Bị Gãy Xương Mắt Cá Chân Bao Lâu Lành? Cách Chăm Sóc
Bị gãy xương mắt cá chân bao lâu lành phụ thuộc vào loại gãy xương, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, quá trình điều trị và các biện pháp tự chăm sóc. Điều quan trọng là đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị theo lời khuyên của bác sĩ chuyên môn.
Thông tin cần biết khi gãy xương mắt cá chân
Gãy xương mắt cá chân được định nghĩa là gãy ở bất cứ xương nào tạo nên mắt cá chân. Khớp mắt cá được cấu tạo bởi ba xương chính bao gồm xương chày, xương mác và xương sên. Bất kỳ vết gãy nào đối với một trong các xương này đều được coi là gãy mắt cá chân. Gãy xương có nhiều mức độ nghiêm trọng, từ gãy xương do căng thẳng hoặc gãy hoàn toàn mắt cá chân.
Các triệu chứng gãy xương mắt cá chân bao gồm đau, sưng hoặc bầm tím ở khu vực này. Ngoài ra, người bệnh có thể bị khó cử động, cứng khớp, gặp khó khăn khi nâng đỡ trọng lượng cơ thể và không thể đi lại. Trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, gãy xương có thể khiến xương mắt cá chân nhô qua da, các ngón chân của người bệnh có màu sắc kỳ lạ, chẳng hạn như tím, xanh lam hoặc đen.
Có một số nguyên nhân dẫn đến gãy mắt cá chân. Trong đó những hoạt động gây áp lực, chẳng hạn như nhảy cao, có thể gây căng thẳng ở xương chày, xương mác và xương sên, dẫn đến gãy xương. Các nguyên nhân khác có thể bao gồm do vặn cổ chân, lật sơ mi cổ chân, đẩy xương ra khỏi phạm vi chuyển động bình thường, gây tổn thương gân và dẫn đến gãy xương.
Để chẩn đoán gãy xương, bác sĩ có thể đề nghị chụp X – quang và từ đó chỉ định các biện pháp điều trị phù hợp. Điều quan trọng là lưu ý các triệu chứng gãy xương và các vấn đề xương khớp khác để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Bị gãy xương mắt cá chân bao lâu lành?
Bị gãy xương mắt cá chân bao lâu lành phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết gãy. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, thời gian này kéo dài từ 6 – 12 tuần.
Tình trạng gãy xương nhẹ, không cần phẫu thuật có thể lành trong khoảng 6 tuần. Trong khoảng thời gian này, người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi và thực hiện vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ. Bác sĩ cũng có thể chỉ định chụp X – quang để kiểm tra quá trình lành xương và đề nghị kế hoạch chăm sóc phù hợp.
Các trường hợp gãy xương nghiêm trọng và cần phẫu thuật điều trị, mất ít nhất là 12 tuần
Ngoài ra, bị gãy xương mắt cá chân bao lâu lành cũng phụ thuộc vào loại xương bị gãy, cụ thể như sau:
1. Gãy xương mác
Loại gãy xương này chỉ ảnh hưởng đến xương mác, được gọi là gãy xương mắt cá chân bên và là loại gãy mắt cá chân phổ biến nhất.
Thông thường, gãy mắt cá chân bên mất 6 tuần để hồi phục mà không cần phẫu thuật. Trong trường hợp gãy xương nghiêm trọng và cần phẫu thuật điều trị, người bệnh có thể mất 6 – 12 tuần để phục hồi.
2. Gãy xương chày
Đây là kiểu gãy xương ảnh hưởng đến phần đầu của xương chày. Loại gãy này không phổ biến như gãy xương mác. Chấn thương này thường dẫn đến di lệch và được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Tùy thuộc vào loại phẫu thuật cũng như các biến chứng, việc chữa lành có thể mất từ 6 – 12 tuần.
3. Gãy mắt cá chân Bimalleolar
Gãy Bimalleolar là những vết gãy liên quan đến cả xương mác và xương chày. Loại gãy xương này dẫn đến khớp cổ chân không ổn định và cần được theo dõi để đảm bảo xương lành lại ở vị trí chính xác nhất.
Thông thường loại gãy xương này cần được phẫu thuật để điều trị hiệu quả. Thời gian phục hồi có thể mất khoảng 3 – 4 tháng.
4. Gãy xương tại đĩa sụn tăng trưởng
Gãy xương tại đĩa sụn tăng trưởng (Salter Harris) có thể bao gồm gãy xương chày, xương mác và xương sên.
Gãy xương tại đĩa sụn tăng trưởng phổ biến ở trẻ em và được xếp vào nhóm gãy xương nghiêm trọng. Bác sĩ có thể đề nghị chụp X – quang để xác định loại gãy xương này và chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp nhất. Gãy Salter Harris có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật hoặc không phẫu thuật, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
Gãy xương tại đĩa sụn tăng trưởng có thời gian phục hồi khác nhau, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết gãy. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, cần khoảng 4 đến 6 tuần để chữa lành tình trạng gãy xương.
Cách chăm sóc để phục hồi gãy mắt cá chân
Để rút ngắn thời gian phục hồi gãy mắt cá chân cũng như ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra, người bệnh nên thực hiện một số bước chăm sóc tại nhà theo lời khuyên của bác sĩ. Các biện pháp chăm sóc bao gồm:
1. Nâng cao chân
Sau khi bị gãy mắt cá chân, dấu hiệu phổ biến nhất là sưng tấy tại vị trí bị gãy. Các triệu chứng sưng hoặc phù nề có thể được kiểm soát thông qua quá trình sắp xếp lại xương và nâng cao chân. Bằng cách kiểm soát tình trạng sưng tấy, người bệnh có thể hỗ trợ mắt cá chân bị gãy và thúc đẩy nhanh thời gian phục hồi tổng thể.
Nâng cao mắt cá chân cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc bị gãy xương mắt cá chân bao lâu lành. Hãy giữ mắt cá chân ngang với tim, bởi vì điều này có thể giúp lượng máu lưu thông đến chân đều hơn, giúp giảm sưng và đau.
Dành thời gian nâng cao mắt cá chân cũng có thể giảm trọng lượng và áp lực lên mắt cá chân. Điều này giúp chân nhanh lành hơn và ngăn ngừa các chấn thương thêm.
2. Sử dụng nạng khi di chuyển
Đôi khi bác sĩ có thể đề nghị người bệnh sử dụng nạng để hỗ trợ mắt cá chân bị gãy. Có nhiều loại nạng khác nhau, tuy nhiên hãy chọn loại nạng phù hợp với nhu cầu và lối sống.
Những chiếc nạng được sử dụng để tránh gây áp lực lên mắt cá chân và ngăn ngừa tình trạng tái gãy xương. Các thiết bị này thường được sử dụng với ủng đi bộ cho người gãy mắt cá chân để việc di chuyển trở nên thoải mái hơn.
3. Vật lý trị liệu gãy mắt cá chân
Tùy thuộc vào chấn thương, chân có thể cần bất động trong một hoặc nhiều tuần. Điều này có thể gây mất sức mạnh ở một số cơ, gân và khiến chân trở nên cứng.
Đôi khi người bệnh cần thực hiện vật lý trị liệu để đưa cơ và gân trở lại trạng thái khỏe mạnh. Bác sĩ có thể đề nghị nhiều hình thức vật lý trị liệu khác nhau để xác định hình thức phù hợp nhất.
Vật lý trị liệu cho phép phục hồi hiệu quả xương, gân và cơ tạo nên khớp mắt cá chân. Chương trình vật lý trị liệu có thể được thực hiện với sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để giúp phục hồi nhanh chóng nhất. Vật lý trị liệu cũng có thể giúp ngăn ngừa chứng đau mắt cá chân bị gãy tái phát sau nhiều năm điều trị. Ngoài ra, vật lý trị liệu cũng được công nhận là phương pháp chữa lành tình trạng gãy xương, giúp xương chắc khỏe và ngăn ngừa các biến chứng tốt nhất.
4. Chườm đá giảm đau
Chườm đá là một trong những phương pháp giảm đau và phục hồi sau khi gãy xương phổ biến nhất. Người bệnh có thể chườm túi đá lên khu vực đau hoặc quấn cổ chân với một chiếc khăn lạnh và nâng cao chân để cải thiện các triệu chứng.
5. Bài tập phục hồi mắt cá chân bị gãy
Sau khi xương gãy đã lành lại, người bệnh có thể thực hiện một số bài tập để hỗ trợ quá trình chữa lành. Tập luyện phù hợp cũng giúp ngăn ngừa chấn thương gân, cứng khớp, tăng sức khỏe của mắt cá chân và tăng phạm vị chuyển động.
Vật lý trị liệu sẽ cải thiện khả năng vận động và giúp người bệnh trở lại các hoạt động bình thường. Một số bài tập phổ biến, hiệu quả và an toàn bao gồm:
Tăng phạm vi chuyển động của mắt cá chân:
- Người tập ngồi trên bề mặt cứng hoặc nằm với hai chân dang rộng, đầu gối hướng lên trần nhà. Hướng các ngón chân bị thương ra khỏi cơ thể sau đó hướng về cơ thể.
- Xoay tròn đầu bàn chân bằng cách di chuyển mắt cá chân và bàn chân. Không di chuyển toàn bộ chân.
- Thực hiện động tác 10 lần.
Căng chân với khăn:
- Ngồi trên sàn nhà với bàn chân bị thương duỗi ra phía trước. Đặt một chiếc khăn quanh bàn chân, kéo nhẹ khăn về phía cơ thể mà không uốn cong đầu gối, giữ yên trong 30 giây.
- Để đạt hiệu quả kéo căng tốt nhất, hãy thực hiện bài tập 3 lần.
Căng mắt cá chân với dây phản xạ:
- Ngồi trên sàn nhà hoặc một bề mặt cứng với chân bị thương dang ra trước mặt. Vòng dây đàn hồi qua phần trên của bàn chân, mỗi tay giữ một đầu dây ở hai bên chân.
- Đẩy bàn chân ra khỏi cơ thể và quay lại vị trí ban đầu. Thực hiện bài tập từ 2 – 15 hiệp.
Căng bắp chân đứng:
- Đứng thẳng và đối mặt với một bức tường, hai tay chống tường ở ngang tầm mắt. Giữ bàn chân bị thương lại, các ngón chân hơi hướng vào trong. Chân còn lại phải hướng về phía trước với đầu gối uốn cong.
- Dựa vào tường cho đến khi cảm thấy bắp chân sau căng ra. Quay trở lại vị trí ban đầu.
- Thực hiện động tác này vài lần mỗi ngày, căng giữ tối đa trong 30 giây mỗi lần.
Khi mắt cá chân đã lành và người bệnh có thể đứng trên mắt cá chân mà không bị đau, có thể thực hiện các bài tập như:
Bậc thang:
- Đặt bàn chân bị thường lên một khối gỗ nhỏ hoặc bậc thang (cao khoảng 8 – 13 cm) với chân còn lại để phẳng trên mặt đất.
- Chuyển trọng lượng cơ thể lên chân bị thương đang đặt trên bục. Duỗi chân bị thương trong khi chân còn lại bắt đầu rời khỏi mặt đất.
- Gập chân bị thương để đưa chân còn lại quay lại vị trí ban đầu.
- Thực hiện động tác từ 2 – 15 lần.
Nhón gót chân:
- Sử dụng một chiếc ghế để làm điểm tựa. Đứng trên một mặt phẳng phía sau ghế với cả hai chân đặt trên mặt đất. Nâng người lên, giữ trong vài giây. Hạ thấp người xuống, cố gắng không sử dụng sự hỗ trợ của ghế.
- Khi mắt cá chân khỏe hơn, chỉ đúng trên chân bị thương để nâng và hạ thấp cơ thể.
- Lặp lại từ 2 – 15 lần với khoảng 30 giây nghỉ ngơi mỗi lần.
Các biện pháp chăm sóc người bị gãy mắt cá chân có thể hỗ trợ quá trình phục hồi và ngăn ngừa các biến chứng liên quan. Điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn các biện pháp chăm sóc cũng như phục hồi chấn thương phù hợp nhất.
Lưu ý và phòng ngừa khi bị gãy mắt cá chân
Mất ít nhất 6 tuần để phục hồi xương mắt cá chân bị gãy. Thời gian phục hồi có thể kéo dài hơn nếu có bất cứ dây chằng hoặc gân nào bị tổn thương. Khi vết thương lành, điều quan trọng là phục hồi phạm vi vận động và sức mạnh ở mắt cá chân. Tốc độ phục hồi có thể phụ thuộc vào chương tập luyện và vật lý trị liệu của người bệnh.
Bên cạnh đó, để tăng khả năng phục hồi cũng như hạn chế các chấn thương liên quan, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như:
- Không tạo áp lực lên mắt cá chân trong thời gian bác sĩ khuyến cáo cần được nghỉ ngơi. Việc đặt trọng lượng lên chân bị thương trước khi chân lành hoàn toàn có thể dẫn đến các chấn thương thêm và ngăn cản quá trình hồi phục nhanh chóng.
- Sử dụng các thiết bị được chỉ định để hỗ trợ bàn chân khi cần di chuyển.
- Nếu thực hiện phẫu thuật điều trị gãy xương mắt cá chân, hãy thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để tối ưu hóa quá trình liền xương.
- Kiểm soát lượng đường trong máu nếu bị tiểu đường. Bởi vì lượng glucose không được kiểm soát có thể làm chậm quá trình phục hồi sau khi gãy mắt cá chân.
- Ngừng hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá. Bởi vì nicotine có trong thuốc lá có thể làm chậm quá trình lành vết thương và liền xương.
Ngoài ra, mặc dù hầu hết các tai nạn và chấn thương dẫn đến gãy xương mắt cá chân đều không thể phòng ngừa, tuy nhiên người bệnh có thể hạn chế nguy cơ chấn thương với một số lưu ý như:
- Đi giày dép phù hợp với các hoạt động đang thực hiện.
- Sử dụng các thiết bị bảo hộ để ngăn ngừa chấn thương.
- Tập thể dục thường xuyên để giữ cho các cơ xung quanh mắt cá chân luôn khỏe mạnh và ổn định.
Gãy mắt cá chân là một chấn thương gây đau đớn và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Bị gãy xương mắt cá chân bao lâu lành phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của mắt cá bị gãy và các biện pháp chăm sóc. Trao đổi với bác sĩ để có kế hoạch chăm sóc cũng như phòng ngừa phù hợp để đảm bảo mắt cá chân phục hồi tốt nhất.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!