Ung Thư Cổ Tử Cung Di Căn Xương

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Lương y Phùng Hải Đăng | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Ung thư cổ tử cung di căn xương là một dạng di căn của ung thư cổ tử cung, phát triển trong giai đoạn cuối của bệnh (IV). Lúc này các xương có dấu hiệu suy yếu, đau nhức, tăng tốc độ hủy xương dẫn đến gãy xương bệnh lý. Ngoài ra di căn xương và các cơ quan khác khiến bệnh nhân tử vong sớm.

Ung thư cổ tử cung di căn xương
Ung thư cổ tử cung di căn xương phát triển trong giai đoạn cuối của bệnh ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung di căn xương là gì?

Ung thư cổ tử cung di căn xương là tình trạng tế bào ác tính từ ổ nguyên phát (cổ tử cung) lây lan đến xương. Điều này khiến quá trình hủy xương diễn ra nhanh chóng, cấu trúc xương bị hư hỏng nghiêm trọng, bệnh nhân đau nhức và dễ bị gãy xương.

Cổ tử cung là một phần quan trọng của cơ quan sinh dục nữ, tiếp nối thân tử cung và âm đạo. Khi những tế bào của cổ tử cung phát triển bất thường (đột biến), khối u ác tính có thể hình thành khiến bộ phần này bị ung thư.

Ung thư cổ tử cung thường phát triển trong độ tuổi sinh hoạt tình dục (khoảng 30 đến 45 tuổi) và trên 65 tuổi. Bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung có nguy cơ tái phát bệnh, di căn xa hoặc cả hai.

Ở những trường hợp phát triển di căn xa, những vị trí di căn thường gặp gồm phổi, hạch cạnh động mạch chủ, khoang bụng và hạch thượng đòn. Di căn xương do ung thư cổ tư cung tương đối hiếm, khoảng 1,9 – 16% trên tổng số ca mắc bệnh.

Ung thư cổ tử cung di căn xương chủ yếu ảnh hưởng đến xương chậu và cột sống thắt lưng. Đối với ung thư cổ tử cung, xạ hình xương đồng vị vô tuyến không được sử dụng trừ khi có chỉ định lâm sàng bởi triệu chứng của bệnh nhân.

Triệu chứng của ung thư cổ tử cung di căn xương

Ung thư cổ tử cung di căn xương gây ra những biểu hiện rõ ràng ở xương kèm theo nhiều triệu chứng nghiêm trọng khác. Dưới đây là những triệu chứng thường gặp nhất:

Triệu chứng ở xương

Đau xương dữ dội
Đau xương dữ dội, khó vận động, xương yếu và dễ gãy là dấu hiệu của ung thư di căn xương
  • Đau xương dữ dội, cơn đau kéo dài làm ảnh hưởng đến sinh hoạt
  • Mức độ đau tăng theo thời gian
  • Đau xương ngay cả khi nghỉ ngơi, khó kiểm soát bằng thuốc
  • Xương yếu và dễ gãy
  • Gãy xương bệnh lý
  • Nếu khối u phát triển ở cột sống:
    • Chèn ép tủy sống và dây thần kinh
    • Tê bì hoặc có cảm giác châm chích
    • Yếu chi
    • Khó vận động
    • Mất khả năng kiểm soát bàng quang và ruột
  • Tăng nồng độ canxi huyết với các triệu chứng gồm:
    • Cơ thể mệt mỏi
    • Chán ăn
    • Buồn nôn hoặc nôn
    • Táo bón
    • Thường xuyên khát nước

Triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn

  • Chảy máu âm đạo giữa những kỳ kinh, sau mãn kinh hoặc khi giao hợp
  • Đau xương chậu hoặc đau khi giao hợp
  • Tiết dịch âm đạo có mùi hôi, chảy nước, có máu
  • Khó thở do tế bào ác tính di căn phổi
  • Đi tiểu ra máu
  • Sụt cân
  • Mệt mỏi kéo dài
  • Táo bón
  • Nôn hoặc buồn nôn

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung di căn xương

Ung thư cổ tử cung di căn xương phát triển từ giai đoạn cuối (giai đoạn 4) của ung thư cổ tử cung, khi những tế bào ác tính đã xâm lấn đến nhiều cơ quan trong cơ thể.

Trong giai đoạn ung thư di căn, các tế bào ác tính di chuyển đến xương sau khi đã xâm lấn vào những cơ quan quan trọng khác, chẳng hạn như phổi và gan. Chính vì thế mà hầu hết trường hợp di căn xương đều có thời gian sống ngắn.

Ung thư cổ tử cung di căn xương sống được bao lâu?

Tương tự như những dạng ung thư di căn xương khác, ung thư cổ tử cung di căn xương có tiên lượng rất xấu, tổn thương xương phát triển trong giai đoạn cuối của ung thư. Chính vì thế mà điều trị tích cực không thể chữa khỏi bệnh.

Nếu di căn xương, tỷ lệ sống sau 5 năm là 15 – 17%, thời gian sống trung bình 2 năm. Những trường hợp ung thư chưa di căn có tiên lượng tốt hơn. Ở giai đoạn ung thư khu trú, tỷ lệ sống sau 5 năm là 92%. Ở giai đoạn lan rộng, tỷ lệ sống sau 5 năm là 58%.

Thời gian sống trung bình 2 năm
Thời gian sống trung bình của ung thư cổ tử cung di căn xương là 2 năm

Trên thực tế, không thể xác định thời gian sống cụ thể của bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung di căn xương. Bởi điều này còn phụ thuộc vào những yếu tố sau:

  • Tuổi tác
  • Tình trạng sức khỏe hiện tại
  • Mức độ di căn xương
  • Vị trí và số lượng xương bị ảnh hưởng
  • Khả năng lây lan của tế bào ung thư
  • Phương pháp điều trị và khả năng đáp ứng

Chẩn đoán ung thư cổ tử cung di căn xương

Thông thường ung thư cổ tử cung di căn xương được phát hiện thông qua quá trình kiểm tra bệnh sử, những triệu chứng lâm sàng và thời gian bị ung thư. Những trường hợp chưa được chẩn đoán ung thư cổ tử cung trước đó cần thực hiên những xét nghiệm chuyên sâu hơn.

+ Kiểm tra ung thư cổ tử cung

  • Nội soi tử cung: Bác sĩ sử dụng máy nội soi cổ tử cung để kiểm tra kỹ cổ tử cung, phát hiện tế bào bất thường hoặc khối u.
  • Xét nghiệm Pap: Bác sĩ quét những tế bào cổ tử cung trong quá trình xét nghiệm Pap. Bệnh phẩm được kiểm tra trong phòng thí nghiệm để phát hiện những bất thường. Chẳng hạn như tế bào ung thư hoặc tế bào có biểu hiện đột biến làm tăng nguy cơ ung thư.
  • Xét nghiệm DNA của HPV: Trong xét nghiệm DNA của HPV, những tế bào từ cổ tử cung sẽ được lấy và kiểm tra. Từ đó đánh giá khả năng bị nhiễm HPV dẫn đến ung thư cổ tử cung.
  • Sinh thiết: Loại bỏ một mẫu mô ở cổ tử cung và kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Kỹ thuật này có khả năng phát hiện và xác định giai đoạn ung thư.

+ Kiểm tra di căn xương

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang xương nhận thấy đoạn thân hoặc đầu xương dài có khối u bất thường, tình trạng kết đặc hoặc hủy xương.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Kiểm tra những tổn thương sâu trong xương mà X-quang chưa thể phát hiện.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kiểm tra khối u/ thương tổn ở mô mềm và xương. Điều này giúp xác định giai đoạn ung thư và các cơ quan bị ảnh hưởng. Đồng thời đánh giá tốc độ di căn của ung thư cổ tử cung, kích thước khối u.
  • Xạ hình xương: Đôi khi xạ hình xương được sử dụng. Phương pháp này sử dụng hình ảnh hạt nhân để kiểm tra các vị trí di căn xương
  • Sinh thiết xương: Một mẫu mô nhỏ được lấy từ khối u thứ phát. Sau đó kiểm tra trong phòng thí nghiệm để xác định tế bào ung thư.

Điều trị ung thư cổ tử cung di căn xương

Ung thư cổ tử cung di căn xương không được chữa khỏi. Tuy nhiên các phương pháp cần được áp dụng để giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Đồng thời kéo dài thời gian sống của bệnh nhân.

Thông thường phương pháp điều trị sẽ dựa vào mức độ đau, mức độ nghiêm trọng của di căn xương (vị trí, số lượng xương bị ảnh hưởng, kích thước khối u, khả năng gãy xương…) và sức khỏe tổng thể.

1. Thuốc

Dựa vào mức độ đau và khả năng gãy xương, người bệnh có thể được chỉ định những loại thuốc dưới đây:

+ Bisphosphonates

Bisphosphonates có tác dụng làm chậm/ ngăn tiêu xương bằng cách tác động vào quá trình apoptisis (quá trình tự tử của tê bào hủy xương). Điều này giúp hạn chế tình trạng gãy xương ở bệnh nhân bị ung thư.

Thuốc được dùng bằng cách tiêm truyền tĩnh mạch. Zoledronic acid và Pamidronate là hai loại Bisphosphonates thường được sử dụng.

Bisphosphonates
Dùng Bisphosphonates để ngăn cản quá trình tiêu xương, giảm nguy cơ gãy xương

+ Thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau được sử dụng dựa trên mức độ đau xương, cụ thể:

  • Paracetamol: Nếu đau nhẹ, Paracetamol sẽ được sử dụng. Thuốc có tác dụng hạ sốt và giảm đau, ít gây tác dụng phụ ở liều khuyến cáo (500 – 1000mg/ lần, mỗi 4 – 6 giờ khi cần, tối đa 4000mg/ ngày).
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Diclofenac, Ibuprofen hoặc Celecoxib là các NSAID thường được sử dụng. Thuốc có tác dụng kháng viêm, giảm đau và chống kết tập tiểu cầu. NSAID phù hợp với những bệnh nhân có cơn đau vừa.
  • Paracetamol + Tramadol: Dùng Paracetamol + Tramadol cho những trường hợp đau từ vừa đến nặng. Việc sử dụng đồng thời Paracetamol làm tăng hiệu quả của Tramadol và hạn chế tác dụng phụ khi dùng opioid liều cao.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Một loại thuốc chống trầm cảm ba vòng như Amitriptyline (liều 5 – 25mg/ lần cho người lớn) có thể được chỉ định. Thuốc phù hợp với với những bệnh nhân bị đau và căng thẳng quá mức do ung thư. Khi dùng, Amitriptyline giúp giảm nhẹ cơn đau và giảm các triệu chứng liên quan đến trầm cảm.
  • Opioid (thuốc giảm đau gây nghiện): Opioid (chẳng hạn như Morphin) được chỉ định cho những trường hợp đau từ vừa đến rất nặng. Thuốc mang đến hiệu quả giảm đau nhanh. Tuy nhiên opioid cần được dùng ở liều thích hợp để tránh tác dụng phụ.

2. Hóa trị liệu

Hóa trị liệu là một trong những phương pháp kiểm soát ung thư di căn hiệu quả. Phương pháp này sử dụng một nhóm thuốc đặc biệt có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư.Từ đó ngăn cản quá trình phát triển của bệnh và kéo dài thời gian sống.

Tuy nhiên thuốc hóa trị cũng có thể tiêu diệt một số tế bào bình thường của cơ thể, thường gây buồn nôn và rụng tóc. Vì thế một số loại thuốc hỗ trợ (như thuốc chống buồn nôn) có thể được sử dụng đồng thời.

Tùy thuộc vào tình trạng, các thuốc có thể được dùng ở dạng tiêm truyền tĩnh mạch hoặc/ và viên uống. Sau khi hóa trị, các hoạt chất trong thuốc di chuyển khắp có thể và tiêu diệt tế bào ung thư.

3. Xạ trị

Trong phác đồ điều trị ung thư di căn xương, xạ trị được sử dụng để ngăn cản quá trình phát triển ung thư di căn, giảm đau và tăng thời gian sống. Dựa vào tình trạng, bênh nhân có thể được xạ trị bên trong hoặc bên ngoài.

Xạ trị
Xạ trị giúp giảm đau, tiêu diệt tế bào ác tính và tăng thời gian sống chất lượng cho bệnh nhân
  • Xạ trị trong (dùng thuốc phóng xạ)

Thuốc phóng xạ chứa bức xạ. Khi được sử dụng, thuốc nhanh chóng di chuyển đến khu vực có xương bị ảnh hưởng và phát ra bức xạ. Điều này giúp tiêu diệt các tế bào ung thư, giảm đau, tăng cơ hội sống sót và tăng chất lượng đời sống cho người bệnh.

Thuốc phóng xạ thường được sử dụng cho những trường hợp có ung thư di căn đến nhiều xương.

  • Xạ trị bên ngoài

Bên nhân được hướng dẫn nằm trên bàn xạ trị, một cổ máy di chuyển xung quanh cơ thể và hướng chùm tia phóng xạ đến vị trí di căn xương. Điều này giúp loại bỏ tế bào ác tính, giảm đau, cải thiện chất lượng đời sống, kéo dài thời gian sống sót.

Xạ trị bên ngoài sử dụng các tia năng lượng cao (chẳng hạn như tia X) để mang đến hiệu quả cao nhất. Phương pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn và nôn.

4. Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể xem xét chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Khối u chèn ép tủy sống hoặc dây thần kinh
  • Bị gãy xương hoặc có nguy cơ cao
  • Hỏng khớp

Những lựa chọn phẫu thuật:

  • Giải nén tủy sống
  • Cố định xương gãy bằng cách cấy ghép thiết bị kim loại
  • Thay khớp

Phương pháp phẫu thuật giúp cải thiện độ vững chắc cho các xương bị ảnh hưởng, giảm đau, giảm nguy cơ gãy xương bệnh lý và duy trì khả năng vận động. Đôi khi phương pháp này cũng được sử dụng để loại bỏ khối u, tăng khả năng sống cho bệnh nhân.

5. Phương pháp điều trị khác

Để tăng khả năng chữa trị ung thư cổ tử cung di căn xương, một số phương pháp khác cũng có thể được sử dụng. Bao gồm:

  • Siêu âm tập trung có hướng dẫn MRI: Đây là phương pháp sử dụng năng lượng siêu âm để phá hủy một hoặc nhiều đầu dây thần kinh (thực hiện dưới hướng dẫn của MRI). Siêu âm tập trung có hướng dẫn MRI giúp ức chế khả năng dẫn truyền tín hiệu đau. Từ đó giảm đau nhanh cho những trường hợp không đáp ứng với xạ trị.
  • Tiêm cồn vào khối u: Một lượng cồn nguyên chất sẽ được tiêm vào khối u để làm chết tế bào ung thư.
  • Đông lạnh tế bào ung thư: Đông lạnh nhiều lần tế bào ung thư bằng nitơ lỏng để làm chết khối u.
  • Làm nóng tế bào ung thư: Tiếp cận khối u bằng kim chứa đầu dò điện. Sau đó truyền một dòng điện thích hợp để làm nóng tế bào ung thư. Lặp lại nhiều lần để làm chết khôi u.
  • Vật lý trị liệu: Những bài tập nhẹ nhàng được áp dụng dựa vào mức độ suy yếu của xương. Điều này giúp duy trì khả năng vận động, tăng sức mạnh và sự linh hoạt của bệnh nhân. Ngoài ra vận động trị liệu còn giúp hỗ trợ giảm đau và cải thiện tâm trạng.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu được áp dụng để tăng sức mạnh và sự linh hoạt, duy trì khả năng vận động

Chăm sóc bệnh nhân ung thư cổ tử cung di căn xương

Bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung di căn xương cần được chăm sóc đúng cách để giảm đau, tăng cảm giác dễ chịu trong quá trình điều trị. Đây cũng là một trong những cách giúp kéo dài đời sống chất lượng của người bệnh.

Những biện pháp chăm sóc và giảm nhẹ cho bệnh nhân di căn xương:

  • Nghỉ ngơi

Bệnh nhân cần dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và đúng giờ để nâng cao sức khỏe và hỗ trợ quá trình chữa trị. Nghỉ ngơi giúp cơ thể (đặc biệt là những cơ quan tổn thương) thư giãn và có thời gian lành lại.

  • Thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học

Nên ăn thực phẩm mềm và lỏng, ít dầu mỡ để cơ thể hấp thu dinh dưỡng dễ dàng, giảm các rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ nhiều nhóm thực phẩm khác nhau.

Đặc biệt cần tăng cường bổ sung vitamin (như vitamin A, B, C, D, E), khoáng chất (canxi, magie…), chất chống oxy hóa từ các loại rau củ quả, trái cây, hạt và đậu. Điều này giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, hỗ trợ giảm đau và tăng khả năng chống bệnh ung thư.

  • Di chuyển với nạng/ gậy

Nếu xương yếu và có nguy cơ gãy cao, người bệnh có thể được hướng dẫn dùng gậy hoặc nạng để hỗ trợ. Những thiết bị này giúp giảm bớt áp lực từ trọng lượng lên xương bị thương và ngăn té ngã khi di chuyển.

  • Kiểm soát tâm trạng

Kiểm soát tâm trạng là điều quan trọng trong quá trình điều trị ung thư cổ tử cung di căn xương. Việc giữ tâm trạng vui vẻ thoải mái, suy nghĩ tích cực và lạc quan có thể giúp hỗ trợ ngăn đau và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Căng thẳng quá mức kích thích sự phát triển liên tục của khối u, tăng cảm giác đau. Từ đó làm nặng hơn tình trạng bệnh. Vì thế cần thư giãn, thực hiện các hoạt động ưa thích hoặc trò chuyện để giảm căng thẳng quá mức.

  • Vận động nhẹ nhàng

Vận động nhẹ nhàng giúp cơ thể thư giãn, cải thiện tâm trạng, tăng sức khỏe và duy trì khả năng vận động. Tuy nhiên cần vận động vừa sức, tránh những hoạt động có thể làm tăng ức độ tổn thương cho xương. Đi bộ và yoga là những hoạt động phù hợp nhất.

Phòng ngừa ung thư cổ tử cung di căn xương

Phát hiện và điều trị tích cực ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu là cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung di căn xương hiệu quả. Điều này cũng giúp tăng khả năng chữa bệnh và sống sót cho bệnh nhân.

Ngoài ra bệnh nhân cần kiểm tra định kỳ sau điều trị, xây dựng lối sống và ăn uống lành mạnh. Điều này giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư cổ tử cung và di căn xương trong tương lai.

Phát hiện và điều trị tích cực ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu
Phát hiện và điều trị tích cực ung thư cổ tử cung từ giai đoạn đầu để ngăn ngừa ung thư di căn xương

Đối với ung thư cổ cung, hãy áp dụng những biện pháp sau để giảm nguy cơ mắc bệnh:

  • Tiêm phòng vắc-xin HPV.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ và vận động hợp lý để nâng cao sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh. Không quên bổ sung sung vitamin A, C, E và canxi để bảo vệ tế bào khỏi gốc tự do. Đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung.
  • Stress là một trong những yếu tố kích thích và thúc đẩy sự phát triển của mầm bệnh. Vì thế cần giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ và lạc quan, tránh căng thẳng quá mức.
  • Hoạt động tình dục an toàn, tránh quan hệ bừa bãi hoặc quá sớm.
  • Không lạm dụng thuốc tránh thai.
  • Đảm bảo vệ sinh âm đạo sạch sẽ. Tránh thụt rửa không đúng cách hoặc mặc quần lót quá chật.
  • Điều trị sớm và dứt điểm các bệnh lý có thể gây ung thư cổ tử cung.
  • Khám phụ khoa và sàn lọc ung thư cổ tử cung định kỳ.

Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư cổ tử cung di căn xương từ 15 – 17%. Ngoài ra bệnh gây các triệu chứng nghiêm trọng, giảm chất lượng đời sống. Tuy nhiên các phương pháp điều trị có thể kéo dài thời gian sống, giảm đau, kiểm soát bệnh và tăng chất lượng đời sống. Vì thế người bệnh cần áp dụng sớm phác đồ điều trị của bác sĩ để đạt hiệu quả cao.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Bệnh Lao Xương Có Lây Không
Nếu thắc mắc bệnh lao xương có lây không, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị, chăm sóc sức khỏe theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều trị sớm và đúng ...
Xem chi tiết
Khám Ung Thư Xương Ở Đâu
Khám ung thư xương ở đâu tốt, chính xác và điều trị hiệu quả? Dưới đây là một số gợi ý phổ biến nhất, người bệnh có thể tham khảo và có kế hoạch điều trị chăm sóc sức khỏe ...
Xem chi tiết
Bệnh Đa U Tủy Xương Sống Được Bao Lâu
Bệnh đa u tủy xương sống được bao lâu phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, chẳng hạn như giai đoạn bệnh, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và tình trạng sức khỏe tổng thể. Điều quan trọng ...
Xem chi tiết
Xạ Hình Xương Có Phải Cách Ly Không
Xạ hình xương có phải cách ly không là thắc mắc của nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những người đang có con nhỏ. Đây là một xét nghiệm tiên tiến và được áp dụng rộng rãi. Xét nghiệm này ...
Xem chi tiết
Đa U Tủy Xương Có Di Truyền Không
Nếu đang thắc mắc đa u tủy xương có di truyền không, người bệnh có thể tham khảo các thông tin trong bài viết bên dưới và có kế hoạch chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa phù hợp. Xác ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua