Bị Gãy Xương Gót Chân Bao Lâu Thì Khỏi? Cách Nhanh Lành
Gãy xương gót chân bao lâu thì khỏi còn phụ thuộc vào phân loại (mức độ nghiêm trọng) của gãy xương gót chân. Thông thường người bệnh có thể trở lại hoạt động sau vài tháng nhưng cũng có thể mất vài năm để phục hồi hoàn toàn.
Hiểu thêm về gãy xương gót chân
Xương gót tạo nên gót chân, là xương lớn nhất trong các xương cổ chân, có xương sên ở phía sau và xương hình hộp ở phía trước. Xương này có nhiệm hỗ trợ bàn chân khi di chuyển và truyền tải phần lớn trọng lượng cơ thể từ xương sên xuống đất.
Gãy xương gót là tình trạng xương gót chân có vết nứt, gãy hoặc bị vỡ. Tùy thuộc vào lực tác động và vị trí vết nứt, người bệnh có thể bị gãy xương trong khớp hoặc gãy xương ngoài khớp với mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Sau chấn thương, bệnh nhân bị đau gót chân đột ngột, đau sâu bên trong kèm theo sưng tấy, đỏ hoặc tụ máu bầm ở vùng tổn thương. Ngoài ra xương gãy khiến bàn chân không thể chịu trọng lượng, bệnh nhân khó đi lại, gót chân bị biến dạng ở trường hợp nặng.
Tuy nhiên gãy xương gót chân cũng có thể nhẹ đến mức người bệnh chỉ cảm thấy đau nhẹ, đi khập khiễng do giảm tính ổ định ở khớp mắt cá chân và chân. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân được phẫu thuật (giảm đóng hoặc giảm mở) hay điều trị không phẫu thuật (bó bột/ dùng nẹp cố định gót chân gãy) để xương lành lại đúng cách.
Ngoài ra bệnh nhân được yêu cầu phục hồi chức năng sớm và tích cực để lấy lại chức năng hoàn toàn. Gãy xương gót chân là một chấn thương nghiêm trọng và dễ gây biến chứng lâu dài (như đau mãn tính, viêm khớp, khó đi lại). Tuy nhiên chấn thương có tiên lượng khá tốt khi điều trị sớm và tích cực.
Gãy xương gót chân bao lâu thì khỏi?
Gãy xương gót chân bao lâu thì khỏi còn phụ thuộc vào những yếu tố dưới đây:
- Phân loại, mức độ nghiêm trọng của chấn thương
- Phương pháp điều trị chính và phục hồi chức năng
Gót chân là bộ phận chịu toàn bộ áp lực từ trọng lượng cơ thể, có nhiệm vụ truyền tải trọng lượng từ xương sên xuống đất. Ngoài ra vùng gót chân có ít mạch máu hơn so với những phần xương khác. Chính vì thế mà xương gót chân thường có thời gian liền lại lâu hơn.
Thông thường, bệnh nhân bị gãy xương gót chân nhẹ mất từ 4 – 6 tuần để hình thành can xương; mất 3 đến 4 tháng để đi lại và trở lại với những hoạt động bình thường. Một số trường hợp có thời gian phục hồi lâu hơn (khoảng 6 tháng) nếu không tập phục hồi chức năng đầy đủ và tích cực.
Đối với những bệnh nhân bị gãy gót chân nghiêm trọng, phải mất từ 1 – 2 năm để chỗ gãy phục hồi hoàn toàn. Để đảm bảo tốc độ phục hồi, người bệnh được yêu cầu bất động và nâng cao đúng cách, gồng cơ và tập thụ động trong thời gian đầu (khoảng 0 – 9 tuần đầu tiên sau chấn thương). Tập chủ động, đi lại, tập tăng cường sức cơ trong những giai đoạn tiếp theo.
Hiếm khi bệnh nhân bi gãy xương gót chân nặng có thể hồi phục ở mức trước chấn thương. Bệnh nhân hầu như không thể thực hiện cử động bình thường ở chân và mắt cá chân, có xu hướng bước đi không tự nhiên.
Những bất thường sau gãy xương gót không làm ảnh hưởng đến những người có công việc và lối sống ít vận động. Tuy nhiên, vận động viên hoặc những người có công việc thường xuyên phải đi bộ nhiều, leo núi… có thể cần phải thay đổi định hướng, lối sống và nghề nghiệp.
Biện pháp giúp gãy xương gót chân nhanh lành
Người bệnh thường được phẫu thuật sớm. Phương pháp này giúp phục hồi cấu trúc giải phẫu của xương gót chân. Một số trường hợp có thể không cần phẫu thuật, bệnh nhân được dùng nẹp hoặc bó bột để cố định xương gãy trong khi nó lành lại.
Để tăng tốc độ liền xương, lấy lại cử động bình thường ở chân và mắt cá chân, những phương pháp khác sẽ được thực hiện trong quá trình điều trị và phục hồi. Cụ thể:
1. Cố định nghiêm túc
Sau gãy xương gót chân/ phẫu thuật, người bệnh được cố định chân gãy bằng nẹp hoặc bó bột. Biện pháp này giúp giữ xương ở vị trí đúng trong khi lành. Từ đó giúp xương lành lại đúng cách.
Trước khi xương liền lại, người bệnh cần tránh đặt bất kỳ trọng lượng nào lên chân bị thương. Nên bất động trong thời gian này hoặc sử dụng nạng/ gậy khi di chuyển. Điều này giúp xương lành lại đúng cách, không gây đau và tổn thương thêm cho chân.
Sau 2 tuần, nên gồng cơ, chuyển động nhẹ nhàng ở đầu gối và cổ chân để hạn chế một số biến chứng sau phẫu thuật và bó bột, chẳng hạn như cứng khớp, hình thành cục máu đông. Sau vài tuần có thể tập vật lý trị liệu.
2. Chăm sóc vết mổ đúng cách
Để tránh nhiễm trùng vết thương làm ảnh hưởng đến quá trình liền lại của xương, người bệnh cần giữ cho vết thương luôn khô và sạch sẽ. Tránh làm ướt băng bột để không ảnh hưởng đến vết mổ. Cắt chỉ sau vài tuần theo lịch hẹn của bác sĩ.
Ngoài ra người bệnh nên tái khám và chụp X-quang theo lịch hẹn. Điều này giúp bác sĩ theo dõi quá trình lành xương, đánh giá phương pháp điều trị. Đồng thời phát hiện những bất thường để có phương pháp điều trị thích hợp.
3. Kiểm soát sưng và đau
Người bệnh thường được yêu cầu nâng cao và chườm đá trong vòng 2 ngày sau phẫu thuật để kiểm soát đau và sưng. Những trường hợp có chấn thương gây sưng nhiều, bệnh nhân được hướng dẫn nâng cao chân để giảm sưng trước khi phẫu thuật.
- Nâng cao
Bệnh nhân được yêu cầu nâng chân cao hơn tim và bất động trước – sau khi phẫu thuật để giảm sưng tấy. Biện pháp này có tác dụng giảm sưng và đau, máu lưu thông đến chân và trở về tim dễ dàng. Khi vết sưng giảm, phẫu thuật/ vật lý trị liệu sẽ bắt đầu.
Ngoài ra nâng cao chân còn giúp ngăn trọng lượng đặt lên gót chân bị thương. Điều này giúp xương lành lại đúng cách và nhanh chóng, ngăn đau và chấn thương thêm.
- Chườm đá
Biện pháp này có tác dụng giảm đau, sưng và viêm. Ngoài ra chườm đá còn giúp co mạch, hạn chế lượng máu tụ lại ở vùng tổn thương. Khi chườm đá, dùng túi vải chứa đá lạnh hoặc khăn lạnh đặt lên gót chân bị đau.
- Dùng thuốc
Những trường hợp bị đau nghiêm trọng có thể dùng thuốc để kiểm soát. Chẳng hạn như Ibuprofen/ Naproxen (thuốc chống viêm không steroid) hoặc opioid (thuốc giảm đau gây nghiện). Những loại thuốc này đều mang đến hiệu quả giảm đau nhanh chóng.
Trong đó thuốc giảm đau nhóm opioid đặc biệt phù hợp với những cơn đau do phẫu thuật. Tuy nhiên thuốc này cần được dùng ngắn hạn và liều thấp để tránh tác dụng phụ.
4. Dùng thiết bị hỗ trợ khi di chuyển
Người bệnh được hướng dẫn dùng nạng khi đi lại sau chấn thương. Thiết bị này giúp ngăn trọng lượng cơ thể đặt lên chân bị thương. Từ đó giúp xương lành lại đúng cách, không gây đau và tổn thương thêm.
Ngoài ra việc sử dụng nạng giúp người bệnh đi lại dễ dàng, tránh bất động lâu ngày dẫn đến cứng khớp và teo cơ. Trong giai đoạn phục hồi, người bệnh sẽ được hướng dẫn sử dụng nạng đúng cách.
5. Vật lý trị liệu
Người bênh được yêu cầu vật lý trị liệu để phục hồi chức năng sau gãy xương gót chân. Thông thường, vật lý trị liệu được áp dụng sớm hơn ở những người phẫu thuật điều trị gãy xương.
Trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục, bệnh nhân được khuyên không đặt trọng lượng lên chân bị thương, chườm đá thường xuyên và nâng cao chân để giảm sưng đau. Ngoài ra, gồng cơ và những cử động nhẹ nhàng có thể được thực hiện để ngăn biến chứng sau điều trị.
Trong giai đoạn hai của quá trình phục hồi (từ tuần thứ 7 sau phẫu thuật), người bệnh được hướng dẫn bài tập đa dạng về chuyển động, chẳng hạn như chuyển động cổ chân tròn, gập, mở rộng, lật và đảo ngược cổ chân. Ngoài ra bệnh nhân cũng có thể được yêu cầu lên xuống giường, tập căng cơ nhẹ nhàng… để kích thích quá trình liền xương.
Sau 9 – 12 tuần, bệnh nhân được tập chống chân, tập đi không dùng nạng, thực hiện các bài tập tăng cường và kéo giãn, sinh hoạt bình thường… để lấy lại cử động linh hoạt. Đồng thời phục hồi chức năng và sức mạnh.
6. Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp
Trong quá trình điều trị và phục hồi sau gãy xương gót, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống phù hợp. Một chế độ ăn uống lành mạnh và đảm bảo dinh dưỡng (đầy đủ vitamin và khoáng chất) có thể giúp thúc đẩy quá trình sản sinh tế bào xương mới, tăng tốc độ liền xương. Đồng thời chữa lành mô mềm, ngăn đau và viêm.
Dinh dưỡng cần tăng cường bổ sung:
- Canxi và vitamin D: Canxi và vitamin D trong rau xanh, sữa, hải sản, đậu nành… giúp xây dựng xương khớp chắc khỏe, kích thích thúc đẩy tái tạo xương mới. Từ đó giúp xương gót chân lành lại nhanh chóng, tăng khả năng phục hồi chức năng hoàn toàn.
- Vitamin C: Vitamin C từ các loại quả mọng, trái cây thuộc họ cam quýt, kiwi, ớt chuông… giúp tăng khả năng kháng viêm, chống nhiễm trùng, giảm đau. Ngoài ra vitamin C còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, sức khỏe sau chấn thương và phẫu thuật.
- Omega-3: Ăn cá hồi, dầu gan cá tuyết, trứng cá muối, cá trích… có thể bổ sung lượng omega-3 cần thiết. Đây là một axit béo lành mạnh, có khả năng giảm đau, kháng viêm và tăng tốc độ phục hồi tổn thương.
- Protein: Bổ sung protein giúp xây dựng các cơ hỗ trợ, tăng tốc độ chữa lành xương gãy.
Nên ăn nhiều rau xanh, củ quả, các loại trái cây, ngũ cốc, các loại hạt, đậu, thịt, cá, trứng, sữa… Đây đều là những loại thực phẩm lành mạnh và chứa nhiều dinh dưỡng.
Tham khảo thêm: Bị Gãy Xương Nên Ăn Gì, Kiêng Gì Nhanh Phục Hồi?
7. Ngừng hút thuốc lá
Theo các chuyên gia, hút thuốc lá ảnh hưởng tiêu cực đến sự lành lại của xương gãy. Cụ thể nicotine và những hoạt chất khác trong thuốc lá ngăn quá trình tái tạo tế bào xương mới. Đồng thời tăng thải trừ canxi trong xương và làm tổn hại đến sức khỏe tổng thể.
Chính vì thế bệnh nhân cần ngừng hút thuốc lá trong giai đoạn phục hồi sau chấn thương để xương gãy nhanh chóng liền lại. Đồng thời lấy lại chức năng và ngăn biến chứng của gãy xương.
Nhìn chung gãy xương gót chân bao lâu thì khỏi còn phụ thuộc vào phân loại, mức độ tổn thương và các phương pháp điều trị. Những trường hợp nhẹ và điều trị tích cực có thể trở lại hoạt động trong 4 tháng. Những trường hợp nặng hơn mất từ 1 – 2 năm để hồi phục hoàn toàn. Để tăng khả năng và tốc độ hồi phục, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, chăm sóc và phục hồi chức năng đúng cách.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!