Viêm Khớp Phản Ứng
Viêm khớp phản ứng là tình trạng viêm khớp vô khuẩn thường xảy ra sau các nhiễm trùng bộ phận cơ thể khác. Tình trạng này chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới hoạt động tình dục trong độ tuổi từ 20 đến 40. Những người nhiễm HIV (nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người) có nguy cơ đặc biệt cao.
Viêm khớp phản ứng là gì?
Viêm khớp phản ứng (Reactive arthritis, trước đây được gọi là Hội chứng Reiter) là một loại viêm khớp gây sưng đau do nhiễm trùng ở một bộ phân khác trong cơ thể (thường là nhiễm trùng lây lan qua đường tình dục hoặc nhiễm trùng đường ruột).
Biểu hiện của bệnh thường gây ảnh hưởng đến các khớp lớn ở chi dưới, cột sống, khớp cùng chậu, điểm bám gân và dây chằng. Tình trạng này thường là quá trình đáp ứng quá mẫn cảm của hệ thống miễn dịch đối với nhiễm trùng trong cơ thể. Nhiễm trùng khớp có thể xảy ra sau một vài tuần, một vài tháng hoặc thậm chí là sau một vài năm, kể từ lúc nhiễm trùng ban đầu.
Trong hầu hết các trường hợp, viêm khớp phản ứng gây ảnh hưởng đến đầu gối, khớp cổ chân và bàn chân. Đôi khi tình trạng viêm cũng có thể ảnh hưởng đến mắt, da và niệu đạo.
Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ ở mọi lứa tuổi, nhưng nam giới trong độ tuổi từ 20 – 40 được xem là có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, viêm khớp phản ứng không lây, tuy nhiên vi khuẩn gây bệnh có thể lây từ người sang người.
Viêm khớp phản ứng không phổ biến. Đối với hầu hết các trường hợp, các triệu chứng thường không nghiêm trọng, có thể bùng phát và tự cải thiện. Loại viêm khớp này cũng có tự biến mất trong vòng 12 tháng.
Triệu chứng và dấu hiệu viêm khớp phản ứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp phản ứng thường xuất hiện sau một đến bốn tuần kể từ lúc tiếp xúc với vi khuẩn gây nhiễm trùng khởi phát. Các triệu chứng thường chia thành các nhóm chính, chẳng hạn như:
1. Triệu chứng ở khớp
Triệu chứng phổ biến nhất của viêm khớp phản ứng là đau đớn, cứng và sưng ở khớp và gân, đặc biệt là ở đầu gối, bàn chân, ngón chân, hông và mắt cá chân.
Ngoài ra, người bệnh viêm khớp phản ứng có thể phát triển các triệu chứng viêm gân, thường dẫn đến đau ở mắt cá chân hoặc viêm cân gan chân. Một số triệu chứng liên quan khác, chẳng hạn như gai gót chân, là sự phát triển gai xương ở gót chân, có thể dẫn đến đau chân mãn tính.
Ngoài ra một số người bệnh có thể phát triển các cơ đau ở thắt lưng và mông. Viêm khớp phản ứng cũng có thể gây viêm đốt sống hoặc viêm xương cùng (viêm các khớp xương cùng ở đáy cột sống).
2. Triệu chứng ở mắt
Viêm kết mạc là tình trạng viêm màng nhầy bao phu nhãn cầu và mí mắt, có thể ảnh hưởng đến 50% các trường hợp viêm khớp phản ứng. Một số người bệnh có thể bị viêm màng bồ đào, là tình trạng viêm lớp sắc tố bên trong mắt, bao gồm các mống mắt.
Viêm màng bồ đào và viêm kết mạc có thể dẫn đến một số dấu hiệu, chẳng hạn như:
- Đỏ mắt
- Đau và kích ứng mắt
- Tầm nhìn mờ
Các triệu chứng ở mắt thường xuất hiện sớm trong các trường hợp viêm khớp phản ứng. Các triệu chứng có thể tự cải thiện nhưng cũng có thể tái phát.
3. Triệu chứng ở đường sinh dục
Viêm khớp phản ứng thường gây hưởng khác đến đường tiết niệu và sinh dục, với các triệu chứng khác nhau ở mỗi giới.
Ở nam giới, tình trạng này gây ảnh hưởng đến niệu đạo và tuyến tiền liệt. Do đó, nam giới bị viêm khớp phản ứng có thể phát triển các triệu chứng như:
- Tăng nhu cầu đi tiểu
- Có cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Đau ở dương vật
- Có dịch chảy ra từ dương vật
Một số nam giới có thể phát triển các triệu chứng viêm tuyến tiền liệt. Các triệu chứng phổ biến bao gồm gây sốt, ớn lạnh, tăng nhu cầu đi tiểu và cảm giác nóng rát khi đi tiểu.
Ở phụ nữ tình trạng này thường ảnh hưởng đến đường tiết niệu, tử cung và âm đạo. Ngoài ra, phụ nữ cũng có thể phát triển các triệu chứng viêm, chẳng hạn như:
- Viêm cổ tử cung: Có thể dẫn đến các triệu chứng như chảy máu giữ chu kỳ kinh nguyệt, tiết dịch ẩm âm đạo bất thường và đau khi quan hệ tình dục.
- Viêm đường tiết niệu: Các triệu chứng có thể bao gồm gây nóng rát khi đi tiêu và đi tiểu thường xuyên.
- Viêm ống dẫn trứng: Có thể dẫn đến tiết dịch âm đạo bất thường, ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, đau bụng kinh dữ dội, đau khi quan hệ tình dục, tiểu buốt, buồn nôn, nôn, sốt, đau lưng dưới, đau bụng và sốt.
- Ảnh hưởng đến âm hộ và âm đạo: Có thể gây kích ứng, ngứa, dịch tiết âm đạo có mùi hôi và đau khi đi tiểu.
4. Ảnh hưởng đến làn da
Các triệu chứng về da, thường là hình thành vết loét và phát ban thường không phổ biến ở người viêm khớp phản ứng. Tình trạng này thường chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ ở các trường hợp bệnh.
Các triệu chứng ảnh hưởng đến da thường bao gồm:
- Xuất hiện các vết loét nhỏ, nông, không đau ở đầu dương vật (đối với nam giới)
- Phát ban
- Xuất hiện các vết loét có mảng đỏ trên lòng bàn chân, lòng bàn tay hoặc các vị trí cơ thể khác
- Loét miệng, thường không đau có thể tự cải thiện và tái phát nên thường không được chú ý
Các triệu chứng viêm khớp có thể kéo dài từ 3 – 12 tháng và phụ nữ thường có các triệu chứng nhẹ hơn nam giới. Tuy nhiên ở một số người, các triệu chứng bệnh có thể phát triển thành các bệnh mãn tính, lâu dài, nhưng tình trạng này thường không phổ biến.
Nguyên nhân gây viêm khớp phản ứng
Có nhiều nguyên nhân có thể gây viêm khớp phản ứng hoặc làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Cụ thể các nguyên nhân bao gồm:
1. Nhiễm trùng
Viêm khớp phản ứng thường phát triển để phản ứng lại tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể, thường xảy ra ở ruột, bộ phận sinh dục hoặc đường tiết niệu. Có nhiều loại vi khuẩn khác nhau có thể dẫn đến viêm khớp phản ứng, chẳng hạn như:
- Chlamydia
- Salmonella
- Yersinia
- Shigella
- Clostridium difficile
- Campylobacter
Viêm khớp phản ứng không lây, nhưng vi khuẩn gây bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục hoặc trong thực phẩm bẩn. Tuy nhiên chỉ có một số người tiếp xúc với những vi khuẩn này phát triển các triệu chứng viêm khớp.
2. Di truyền
Các bác sĩ không biết tại sao một số người tiếp xúc với vi khuẩn phát triển các triệu chứng viêm khớp phản ứng nhưng một số người lại không. Tuy nhiên, các bác sĩ đã xác định được một yếu tố di truyền, cụ thể là kháng nguyên bạch cầu ở người HLA – B27, có thể làm tăng khả năng phát triển viêm khớp phản ứng.
Theo thống kê có khoảng 30 – 60% người bệnh viêm khớp phản ứng có kháng nguyên HLA – B27 có biểu hiện bệnh năng hơn và có xu hướng chuyển thành mạn tính cao hơn những người có HLA – B27 (+).
Ngoài ra, những người có gen HLA – B27 có nhiều khả năng phát triển các vấn đề liên quan đến cột sống do viêm khớp phản ứng hơn những người không có gen này.
3. Các yếu tố rủi ro
Ngoài trừ nhiễm trùng và di truyền, một số yếu tố rủi ro có thể dẫn đến viêm khớp phản ứng, chẳng hạn như:
- Tuổi tác: Viêm khớp phản ứng thường phổ biến ở người trong độ tuổi từ 20 – 40.
- Giới tính: Phụ nữ và nam giới có nguy cơ mắc bệnh tương tự nhau do nhiễm trùng thực phẩm. Tuy nhiên nam giới thường có nhiều khả năng nhiễm bệnh hơn phụ nữ đối với nhiễm trùng qua đường tình dục.
Chẩn đoán viêm khớp phản ứng như thế nào?
Viêm khớp phản ứng có thể ảnh hưởng đến một số bộ phận của cơ thể. Vì vậy để chẩn đoán và điều trị đúng cách, người bệnh có thể cần tiến hành chẩn đoán tại nhiều chuyên khoa và thực hiện nhiều xét nghiệm khác nhau.
Cụ thể, người bệnh có thể cần gặp bác sĩ chuyên khoa sau:
- Bác sĩ nha khoa
- Bác sĩ phụ khoa
- Bác sĩ tiết niệu
- Bác sĩ da liễu
- Bác sĩ chỉnh hình, để kiểm tra các chấn thương ở khớp
- Bác sĩ nhi khoa nếu bệnh ảnh hưởng đến trẻ em
1. Kiểm tra sức khỏe tổng quát
Khi bắt đầu tiến hành chẩn đoán, bác sĩ có thể kiểm tra các tiền sử bệnh và các triệu chứng liên quan. Điều này có thể hỗ trợ quá trình chẩn đoán viêm khớp phản ứng.
Các triệu chứng nhiễm trùng thường bao gồm:
- Sốt
- Nôn mửa
- Tiêu chảy
2. Xét nghiệm kiểm tra
Không có xét nghiệm duy nhất nào có thể chẩn đoán viêm khớp phản ứng. Do đó, bác sĩ có thể kiểm tra các yếu tố liên quan trước khi đề nghị xét nghiệm. Nếu nhiễm trùng nhẹ và không cần điều trị y tế, việc chẩn đoán có thể gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra yếu tố di truyền HLA – B27. Mặc dù kết quả HLA – B27 không có nghĩa là người bệnh mắc bệnh, tuy nhiên những người có kháng thể HLA – B27 có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Xét nghiệm yếu tố dạng thấp hoặc các kháng thể kháng nhân có thể xác định các nguyên nhân khác gây đau viêm khớp, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh lupus ban đỏ.
- Tốc độ máu lắng hồng cầu, thường có liên quan đến các tình trạng viêm trong cơ thể, chẳng hạn như bệnh thấp khớp.
Bác sĩ cũng có thể kiểm tra các bệnh nhiễm trùng liên quan đến viêm khớp phản ứng, chẳng hạn như chlamydia hoặc nhiễm trùng cổ họng, niệu đạo (ở nam giới) hoặc cổ tử cung (ở nữ giới).
3. Xét nghiệm dịch khớp
Bác sĩ có thể sử dụng một kim dài mỏng để lấy một mẫu chất lỏng từ bên trong khớp bị ảnh hưởng. Chất lỏng này được sử dụng để:
- Kiểm tra số lượng bạch cầu: Số lượng bạch cầu tăng lên có thể là dấu hiệu nhiễm trùng hoặc viêm trong cơ thể.
- Nhiễm trùng: Có vi khuẩn trong dịch khớp có thể là dấu hiệu của viêm khớp nhiễm trùng. Tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương khớp nghiêm trọng.
- Tinh thể axit uric: Sự hiện diện của các tinh thể axit uric trong dịch khớp có thể là dấu hiệu của bệnh gout. Loại viêm khớp này thường rất đau đớn và thường gây ảnh hưởng đến ngón chân cái.
4. Kiểm tra hình ảnh
Các bác sĩ đôi khi có thể sử dụng tia X để chẩn đoán viêm khớp phản ứng hoặc để loại trừ các nguyên nhân khác gây viêm khớp.
Chụp X – quang có thể phát hiện một số tình trạng khác, chẳng hạn như:
- Viêm cột sống
- Sưng các mô mềm
- Tổn thương sụn và khớp
- Lắng canxi ở khớp
Biện pháp điều trị viêm khớp phản ứng
Viêm khớp phản ứng thường là tình trạng tạm thời và thường cải thiện trong 12 tháng. Tuy nhiên các biện pháp điều trị các thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng, loại bỏ nhiễm trùng tiềm ẩn và ngăn ngừa các rủi có thể xảy ra.
1. Nguyên tắc điều trị
Các nguyên tắc khi điều trị viêm khớp phản ứng như sau:
- Điều trị các tổn thương liên quan đến hệ cơ xương khớp bằng các biện pháp giảm đau và thuốc chống viêm không steroid.
- Điều trị các tổn thương bên ngoài khớp.
- Điều trị các bệnh lý nguyên nhân nếu xác định được nguyên nhân gây bệnh.
- Chỉ định vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và ngăn ngừa các biến chứng.
2. Phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế
Phương pháp điều trị viêm cơ xương khớp chính là sử dụng thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID). Trong một số trường hợp đặc biệt có thể sử dụng corticoid tại chỗ hoặc toàn thân để cải thiện các triệu chứng (rất hiếm khi cần sử dụng).
Sử dụng kháng sinh khi có kết quả xét nghiệm người bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa hoặc tiết niệu – sinh dục.
Điều trị các tổn thương khớp, đặc biệt là tổn thương mắt bằng corticoid tại chỗ hoặc toàn thân (cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa có liên quan)
Sử dụng thuốc làm thay đổi diễn tiến của bệnh (DMARS) để điều trị các triệu chứng và biểu hiện viêm khớp mạn tính.
3. Biện pháp điều trị cụ thể
Không có thuốc đặc trị cho bệnh viêm khớp phản ứng. Tuy nhiên tình trạng này được điều trị bằng các loại thuốc như:
– Thuốc kháng viêm không steroid:
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) làm giảm viêm khớp và thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng bệnh. Các loại thuốc phổ biến bao gồm:
- Diclofenac 75 mg x 2 / ngày, sử dụng tiêm bắp trong 3 – 5 ngày. Sau đó chuyển sang đường uống 15 mg / ngày. Tiếp tục tiêm bắp trong 3 – 5 ngày, sau đó chuyển sang viên uống 7.5 – 15 mg / ngày.
- Celecoxib uống 200 mg – 400 mg / ngày.
- Một số NSAID khác cũng có thể sử dụng tùy theo điều kiện và sự dung nạp thuốc của người bệnh.
– Corticoid:
Hiếm khi Corticoid được sử dụng để điều trị viêm khớp phản ứng, bởi vì hầu hết bệnh nhân đều đáp ứng tốt với NSAID. Trong trường hợp không đáp ứng hoặc có chống chỉ định sử dụng NSAID hàng ngày, có thể điều trị bằng Corticoid.
Sử dụng prednisolone hoặc methylprednisolone với liều khởi đầu là 0.5 – 1 mg / kg / ngày, giảm liều lượng dần tùy theo khả năng đáp ứng lâm sàng. Không sử dụng Corticoid kéo dài hơn 2 – 4 tháng.
Trong trường hợp chỉ có một khớp viêm kéo dài mặc dù đã điều trị toàn thân, có thể chỉ định tiêm Corticoid nội khớp để điều trị.
– Kháng sinh:
Khi đã xác định được nguyên nhân gây bệnh, tùy theo loại vi khuẩn có thể sử dụng kháng sinh thuộc nhóm Quinolon (ciprofloxacin, levofloxacin), trimethoprim – sulfamethoxazol, tetracyclin, lymecyclin.
Điều trị bằng kháng sinh không thể làm thay đổi diễn tiến của viêm khớp cấp tính. Tuy nhiên thuốc có thể hạn chế lây lan vi khuẩn và hạn chế tỷ lệ tái phát.
– Trong trường hợp diễn tiến mạn tính, các loại thuốc điều trị cần được chỉ định kéo dài trong nhiều tháng đến khi các triệu chứng được cải thiện hoàn toàn.
- Sulfasalazin: Liều khởi đầu 500 mg / ngày, tăng liều dần và duy trì ở 2000 mg / ngày (sulfasalazin 500mg 2 viên x 2 lần / ngày).
- Methotrexat: Sử dụng 10 – 15 mg / tuần (methotrexat 2.5 mg, khoảng 4 – 6 viên mỗi tuần). Uống thuốc một lần duy nhất vào một ngày cố định trong tuần.
– Điều trị phòng ngừa:
Phòng ngừa tổn thương, viêm loét dạ dày tá tràng do sử dụng NSAID bằng thuốc ức chế bơm proton (lansoprazol, omeprazol, pantoprazol,….)
Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để ngăn ngừa biến chứng teo cơ, cứng khớp.
– Điều trị các tổn thương bên ngoài khớp:
Điều trị tổn thương da dày sừng bằng corticoid và acid salicylic tại chỗ.
Điều trị tổn thương da nghiêm trọng hoặc các triệu chứng mạn tính bằng các loại thuốc điều trị như retinoid hoặc methotrexat.
Tổn thương mắt được điều trị bằng corticoid tại chỗ. Trong các trường hợp nghiêm trọng gây mất thị giác, có thể sử dụng corticoid toàn thân hoặc thuốc ức chế hệ thống miễn dịch (dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa mắt).
Cải thiện viêm khớp phản ứng tại nhà
Tập thể dục và các hoạt động thể chất có thể cải thiện chức năng của khớp. Tuy nhiên điều quan trọng là người bệnh cần tập luyện dần dần và theo sự hướng dẫn của bác sĩ có chuyên môn.
Các bài tập thường được đề nghị cho người bệnh viêm khớp phản ứng bao gồm:
- Bài tập tăng tăng cường xây dựng các cơ xung quanh khớp. Điều này có thể hỗ trợ khớp tốt hơn và ngăn ngừa các rủi ro mất chức năng khớp.
- Bài tập siết cơ không cử động khớp có thể mang lại hiệu quả đối với trường hợp viêm và đau khi thực hiện các bài tập khác.
- Bài tập tăng cường phạm vi chuyển động có thể cải thiện tính linh hoạt và chuyển động của các khớp.
- Đối với người bệnh đau cột sống, các bài tập kéo giãn và mở rộng lưng có thể hiệu quả trong việc ngăn ngừa nguy cơ tàn tật.
- Các bài tập thể dục dưới nước có thể mang lại hiệu quả giảm đau và giảm áp lực lên các khớp hiệu quả.
Phòng ngừa bệnh viêm khớp phản ứng
Các yếu tố di truyền đóng một vài trò tương đối trong các trường hợp viêm khớp phản ứng. Các yếu tố liên quan đến cấu trúc gen không thể phòng ngừa. Tuy nhiên, người bệnh có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng cách hạn chế tiếp xúc với vi khuẩn nguyên nhân.
Để phòng ngừa, người bệnh cần đảm bảo bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp và chỉ sử dụng thức ăn được nấu chín hoàn toàn. Điều này có thể ngăn ngừa nhiễm một số loại vi khuẩn gây viêm khớp phản ứng có trong thực phẩm, chẳng hạn như salmonella, shigella, yersinia và campylobacter.
Các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục cũng có thể dẫn đến viêm khớp phản ứng. Do đó, người bệnh cần thực hiện quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su và quan hệ tình dục chung thủy để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Tiên lượng cho bệnh viêm khớp phản ứng
Tiên lượng cho bệnh viêm khớp phản ứng thường tốt. Hầu hết người bệnh đều hồi phục hoàn toàn sau các đợt bùng phát triệu chứng ban đầu, tuy nhiên các triệu chứng có thể tái phát thường xuyên trong 2 – 6 tháng. Các triệu chứng thường có xu hướng kéo dài đến 12 tháng, nhưng thường không nghiêm trọng và không gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Có khoảng 30 – 50% các trường hợp, bệnh có thể tái phát sau đợt bùng phát ban đầu biến mất hoàn toàn, trong đó có khoảng 15 – 30% các trường hợp tiến triển thành viêm cột sống dính khớp. Một số người có thể phát triển tình trạng viêm khớp mãn tính, nhưng thường là nhẹ. Tái phát thường là do tái nhiễm trùng với các triệu chứng như đau lưng và viêm khớp.
Ngoài ra, một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân viêm khớp mãn tính trở nên nghiêm trọng, khó kiểm soát, điều trị và có thể gây biến dạng khớp.
Tham khảo thêm: Viêm cột sống dính khớp: Dấu hiệu chẩn đoán và điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!