Viêm Đa Rễ Dây Thần Kinh
Viêm đa rễ dây thần kinh là tình trạng tổn thương myelin của nhiều dây thần kinh ngoại biên ở một người. Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình truyền tải tín hiệu trở lại não. Đồng thời làm khởi phát các cơn đau đớn đột ngột, tê tái, yếu chi và có cảm giác cực kỳ nhạy cảm.
Viêm đa rễ dây thần kinh là gì?
Viêm đa rễ dây thần kinh (viêm đa rễ dây thần kinh ngoại biên) là thuật ngữ y tế chỉ tình trạng viêm/ tổn thương myelin của các dây thần kinh ngoại biên. Bao myelin của dây thần kinh là một lớp chất béo bao bọc xung quanh và bảo vệ các sợi thần kinh. Đồng thời tăng tốc độ và khả năng giao tiếp giữa những tế bào thần kinh.
Khi bao myelin bị tổn thương, quá trình truyền tải tín hiệu trở lại não bị ảnh hưởng, chậm lại hoặc thường xuyên gián đoạn. Mặt khác dây thần kinh ngoại biên là những dây thần kinh chạy khắp cơ thể. Do đó viêm đa rễ dây thần kinh làm ảnh hưởng đến cơ, các dây thần kinh xung quanh cùng những cơ quan khác trên cơ thể.
Tuy nhiên, tổn thương dây thần kinh ngoại biên không làm ảnh hưởng đến những dây thần kinh ở cột sống hoặc trong não. Tùy thuộc vào phân loại và mức độ ảnh hưởng, viêm đa rễ dây thần kinh được chữa trị bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Phân loại viêm đa rễ dây thần kinh
Bệnh viêm đa rễ dây thần kinh được phân thành hai loại, bao gồm cấp tính và mãn tính.
1. Viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính
Loại này xảy ra khi viêm đa rễ dây thần kinh xuất hiện đột ngột kèm theo những triệu chứng nghiêm trọng. Bệnh thường liên quan đến một số rối loạn di truyền (chẳng hạn như hội chứng Guillain-Barré đặc trưng bởi tình trạng viêm tự miễn các dây thần kinh), nhiễm trùng và phản ứng tự miễn dịch.
Những trường hợp viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính cần được cấp cứu y tế. Bệnh thường được điều trị thành công trong thời gian ngắn. Điều trị chậm trễ có thể làm tăng nguy cơ suy hô hấp và ngừng tim do tổn thương các dây thần kinh chi phối tương ứng. Một số trường hợp khác có di chứng thần kinh vĩnh viễn.
2. Viêm đa rễ dây thần kinh mãn tính
Loại này xảy ra khi viêm đa rễ dây thần kinh và các triệu chứng không thể điều trị nhanh chóng, kéo dài nhiều tháng. Nguyên nhân gây bệnh liên quan đến những bệnh lý tiềm ẩn (chẳng hạn như suy thận và tiểu đường), bệnh tự miễn. Một số trường hợp không thể xác định nguyên nhân.
Dấu hiệu nhận biết viêm đa rễ dây thần kinh
Tùy thuộc vào nguyên nhân và số lượng rễ thần kinh tổn thương, triệu chứng có thể khác nhau về tính chất và mức độ nghiêm trọng ở mỗi người. Dưới đây là những triệu chứng phổ biến nhất:
- Đau đớn đột ngột
- Yếu chi do các cơ bị ảnh hưởng. Đôi khi cảm thấy yếu ở tay hoặc chân do teo cơ
- Bất thường khi đi lại, dễ vấp ngã
- Tê liệt
- Tê liệt chân hoặc tay
- Tê liệt các cơ vùng thân mình dẫn đến suy hô hấp
- Liệt các cơ vùng mặt và họng miệng dẫn đến khó nuốt
- Dị cảm ở bàn chân hoặc bàn tay, sau đó lan rộng
- Có cảm giác ngứa ran hoặc bỏng rát. Triệu chứng rõ ràng hơn ở bàn tay và bàn chân
- Cực kỳ nhạy cảm khi chạm vào khu vực bị ảnh hưởng
- Tê tái
- Rối loạn đại tiểu tiện
- Rối loạn thần kinh vận động dẫn đến tăng huyết áp, cơ thể tiết nhiều mồ hôi, mạch nhanh và da tái.
Các triệu chứng đột ngột nghiêm trọng hoặc tăng dần theo thời gian. Ngoài ra triệu chứng đột ngột tăng cao khi cơ thể mệt mỏi, vận động/ làm việc gắng sức hoặc tiếp xúc với nhiệt độ cao.
Nguyên nhân gây viêm đa rễ dây thần kinh là gì?
Nguyên nhân gây viêm đa rễ dây thần kinh có thể là vô căn, di truyền, thuốc, chấn thương hoặc bệnh lý.
- Vô căn: Khoảng 30 – 40% trường hợp không thể xác định nguyên nhân gây tổn thương dây thân kinh.
- Di truyền: Viêm đa rễ dây thần kinh di truyền có nghĩa các chất làm tổn thương dây thần kinh ngoại biên được di truyền từ ba mẹ của người bệnh. Những trường hợp này có tổn thương dây thần kinh phát triển chậm, tăng dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian.
- Chấn thương hoặc bệnh lý: Viêm đa rễ dây thần kinh thường xảy ra do một tình trạng xảy ra bên ngoài cơ thể hoặc bệnh lý không được điều trị tốt. Cụ thể:
- Một tình trạng xảy ra bên ngoài cơ thể: Chẳng hạn như nhiễm trùng và chấn thương do chuyển động lặp đi lặp lại.
- Thiếu vitamin: Thường gặp ở người bị thiếu hụt vitamin B12.
- Bệnh lý toàn thân: Tiểu đường, suy thận, suy giáp, ung thư, nghiện rượu…
- Bệnh tự miễn và nhiễm trùng: Nhiễm trùng vi khuẩn/ virus (như virus đường ruột, Streptococcus B, HIV), viêm mãn tính… có thể kích thích hệ miễn dịch dẫn đến những phản ứng quá mức. Thông thường hệ miễn dịch sản sinh kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi dị nguyên. Khi có rối loạn, các tế bào khỏe mạnh (bao gồm cả myelin) bị nhầm lẫn và bị tấn công bởi hệ miễn dịch. Sau chấn thương, khả năng dẫn truyền tín hiệu giữa những tế bào thần kinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Thuốc: Nguy cơ viêm đa rễ dây thần kinh tăng cao do sử dụng một số loại thuốc điều trị, chẳng hạn như thuốc tiêu sợi huyết và thuốc điều trị ung thư.
Dạng cấp tính có thể xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:
- Thuốc: Thuốc an thần, thuốc chống co giật, thuốc kháng sinh, thuốc trị ung thư và một số loại khác có thể kích thích sự bùng phát của đợt viêm cấp,
- Ung thư: Đa u tủy và một số bệnh ung thư ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh có thể gây viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính.
- Rối loạn tự miễn dịch: Bao myelin bảo vệ các sợi thần kinh bị tấn công do một số rối loạn tự miễn dịch, chẳng hạn như hội chứng Guillain-Barré.
- Nhiễm trùng/ hóa chất: Một số thuốc diệt côn trùng và tình trạng nhiễm khuẩn/ nhiễm virus có thể gây bệnh.
Viêm đa rễ dây thần kinh mãn tính thường vô căn. Tuy nhiên những tình trạng dưới đây cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh:
- Suy giáp
- Suy thận
- Thiếu hụt chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin B12 và vitamin B1 (Thiamin)
- Nhiễm kim loại nặng
- Nghiện rượu hoặc uống quá nhiều rượu
- Bệnh tiểu đường
- Một số bệnh ung thư.
Bệnh viêm đa rễ dây thần kinh có nguy hiểm không?
Viêm đa rễ dây thần kinh cần được điều trị sớm để ngăn các triệu chứng gây rối loạn cảm giác và ảnh hưởng đến khả năng vận động. Điều trị không đúng cách hoặc chậm trễ có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng sau:
- Mất khả năng vận động
- Teo cơ
- Rối loạn đại tiểu tiện
- Tê liệt hoàn toàn
Hơn thế viêm cấp tính không được điều trị kịp thời có thể gây suy hô hấp và ngừng tim do tổn thương các dây thần kinh chi phối tương ứng. Điều này có thể làm tăng nguy cơ tử vong.
Chẩn đoán viêm đa rễ dây thần kinh
Triệu chứng của viêm đa rễ dây thần kinh tương tự như một số dạng tổn thương/ chèn ép dây thần kinh trong não và tủy sống. Chính vì thế mà bệnh lý này cần được kiểm tra lâm sàng kỹ lưỡng kết hợp với các xét nghiệm hình ảnh.
1. Chẩn đoán lâm sàng
Bệnh nhân được khám sức khỏe toàn diện để chẩn đoán viêm đa rễ dây thần kinh. Trong quá trình thăm khám, bệnh nhân cần mô tả mức độ đau, dị cảm và tình trạng tê yếu ở những vùng bị ảnh hưởng. Nâng vật, những chuyển động cơ bản ở chân và tay có thể giúp xác định các cơ yếu và bị teo do ảnh hưởng từ dây thần kinh bị tổn thương.
2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Sau thăm khám lâm sàng, một số xét nghiệm được chỉ định để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ nghiêm trọng.
- Điện cơ đồ và nghiên cứu dẫn truyền thần kinh: Đánh giá khả năng dẫn truyền tín hiệu của dây thần kinh, sự mất phân bố thần kinh của cơ hoặc nghiên cứu phản ứng điện của cơ và dây thần kinh.
- Xét nghiệm máu/ nước tiểu: Kiểm tra các rối loạn di truyền, đường huyết và nhiều tình trạng khác gây viêm đa rễ dây thần kinh.
- Sinh thiết khu vực bị ảnh hưởng: Sinh thiết khu vực bị ảnh hưởng hoặc dây thần kinh để đánh giá mức độ viêm đa rễ dây thần kinh và xác định nguyên nhân gây bệnh.
Phương pháp điều trị viêm đa rễ dây thần kinh
Điều trị viêm đa rễ dây thần kinh dựa vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
1. Điều trị nguyên nhân
Để điều trị viêm đa rễ dây thần kinh, các nguyên nhân cần được kiểm soát tốt. Phương pháp điều trị cho một số tình trạng cụ thể:
- Các rối loạn tự miễn: Dùng thuốc ức chế phản ứng quá mức của hệ miễn dịch hoặc Globulin miễn dịch. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân được thay huyết tương để loại bỏ lượng độc tố trong máu.
- Chấn thương: Tránh những hoạt động quá mức nếu bị viêm đa dây thần kinh sau chấn thương. Ngoài ra người bệnh được hướng dẫn dùng thuốc giảm đau kết hợp vật lý trị liệu để kiểm soát cơn đau và cải thiện khả năng vận động.
- Bệnh tiểu đường: Dùng thuốc kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh để kiểm soát lượng đường trong máu.
- Bệnh ung thư: Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật loại bỏ khối u ác tính hoặc những tế bào ung thư gây viêm đa rễ dây thần kinh. Nếu tế bào ung thư/ khối u làm tăng áp lực lên các dây thần kinh, hóa trị liệu sẽ được chỉ định.
2. Thuốc
Bệnh nhân được chỉ định một số loại thuốc để giảm viêm và đau tại vùng tổn thương. Đồng thời kiểm soát nguyên nhân. Những loại thuốc thường được chỉ định gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Nhóm thuốc này được dùng cho những trường hợp đau thần kinh ở mức độ vừa. Thuốc có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, giảm đau và điều trị viêm. Một số loại thuốc chống viêm không steroid thường được sử dụng gồm Naproxen, Ibuprofen.
- Codein/ Tramodol + Paracetamol: Thuốc này được dùng cho những trường hợp đau từ vừa đến nặng. Thuốc chứa Paracetamol (thuốc giảm đau hạ sốt thông thường) và opioid (Codein/ Tramodol – thuốc giảm đau gây nghiện, có tác dụng giảm nhanh những cơn đau vừa và nặng). Khi dùng kết hợp, Paracetamol làm tăng hiệu quả giảm đau của opioid và giảm nguy cơ bị nghiện do dùng liều cao opioid.
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm được sử dụng cho những bệnh nhân có cơn đau dai dẳng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và tâm trạng. Thuốc có tác dụng giảm đau, an thần, cải thiện giấc ngủ và chống trầm cảm.
- Corticosteroid: Thuốc Corticosteroid thường được chỉ định cho những bệnh nhân có các tình trạng tự miễn dẫn đến viêm rễ dây thần kinh. Đây là một loại thuốc chống viêm mạnh, thường được dùng ở dạng viêm uống. Thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch, ngăn các phản ứng quá mức. Đồng thời giảm đau, chống dị ứng và điều trị viêm nhanh chóng.
- Globulin miễn dịch: Ngoài Corticosteroid, Globulin miễn dịch cũng thường được sử dụng cho nhưng bệnh nhân có các tình trạng tự miễn gây tổn thương dây thần kinh. Đây là các kháng thể giúp tăng khả năng nhận biết và ức chế hoạt động hoặc vô hiệu hóa tác nhân lạ của hệ miễn dịch. Globulin miễn dịch thường được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch.
- Thuốc kháng sinh/ kháng virus: Nhóm thuốc này được dùng cho những trường hợp nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Thuốc có tác dụng loại trừ vi khuẩn/ virus kích thích phản ứng quá mức của hệ miễn dịch và gây tổn thương dây thần kinh.
3. Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng của viêm đa rễ dây thần kinh và ngăn bệnh tiến triển. Cụ thể:
- Ngừng hoặc hạn chế uống rượu.
- Không lặp đi lặp lại những hoạt động hoặc công việc có thể làm tăng các triệu chứng của bệnh.
- Tránh tiếp xúc với hóa chất hoặc chất độc trong môi trường khiến bệnh viêm đa rễ dây thần kinh của bạn tiến triển.
- Đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng, khoảng 2600kcal/ngày. Đồng thời bù các chất điện giải và bù dịch trong quá trình điều trị để giảm nhẹ tình trạng.
- Kiểm soát căng thẳng, tránh stress và lo âu quá mức. Bởi điều này có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của tình trạng và cơn đau. Thử ngồi thiền, tập yoga hoặc thực hiện những hoạt động ưa thích có thể giúp cải thiện tâm trạng hiệu quả.
4. Vật lý trị liệu
Trong điều trị viêm đa rễ dây thần kinh, vật lý trị liệu gồm các bài tập có tác dụng cải thiện chức năng vận động, tăng phạm vi và tính linh hoạt. Đồng thời phòng ngừa biến chứng cứng khớp.
Ngoài ra vận động trị liệu còn giúp xây dựng cơ bắp chắc khỏe, giảm yếu chi, phòng ngừa chứng teo cơ do cơ bắp không được sử dụng lâu ngày. Ngoài vận động, điện trị liệu, siêu âm trị liệu, nhiệt trị liệu và massage trị liệu cũng được chỉ định cho nhiều trường hợp.
Phòng ngừa viêm đa rễ dây thần kinh
Không có cách ngăn ngừa hoàn toàn bệnh viêm đa rễ dây thần kinh. Tuy nhiên những biện pháp dưới dây có thể giúp hạn chế sự bùng phát và tiến triển của bệnh.
- Điều trị tích cực những bệnh lý có khả năng gây tổn thương dây thần kinh. Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ chế độ ăn uống lành mạnh. Cụ thể ăn nhiều trái cây, các loại hạt, đậu, rau củ quả, ngũ cốc… để bổ sung vitamin A, B, C, D, chất chống oxy hóa, canxi, kali, magie cùng các khoáng chất khác. Những thành phần dinh dưỡng này giúp duy trì chức năng miễn dịch, nâng cao sức khỏe tổng thể và hệ xương khớp. Đồng thời tăng khả năng kháng viêm và giảm nguy cơ viêm đa rễ dây thần kinh.
- Hạn chế uống rượu bia và hút thuốc lá.
- Tránh lặp đi lặp lại những động tác có thể gây chấn thương hoặc tổn thương dây thần kinh.
- Tránh tiếp xúc với hóa chất hoặc những chất độc hại trong môi trường. Đồng thời không tiếp xúc nhiều với kim loại nặng.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày để xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh, duy trì sức khỏe tổng thể, ngăn ngừa các nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh.
Viêm đa rễ dây thần kinh là một bệnh lý nghiêm trọng, dễ gây biến chứng teo cơ, tê liệt, suy hô hấp và nhiều tình trạng y tế nghiêm trọng khác. Vì thế cần sớm thăm khám và điều trị tích cực nếu có các triệu chứng liên quan.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!