Viêm Cân Gan Bàn Chân
Viêm cân gan bàn chân là tình trạng viêm và tổn thương một dảy mô dày dọc dưới lòng bàn chân, kết nối xương gót chân với các ngón chân. Bệnh lý này tạo cảm giác đau nhói ở gót chân khiến người bệnh khó đi lại và đứng vững. Ngoài ra những trường hợp không điều trị sớm có thể dẫn đến đau gót chân mãn tính.
Viêm cân gan bàn chân là gì?
Viêm cân gan bàn chân còn được gọi là viêm cân gan chân (Plantar fasciitis). Đây là một dạng rối loạn và viêm của cơ gan chân (mô liên kết hỗ trợ vòm bàn chân, kết nối xương gót chân với các ngón chân).
Bệnh lý này tạo ra những cơn đau nhức nghiêm trọng ở gót chân và phần dưới cùng của bàn chân. Mức độ đau tăng lên theo thời gian, thường nghiêm trọng nhất khi thực hiện những bước đi đầu tiên sau ngủ dậy hoặc nghỉ ngơi. Trong một số trường hợp, cơn đau làm ảnh hưởng đến cả hai bàn chân khiến bệnh nhân khó đi lại và đứng vững.
Viêm cân gan bàn chân thường xảy ra ở những người thừa cân, vận động viên chạy bộ, diễn viên múa ba lê và người thường xuyên mang giày không có lớp đệm hỗ trợ. Hầu hết trường hợp đều kiểm soát được bằng các phương pháp điều trị bảo tồn.
Triệu chứng viêm cân gan bàn chân
Đau nhức là triệu chứng điển hình của viêm cân gan bàn chân. Thông thường cơn đau sẽ sắc nét (đau nhói) kèm theo những đặc điểm sau:
- Đau nhói ở gót chân và phần dưới cùng của bàn chân
- Cơn đau thường đến dần dần, mức độ đau tăng lên theo thời gian
- Cơn đau thường chỉ xảy ra ở một bên chân. Tuy nhiên một số trường hợp có thể bị đau ở cả hai bên chân
- Đau nghiêm trọng nhất khi thực hiện những bước đi đầu tiên sau một thời gian nghỉ ngơi hoặc sau khi ngủ dậy
- Cơn đau có thể bắt đầu khi thực hiện động tác uốn cong bàn chân hoặc/ và các ngón chân về phía ống chân, đứng dậy sau khi ngồi hoặc đứng lâu
- Cơn đau có thể được cải thiện khi tiếp tục đi bộ. Tuy nhiên đau nặng nề hơn sau khi tập thể dục.
Mặc dù hiếm gặp nhưng một số triệu chứng dưới đây cũng có thể xuất hiện:
- Tê bàn chân
- Ngứa ran
- Đau lan tỏa
- Sưng tấy
- Bầm tím gan bàn chân
Nếu cơ gan chân rách/ đứt, người bệnh có thể nhận thấy một số triệu chứng sau:
- Xuất hiện tiếng lách cách
- Sưng cục bộ
- Đau cấp tính ở phía dưới bàn chân
Nguyên nhân gây viêm cân gan bàn chân
Hiện tại nguyên nhân gây viêm cân gan bàn chân vẫn chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên trong một số trường hợp các chuyên gia giải thích nguyên nhân gây bệnh như sau:
Với hình dạng một cây cung, cơ bàn chân có nhiệm vụ hỗ trợ vòm bàn chân, phân bố lực và hấp thụ chấn động khi chạy hoặc bước đi. Tuy nhiên nếu vận động mạnh hoặc lặp đi lặp lại một động tác ở bàn chân, cơ gan chân có thể chịu nhiều áp lực dẫn đến rách. Lâu ngày kích thích phản ứng viêm.
Yếu tố rủi ro
Những yếu tố được liệt kê dưới đây sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm cân gan bàn chân, cụ thể:
- Tuổi tác: Viêm cân gan bàn chân có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng phổ biến hơn ở những người có tuổi từ 40 đến 60.
- Thừa cân béo phì: Cân nặng dư thừa tạo nhiều áp lực cho bàn chân, xương và các cơ bên trong. Điều này xảy ra lâu ngày làm tăng nguy cơ viêm cân gan bàn chân và đau bàn chân.
- Những bất thường ở chân: Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ viêm cân gan chân sẽ tăng cao ở những người có bàn chân bẹt, vòm cao, sự mất cân bằng về chiều dài của chân.
- Thói quen sinh hoạt: Nếu trọng lượng không được phân bổ đều khi đứng lên sẽ khiến cơ bắp chân chịu nhiều căng thẳng và tăng nguy cơ viêm cân gan chân.
- Vận động viên: Những vận động viên chạy đường dài, nhảy aerobic, diễn viên múa ba lê… sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với thông thường. Nguyên nhân là do những bộ môn này tạo nhiều áp lực lên gót chân và các mô mềm xung quanh.
- Yếu tố nghề nghiệp: Những công việc khiến phần lớn thời gian đều đứng trên bề mặt cứng hoặc đi bộ nhiều có thể khiến hệ thống bao da bị hỏng và tăng nguy cơ mắc bệnh. Trường hợp này thường xảy ra ở giáo viên và công nhân nhà máy.
- Một số yếu tố khác: Thường xuyên mang giày có đế cứng hoặc đệm lót mỏng, mang giày cao gót, có gân Achilles chặt chẽ, nữ giới…
Viêm cân gan bàn chân có nguy hiểm không?
Hầu hết những trường hợp mắc bệnh viêm cân gan bàn chân đều có thể giải quyết được bằng các phương pháp nội khoa. Tuy nhiên quá trình chữa bệnh có thể khó khăn hơn ở những người điều trị chậm trễ.
Mặt khác việc không sớm điều trị còn gây đau gót chân mãn tính. Điều này làm cản trở khả năng đi đứng và các hoạt động sinh hoạt của người bệnh. Vì thế người bệnh cần học cách chăm sóc, điều chỉnh thói quen sinh hoạt kết hợp điều trị y tế để sớm khắc phục bệnh.
Chẩn đoán viêm cân gan bàn chân
Không thể chẩn đoán viêm cân gan bàn chân bằng cách xem xét các yếu tố nguy cơ và tiền sử bệnh. Vì thế để xác định bệnh lý này, bác sĩ thường thực hiện những kỹ thuật sau:
- Khám bàn chân: Khi tiến hành thăm khám bàn chân, bác sĩ có thể nhận thấy một số đặc điểm sau:
- Việc sờ dọc theo mặt trong của xương gót chân đến 2/3 bàn chân có thể tạo cảm giác đau nhói.
- Sự căng tức quá mức của gân Achilles và cơ bắp chân có thể khiến bàn chân bị hạn chế cử động.
- Động tác co duỗi bàn chân có thể làm khởi phát một cơn đau do cơ bàn chân căng ra.
- Chụp X-quang: Chụp X-quang được thực hiện để xác định một vấn đề khác không liên quan đến cơ bàn chân. Điển hình như gãy xương do căng thẳng, gai gót chân, u xương.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Viêm gan bàn chân có thể được xác định bởi hình ảnh MRI. Kỹ thuật này giúp tạo ra hình ảnh mô tả cấu trúc khớp, xương gót chân, cơ bàn chân và những mô mềm xung quanh.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp cắt lớp vi tính ít khi được chỉ định. Tuy nhiên kỹ thuật này có thể mang đến nhiều lợi ít khi kiểm tra những tổn thương nhỏ, khó phát hiện của xương và mô mềm. Từ đó phân biệt viêm cân gan bàn chân với những tổn thương khác.
Viêm cân gan bàn chân thường được chẩn đoán phân biệt với những bệnh lý sau:
- Gãy xương do căng thẳng
- Viêm xương
- Viêm bao hoạt dịch gân gót
- Viêm khớp
- Hội chứng đường hầm bàn chân
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh gout
- Viêm gân Achille (viêm gân gót chân)
- Chấn thương xương gót
Phương pháp điều trị viêm cân gan bàn chân
Viêm cân gan bàn chân có thể được phục hồi trong 2 – 4 tháng điều trị bảo tồn, bao gồm cả việc sử dụng thuốc và giảm triệu chứng với các biện pháp chăm sóc tại nhà.
1. Sử dụng thuốc
Thông thường bác sĩ chuyên khoa sẽ ưu tiên các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để điều trị viêm cân gan bàn chân. Thuốc này mang đến hiệu quả chống viêm và giảm đau nhanh.
Các thuốc chống viêm không steroid thường được sử dụng gồm:
- Ibuprofen
- Aspirin
- Naproxen sodium (Aleve)
Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, tiêm thuốc steroid vào vùng đau có thể được chỉ định. Thuốc này được dùng với mục đích chữa viêm, thúc đẩy quá trình chữa lành mô và giảm đau tạm thời.
2. Vật lý trị liệu
Để giảm các triệu chứng của viêm cân gan bàn chân, chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn người bệnh một số bài tập vật lý trị liệu. Những bài tập này có tác dụng kéo căng gân Achilles và cơ bắp, giảm đau, tăng cường cơ bắp chân.
Ngoài ra người bệnh sẽ được hướng dẫn phương pháp băng bó thể thao. Phương pháp này có tác dụng hỗ trợ phần dưới của bàn chân và ngăn tổn thương xảy ra.
3. Biện pháp khắc phục tại nhà
Thông thường các biện pháp khắc phục tại nhà sẽ được yêu cầu áp dụng trong thời gian dùng thuốc và vật lý trị liệu điều trị. Đối với viêm cân gan bàn chân, các biện pháp khắc phục tại nhà có thể bao gồm:
- Chỉnh hình: Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cách sử dụng nẹp chỉnh hình để phân bố đều áp lực xuống chân trong khi đứng hoặc thực hiện các hoạt động.
- Nẹp ban đêm: Người bệnh được khuyên sử dụng một thanh nẹp cố định bắp chân xuống vòm chân trong thời gian ngủ. Biện pháp này giúp cho gân Achilles và cơ bắp chân được giữ ở vị trí kéo dài qua đêm. Từ đó giảm đau và thúc đẩy quá trình điều trị bệnh.
- Chườm đá: Cho nhiều viêm đá nhỏ vào một túi vải, sau đó áp lên vùng bị đau trong 15 phút. Thực hiện 3 – 4 lần/ ngày. Phương pháp này có tác dụng giảm viêm, sưng và đau nhức hiệu quả.
- Nghỉ ngơi: Hãy để cho bàn chân được nghỉ ngơi khi có dấu hiệu đau nhói ở gót chân và phần dưới cùng của bàn chân. Thực tế cho thấy việc giảm áp lực lên bàn chân có thể giúp người bệnh làm dịu cơn đau hiệu quả.
- Sử dụng giày hỗ trợ: Người bệnh không nên đi chân trần hoặc mang những đôi giày có đế cứng. Tốt nhất bạn nên mang dép và những đôi giày vừa vặn, có đế mềm, miếng lót dày, độ cao vừa phải để hỗ trợ vòm chân.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Để tránh tăng thêm căng thẳng cho cơ bắp và các cơ ở bàn chân, người bệnh cần duy trì cân nặng hợp lý bằng chế độ luyện tập và ăn uống lành mạnh.
4. Điều trị sóng xung kích ngoài cơ thể (ESWT)
Nếu không có đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn trong ít nhất 3 tháng, người bệnh có thể xem xét điều trị với liệu pháp sóng xung kích ngoài cơ thể (ESWT). Liệu pháp này có tác dụng kích thích quá trình chữa lành tổn thương và cải thiện các triệu chứng.
Khi điều trị với ESWT, bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng sóng âm thanh tác động vào vùng gót chân bị đau. Từ đó giúp cải thiện những vấn đề bên trong.
5. Phẫu thuật
Phẫu thuật tách sụn chân khỏi xương gót chân là phương pháp điều trị cuối cùng cho những bệnh nhân bị viêm cân gan bàn chân. Thông thường phương pháp này sẽ được áp dụng khi tình trạng viêm và tổn thương cơ bàn chân không khỏi hoặc không đáp ứng tốt sau 6 tháng điều trị bảo tồn.
Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh sẽ được phẫu thuật nội soi hoặc sử dụng một thủ thuật mở.
Theo dõi và tái khám
Bệnh nhân bị viêm cân gan chân thường được yêu cầu tái khám sau 2 tuần điều trị. Điều này giúp bác sĩ đánh giá khả năng chữa lành, hiệu quả của các phương pháp chữa bệnh và khả năng phát sinh rủi ro. Nếu có bất thường, người bệnh sẽ được đề nghị thay đổi những phương pháp điều trị thích hợp hơn.
Biện pháp phòng ngừa viêm cân gan bàn chân
Một số biện pháp dưới đây có thể giúp nguy cơ viêm cân gan bàn chân giảm rõ rệt, cụ thể:
- Duy trì trọng lượng an toàn. Tránh việc thừa cân béo phì làm tăng áp lực lên bàn chân.
- Cần lựa chọn những đôi giày vừa vặn, đế có độ cao vừa phải, miếng lót giày dày và có khả năng hỗ trợ vòm chân. Hạn chế mang giày cao gót.
- Hạn chế đứng trên bề mặt cứng hoặc đi bộ nhiều để giảm thiểu tình trạng căng thẳng cho cơ bàn chân.
- Thường xuyên xoa bóp bàn chân nếu bạn là người có công việc cần phải đứng lâu hoặc đi nhiều.
- Khởi động kỹ trước khi chơi thể thao. Đặc biệt là khi chơi những môn thể thao làm tăng áp lực lên vòm chân và gót chân như múa ba lê, nhảy aerobic, chạy đường dài, nhảy cao, nhảy xa…
- Tránh chơi thể thao ở những nơi có mặt sàn cứng và gồ ghề.
- Khi chơi thể thao cần thực hiện đúng kỹ thuật.
- Khi đứng lên, đi lại hoặc thực hiện các hoạt động cần đảm bảo trọng lượng và lực tác động của cơ thể được phân bố đều ở hai bàn chân.
- Không lặp đi lặp lại một động tác làm ảnh hưởng đến bàn chân. Vì điều này có thể làm tăng áp lực quá mức dẫn đến rách và viêm cơ.
Viêm cân gan bàn chân là tình trạng thường gặp. Bệnh tạo ra những cơn đau nhói khó chịu ở gót chân và phần dưới cùng của bàn chân. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đi lại và vận động. Mặt khác, việc không điều trị sớm và đúng cách có thể khiến cơ bị viêm, tổn thương nặng nề, gây đau gót chân mãn tính.
Vì thế ngay khi gót chân có biểu hiện đau nhức bất thường, người bệnh cần theo dõi và liên hệ với bác sĩ để được khám và khắc phục đúng cách. Lưu ý tái khám thường xuyên để theo dõi diễn tiến của bệnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!