Viêm Mạch Máu

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Trần Thị Hương Lan | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Viêm mạch máu là tình trạng viêm của những mạch máu, làm ảnh hưởng đến động mạch và tĩnh mạch. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, viêm có thể làm giảm chiều rộng của đường đi qua mạch hoặc tăng độ dày của thành mạch máu. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, cần sớm thăm khám và điều trị để kiểm soát.

Viêm mạch máu
Viêm mạch máu là một nhóm các rối loạn hiếm gặp liên quan đến tình trạng viêm của những mạch máu

Viêm mạch máu là gì?

Viêm mạch máu là thuật ngữ chỉ tình trạng trạng viêm của những mạch máu. Tình trạng này có thể làm mất chức năng hoặc phá hủy cấu trúc của các mạch, trong có có cả động mạch và tĩnh mạch.

Các mạch bị viêm chủ yếu do những thương tổn và quá trình di chuyển của bạch cầu. Viêm tĩnh mạch và viêm động mạch đều xảy ra trong bệnh viêm mạch. Tuy nhiên bản chất của những tình trạng này là những thực thể riêng biệt. Đôi khi viêm mạch bạch huyết (mạch thành mỏng có cấu trúc tương tự như mạch máu nhưng mang bạch huyết) được coi là một loại viêm mạch.

Tùy thuộc vào tình trạng, viêm mạch máu chỉ ảnh hưởng đến một hoặc một vài cơ quan, triệu chứng ngắn hoặc dài hạn. Bệnh có thể tự cải thiện mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân được khuyên dùng thuốc để kiểm soát tình trạng viêm, ngan biến chứng và giảm nguy cơ bùng phát.

Các loại viêm mạch máu

Có nhiều loại viêm mạch máu nhưng hầu hết đều hiếm gặp. Những loại này khởi phát với những đặc điểm và triệu chứng khác nhau. Tùy thuộc vào vị trí, nguyên nhân, loại mạch và kích thước của mạch bị ảnh hưởng, viêm mạch máu được phân thành những loại sau:

1. Bệnh Behcet

Bệnh Behcet (hội chứng Behcet) là một rối loạn gây viêm mạch máu khắp cơ thể. Bệnh gây viêm ở động mạch và tĩnh mạch dẫn đến sưng, đỏ và đau ở tay/ chân, xuất hiện cục máu đông. Khi xảy ra ở động mạch lớn, hội chứng Behcet gây phình động mạch, tắc nghẽn hoặc thu hẹp mạch.

Bệnh Behcet
Bệnh Behcet gây viêm mạch máu khắp cơ thể dẫn đến sưng, đỏ và đau ở tay/ chân, loét và đau miệng

Một số dấu hiệu nhận biết khác:

  • Loét ở miệng gây đau đớn. Tổn thương tròn và nhô cao trong miệng, sau đó chuyển thành vết loét
  • Viêm loét da hoặc phát triển các nốt đỏ tương tự như mụn trứng cá
  • Viêm loét đỏ ở bộ phận sinh dục (âm hộ hoặc bìu)
  • Viêm màng bồ đào
  • Sưng và đau khớp
  • Xuất huyết, tiêu chảy hoặc đau bụng
  • Nhức đầu, choáng, mất thăng bằng, đột quỵ.

Bệnh Behcet có thể do rối loạn tự miễn dịch. Thông thường bệnh nhân được dùng thuốc để giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.

2. Bệnh Buerger

Bệnh Buerger (viêm tắc mạch huyết khối) làm ảnh hưởng đến tĩnh mạch, động mạch ở tay và chân. Bệnh lý này xảy ra khi các mạch máu bị sưng, viêm và tắc nghẽn khi có huyết khối (cục máu đông). Lâu ngày dẫn đến hư hỏng hoặc phá hủy mô da, nhiễm trùng và hoại thư (tổn thương hoại tử có nhiễm trùng).

Những biểu hiện đầu tiên của bệnh Buerger xảy ra ở bàn chân và bàn tay, sau đó phát triển đến chân và cánh tay. Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết của bệnh gồm:

  • Tê hoặc ngứa ran ở bàn chân hoặc bàn tay
  • Bàn chân/ bàn tay nhợt nhạt, có màu xanh lam hoặc hơi đỏ
  • Đau đến và đi. Đau xảy ra khi hoạt động, giảm bớt khi nghỉ ngơi
  • Cục máu đông trong tĩnh mạch gây viêm dọc theo tĩnh mạch dưới bề mặt da
  • Dấu hiệu Raynaud (ngón chân và ngón tay tái nhợt khi gặp lạnh)
  • Ngón tay và ngón chân có vết loét hở kèm theo đau.

Không rõ nguyên nhân gây bệnh Buerger. Tuy nhiên bệnh lý này thường liên quan đến việc sử dụng thuốc lá và nhiễm trùng nướu răng.

3. Hội chứng Churg – Strauss

Đây là một rối loạn gây viêm mạch máu. Rối loạn này khiến lưu lượng máu đến mô và cơ quan bị hạn chế dẫn đến tổn thương mô vĩnh viễn. Hội chứng Churg – Strauss gây hen suyễn ở người lớn (dấu hiệu phổ biến). Ngoài ra hội chứng còn làm phát sinh thêm một số triệu chứng sau:

  • Đau khớp, đau cơ
  • Chán ăn, sụt cân
  • Đau bụng
  • Xuất huyết tiêu hóa
  • Suy nhược, mệt mỏi
  • Xuất hiện vết loét hoặc phát ban trên da
  • Đau, tê và ngứa ran ở bàn chân, bàn tay.

Hội chứng Churg – Strauss là một rối loạn rất hiếm, không có cách chữa trị, không rõ nguyên nhân gây bệnh. Thông thường bệnh nhân được dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc steroid để kiểm soát bệnh lý.

Hội chứng Churg - Strauss
Hội chứng Churg – Strauss làm hạn chế lưu lượng máu đến mô và cơ quan dẫn đến tổn thương

4. Cryoglobulinemia

Cryoglobulinemia là tình trạng kết tụ các Cryoglobulin (protein) bất thường trong máu ở nhiệt độ 37 độ C. Điều này tạo ra những khối protein sền sệt cản trở quá trình lưu thông máu. Bệnh làm ảnh hưởng đến gan, thận, dây thần kinh, da và khớp.

Dấu hiệu nhận biết viêm mạch máu thể Cryoglobulinemia:

  • Tổn thương da màu tía trên chân
  • Loét chân ở một số trường hợp
  • Đau khớp (triệu chứng tương tự như viêm khớp dạng thấp)
  • Hỏng các dây thần kinh ở đầu ngón chân và ngón tay
  • Tê đầu ngón tay, ngón chân.

Chứng Cryoglobulinemia thường liên quan đến nhiễm trùng, rối loạn tự miễn và bệnh ung thư (chẳng hạn như ung thư máu).

5. Bệnh u hạt kèm theo viêm nhiều mạch

Bệnh u hạt kèm theo viêm nhiều mạch là một rối loạn gây viêm trong mũi, cổ họng, xoang, thận và phổi. Dạng viêm mạch máu này làm chậm lưu thông máu đến một số cơ quan, viêm khiến các mô phát triển thành u hạt và giảm chức năng.

Dấu hiệu nhận biết:

  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Đau khớp
  • Ho
  • Thở khò khè
  • Chảy mũi dạng mủ kèm theo nghẹt mũi, chảy máu cam, nhiễm trùng xoang, vảy từ mũi
  • Giảm cân
  • Tê ở ngón tay, ngón chân hoặc tay chân
  • Có máu trong nước tiểu
  • Phát ban da, lở loét hoặc bầm tím
  • Viêm tai
  • Đỏ mắt, bỏng rát hoặc đau mắt

Không rõ nguyên nhân gây u hạt kèm theo viêm nhiều mạch. Bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn nếu được điều trị sớm, tử vong nếu không được điều trị.

6. Viêm động mạch tế bào khổng lồ

Viêm mạch máu thể viêm động mạch tế bào khổng lồ (viêm động mạch thái dương) là hiện tượng viêm niêm mạc của động mạch. Bệnh lý này thường ảnh hưởng đến những mạch máu trong đầu. Trong đó các động mạch ở thái dương bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Viêm động mạch tế bào khổng lồ
Viêm động mạch tế bào khổng lồ là tình trạng viêm niêm mạc của động mạch, ảnh hưởng đến những mạch máu trong đầu

Viêm động mạch tế bào khổng lồ thường gây ra những triệu chứng sau:

  • Đau da đầu
  • Đau đầu dai dẳng, đau dữ dội, thường khởi phát ở vùng thái dương
  • Sốt
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Đau hàm khi há miệng rộng hoặc nhai
  • Giảm cân
  • Mất thị lực hoặc nhìn đôi
  • Mất thị lực đột ngột hoặc vĩnh viễn ở một mắt

Các triệu chứng của viêm động mạch tế bào khổng lồ nghiêm trọng, cần được kiểm soát sớm. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được biết rõ.

7. Ban xuất huyết Henoch-Schonlein

Dạng viêm mạch máu này còn được gọi là viêm mạch IgA. Đây là một rối loạn làm viêm và chảy máu các mạch máu nhỏ ở da, ruột, khớp và thận. Ban xuất huyết Henoch-Schonlein được đặc trưng bởi tình trạng phát ban màu đỏ tía (chủ yếu ở mông và cẳng chân). Ngoài ra bệnh nhân còn gặp một số triệu chứng dưới đây:

  • Đau nhức các khớp
  • Sưng khớp
  • Đau bụng, bồn nôn, nôn mửa, phân lẫn máu
  • Tổn thương thận

Ban xuất huyết Henoch-Schonlein thường tự cải thiện. Tuy nhiên nếu rối loạn ảnh hưởng đến thận, bệnh nhân cần điều trị y tế để kiểm soát.

8. Bệnh Kawasaki

So với những dạng viêm mạch máu nêu trên, bệnh Kawasaki phổ biến hơn. Bệnh lý này chủ yếu xảy ra ở trẻ em. Kawasaki gây viêm những mạch máu có kích thước nhỏ và vừa, đưa máu đi khắp cơ thể. Việc không điều trị có thể dẫn đến viêm động mạch vành (mạch cung cấp máu giàu oxy cho tim).

Trẻ em mắc bệnh Kawasaki thường có những triệu chứng sau:

  • Sốt cao trên 39 độ C ít nhất 5 ngày
  • Nổi hạch ở cổ
  • Phát ban ở vùng sinh dục hoặc thân
  • Đỏ mắt
  • Môi đỏ, nứt nẻ, khô
  • Lưỡi sưng đỏ
  • Đỏ da và sưng tấy ở lòng bàn chân, lòng bàn tay
  • Bong tróc da ngón chân và ngón tay
  • Tiêu chảy
  • Đau khớp
  • Cáu gắt
  • Nôn mửa
  • Đau bụng
Bệnh Kawasaki
Bệnh Kawasaki gây viêm những mạch máu có kích thước nhỏ và vừa, chủ yếu xảy ra ở trẻ em

9. Bệnh viêm động mạch Takayasu

Bệnh viêm động mạch Takayasu là một dạng viêm mạch máu hiếm gặp, xảy ra do một nhóm các rối loạn. Bệnh lý này khiến những động mạch chủ (động mạch lớn dẫn máu từ tim đến các cơ quan) và các nhánh chính của mạch bị tổn thương.

Tình trạng viêm khiến các động mạch bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp, những động mạch suy yếu có thể bị rách do phình ra. Trong giai đoạn đầu, bệnh viêm động mạch Takayasu gây mệt mỏi, đau nhức cơ và khớp, giảm cân, sốt.

Sau khi viêm tiến triển, bệnh nhân có những biểu hiện sau:

  • Chóng mặt
  • Mạch yếu
  • Tay chân đau hoặc yếu khi hoạt động
  • Huyết áp cao
  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Nhức đầu
  • Thay đổi thị giác
  • Chóng mặt
  • Khó suy nghĩ, giảm trí nhớ
  • Tiêu chảy, có máu trong phân
  • Thiếu máu

Bệnh nhân không cần điều trị nếu không có triệu chứng. Dùng thuốc để kiểm soát viêm trong động mạch và ngăn biến chứng.

Dấu hiệu nhận biết viêm mạch máu

Mỗi thể bệnh có những dấu hiệu và triệu chứng riêng. Tuy nhiên dưới đây là những dấu hiệu chung của bệnh viêm mạch máu:

  • Sốt
  • Sút chân
  • Đau đầu, đau cơ
  • Đau khớp
  • Cơ thể mệt mỏi, suy nhược
  • Đau nhức toàn thân
  • Phát ban hoặc xuất huyết dưới da, da tái nhợt hoặc xuất hiện các vết loét hở
  • Tổn thương phổi dẫn đến khó thở, ho ra máu
  • Yếu, tê bàn chân và bàn tay
  • Bất thường ở mắt (viêm mắt, đỏ mắt, giảm thị lực, ngứa, bỏng, mù tạm thời)
  • Chóng mặt, ù tai, giảm hoặc mất thính lực đột ngột
  • Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn loét hoặc thủng hệ thống tiêu hóa dẫn đến xuất huyết, máu lẫn trong phân.

Nguyên nhân gây viêm mạch máu

Hầu hết các loại viêm mạch máu chưa được xác định rõ nguyên nhân. Một số loại khác khởi phát từ rối loạn hệ thống miễn dịch (hệ thống miễn dịch nhầm lẫn và tấn công vào tế bào mạch máu). Tuy nhiên nguyên nhân gây rối loạn ban đầu cũng chưa được xác định.

Viêm mạch máu vẫn chưa được xác định nguyên nhân
Nguyên nhân gây viêm mạch máu ở hầu hết các loại vẫn chưa được xác định

Mặc dù vậy rối loạn hệ miễn dịch có thể liên quan đến một số vấn đề sau:

  • Nhiễm trùng (như nhiễm trùng nướu răng)
  • Bệnh ung thư máu
  • Viêm gan (bao gồm viêm gan B và viêm gan C)
  • Bệnh tự miễn (bệnh lý liên quan đến hệ thống miễn dịch), chẳng hạn như xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus ban đỏ
  • Phản ứng thuốc

Yếu tố nguy cơ

Bất kỳ ai cũng có thể bị viêm mạch máu. Tuy nhiên những yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Tuổi tác: Viêm mạch máu thể Kawasaki thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Viêm động mạch tế bào khổng lồ phổ biến hơn ở những người trên 50 tuổi.
  • Giới tính: Bệnh Buerger phổ biến ở nam giới trong khi viêm động mạch tế bào không lồ thường gặp ở phụ nữ hơn.
  • Tiền sử gia đình: Những người có người thân (ba/ mẹ, ông/ bà) mắc chứng u hạt có viêm đa tuyến, bệnh Behcet và bệnh Kawasaki thường có nguy cơ bị viêm mạch máu cao hơn.
  • Lối sống kém lành mạnh: Các nghiên cứu cho thấy, thuốc lá và cocaine làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm mạch máu. Đặc biệt đàn ông dưới 45 tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh Buerger cao hơn.
  • Nhiễm trùng: Nguy cơ viêm mạch tăng cao ở bệnh nhân bị nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm trùng nướu răng, viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C.
  • Thuốc: Một số loại thuốc như propylthiouracil, hydralazine, allopurinol và minocycline góp phần kích hoạt tình trạng viêm trong các mạch máu.
  • Rối loạn miễn dịch: Nguy cơ viêm mạch máu tăng cao ở những bệnh nhân bị rối loạn hệ thống miễn dịch. Trong đó hệ miễn dịch bị rối loạn, tấn công nhầm vào những tế bào khỏe mạnh của cơ thể.

Biến chứng của viêm mạch máu

Bệnh viêm mạch máu là một nhóm các rối loạn nghiêm trọng, liên quan đến tình trạng viêm của những mạch máu, cần được kiểm soát tốt. Hầu hết các rối loạn của bệnh không thể điều trị, bệnh nhân chủ yếu được dùng thuốc để kiểm soát bệnh, giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.

Những trường hợp không điều trị có thể tử vong hoặc gặp biến chứng. Điều này thường tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và phân loại. Một số trường hợp khác có thể gặp biến chứng do tác dụng phụ của thuốc.

Một số loại viêm mạch máu gây mù lòa hoặc giảm thị lực
Một số loại viêm mạch máu như viêm động mạch tế bào khổng lồ gây mù lòa hoặc giảm thị lực

Dưới đây là một số biến chứng của viêm mạch máu:

  • Suy yếu hệ thống miễn dịch dẫn đến nhiễm trùng (biến chứng do dùng thuốc)
  • Mù lòa hoặc giảm thị lực
  • Xuất hiện cục máu đông, cản trở lưu thông máu
  • Mạch máu yếu và phình ra gây nên chứng phình động mạch (hiếm gặp)
  • Tổn thương các cơ quan chính, bao gồm thận, gan, tim
  • Đột quỵ
  • Tử vong.

Chẩn đoán viêm mạch máu

Người bệnh được khám sức khỏe và xem xét bệnh sử, trong đó bao gồm cả việc kiểm tra các triệu chứng cơ năng và triệu chứng thực thể. Thông thường viêm mạch máu có thể được phát hiện thông qua quá trình kiểm tra lâm sàng.

Ngoài ra bệnh nhân được chỉ định một số xét nghiệm để chắc chắn hơn về tình trạng, phân loại và đánh giá tổn thương. Ngoài ra các xét nghiệm còn được chỉ định để loại trừ một số tình trạng tương tự như viêm mạch.

Những xét nghiệm thường được chỉ định trong chuẩn đoán viêm mạch máu gồm:

  • Xét nghiệm máu/ dịch cơ thể: Xét nghiệm máu hoặc dịch cơ thể được chỉ định cho những bệnh nhân có bệnh viêm động mạch đang hoạt động. Xét nghiệm này cho phép bác sĩ tìm kiếm các dấu hiệu viêm, số lượng hồng cầu và một số kháng thể. Dưới đây là những dấu hiệu viêm có thể được biểu hiện trong xét nghiệm máu:
    • Nồng độ protein phản ứng C cao
    • Tăng tốc độ lăng hồng cầu
    • Tăng bạch cầu ái toan và tăng số lượng hồng cầu
    • Nồng độ kháng thể kháng bạch cầu trung tính (ANCA) cao
    • Tiểu máu
  • Xét nghiệm hình ảnh: Một số xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) sẽ được chỉ định trong chẩn đoán viêm mạch máu. Những kỹ thuật này cho phép bác sĩ xác định mạch máu và các cơ quan bị ảnh hưởng, chẳng hạn như não bị tổn thương, lượng máu đến não giảm. Những bất thường cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương của các cơ quan khác nhau. Ngoài ra xét nghiệm hình ảnh cũng được chỉ định trong quá trình theo dõi khả năng đáp ứng với điều trị của bệnh nhân.
  • Chụp mạch máu (chụp X-quang mạch máu): Xét nghiệm này cho phép bác sĩ xác định chính xác loại mạch máu bị thương và mức độ nghiêm trọng. Trong khi thực hiện xét nghiệm, một ống thông mềm được đưa vào tĩnh mạch lớn hoặc động mạch. Thuốc nhuộm được tiêm vào ống thông. Sau khi thuốc nhuộm lắp đầy tĩnh mạch/ động mạch, bệnh nhân được chụp X-quang để tạo ra hình ảnh chứa những đường viền của mạch máu.
  • Sinh thiết: Sinh thiết được chỉ định để kiểm tra mô và xác định những dấu hiệu của viêm mạch. Trong khi thực hiện, bác sĩ lấy một mẫu mô nhỏ từ vùng bị ảnh hưởng để làm sáng tỏ mô hình mạch máu.

Điều trị viêm mạch máu

Không có phương pháp điều trị dứt điểm cho chứng viêm mạch máu. Thông thường quá trình điều trị tập trung vào việc giảm nhẹ triệu chứng, kiểm soát tình trạng viêm, ức chế miễn dịch và ngăn ngừa biến chứng.

1. Thuốc

Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị chính cho những bệnh nhân bị viêm mạch máu. Các thuốc cụ thể được sử dụng dựa trên loại viêm mạch, mức độ nghiêm trọng, mô hoặc các cơ quan có liên quan, các triệu chứng.

Corticosteroid

Hầu hết bệnh nhân được chỉ định điều trị với Corticosteroid. Đây là thuốc ức chế miễn dịch và kháng viêm mạnh. Thuốc có tác dụng kiểm soát tình trạng viêm và các triệu chứng liên quan đến viêm mạch máu, chẳng hạn như đau khớp, loét ở miệng, viêm loét da, viêm màng bồ đào…

Liều dùng thuốc Corticosteroid dựa trên tình trạng. Để tăng khả năng kiểm soát, Corticosteroid có thể được dùng kết hợp với một số loại thuốc ức chế miễn dịch khác, thường bao gồm:

  • Methotrexate (Trexall)
  • Mycophenolate (CellCept)
  • Azathioprine (Imuran, Azasan)
  • Tocilizumab (Actemra)
  • Cyclophosphamide
  • Rituximab (Rituxan)
Corticosteroid
Corticosteroid được dùng cho hầu hết các trường hợp để kiểm soát viêm liên quan đến viêm mạch máu

Corticosteroid được dùng ngắn hạn để hạn chế tác dụng phụ. Nếu cần điều trị lâu dài. Corticosteroid được dùng với liều thấp nhấp có tác dụng. Một số tác dụng phụ của thuốc:

  • Tăng cân
  • Tiểu đường
  • Xương yếu hay loãng xương
  • Tăng nhãn áp
  • Thay đổi tâm trạng
  • Giảm trí nhớ
  • Tăng huyết áp
  • Giữ nước dẫn đến sưng ở chân

Cephalexin

Trong trường hợp nhiễm trùng, Cephalexin hoặc một số chất kháng khuẩn kháng có thể được kê đơn. Cephalexin là một loại kháng sinh. Thuốc có tác dụng ức chế hoạt động, tiêu diệt vi khuẩn gram dương và một số vi khuẩn gram âm bằng cách phá hủy thành tế bào của vi khuẩn. Chính vì thế Cephalexin thường được dùng trong diều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, trong đó có viêm mạch máu liên quan đến nhiễm trùng.

Trong giai đoạn tiến triển của bệnh viêm mạch máu, những cơ quan bị ảnh hưởng như phổi, tim… được điều trị y tế cụ thể để cải thiện chức năng.

2. Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định cho những bệnh nhân bị phình động mạch (bong bóng hoặc khối phồng trong thành mạch máu) do viêm mạch máu. Phương pháp này giúp giảm nguy cơ vỡ mạch và tử vong.

Ngoài ra phẫu thuật cũng được chỉ định cho bệnh nhân bị tắc nghẽn động mạch (không khả quan với điều trị bảo tồn). Phẫu thuật giúp khắc phục tình trạng tắc nghẽn, khôi phục lượng máu lưu thông đến các cơ quan và khu vực bị ảnh hưởng.

Phẫu thuật được chỉ định cho bệnh nhân bị tắc nghẽn động mạch
Phẫu thuật được chỉ định cho bệnh nhân bị tắc nghẽn động mạch và phình động mạch do viêm mạch máu

Viêm mạch máu là một nhóm các rối loạn hiếm gặp gây viêm trong các mạch máu. Bệnh làm ảnh hưởng đến nhiều mô và các cơ quan trong cơ thể. Những trường hợp phát hiện và điều trị sớm có thể kiểm soát tình trạng viêm, ức chế miễn dịch và ngăn ngừa biến chứng. Ngược lại không điều trị có thể tổn thương cơ quan quan trọng và tăng nguy cơ tử vong. Chính vì thế bệnh nhân cần khám chữa trị ngay khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Thay Khớp Gối Bao Lâu Thì Đi Được
Thay khớp gối bao lâu thì đi được là vấn đề được nhiều bệnh nhân thắc mắc. Thông thường người thay khớp gối phải trải qua quá trình phục hồi chức năng với các bài tập thích hợp. Quá trình ...
Xem chi tiết
Đau Xương Mu Có Phải Sắp Sinh
Đau xương mu là tình trạng phổ biến trong thai kỳ, tuy nhiên cơn đau thường nhẹ. Do đó, nhiều thai phụ thắc mắc đau xương mu nhiều có phải sắp sinh không? Tham khảo một số thông tin cơ ...
Xem chi tiết
Đau Xương Cụt Khám Ở Đâu
Để giải đáp đau xương cụt khám ở đâu tại TP HCM và Hà Nội, người bệnh có thể tham khảo một số địa chỉ y tế uy tín, có bác sĩ giỏi trong bài viết. Điều này giúp thăm ...
Xem chi tiết
Đau Khớp Háng Có Nên Đi Bộ Không
Người bị đau khớp háng có nên đi bộ không, cần lưu ý những gì để đảm bảo an toàn là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Đây là một bộ môn mang nhiều lợi ích cho hệ xương ...
Xem chi tiết
Đau Khớp Gối Có Nên Đi Bộ Không
Bị đau khớp gối có nên đi bộ không là thắc mắc của hầu hết người bệnh khi cố gắng cải thiện chức năng ở khớp gối. Để biết khi nào cần nghỉ ngơi và khi nào cần luyện tập, người ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua