Viêm Khớp Dạng Thấp Trẻ Em
Viêm khớp dạng thấp trẻ em là tình trạng viêm khớp mạn tính không rõ nguyên nhân, xảy ra ở những trẻ dưới 16 tuổi. Bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khớp kèm theo tình trạng viêm, sưng, đỏ, đau nhiều và cứng khớp trên 6 tuần. Trường hợp nặng có thể gây tổn thương da và các cơ quan nội tạng.
Viêm khớp dạng thấp trẻ em là gì?
Viêm khớp dạng thấp trẻ em còn được gọi là viêm khớp dạng thấp vị thành niên và viêm khớp vô căn vị thành niên. Đây là một bệnh lý tự miễn, tiến triển ở thể mạn tính làm ảnh hưởng đến các khớp trên cơ thể với nhiều mức độ khác nhau.
Bệnh tiến triển khiến trẻ nhỏ bị viêm khớp kèm theo biểu hiện sưng, đỏ, đau nhiều và cứng khớp trên 6 tuần. Bệnh chủ yếu xảy ra ở những trẻ dưới 16 tuổi và có xu hướng phát sinh những đợt viêm cấp kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Ở những trường hợp nặng, viêm khớp dạng thấp vị thành niên có thể gây thiếu máu, sốt cao. Bên cạnh đó bệnh còn làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, mắt, tim, phổi và nhiều cơ quan quan trọng khác của cơ thể.
Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp trẻ em
Bệnh viêm khớp dạng thấp trẻ em là một dạng rối loạn tự miễn dịch. Bệnh tiến triển khi cơ thể cùng hệ miễn gặp vấn đề, nhầm lẫn mô và một số tế bào khỏe mạnh của cơ thể là yếu tố ngoại lai. Đồng thời tấn công mạnh mẽ vào mô và tế bào dẫn đến viêm. Lúc này người bệnh sẽ có biểu hiện sưng, đau, đỏ và nóng ở các khớp.
Hiện tại, nguyên nhân khiến hệ miễn dịch rối loạn ở những trẻ bị viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy, tình trạng này có thể liên quan đến yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Cụ thể sự bất thường của các gen trong cơ thể, nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm do virus có thể kích hoạt sự phát triển của bệnh viêm khớp dạng thấp.
Yếu tố rủi ro của bệnh viêm khớp dạng thấp trẻ em
Viêm khớp dạng thấp trẻ em xảy ra ở những trẻ dưới 16 tuổi. Ngoài ra nguy cơ mắc bệnh thường cao hơn ở những nhóm đối tượng sau:
- Giới tính: Trẻ em gái thường có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao hơn so với trẻ em nam.
- Tiền sử gia đình: Những trẻ nhỏ có quan hệ huyết thống gần với bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với thông thường.
- Môi trường sống: Những trẻ sống trong môi trường nhiều khói bụi, nấm mốc, vi khuẩn, tiếp xúc với virus… sẽ có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao hơn so với thông thường.
Phân loại viêm khớp dạng thấp trẻ em
Dựa trên đặc điểm lâm sàng, tổn thương thực thể, số lượng khớp bị ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng, bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em được chia thành 3 nhóm chính. Bao gồm:
1. Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em thể viêm ít khớp
Viêm khớp dạng thấp trẻ em thể viêm ít khớp là tình trạng viêm khớp làm ảnh hưởng ít hơn 4 khớp. Trong đó khớp gối, khuỷu tay là những khớp dễ bị ảnh hưởng nhất. Ngoài ra bệnh có thể làm ảnh hưởng đến mắt và một số cơ quan ngoài khớp khác. Điều này gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng như viêm màng bồ đào, viêm mống mắt.
Trong một số trường hợp, tổn thương mắt vẫn tiếp diễn trong khi các biểu hiện viêm khớp không còn sau khi trẻ trưởng thành. Viêm khớp dạng thấp thể viêm ít khớp thường xảy ra ở trẻ em gái dưới 8 tuổi.
So với các thể còn lại, viêm khớp dạng thấp trẻ em thể viêm ít khớp là thể bệnh phổ biến nhất. Kết quả thống kê cho thấy, bệnh chiếm khoảng 30 đến 40% tổng trường hợp mắc bệnh.
2. Viêm khớp dạng thấp trẻ em thể viêm đa khớp
Viêm khớp dạng thấp trẻ em thể viêm đa khớp là tình trạng viêm khớp gây tổn thương ít nhất 5 khớp. Đối với thể bệnh này, tổn thương thường tập trung ở những khớp nhỏ (đặc biệt là các khớp nhỏ ở bàn tay và chân) và có xu hướng đối xứng ở hai bên cơ thể.
Đối với những trẻ bị viêm khớp dạng thấp thể đa khớp, xét nghiệm máu thường cho thấy có yếu tố dạng thấp. Yếu tố này có khả năng kích thích sự phát triển liên tục của bệnh. Ngoài ra trong nhiều trường hợp, những biểu hiện bên ngoài của trẻ tương tự như bệnh viêm khớp dạng thấp ở người lớn.
Viêm khớp dạng thấp trẻ em thể viêm đa khớp thường chiếm khoảng 30% trong tổng số trường hợp mắc bệnh.
3. Viêm khớp dạng thấp trẻ em thể viêm hệ thống
Viêm khớp dạng thấp trẻ em thể viêm hệ thống là tình trạng viêm khớp gây ra những tổn thương tru khú ở khớp và ngoài khớp, thường chiếm khoảng 20% trên tổng số trường hợp. Điều này khiến một số cơ quan quan trong cơ thể bị tổn thương kèm theo tình trạng rối loạn chức năng gan, tim, hệ bạch huyết và lách. Ngoài ra trẻ còn gặp nhiều biểu hiện bất thường khác như nổi ban đỏ, sốt, cơ thể gầy yếu…
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết viêm khớp dạng thấp trẻ em
Dấu hiệu nhận biết và những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm khớp dạng thấp trẻ em gồm:
1. Triệu chứng tại khớp
- Đau nhức nghiêm trọng ở các khớp tổn thương. Bệnh nhân bị đau dai dẳng làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày.
- Cứng khớp dai dẳng, thường nghiêm trọng hơn vào mỗi buổi sáng hoặc nghiêm trọng hơn sau khi ngủ trưa
- Sưng và đỏ khớp
- Khả năng vận động bị hạn chế
- Thay đổi dáng đi, trẻ thường xuyên đi khập khiễng vào mỗi buổi sáng. Đây là dấu hiệu cảnh báo sớm nhất khi có đầu gối hoặc các khớp nhỏ ở chân bị tổn thương.
2. Triệu chứng toàn thân
- Trẻ sốt cao
- Cơ thể mệt mỏi, gầy sút
- Thiếu máu
- Da xanh xao
- Chán ăn, ăn không ngon miệng
- Nổi mẩn đỏ trên cánh tay hoặc ở chân
- Sưng các hạch bạch huyết ở cổ và một số vị trí khác trên cơ thể
- Tổn thương các cơ quan nội tạng. Tổn thương thường xảy ra ở tim, hiếm khi xảy ra ở phổi
- Viêm mắt có thể xảy ra ở trường hợp nặng.
Tùy thuộc vào thể viêm khớp, giai đoạn phát triển và tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân, các triệu chứng thể nhanh chóng thuyên giảm hoặc biến mất sau đợt bùng phát. Ngoài ra ở những trường hợp có sức khỏe tốt, trẻ có thể chỉ gặp từ một đến hai đợt bùng phát, triệu chứng biến mất hoàn toàn và không bao giờ xuất hiện nữa.
Tuy nhiên trong nhiều trường hợp khác, trẻ có thể gặp nhiều đợt bùng phát của bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc các triệu chứng kéo dài dai dẳng và không bao giờ biến mất.
Bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em có nguy hiểm không?
Bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em cần được kiểm soát ngay khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Việc chậm trễ trong quá trình chăm sóc và điều trị y tế có thể gây ra một số biến chứng sau:
- Viêm mắt và các bệnh lý liên quan
Viêm mắt, viêm màng bồ đào, viêm mống mắt là những biến chứng thường gặp ở trẻ em bị viêm khớp dạng thấp. Biến chứng này xảy ra do viêm khớp dạng thấp gây ra những tổn thương ở dây thần kinh và mắt. Lâu ngày dẫn đến các rối loạn và gây viêm.
Trong trường hợp viêm mắt lâu ngày và không được điều trị, người bệnh sẽ có nguy cơ bị tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, trường hợp nặng có thể bị mù lòa.
- Ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ
Bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển và nuôi dưỡng xương khớp. Điều này khiến trẻ chậm lớn, gầy yếu và thấp hơn so với những trẻ cùng độ tuổi. Ngoài ra việc sử dụng corticosteroid trong điều trị viêm khớp dạng thấp cũng có khả năng ức chế sự phát triển của trẻ.
- Một số biến chứng khác
- Viêm mạch máu
- Thiếu máu mạn tính
- Nhiễm trùng
- Bệnh tim mạch
- Bệnh về gan, phổi, lách
- Tổn thương thần kinh
Bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em được chẩn đoán như thế nào?
Thông thường để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp ở trẻ em, bệnh nhân sẽ được kiểm tra các biểu hiện lâm sàng, tổn thương thực thể, xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh.
1. Chẩn đoán lâm sàng
Đầu tiên bệnh nhân được khám và kiểm tra sức khỏe tổng thể, kiểm tra tiền sử mắc bệnh và yếu tố di truyền. Sau đó, bác sĩ kiểm tra, xác định các biểu hiện liên quan và yêu cầu trẻ nhỏ mô tả triệu chứng. Cụ thể:
- Kiểm tra vị trí và mức độ nghiêm trọng của cơn đau. Xác định các hoạt động có thể làm tái phát hoặc làm nặng hơn biểu hiện đau ở các khớp.
- Kiểm tra triệu chứng cứng khớp và phạm vi cử động các khớp của bệnh nhân.
- Quan sát và kiểm tra tình trạng sưng, đỏ ở các khớp.
- Xác định chính xác số lượng khớp bị tổn thương.
- Kiểm tra dáng đi và biểu hiện bên ngoài của bệnh nhân.
- Đo nhiệt độ, kiểm tra các tổn thương ngoài da và hạch bạch huyết.
- Kiểm tra những bất thường ở mắt (nếu có).
2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Một số kỹ thuật dưới đây sẽ được chỉ định để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh:
- Xét nghiệm máu: Nếu có nghi ngờ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân sẽ được yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra yếu tố dạng thấp, tốc độ lắng hồng cầu… Điều này góp phần xác định tình trạng viêm và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên trong một số trường hợp, xét nghiệm máu ở trẻ em bị viêm khớp dạng thấp không tìm thấy bất thường đáng kể.
- Tốc độ lắng hồng cầu (ESR): Tốc độ lắng hồng cầu (ESR) giúp xác định mức độ viêm. Đối với bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp, tốc độ lắng của những tế bào hồng cầu thường tăng đáng kể.
- Kháng thể kháng nhân: Kết quả xét nghiệm cho thấy kháng thể kháng nhân tăng cao ở những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp. Đây là những protein được tạo ra từ hệ thống miễn dịch.
- Yếu tố dạng thấp: Đôi khi yếu tố dạng thấp được tìm thấy trong máu của những trẻ em mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra yếu tố này còn cho thấy trẻ nhỏ có nguy cơ cao bị viêm khớp kéo dài hoặc tổn thương do viêm khớp.
- Protein phản ứng C: Xét nghiệm máu cho phép bác sĩ kiểm tra số lượng Protein phản ứng C. Từ đó giúp đánh giá mức độ viêm trong cơ thể.
- Cyclic citrullinated peptide (CCP): Cyclic citrullinated peptide (CCP) là một loại kháng thể thường xuất hiện trong máu của những trẻ em bị viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra kháng thể này cũng cho thấy trẻ có nguy cơ tổn thương cao.
- Chụp X-quang: Sau khi xét nghiệm máu, bệnh nhân sẽ được yêu cầu chụp X-quang để loại trừ các nguyên nhân gây đau và hạn chế khả năng vận động như gãy xương, khuyết tật bẩm sinh u xương, nhiễm trùng…
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ (MRI) thường được chỉ định cho những trường hợp không rõ bất thường sau khi chụp X-quang. Kỹ thuật này giúp bác sĩ kiểm tra chính xác những bất thường của xương. Đồng thời xác định tổn thương ở những mô mềm xung quanh (cơ, dây chằng, mạch máu…) để đưa ra kết luận cuối cùng.
3. Chẩn đoán phân biệt
Bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em được chẩn đoán phân biệt với những tình trạng và bệnh lý sau:
- Gãy xương
- Trật khớp
- Lupus ban đỏ hệ thống
- Viêm khớp vảy nến…
Phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Thông thường người bệnh sẽ được hướng dẫn điều trị với nhiều phương pháp khác nhau để khắc phục các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em. Đồng thời hạn chế bùng phát những đợt viêm cấp.
1. Sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Đối với bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em, những loại thuốc được chỉ định thường có tác dụng giảm đau, giảm viêm, cải thiện tình trạng cứng khớp, hạn chế tổn thương và duy trì chức năng cho người bệnh.
Những loại thuốc thường được chỉ định gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là nhóm thuốc đầu tiên được sử dụng trong điều trị viêm khớp dạng thấp vị thành niên. Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm cảm giác đau nhức, giảm viêm, hạn chế tình trạng cứng và sưng ở các khớp.
Thông thường Ibuprofen và Naproxen sẽ được sử dụng. Aspirin ít khi được chỉ định vì thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng ở trẻ nhỏ. Điển hình như đau dạ dày, xuất huyết, rối loạn chức năng gan, hội chứng Reye.
Tuy nhiên nếu không có đáp ứng tốt với Ibuprofen và Naproxen, Aspirin sẽ được chỉ định. Lúc này bệnh nhân sẽ được xét nghiệm máu và sử dụng Aspirin với liều lượng thích hợp.
- Thuốc chống thấp khớp điều chỉnh bệnh (DMARD)
Nếu thuốc chống viêm không steroid không mang đến hiệu quả điều trị, DMARD sẽ được chỉ định. Việc sử dụng nhóm thuốc này có thể giúp người bệnh kiểm soát sự tiến triển của bệnh, phòng ngừa bệnh viêm khớp dạng thấp vị thành niên trở nên nghiêm trọng hơn.
Đối với các biểu hiện, bệnh nhân cần sử dụng thuốc chống thấp khớp điều chỉnh bệnh trong vài tuần mới có thể kiểm soát được triệu chứng. Ngoài ra bác sĩ có thể yêu cầu sử dụng DMARD kết hợp với NSAID để nâng cao hiệu quả chữa trị.
Methotrexate là một trong những thuốc chống thấp khớp điều chỉnh bệnh được sử dụng phổ biến.
- Corticosteroid
Corticosteroid có thể được chỉ định cho những trẻ nhỏ bị viêm khớp dạng thấp nặng, bệnh tiến triển và gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng, điển hình như viêm màng quanh tim hoặc viêm màng ngoài tim, rối loạn chức năng gan…
Corticosteroid có tác dụng kiểm soát sự tiến triển của các triệu chứng, giúp giảm viêm và cải thiện sự linh hoạt ở các khớp. Tùy thuộc vào khả năng đáp ứng với thuốc và mức độ nghiêm trọng, Corticosteroid có thể được dùng bằng đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp hay tĩnh mạch.
Tuy nhiên việc sử dụng Corticosteroid có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm:
-
- Ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ nhỏ
- Tăng cân
- Mặt trò
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng
- Làm ảnh hưởng đến mắt
- Xương yếu…
- Thuốc sinh học
Bác sĩ thường chỉ định thuốc sinh học cho những trường hợp sau:
-
- Bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em tiến triển nặng
- Bệnh nhân không có đáp ứng với các loại thuốc khác.
Thuốc sinh học có tác dụng loại bỏ các protein gây viêm và ức chế miễn dịch. Từ đó giúp phòng ngừa hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức, giảm viêm và kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp.
Thuốc sinh học thường được sử dụng bằng đường tiêm. Những loại thuốc thường được sử dụng gồm:
-
- Canakinumab (Ilaris)
- Etanercept (Enbrel)
- Abatacept (Orencia)
- Tocilizumab (Actemra)
- Adalimumab (Humira)
3. Liệu pháp thay thế/ bổ sung
Trong thời gian sử dụng thuốc, người bệnh có thể được hướng dẫn bổ sung hoặc điều trị với một số liệu pháp thay thế để đẩy nhanh tiến độ phục hồi bệnh.
- Chườm nóng
Phụ huynh có thể cho trẻ áp dụng biện pháp chườm nóng để hỗ trợ kiểm soát triệu chứng và hạn chế những tổn thương của bệnh. Biện pháp này có tác dụng cải thiện tình trạng cứng khớp vào mỗi buổi sáng. Đồng thời giúp giảm viêm, sưng khớp và hạn chế mức độ nghiêm trọng của cơn đau.
Ngoài ra việc sử dụng liệu pháp nhiệt còn giúp bệnh nhân cải thiện tâm trạng, kích thích quá trình lưu thông máu và hạn chế phát sinh những tổn thương mới. Để thực hiện, bạn có thể sử dụng túi nước nóng chườm lên vị trí đau hoặc tắm nước nóng cũng mang hiệu quả tương tự.
- Chườm lạnh
Chườm lạnh có tác dụng giảm đau, cải thiện tình trạng viêm, sưng và khó chịu ở các khớp. Tuy nhiên liệu pháp này không được áp dụng cho những bệnh nhân bị cứng khớp nghiêm trọng vì có thể làm nặng hơn tình trạng.
- Xoa bóp
Biện pháp xoa bóp giúp thư giãn khớp xương, tăng cường lưu lượng máu, cải thiện cảm giác đau nhức khó chịu. Bên cạnh đó việc thường xuyên áp dụng biện pháp này còn giúp người bệnh giảm căng cơ và cải thiện tình trạng co cứng. Theo các chuyên gia, trẻ nên được xoa bóp cùng với dầu nóng hoặc tinh dầu thiên nhiên để tăng hiệu quả điều trị.
- Châm cứu
Châm cứu là một liệu pháp thay thế thường được sử dụng cho những bệnh nhân bị viêm khớp nói chung hoặc viêm khớp dạng thấp nói riêng. Liệu pháp này có tác dụng làm nhẹ triệu chứng cứng khớp, tăng độ linh hoạt cho các khớp xương và làm dịu cảm giác đau nhức khó chịu. Ngoài ra châm cứu có thể giúp người bệnh giảm nhu cầu dùng thuốc giảm đau.
Tuy nhiên châm cứu không thể giúp người bệnh giảm viêm hoặc kiểm soát sự phát triển của những tổn thương do bệnh viêm khớp dạng thấp.
4. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là một phương pháp điều trị quan trọng đối với những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp. Phương pháp này có tác dụng cải thiện tình trạng cứng khớp, duy trì khả năng vận động và kích thích quá trình lưu thông máu.
Bên cạnh đó vật lý trị liệu còn giúp người bệnh tăng cường sức mạnh cơ bắp, tăng độ linh hoạt và khả năng chống chịu cho các khớp. Đồng thời giúp giảm đau và hạn chế tình trạng tê yếu.
Tùy thuộc vào mục đích điều trị và mức độ nghiêm trọng, người bệnh sẽ được hướng dẫn luyện tập với những bài tập thích hợp. Ngoài ta bệnh nhân có thể được khuyên sử dụng nẹp để hạn chế phát sinh những tổn thương mới, duy trì sự phát triển bình thường của khớp và xương.
5. Điều chỉnh thói quen sinh hoạt và ăn uống tốt
Bên cạnh vật lý trị liệu và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh cũng cần thay đổi thói quen sinh hoạt và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Điều này giúp bạn nâng cao hiệu quả điều trị, hỗ trợ kiểm soát triệu chứng. Đồng thời hạn chế bùng phát những đợt viêm cấp và ổn định sự phát triển của xương khớp.
Điều chỉnh thói quen sinh hoạt
- Trẻ bị viêm khớp dạng thấp cần duy trì thói quen luyện tập thể dục và vận động mỗi ngày. Điều này giúp giảm áp lực và căng thẳng lên các khớp, duy trì sự linh hoạt và sức mạnh của cơ bắp. Ngoài ra duy trì thói quen luyện tập còn giúp trẻ cải thiện tình trạng cứng khớp và đau nhức.
- Khuyến khích trẻ vận động, tránh cho trẻ ngồi lâu hoặc đứng lâu một chỗ vì có thể làm nặng hơn cơn đau.
- Tránh cho trẻ thực hiện những động tác có khả năng làm ảnh hưởng xấu đến khớp. Điển hình như vặn/ bẻ khớp, cằm đồ vật có kích thước nhỏ…
Chế độ ăn uống
Ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để ổn định quá trình phát triển của xương, góp phần giảm thiểu các triệu chứng của bệnh. Theo các chuyên gia, trẻ bị viêm khớp cần bổ sung và kiêng những loại thực phẩm sau:
Thực phẩm nên bổ sung
- Thực phẩm giàu canxi: Thịt, trứng, cá, sữa, các loại đậu, rau xanh…
- Thực phẩm giàu vitamin: Các loại rau xanh, ớt chuông, bông cải, các loại trái cây…
- Thực phẩm giàu axit béo omega-3: Cá hồi, cá trích, cá ngừ, trứng cá muối, dầu gan cá tuyết, hàu…
- Thực phẩm giàu mangan: Khoai tây, rau cải xoăn, quả việt quất, tảo biển, trứng, thịt động vật, cá mòi, cá hồi…
Thực phẩm nên kiêng
- Thực phẩm chiên nhiều dầu mỡ, chất béo: Gà rán, khoai tây chiên, khoai lang chiên, nội tạng động vật…
- Thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp: Xúc xích, rau củ/ thịt/ cá đóng hộp, thịt xông khói, chà bông…
- Thức ăn quá ngọt hoặc quá mặn: Bánh ngọt, bánh quy, kẹo, thức ăn nhiều đường/ muối, rau cải muối chua…
6. Phẫu thuật
Hiếm khi phẫu thuật được chỉ định trong điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em. Thông thường phương pháp điều trị này chỉ được chỉ định khi có tổn thương nghiêm trọng, tình trạng viêm khiến khớp hoặc sụn khớp bị hư hỏng, các cơ quan nội tạng bị suy yếu.
Nhìn chung viêm khớp dạng thấp trẻ em là một bệnh tự miễn nguy hiểm. Bệnh khiến trẻ đau nhức, cứng khớp và làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Ngoài ra bệnh có thể gây biến chứng viêm mắt, rối loạn chức năng và tổn thương nội tạng nghiêm trọng. Vì thế ngay khi có biểu hiện bất thường, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm soát kịp thời.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!