Viêm Gân Bánh Chè

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Lương y Phùng Hải Đăng | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Viêm gân bánh chè là một chấn thương phổ biến, thường ảnh hưởng đến các vận động viên nhảy cao, nhảy xa hoặc người thường xuyên thực hiện các hoạt động tác động lên đầu gối. Bài viết dưới đây sẽ mô tả các triệu chứng, nguyên nhân, biện pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả, người bệnh có thể tham khảo.

Viêm gân bánh chè
Viêm gân bánh chè là chấn thương thể thao phổ biến ở vận động nhảy xa hoặc điền kinh

Viêm gân bánh chè là gì?

Gân là mô nối các cơ với xương. Gân bánh chè nối phần dưới của xương bánh chè với phần trên của xương ống chân. Gân bánh chè mang lại sự ổn định, giữ các xương lại với nhau. Gân này cũng hoạt động song song với cơ tứ đầu và các mô liên kết khác để giúp người bệnh di chuyển linh hoạt. Nếu không có gân bánh chè, bạn không thể duỗi thẳng đầu gối hoặc thực hiện các động tác như nhảy.

Viêm gân bánh chè xảy ra khi mô gần bánh chè bị viêm, sưng hoặc kích thích. Tình trạng này thường xảy ra do lạm dụng, chấn thương, va chạm, và thường ảnh hưởng đến vận động viên.

Đau đầu gối từ nhẹ đến nặng là dấu hiệu nhận biết viêm gân bánh chè phổ biến nhất. Cơn đau có xu hướng trở nên nghiêm trọng theo thời gian. Nếu không được điều trị, cơn đau và nhức có thể dẫn đến suy nhược, hạn chế phạm vi chuyển động cũng như gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Trong các trường hợp nghiêm trọng, viêm gân có thể gây ảnh hưởng đến khả năng đi lại, di chuyển.

Trong hầu hết các trường hợp, viêm gân bánh chè không nghiêm trọng và đáp ứng các biện pháp giảm đau tại nhà, sử dụng thuốc, vật lý trị liệu tăng cường cơ xung quanh đầu gối. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài hoặc khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật điều trị.

Nguyên nhân nào gây viêm gân bánh chè?

Nguyên nhân chính dẫn đến viêm gân bánh chè là lạm dụng, bởi các hoạt động căng thẳng, lặp lại thường xuyên trên gân bánh chè của người bệnh. Sự căng thẳng này có thể dẫn đến các vết rách nhỏ ở gân và cơ thể đang cố gắng sửa chữa. Các vết rách nhỏ trong gân sẽ nhân lên nhiều lần, dẫn đến đau đớn, viêm và làm yếu gân. Khi tổn thương gân này kéo dài đến vài tuần sẽ dẫn đến viêm gân.

Viêm gân bánh chè bao lâu thì khỏi
Nguyên nhân chính dẫn đến viêm gân bánh chè là lạm dụng và chấn thương thể thao

Một số nguyên nhân dẫn đến viêm gân bánh chè:

  • Chấn thương: Để gây tổn thương gân bánh chè cần một lực rất mạnh, chẳng hạn như té ngã, va chạm hoặc nhảy và tiếp đất không đúng cách. Các tác động trực tiếp lên đầu gối là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tổn thương gân bánh chè.
  • Gân yếu: Viêm gân bánh chè phổ biến ở người có gân yếu, chẳng hạn như thường xuyên chạy hoặc nhảy với cường độ cao. Ngoài ra, viêm sử dụng corticosteroid tiêm vào đầu gối để điều trị nhiều tình trạng cũng có thể dẫn đến yếu gân, viêm gân và đứt gân theo thời gian.
  • Bệnh lý mãn tính: Một số bệnh lý mãn tính có thể gây ảnh hưởng đến quá trình cung cấp máu đến gân, từ đó dẫn đến yếu gân và viêm gân. Các vấn sức khỏe liên quan đến viêm gân bao gồm suy thận mãn tính, nồng độ cholesterol cao, các bệnh lý viêm nhiễm (viêm khớp dạng thấp hoặc Lupus ban đỏ hệ thống), đái tháo đường, nhiễm trùng
  • Tiền sử phẫu thuật: Những người đã từng phẫu thuật quanh gân bánh chè trong quá khứ, chẳng hạn như thay thế đầu gối hoặc tái tạo dây chằng chéo trước, có thể làm tăng nguy cơ viêm gân bánh chè.

Các yếu tố rủi ro:

Có một số yếu tố rủi ro có thể góp phần làm tăng nguy cơ phát triển viêm gân bánh chè, chẳng hạn như:

  • Hoạt động thể chất: Việc chạy và nhảy thường xuyên có thể dẫn đến viêm gân. Việc tăng cường mức độ hoặc tần suất hoạt động sẽ gây căng thẳng cho gân và tăng nguy cơ chấn thương.
  • Cứng cơ bắp: Tình trạng cứng cơ bắp chân (cơ tứ đầu) và gân kheo chạy lên phía sau đùi, có thể làm tăng sức căng cho gân bánh chè, dẫn đến tổn thương và viêm.
  • Mất cân bằng cơ bắp: Nếu một số cơ ở chân khỏe hơn với các cơ khác, điều này dẫn đến việc các cơ khỏe kéo gân bánh chè mạnh hơn. Lực kéo không đều là nguyên nhân chính dẫn đến viêm gân.
  • Tuổi trên 40: Các triệu chứng viêm gân bánh chè thường phát triển trong một thời gian dài, do đó những người trên 40 tuổi có nguy cơ phát triển các triệu chứng hơn so với người trẻ tuổi.
  • Vận động viên: Vận động viên chuyên nghiệp thường chạy và nhảy mạnh hơn so với người bình thường, đặc biệt là các môn bóng rổ, nhảy, bóng đá, điền kinh và bóng chuyền.

Biểu hiện của tình trạng viêm gân bánh chè

Đau đớn và sưng là dấu hiệu đầu tiên của viêm gân bánh chè, cơn đau thường xuất hiện ở giữa xương bánh chè và nơi gân bám vào xương ống chân (xương chày). Các triệu chứng thường phát triển dần dần và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Lúc đầu người bệnh có thể cảm thấy đau nhẹ ở đầu gối. Cảm giác đau đớn và khó chịu hiếm khi xảy ra và chỉ xảy ra sau khi thực hiện các hoạt động thể chất. Tuy nhiên theo thời gian, cơn đau sẽ trở nên rõ ràng hơn và bắt đầu cảm thấy đau khi hoạt động thể chất. Cuối cùng cơn đau sẽ gây cản trở các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như đứng dậy khỏi ghế hoặc lên xuống cầu thang.

Ngoài trừ đau đớn, các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Cứng khớp và sưng tấy: Viêm gân khiến đầu gối có thể trở nên cứng và khó cử động. Bên cạnh đó, tình trạng viêm cũng có thể gây sưng tấy ở đầu gối.
  • Mềm khi chạm vào: Khu vực xung quanh gân bánh chè và xương bánh chè sẽ trở nên mềm và bị đau khi chạm vào.

Nếu không được điều trị, viêm gân bánh chè sẽ trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng đến các chuyển động bình thường.

Viêm gân bánh chè có nguy hiểm không?

Tình trạng đau đầu gối và cứng khớp ở người viêm gân bánh chè có thể gây suy giảm chức năng, thu hẹp phạm vi chuyển động, tăng nguy cơ cứng khớp kéo dài và khiến các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Nếu không được điều trị phù hợp, viêm gân có thể dẫn đến rách gân, dẫn đến đau đớn dữ dội và nhiều rủi ro khác. Rách gân có thể khiến xương bánh chè di chuyển lên đùi, do không được neo vào xương ống chân. Điều này dẫn đến khó khăn khi đi lại, thậm chí là mất khả năng chuyển động, khụy đầu gối.

Nếu nhận thấy các biểu hiện hoặc nghi ngờ viêm gân bánh chè, người bệnh cần đến bệnh viện để được chăm sóc sức khỏe phù hợp. Ngoài ra, hãy gọi cho bác sĩ ngay khi:

  • Cơn đau dữ dội hoặc có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn
  • Không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày, bao gồm đi bộ
  • Khớp đầu gối sưng tấy, đỏ hoặc đổi màu

Chẩn đoán viêm gân bánh chè

Để chẩn đoán viêm gân bánh chè, bác sĩ có thể khám sức khỏe tổng thể, thảo luận về các tiền sử bệnh hoặc đề nghị các xét nghiệm hình ảnh như chụp X – quang, siêu âm và cộng hưởng từ (MRI).

Đầu tiên bác sĩ sẽ kiểm tra lịch sử y tế của người bệnh và xác định các triệu chứng liên quan, chẳng hạn như các chấn thương cũ, đã từng phẫu thuật đầu gối hay chưa hoặc các môn thể thao luyện tập thường xuyên. Sau khi xác định các triệu chứng và tiền sử bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng đầu gối để xác định các vết rách, bầm tím hoặc sưng.

Để xác nhận chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như:

  • Chụp X – quang: Hình ảnh X – quang được sử dụng để loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây đau đầu gối, chẳng hạn như đứt gân bánh chè.
  • Siêu âm: Xét nghiệm này sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh đầu gối, giúp xác định vết rách ở gân bánh chè.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Xét nghiệm này sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong gân bánh chè.

Cách điều trị viêm gân bánh chè hiệu quả

Thông thường, các triệu chứng viêm gân bánh chè đáp ứng tốt các phương pháp điều trị bảo tồn và ít xâm lấn. Trong trường hợp các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật điều trị. Cụ thể, các biện pháp điều trị bao gồm:

1. Biện pháp giảm đau tại nhà

Các biện pháp điều trị viêm gân bánh chè chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng và củng cố các mô mềm ở đầu gối. Trong thời gian đầu, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị tại nhà, chẳng hạn như:

Viêm gân bánh chè uống thuốc gì
Dành thời gian nghỉ ngơi và tập luyện phù hợp để cải thiện các cơn đau và cứng khớp gối
  • Hoạt động phù hợp: Tránh các hoạt động hoặc chuyển động có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Việc hoạt động khi đau đớn có thể dẫn đến tổn thương nhiều hơn ở các mô và khiến các triệu chứng viêm gân trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Nghỉ ngơi: Người bệnh được khuyến khích dành thời gian nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Điều này giúp cơ thể có thời gian phục hồi.
  • Chườm đá: Nếu bị sưng xung quanh đầu gối, người bệnh có thể đặt một túi nước đá lên khu vực đầu gối trong 15 phút mỗi lần, vài lần mỗi ngày. Điều này có thể giúp chống viêm, giảm sưng và đau.
  • Uống thuốc giảm đau: Có một số loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như Paracetamol hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) chẳng hạn như Ibuprofen, có tác dụng cải thiện các cơn đau từ nhẹ đến trung bình.

2. Vật lý trị liệu

Khi cơn đau và sưng ban đầu đã ổn định, người bệnh có thể bắt đầu tập vật lý trị liệu để tăng cường phạm vi chuyển động, tăng sức mạnh và phục hồi sức mạnh gân bánh chè. Bác sĩ có thể đề xuất các động tác kéo giãn hoặc các bài tập tăng sức mạnh cơ xung quanh đầu gối phù hợp với từng người bệnh.

Một số kỹ thuật vật lý trị liệu điều trị viêm gân bánh chè hiệu quả bao gồm:

  • Bài tập kéo dài: Các bài tập co duỗi thường xuyên, đều đặn có thể làm giảm co thắt cơ và kéo dài gân, cơ, điều này giúp phục hồi phạm vi chuyển động của đầu gối.
  • Bài tập củng cố: Cơ đùi yếu góp phần làm căng gân bánh chè, do đó bác sĩ có thể hướng dẫn các bài tập tăng cường cơ. Các bài tập liên quan đến việc nâng chân lên và hạ chân xuống rất chậm có thể giúp cơ đùi và bắp chân săn chắc. Các bài tập kết hợp tăng cường sức mạnh, chẳng hạn như các bài tập chân (leg press) cũng góp phần điều trị viêm gân bánh chè.
  • Đai bảo vệ đầu gối: Đai này là một dây đeo tạo áp lực lên gân bánh chè, giúp phân bổ lực đều ra khỏi gân và hướng đến dây đeo. Điều này sẽ giúp giảm đau và bảo vệ đầu gối khỏi các chấn thương.
  • Điện di ion: Phương pháp này được thực hiện bằng cách thoa một lượng thuốc corticosteroid lên da, sau đó sử dụng thiết bị điện di điện tích thấp để đẩy thuốc qua da, từ đó giảm đau, chống viêm hiệu quả.

3. Phẫu thuật và các biện pháp xâm lấn khác

Nếu các phương pháp bảo tồn không mang lại hiệu quả không mong muốn, bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp điều trị xâm lấn, chẳng hạn như:

  • Tiêm corticosteroid: Thuốc corticosteroid sẽ được đưa vào vỏ bọc xung quanh gân bánh chè dưới sự hướng dẫn của siêu âm, điều này giúp giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên các loại thuốc này cũng có thể gây yếu gân và khiến gân dễ đứt hơn.
  • Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu: Phương pháp tiêm này có thể điều trị các triệu chứng viêm gân bánh chè mãn tính, thúc đẩy hình thành các mô mới và chữa lành các tổn thương gân.

Thông thường viêm gân bánh chè không cần phẫu thuật. Tuy nhiên nếu cơn đau mãn tính hoặc trong trường hợp đứt gân, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật.

Bác sĩ phẫu thuật có thể đề nghị cắt phần gân bánh chè bị tổn thương, sau đó khâu nối các đầu gân khỏe mạnh lại với nhau để duy trì độ căng thích hợp, đảm bảo không quá chặt cũng không quá lỏng. Phẫu thuật này tương đối đơn giản nhưng khó thực hiện và đòi hỏi bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Phục hồi sau viêm gân bánh chè

Người bệnh cần mất một khoảng thời gian nhất định để phục hồi sau viêm gân bánh chè. Điều quan trọng là có kế hoạch điều trị kịp thời, đúng cách để đạt hiệu quả tốt nhất. Việc trì hoãn điều trị có thể khiến gân bị tổn thương đáng kể, khả năng phục hồi hoàn toàn thấp cũng như nguy cơ tổn thương vĩnh viễn cao.

Bài tập viêm gân bánh chè
Tránh tập luyện thể thao cho đến khi gân bánh chè lành hoàn toàn

Để thúc đẩy quá trình phục hồi, người bệnh cần dành thời gian nghỉ ngơi phù hợp, tránh làm việc quá sức hoặc vận động cường độ cao. Vội vã trong các hoạt động thể chất có thể gây chấn thương tái phát, khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hơn.

Ngay cả khi điều trị và có kế hoạch phục hồi phù hợp, người bệnh cũng cần chời tối thiểu 3 tháng trước khi trở lại hoạt động bình thường và chờ ít nhất 4 – 6 tháng để quay trở lại chơi thể thao. Các vận động viên muốn trở lại thi đấu thể thao cần chờ ít nhất là một năm để tránh chấn thương tái phát.

Phòng ngừa viêm gân bánh chè như thế nào?

Để giảm nguy cơ viêm gân bánh chè hoặc chấn thương thể thao, người bệnh cần thực hiện một số lưu ý và biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như:

  • Đi giày vừa vặn: Đảm bảo giày cũng như các dụng cụ thể thao khác (như quần áo, thiết bị hỗ trợ) đều vừa vặn với cơ thể. Điều này góp phần bảo vệ cơ thể và tránh các tổn thương liên quan.
  • Kéo căng: Người bệnh nên dành ít nhất là 5 phút trước khi chơi thể thao hoặc vận động để làm nóng và kéo căng các nhóm cơ chính. Kéo dài thường xuyên sẽ giúp gân, cơ đàn hồi tốt hơn, ít bị rách và chấn thương.
  • Khởi động: Khởi động nhẹ nhàng và thực hiện các bài tập với cường độ từ nhẹ đến nặng để bảo vệ gân bánh chè.
  • Tăng cường cơ bắp: Cơ đùi khỏe có thể giúp xử lý căng thẳng và chống viêm gân bánh chè. Thường xuyên thực hiện các bài tập hạ chân, duỗi đầu gối để tăng cường sức mạnh cơ bắp.
  • Cải thiện kỹ thuật: Để đảm bảo các kỹ thuật vận động đúng đắn, người bệnh nên tham gia các lớp thể thao chuyên nghiệp, được hướng dẫn bởi huấn luyện viên. Nếu  bị đau hoặc khó chịu trong quá trình tập luyện, hãy thông báo với người hướng dẫn.

Viêm gân bánh chè có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để phục hồi. Điều quan trọng là điều trị đúng cách, kịp thời và đúng hướng dẫn của bác sĩ. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần theo dõi phản ứng của cơ thể và thông báo với bác sĩ ngay khi nhận thấy các dấu hiệu không mong muốn.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Viêm Cân Gan Chân Có Nguy Hiểm Không
Viêm cân gan chân có nguy hiểm không, bao lâu khỏi là thắc mắc chung của nhiều bệnh nhân. Bệnh lý này thường gây ra những đợt đau nhói nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng vận động và đi ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua