Viêm Bao Gân Gấp Ngón Tay
Viêm bao gân gấp ngón tay là tình trạng viêm bao gân (lớp vỏ bọc) của gân gấp ngón tay. Tình trạng này khiến ngón tay bị kẹt ở vị trí uốn cong kèm theo cảm giác đau đớn. Bệnh xảy ra khi tình trạng kích ứng làm dày lớp vỏ bọc của gân, khiến không gian bên trong bị thu hẹp. Từ đó gây viêm và ảnh hưởng đến chuyển động của ngón tay.
Viêm bao gân gấp ngón tay là gì?
Viêm bao gân gấp ngón tay còn được gọi là ngón tay lò xo, ngón tay cò súng hay viêm bao gân chảy máu. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng viêm ở lớp vỏ bọc bên ngoài của gân gấp khiến ngón tay bị kẹt ở tư thế uốn cong hoặc đột ngột bật ra. Viêm bao gân ở gân gấp ngón tay có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ngón tay nào. Trong đó ngón tay cái, ngón trỏ và ngón giữa thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Tình trạng viêm khiến không gian bên trong giữa gân gấp ngón tay và lớp vỏ bọc bên ngoài bị thu hẹp. Từ đó hình thành nốt u và làm ảnh hưởng đến những chuyển động của ngón tay.
Bao gân gấp ngón tay bị viêm khiến ngón tay bị ảnh hưởng thường xuyên mắc kẹt ở vị trí uốn cong. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp ngón tay có thể duỗi thẳng hoặc uốn cong chỉ bằng một cái tích tắc. Tình trạng này tương tự như hiện tượng cò súng được kéo và thả ra.
Nếu viêm bao gân gấp ngón tay ở mức độ nặng, ngón tay có thể bị khóa ở tư thế cong, không thể duỗi thẳng. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng cầm nắm, nâng đồ vật và những hoạt động tương tự.
Bệnh chủ yếu xảy ra ở những người thường xuyên chơi các môn thể thao hoặc có công việc cần nắm chặt/ uốn cong ngón tay, các chuyển động lặp đi lặp lại. Ngoài ra bệnh cũng phổ biến hơn ở những bệnh nhân bị tiểu đường và phụ nữ. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, người bệnh sẽ được áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau.
Dấu hiệu nhận biết viêm bao gân gấp ngón tay
Những triệu chứng và dấu hiệu của bệnh viêm bao gân gấp ngón tay thường bắt đầu ở mức độ nhẹ và tiến triển dần theo thời gian. Các triệu chứng thường bao gồm:
- Cứng ở ngón tay bị ảnh hưởng, thường gặp vào buổi sáng
- Có cảm giác nhấp hoặc bật khi di chuyển ngón tay
- Xuất hiện vết sưng trong lòng bàn tay ngay tại gốc ngón tay tổn thương (sưng ở dạng nốt sần)
- Teo cơ ngón cái
- Khóa hoặc bắt ngón tay ở tư thế uốn cong, sau đó đột ngột bật thẳng ra
- Ngón tay tổn thương bị khóa ở tư thế uốn cong, không thể duỗi thẳng
- Có thể nghe thấy tiếng tách kèm theo đau đớn khi duỗi thẳng hoặc uốn cong ngón tay bị ảnh hưởng
Thông thường các triệu chứng của bệnh sẽ tồi tệ hơn vào buổi sáng hoặc khi người bệnh cố gắng duỗi thẳng ngón tay hay nắm chắc một thứ gì đó.
Nguyên nhân gây viêm bao gân gấp ngón tay
Viêm bao gân gấp ngón tay thường xảy ra do một số nguyên nhân dưới đây:
1. Lặp lại chuyển động nhiều lần
Đây chính là nguyên nhân phổ biến gây viêm bao gân gấp ngón tay, đặc biệt là khi thực hiện chuyển động một cách mạnh mẽ. Khi các chuyển động được lặp lại liên tục, bao gân và gân gấp ma sát nhiều với nhau dẫn đến kích ứng, sưng và làm hẹp không gian bên trong. Điều này làm tăng sự ma sát dẫn đến viêm, đau đớn và tạo thành những nốt sần.
Ngoài ra viêm gân có thể khiến bao gân bị kích thích, viêm và xuất hiện các nốt sần. Khi thực hiện động tác uốn cong, tình trạng dày lên và những nốt sần làm cản trở quá trình trượt qua đường hầm bảo vệ (bao gân) của gân. Điều này khiến ngón tay bị kẹt lại ở tư thế uốn cong hoặc bật ra như lò xo.
2. Chấn thương
Tổn thương gân gấp và bao gân có thể xảy ra khi bị trật khớp hoặc bong gân. Lâu ngày dẫn đến tình trạng rách hoặc đứt gân. Trong trường hợp gân gấp lành không đúng cách do không được điều trị, khả năng cong và duỗi ngón tay sẽ bị ảnh hưởng, ngón tay có thể kẹt lại hoặc bật ra như cò súng.
3. Viêm xương khớp
Viêm xương khớp ở cổ tay và ngón tay có thể làm tăng nguy cơ viêm bao gân gấp ngón tay. Bởi sự hao mòn của sụn khiến ngón tay co cứng, đau đớn và khó thực hiện các chuyển động. Ngoài ra viêm xương khớp ngón tay còn gây sưng tấy ở các khớp, kích thích và làm dày các gân liên quan. Điều này cản trở quá trình di chuyển của gân trong đường hầm và gây viêm.
Yếu tố nguy cơ
Những yếu tố được liệt kê dưới đây có thể làm tăng nguy cơ viêm bao gân gấp ngón tay:
- Độ tuổi: Bệnh xảy ra phổ biến ở những người có tuổi từ 40 – 60 tuổi.
- Bệnh lý: Viêm bao gân gấp ngón tay thường xảy ra ở những bệnh nhân bị tiểu đường và viêm khớp dạng thấp.
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ viêm bao gân gấp ngón tay cao hơn.
- Phẫu thuật hội chứng ống cổ tay: Phẫu thuật điều trị hội chứng ống cỏ tay có thể gây nhiều biến chứng, trong đó có tình trạng viêm bao gân gấp ngón tay (bao gồm cả ngón tay cái). Tình trạng này thường xảy ra trong 6 tháng đầu tiên sau phẫu thuật.
- Tính chất công việc: Họa sĩ, bác sĩ nha khoa, nhạc công, công nhân công nghiệp, nhân viên văn phòng… có nguy cơ cao do thường xuyên co và lặp lại nhiều lần những chuyển động của ngón cái.
Cơ chế bệnh sinh
Gân là mô kết nối xương với cơ. Gân kéo xương khi cơ co lại. Điều này khiến ngón tay và những bộ phận khác trong cơ thể di chuyển. Theo giải phẫu học, các cơ di chuyển ngón tay cái và ngón tay nằm ở cẳng tay. Các gân chạy dọc từ những cơ này qua cổ tay và kết nối với các xương nhỏ của ngón tay.
Những đường gân trên đầu bàn tay được gọi là gân kéo dài, giúp các ngón tay duỗi thẳng. Các gân bên lòng bàn tay được gọi là gân cơ gấp, có nhiệm vụ uốn cong các ngón tay. Khi duỗi thẳng hoặc uốn cong ngón tay, các gân cơ gấp sẽ trượt qua đường hầm khít (vỏ bọc gân) với vận tốc thích hợp. Vỏ bọc gân sẽ giúp bảo vệ và giữ cho gân ở vị trí bên cạnh xương.
Viêm bao gân gấp ngón tay cái xảy ra khi vỏ bọc của gân gấp bị kích thích quá mức và sưng, tăng sự ma sát giữa gân và bao gân. Từ đó gây viêm và làm ảnh hưởng đến những chuyển động của ngón tay.
Sự kích thích và viêm kéo dài của vỏ bọc gân khiến chúng dày lên, hình thành sẹo và tạo ra những nốt sần của gân. Điều này gây ra cảm giác co cứng, những chuyển động của gân bị cản trở nhiều hơn.
Phân loại mức độ nghiêm trọng
Viêm bao gân gấp ngón tay được phân thành ba mức độ nghiêm trọng, bao gồm:
- Độ I: Ngón tay còn di chuyển được nhưng bị đau ở gốc ngón tay.
- Độ II: Gân còn di chuyển được qua đường hầm nhưng ngón tay ảnh hưởng bị cứng, có cảm giác nhấp hoặc bật khi di chuyển ngón tay
- Độ III: Ngón tay ảnh hưởng bị kẹt ở tư thế uốn cong, không thể duỗi thẳng.
Biến chứng của viêm bao gân gấp ngón tay
Viêm bao gân gấp ngón tay có thể được điều trị khỏi sau 3 – 4 tháng áp dụng các phương pháp bảo tồn. Những trường hợp này cần phẫu thuật và có thời gian phục hồi lâu hơn. Tuy nhiên hầu hết bệnh nhân điều có tiên lượng tốt.
Đối với những trường hợp không điều trị, tình trạng viêm có thể kéo dài và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng sau:
- Rách hoặc đứt gân
- Biến dạng ngón tay
- Teo cơ ngón tay
- Mất khả năng vận động, liệt ngón tay
- Rối loạn cảm giác
Chẩn đoán viêm bao gân gấp ngón tay
Chẩn đoán xác định viêm bao gân gấp ngón tay dựa trên kiểm tra lâm sàng và các xét nghiệm hình ảnh.
1. Kiểm tra lâm sàng
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ thường quan sát những khu vực bị đau, ấn hoặc nắn nhẹ ở một số vị trí. Điều này giúp kiểm tra triệu chứng (sưng, đau), bằng chứng của việc khóa ngón tay và sự trơn chu của những chuyển động. Từ đó xác định gân tổn thương.
Một số nghiệm pháp cũng có thể được thực hiện. Người bệnh sẽ được yêu cầu duỗi và gập các ngón tay, gập bàn tay. Các nghiệm pháp này giúp bác sĩ kiểm tra sự trơn tru của những chuyển động. Trong trường hợp bị viêm bao gân gấp ngón tay, người bệnh sẽ khó duỗi thẳng, ngón tay thường bị kẹt ở tư thế uốn cong hoặc bật ra như lò xo.
Ngoài ra bệnh nhân có thể thấy các triệu chứng nghiêm trọng hơn khi cố gắng duỗi thẳng ngón tay hay nắm chắc một thứ gì đó. Trong khi thăm khám, bác sĩ có thể sờ vào lòng bàn tay để xem liệu có nốt sần (cục u) hay không. Nếu cục u liên quan đến viêm bao gân gấp ngón tay, khối u sẽ di chuyển khi ngón tay cử động bởi khối u là vùng sưng của một đoạn gân di chuyển ngón tay.
Để đạt hiệu quả chẩn đoán, người bệnh cần thông báo với bác sĩ tất cả các dấu hiệu liên quan. Đồng thời trao đổi về yếu tố bệnh sinh (bệnh sử, tính chất công việc, độ tuổi…). Điều này giúp bác sĩ dễ dàng hơn trong việc chẩn đoán và đánh giá mức độ nghiêm trọng.
2. Xét nghiệm hình ảnh
Để tăng độ chính xác khi chẩn đoán, một số xét nghiệm hình ảnh có thể được chỉ định. Bao gồm:
- Siêu âm: Thông qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể kiểm tra các mô mềm. Đối với viêm bao gân gấp ngón tay, hình ảnh siêu âm có thể cho thấy bao gân và gân dày lên, có dịch bao quanh và hạt xơ trong bao gân.
- Chụp X-quang: Chụp X-quang được thực hiện để loại bỏ những nguyên nhân gây đau và cứng khớp có liên quan đến xương. Kết quả X-quang cho thấy bệnh nhân không có dấu hiệu gì đặc biệt.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI giúp kiểm tra cấu trúc khớp và các mô mềm xung quanh. Hình ảnh thu được từ bệnh nhân bị viêm bao gân có thể cho thấy tình trạng sưng tấy, tràn dịch, chất tiết trong bao gân, gân tổn thương, có chất lượng và cấu trúc bị thay đổi.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được chỉ định ở một số trường hợp để xác định viêm bao gân gấp ngón tay có liên quan đến viêm khớp dạng thấp hay bệnh tiểu đường hay không. Thông thường kết quả xét nghiệm sẽ cho thấy tốc độ lắng máu và bạch cầu tăng cao.
Điều trị viêm bao gân gấp ngón tay
Viêm bao gân gấp ngón tay không quá nguy hiểm. Vì thế hầu hết trường hợp đều có đáp ứng với điều trị nội khoa, không phát sinh biến chứng. Ở những người có bao gân viêm và tổn thương nặng, không đáp ứng với điều trị bảo tồn, người bệnh sẽ được đề nghị phẫu thuật để giải quyết tình trạng.
Những phương pháp được dùng trong điều trị viêm bao gân gấp ngón tay gồm:
1. Nghỉ ngơi
Người bệnh cần nghỉ ngơi và hạn chế di chuyển ngón tay bị tổn thương. Điều này cho phép các tổn thương được chữa lành và giảm nhẹ các triệu chứng như sưng và đau nhức.
Sau khi cơn đau thuyên giảm, người bệnh có thể luyện tập và di chuyển tay nhẹ nhàng. Tuy nhiên cần tránh cầm nắm chặt, cầm nắm lặp đi lặp lại hoặc dùng máy cầm tay có chế độ rung xóc kéo dài… cho đến khi cơn đau được được khắc phục hoàn toàn. Bởi những hoạt động này có thể làm tăng áp lực lên vị trí tổn thương và kích thích các triệu chứng.
Nếu không thể tránh hoàn toàn những chuyển động nêu trên, người bệnh nên sử dụng găng tay có đệm hoặc nẹp để bảo vệ.
2. Chườm lạnh
Biện pháp chườm lành có thể mang đến nhiều lợi ích cho người bị viêm bao gân gấp ngón tay. Biện pháp này có tác dụng giảm sưng, viêm và giảm đau tạm thời ở bàn tay và các ngón. Từ đó cải thiện khả năng chuyển động trơn tru của ngón tay bị ảnh hưởng.
Khi thực hiện biện pháp chườm lạnh, bạn cần chuẩn bị túi đậu đông lạnh hoặc một vài viên đá lạnh bọc trong khăn bông. Áp túi chườm lên vùng viêm trong 20 phút. Mỗi ngày thực hiện 3 lần sẽ nhận thấy các triệu chứng giảm nhanh.
3. Sử dụng nẹp
Người bệnh có thể được yêu cầu đeo nẹp vào ban đêm hoặc liên tục 24 giờ/ ngày để giữ cho ngón tay ở vị trí kéo dài. Biện pháp này có tác dụng giảm thiểu áp lực, giúp gân được nghỉ ngơi và tự chữa lành. Đồng thời xoa dịu cơn đau và tình trạng kích ứng. Thông thường nẹp sẽ được sử dụng tối đa 6 tuần (tùy theo tốc độ phục hồi).
4. Thực hiện bài tập kéo giãn
Người bệnh thường được hướng dẫn những bài tập kéo giãn nhẹ nhàng để điều trị viêm bao gân gấp ngón tay. Những bài tập này có tác dụng kéo dài cổ tay và ngón tay, cải thiện chức năng của gân và duy trì khả năng vận động của các ngón tay.
Ngoài ra thường xuyên thực hiện các bài tập kéo giãn còn giúp giảm đau, hạn chế tình trạng co cứng, tăng tính linh hoạt và sức cơ cho người bệnh. Đồng thời kích thích tuần hoàn máu và hạn chế chấn thương trong tương lai.
5. Thuốc chữa viêm bao gân gấp ngón tay
Thuốc chống viêm không steroid (điển hình như Naproxen, Ibuprofen) thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm bao gân gấp ngón tay. Thuốc có tác dụng giảm đau và viêm hiệu quả. Tuy nhiên thuốc này không có khả năng giảm sưng do kẹt gân hoặc do co thắt bao gân.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc chống viêm không steroid với loại và liều lượng thích hợp. Thông thường thuốc được dùng ngắn hạn hoặc dùng chung với thuốc ức chế bơm proton để giảm tác dụng phụ lên hệ tiêu hóa.
6. Tiêm steroid
Tiêm steroid thường được áp dụng cho những bệnh nhân có triệu chứng nặng và không đáp ứng với thuốc kháng viêm không steroid. Thuốc này có thể được tiêm vào vỏ bọc gân hoặc gần vỏ bọc để giảm viêm và sưng. Đồng thời giảm đau và cho phép gân trượt tự do trong đường hầm.
Tiêm steroid được đánh giá là phương pháp điều trị hiệu quả và được sử dụng phổ biến. Hiệu quả đạt được từ biện pháp này có thể kéo dài đến một năm hoặc lâu hơn. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân không cần điều trị thêm sau khi tiêm steroid. Ở một số trường hợp khác, thuốc có thể được tiêm nhiều hơn một lần.
Tiêm steroid thường kém hiệu quả hơn khi dùng cho bệnh nhân bị tiểu đường. Vì thế bệnh nhân có thể được hướng dẫn thêm nhiều biện pháp khác sau tiêm. Thông thường những trường hợp tiêm steroid sẽ được sử dụng Corticosteroid – một loại thuốc giảm sưng đau và chống viêm mạnh.
7. Phóng thích qua da
Các triệu chứng của chứng viêm bao gân gấp ngón tay thường được kiểm soát nhanh bằng phương pháp phóng thích qua da. Để thực hiện, người bệnh sẽ được làm tê lòng bàn tay. Bác sĩ dùng cây kim cứng đâm vào mô xung quanh gân ảnh hưởng. Ngón tay và kim châm sẽ được di chuyển đồng thời để phá vỡ sự co thắt. Từ đó tăng khả năng chuyển động trơn tru cho gân.
Thông thường sóng siêu âm được sử dụng để kiểm soát quá trình phóng thích qua da. Do đó bác sĩ có thể dễ dàng xác quan sát gân và đầu kim dưới da. Điều này giúp đảm bảo di chuyển kim đúng cách, bao gân được mở ra mà không làm ảnh hưởng đến các dây thần kinh lân cận hoặc gân bên dưới.
Phóng thích qua da được thực hiện trong phòng thủ thuật. Bệnh nhân có thể ra về sau khi thực hiện xong.
8. Phẫu thuật
Phẫu thuật điều trị viêm bao gân gấp ngón tay thường là phương pháp điều trị cuối cùng, chỉ áp dụng cho những trường hợp có triệu chứng nghiêm trọng, điều trị bảo tồn không giảm. Khi thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành cắt mở các đoạn bị co thắt của vỏ bọc gân. Thao tác sẽ được thực hiện thông qua một vết rạch nhỏ (khoảng 2 – 3 cm) gần gốc ngón tay bị ảnh hưởng.
Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được khâu vết thương và đeo nẹp trong 2 tuần. Sau 1 – 2 tháng phẫu thuật, người bệnh bắt đầu vật lý trị liệu để tăng sức cơ và phục hồi vận động.
Phẫu thuật điều trị viêm bao gân gấp ngón tay có thể gây một số biến chứng. Cụ thể như:
- Sai vị trí gân
- Tổn thương thần kinh
- Hình thành sẹo và gây đau
- Nhiễm trùng
- Cứng hoặc đau ngón tay
- Sưng và đau ở tay (CRPS hoặc hội chứng đau vùng phức tạp). Thông thường biến chứng này sẽ biến mất sau vài tháng.
Mặc dù có thể gây biến chứng như phẫu thuật vẫn là một trong các phương pháp mang đến hiệu quả điều trị cao nhất.
Phục hồi sau phẫu thuật
Tùy thuộc vào tình trạng và phương pháp được áp dụng mà mỗi người bệnh sẽ có thời gian phục hồi khác nhau. Đối với trường hợp nhẹ, dùng thuốc chống viêm và nghỉ ngơi có thể giúp phục hồi trong vòng vài tuần (3 – 4 tuần) và 6 tuần khi đeo nẹp.
Đối với trường hợp phẫu thuật, thời gian phục hồi thường lâu hơn. Cụ thể bệnh nhân mất từ 6 – 8 tuần để hồi phục vết thương nhưng cứng khớp và đau có thể kéo dài 6 tháng, cần vật lý trị liệu tăng tốc độ phục hồi chức năng. Ngay sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể cử dộng các ngón tay. Ngoài ra cần đưa tay cao hơn tim khi nghỉ ngơi để giảm đau và làm dịu sưng.
Phòng ngừa viêm bao gân gấp ngón tay
Người bệnh cần hạn chế lặp đi lặp lại động tác ở ngón tay và cổ tay để giảm nguy cơ viêm bao gân gấp ngón tay. Đồng thời tránh thực hiện những động tác có khả năng làm tăng áp lực lên vị trí này.
Một số biện pháp dưới đây cũng có thể giúp giảm nguy cơ:
- Thường xuyên nghỉ giải lao. Tránh làm việc hay vận động quá mức dẫn đến đau mỏi, kích thích bao gân và gân gấp. Đặc biệt là những người thường xuyên đánh máy hoặc sử dụng dụng cụ rung xóc cầm tay.
- Dùng găng tay có đệm để hỗ trợ ngón tay trong các hoạt động.
- Xoa bóp ngón tay và cổ tay sau mỗi 3 – 4 giờ vận động để các gân và bao gân được thư giãn, giảm kích ứng và giảm đau.
- Điều trị các bệnh lý làm tăng nguy cơ viêm bao gân gấp ngón tay như tiểu đường, viêm khớp dạng thấp.
- Thận trọng trong khi chơi thể thao và sinh hoạt để hạn chế chấn thương, giảm nguy cơ kích ứng và viêm bao gân gấp ngón tay.
- Thường xuyên thực hiện các bài tập kéo giãn để thư giãn khớp xương, cơ và gân, tăng khả năng chuyển động linh hoạt cho cổ tay và các ngón tay. Đồng thời tăng độ chắc khỏe cho gân và lớp mang bao quanh, giảm nguy cơ viêm bao gân gấp ngón tay.
Viêm bao gân gấp ngón tay gây ra các triệu chứng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến khả cử động của ngón tay. Đồng thời tăng nguy cơ đứt gân và nhiều biến chứng khác nếu không được chữa trị sớm. Để phòng ngừa biến chứng và khắc phục nhanh bệnh lý, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được điều trị khi các triệu chứng bắt đầu.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!