Bị bong gân cổ tay nên làm gì? Bao lâu sẽ khỏi?
Bong gân cổ tay là một chấn thương không phổ biến xảy ra khi dây chằng cổ tay bị tổn thương. Hầu hết các trường hợp, tình trạng này không nguy hiểm và có thể được điều trị tại nhà.
Bong gân cổ tay là gì?
Bong gân cổ tay là chấn thương xảy ra khi dây chằng cổ tay bị kéo căng hoặc rách. Dây chằng là các dải mô gắn xương tại khớp. Hai dây chằng phổ biến có thể dẫn đến bong gân là dây chằng cổ tay (nằm ở giữa cổ tay) và khu vực phức hợp sụn sợi hình tam giác (nằm gần bên ngoài cổ tay).
Tình trạng này thường không phổ biến trong cuộc sống và công việc hàng ngày. Tuy nhiên, trong một số điều kiện nhất định chẳng hạn như ngã tiếp đất bằng cánh tay dang rộng hoặc chấn thương thể thao có thể dẫn đến bong gân.
Bong gân có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng và được phân loại như sau:
- Độ 1, bong gân nhẹ: Tình trạng này xảy ra khi dây chằng bị kéo căng quá mức nhưng không bị rách.
- Độ 2, bong gân trung bình: Tình trạng này xảy ra khi một phần dây chằng bị rách, gây hạn chế chức năng ở cổ tay hoặc bàn tay.
- Độ 3, bong gân nghiêm trọng: Tình trạng này xảy ra khi dây chằng bị rách hoàn toàn, điều này có thể kéo xương hoặc một mảnh xương ra khỏi vị trí ban đầu, gây đau đớn và sưng tấy nghiêm trọng.
Bong gân cấp độ 3 cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có biện pháp xử lý kịp thời.
Hầu hết các trường hợp, bong gân có thể được điều trị bằng các biện pháp tại nhà và luyện tập phù hợp. Nếu bong gân nghiêm trọng, người bệnh có thể cần nẹp cố định hoặc phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng.
Dấu hiệu nhận biết bong gân cổ tay
Trong trường hợp bong gân nhẹ, người bệnh có thể cảm thấy cổ tay hơi sưng và mềm hoặc đau đớn khi cử động. Trong các trường hợp bong gân nghiêm trọng hơn, cổ tay có thể bị sưng tấy hoặc thay đổi hình dạng. Người bệnh có thể bị bầm tím (chuyển sang màu xanh đen) và cảm thấy đau đớn nghiêm trọng khi cố gắng cử động tay.
Người bệnh bị bong gân thường cảm thấy đau đớn từ nhẹ đến nghiêm trọng. Các triệu chứng có thể được chia thành phổ biến và ít gặp.
1. Triệu chứng phổ biến
các triệu chứng phổ biến khi bị bong gân cổ tay bao gồm:
- Đau đớn: Đau là dấu hiệu bong gân phổ biến nhất. Cơn đau thường có xu hướng giảm sau vài ngày, tuy nhiên các hoạt động như nắm chặt tay hoặc nâng cao tay có thể khiến cơn đau nghiêm trọng hơn. Các hoạt động như mở bình nước hoặc nắm tay nắm cửa cũng có thể gây đau cổ tay.
- Sưng tấy: Cổ tay bị bong gân có thể bị sưng tấy di tích tụ chất lỏng bên trong khớp và không gian mô của vùng bị tổn thương. Tình trạng sưng thường phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bong gân.
- Cứng khớp và giảm tính linh hoạt: Cứng khớp ở cổ tay có thể do sưng, co thắt cơ do chấn thương dây chằng. Ngoài ra, bong gân cũng có thể giảm chuyển động ở tay, đặc biệt là khi uốn cong cổ tay về phía sau.
- Yếu khớp: Trong trường hợp nghiêm trọng, bong gân có thể gây giảm sức nắm và sức bóp ở cổ tay. Tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh thực hiện các thao tác đẩy cổ tay.
2. Các triệu chứng hiếm gặp
Bong gân cổ tay có thể dẫn đến một số biến chứng hiếm gặp, chẳng hạn như:
- Bầm tím: Vết bầm tím có thể hình thành trên cổ tay do các mạch máu dưới da bị vỡ và rò rỉ máu vào các khoảng mô. Điều này có thể gây thay đổi màu da từ đỏ, đen, xanh lam hoặc bầm tím. Đôi khi vết bầm có thể kéo dài đến các ngón tay.
- Da cổ tay ấm: Bong gân làm tăng lưu lượng máu để cổ tay và khiến da ở khu vực này nóng lên.
- Tê ngón tay: Bong gân nghiêm trọng có thể khiến xương cổ tay bị lệch và đè lên một hoặc nhiều dây thần kinh. Điều này có thể gây tê một hoặc nhiều ngón tay.
- Viêm bao hoạt dịch: Trong một số trường hợp, bong gân từ trung bình đến nghiêm trọng có thể dẫn đến viêm bao hoạt dịch ở cổ tay.
- Cảm giác bất ổn: Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cảm thấy xương bị lệch khỏi vị trí ban đầu và gây khó chịu.
Đôi khi các triệu chứng bong gân có thể là dấu hiệu tổn thương gân, gãy xương hoặc chấn thương dây thần kinh. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp.
Nguyên nhân gây bong gân cổ tay
Bong gân cổ tay có thể là do uốn, vặn hoặc các lực tác động mạnh lên cổ tay do tai nạn giao thông, té ngã hoặc va chạm thể thao. Đôi khi các chấn thương mãn tính, lặp lại nhiều lần ở dây chằng cổ tay cũng có thể dẫn đến bong gân.
Một số yếu tố có thể gây căng thẳng và rách dây chằng ở cổ tay, chẳng hạn như:
1. Té ngã
Nâng đỡ bản thân khỏi ngã bằng cách dang rộng cánh tay là phản xạ phổ biến khi bị mất thăng bằng hoặc trượt ngã. Hành động này là một trong những nguyên nhân chính có thể khiến cổ tay bị bong gân.
Khi tình trạng này xảy ra, các yếu tố có thể xác định mức độ nghiêm trọng của bong gân bao gồm:
- Vị trí của bàn tay
- Lực tác động lên bàn tay
- Khoảng thời gian lực tác động lên bàn tay
Bong gân do té ngã có thể xảy ra trong các tai nạn, chẳng hạn như trượt ngã trên mặt băng, tuyết, các bề mặt ẩm ướt, té ngã từ cầu thang hoặc từ trên cao. Ngoài ra, một số hoạt động giải trí, chẳng hạn như trượt băng, trượt ván, trượt patin cũng có thể gây bong gân khi té ngã.
2. Chấn thương thể thao
Chấn thương do chơi một số môn thể thao nhất định có thể gây cong hoặc trật khớp cổ tay, dẫn đến căng quá mức hoặc rách một (hoặc nhiều) dây chằng. Điều này có thể dẫn đến bong gân. Cụ thể các môn thể thao có thể gân bong gân bao gồm:
- Các môn thể thao dùng vợt chẳng hạn như quần vợt có thể làm tăng nguy cơ tổn thương dây chằng cổ tay do tác động lực đột ngột hoặc do chấn thương lập lại thường xuyên. Các môn thể thao liên quan đến việc đột ngột vặn và giật cổ tay khác, chẳng hạn như bóng chày cũng có thể dẫn đến bong gân.
- Khúc côn cầu yêu cầu hoạt động ấn gậy xuống mặt sàn, sau đó thả ra để thực hiện cụ đáng. Điều này có thể gây chấn thương dây chằng cổ tay và bong gân.
- Nâng tạ có thể gây bong gân dây chằng cổ tay do uốn cong cổ tay quá phạm vi bình thường. Bong gân do nâng tạ có thể xảy ra đột ngột hoặc theo thời gian khi dây chằng bị tác động thường xuyên.
- Chơi golf có thể gây tác động và vặn cổ tay lặp lại thường xuyên. Điều này gây tổn thương một phần hoặc toàn bộ dây chằng ở cổ tay.
- Quyền anh thực hiện các hoạt động đánh liên tục vào đối thủ hoặc bao cát mà không có sự hỗ trợ ở cổ tay. Điều này có thể gây tác động lớn đến dây chằng và gây bong gân.
Bong gân cổ tay do thể thao có thể được phòng ngừa bằng cách sử dụng nẹp hoặc dụng cụ hỗ trợ cổ tay khác. Ngoài ra khởi động đúng cách có thể nới lỏng dây chằng ở cổ tay và ngăn ngừa bong gân hiệu quả.
3. Tai nạn xe
Cúi hoặc uốn cong cổ tay quá mức trong các tai nạn xe có thể dẫn đến chấn thương dây chằng.
Bong gân có thể dẫn đến nhiều rủi ro nghiêm trọng nếu không được điều trị phù hợp. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để đánh giá y tế và được chăm sóc phù hợp.
Bong gân cổ tay có nguy hiểm không?
Chấn thương dây chằng nghiêm trọng có thể gây tổn thương các dây chằng khác, xương cổ tay và sụn ở cổ tay. Khi dây chằng bị rách hoàn toàn, một mảnh xương có thể bị đứt theo dây chằng. Tình trạng này cần được chăm sóc y tế chuyên nghiệp, thậm chí là phẫu thuật để điều trị dây chằng bị rách.
Nếu không được điều trị phù hợp, bong gân có thể trở nên nghiêm trọng, gây đau đớn liên tục, mất ổn định khớp và yếu khớp. Ngoài ra, đôi khi bong gân có thể dẫn đến viêm khớp, cứng khớp, thoái hóa khớp và hạn chế cử động ở cổ tay.
Một số triệu chứng nhất định của bong gân cổ tay có thể là dấu hiệu của các tình trạng nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Cụ thể, người bệnh nên đến bệnh viện ngay khi:
- Sưng hoặc bầm tím nghiêm trọng
- Đau nghiêm trọng đột ngột hoặc biến dạng cổ tay, bàn tay hoặc cẳng tay
- Không có khả năng cử động tay hoặc có áp lực tác động lên cổ tay kéo dài vài ngày
- Tê dai dẳng hoặc ngứa ran ở ngón tay, bàn tay hoặc cẳng tay
Các triệu chứng này có thể là dấu hiệu gãy xương hoặc chấn thương dây thần kinh ở tay. Do đó, người bệnh cần được đánh giá y tế để có biện pháp điều trị phù hợp.
Chẩn đoán bong gân cổ tay
Để chẩn đoán bong gân ở cổ tay, bác sĩ có thể kiểm tra tiền sử bệnh án, khám sức khỏe và thực hiện các xét nghiệm để đánh giá mức độ ổn định của cổ tay.
Các phương pháp và xét nghiệm chẩn đoán bong gân ở cổ tay bao gồm:
- Kiểm tra thể chất: Bác sĩ có thể ấn nhẹ vào khớp cổ tay hoặc kiểm tra sức mạnh, cảm giác và khả năng phản xạ ở tay để chẩn đoán tình trạng liên quan.
- Chụp X – quang: Hình ảnh X – quang có thể xác định tình trạng tổn thương dây chằng ở cổ tay. Trong trường hợp bong gân mãn tính, hình ảnh X – quang có thể giúp bác sĩ quan sát xương cổ tay hoặc các chấn thương dây chằng liên quan.
- Siêu âm khớp: Siêu âm cổ tay có thể xác định tình trạng viêm, rách dây chằng và các chấn thương khớp, động mạch, tĩnh mạch hoặc các dây thần kinh liên quan. Sưng và tích tụ chất lỏng cũng được xác định thông qua siêu âm.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI có thể xác định các chấn thương dây chằng cũng như chấn thương mô mềm, sụn, dây thần kinh và các khớp khác.
Trong một số trường hợp, nếu không xác định được tình trạng bong gân, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm chuyên môn chẳng hạn như chụp cắt lớp vi tính nhiều máy dò khớp (MDCT), nội soi khớp cổ tay hoặc đo khớp cộng hưởng từ (MRA).
Biện pháp điều trị bong gân cổ tay
Mục tiêu điều trị bong gân là giảm đau và phục hồi chức năng bình thường của cổ tay. Thông thường, tình trạng này có thể được điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật. Tuy nhiên trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần phẫu thuật để tránh các rủi ro liên quan.
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Sau khi xem xét các yếu tố, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị, chẳng hạn như:
1. Điều trị không phẫu thuật
Bong gân cổ tay nhẹ có thể được điều trị các phương pháp không phẫu thuật. Người bệnh có thể tham khảo các biện pháp hỗ trợ giảm đau và thúc đẩy quá trình chữa lành như sau:
- Phương pháp sơ cứu chấn thương: Người bệnh có thể thực hiện sơ cứu chấn thương bằng cách dành thời gian nghỉ ngơi, chườm đá vào khu vực bị tổn thương, nẹp cố định cổ tay bằng băng thun và nâng cao cổ tay hơn tim để cải thiện các triệu chứng. Thực hiện sơ cứu ngay sau chấn thương, đặc biệt là trong 24 – 72 giờ đầu tiên để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Nẹp cổ tay: Đeo nẹp cổ tay có thể giúp giảm cử động khớp quá mức hoặc sử dụng khớp đột ngột. Điều này có thể ngăn ngừa các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS): Các loại NSAID không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen và naproxen có thể hỗ trợ giảm đau và sưng ở cổ tay bị bong gân. Sử dụng thuốc theo liều lượng được khuyến cáo để tránh các tác dụng phụ liên quan.
- Vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu có thể xây dựng sức mạnh, cải thiện tính linh hoạt và kích thích các hoạt động ở cổ tay. Tuy nhiên, các bài tập cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn để tránh gây chấn thương cổ tay.
Ngoài ra, người bệnh cần nghỉ ngơi vài tuần trước khi quay lại các hoạt động thể chất. Căng thẳng và áp lực lên dây chằng có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Trao đổi với bác sĩ điều trị trước khi tiến hành các biện pháp tự chăm sóc để tránh các rủi ro liên quan.
2. Phẫu thuật
Trong trường hợp chấn thương nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để điều trị tình trạng bong gân ở cổ tay. Phẫu thuật thường được đề nghị trong trường hợp các phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả hoặc khi cơn đau kéo dài hơn 6 tuần liên tục.
Tùy thuộc vào chấn thương liên quan, phẫu thuật có thể được thực hiện thông qua nội soi hoặc phẫu thuật mở.
Bong gân cổ tay bao lâu thì lành?
Tình trạng bong gân nhẹ có thể được cải thiện trong 24 đến 48 giờ sau khi bắt đầu điều trị. Tuy nhiên cần 1 đến 2 tuần để các triệu chứng được cải thiện hoàn toàn.
Nếu người bệnh bị chấn thương hoặc bong gân vừa và nặng, các triệu chứng có thể kéo dài khoảng 6 đến 8 tuần. Ngoài ra, hầu hết người bệnh cần mang nẹp cố định để tránh các chấn thương liên quan.
Trong trường hợp bong gân nghiêm trọng, người bệnh có thể cần 8 đến 12 tuần để cải thiện các triệu chứng. Ngoài ra, có thể mất 6 đến 12 tháng để phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là khi cần phẫu thuật điều trị.
Phòng ngừa bong gân cổ tay
Không có biện pháp phòng ngừa tất cả các tai nạn có thể gây bong gân, tuy nhiên người bệnh có thể hạn chế tối đa nguy cơ té ngã. Cụ thể, một số biện pháp phòng ngừa bong gân bao gồm:
- Thận trọng khi đi dưới trời mưa, tuyết hoặc khi thời tiết ẩm ướt
- Sử dụng thiết bị bảo vệ cổ tay khi chơi bóng rổ, trượt tuyết hoặc trượt ván
- Đi giày vừa chân để hạn chế nguy cơ té ngã
- Nâng vật nặng bằng cả hai tay để giảm áp lực lên mỗi bên cổ tay
Trong hầu hết các trường hợp, cổ tay bị bong gân không nghiêm trọng và có thể được điều trị bằng cách nghỉ ngơi, chườm đá và sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn. Bong gân nhẹ có thể lành trong 2 tuần trong khi bong gân vừa phải có thể cần 6 đến 8 tuần để chữa lành.
Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần phẫu thuật điều trị và cần khoảng 6 đến 12 tháng để phục hồi sau điều trị.
Thông tin thêm: Dấu hiệu bong gân cổ chân và cách xử lý, điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!