượu bia, chất kích thích… để hạn chế làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi bệnh.
Luyện tập đúng cách theo hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu
Người bệnh cần kiên trì, luyện tập thường xuyên và đúng cách theo hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu

Các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến có thể giúp người bệnh lấy lại sức mạnh, vận động dễ dàng và trở về với đời sống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên để sớm đạt hiệu quả, người bệnh cần nghe theo hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu và luyện tập đúng cách. Đồng thời kiên trì và thường xuyên cho đến khi phục hồi hoàn toàn.

Câu hỏi liên quan
Trật Khớp Gối Có Đi Được Không
Trật khớp gối có đi được không tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và hoàn cảnh cụ thể của chấn thương. Do đó, nếu trật khớp gối hoặc sau khi chấn thương, người bệnh nên đến bệnh viện ngay ...
Xem chi tiết
Bị Gai Cột Sống Có Nên Uống Canxi Không
Bị gai cột sống có nên uống canxi không? Bổ sung canxi có khiến các triệu chứng gai cột sống trở nên nghiêm trọng hơn không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin chi tiết và hướng ...
Xem chi tiết
Quan Hệ Nhiều Có Ảnh Hưởng Đến Xương Khớp Không
Quan hệ nhiều có ảnh hưởng đến xương khớp không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như tần suất, tư thế và tình trạng sức khỏe tổng thể. Điều quan trọng là quan hệ đều đặn, ...
Xem chi tiết
Đi Bộ Có Tăng Chiều Cao Không
Đi bộ có tăng chiều cao không? Nên đi bộ như thế nào? Luyện tập trong bao lâu là vấn đề được nhiều bạn trẻ quan tâm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đi bộ cũng như bất kỳ hình ...
Xem chi tiết
Gác Chân Lên Tường Hay Bị Tê Chân Có Sao Không
Gác chân lên tường là tư thế yoga có thể cải thiện lưu thông máu, giúp giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, đôi khi tư thế này có thể gây tê, mỏi hoặc đau ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua