U Cột Sống

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Lương y Phùng Hải Đăng | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Các khối u cột sống có thể hình thành ở bất cứ đâu dọc theo cột sống, bao gồm các đốt sống, tủy sống và các mô xung quanh. Hầu hết các khối u là kết quả của ung thư di căn từ một khu vực khác của cơ thể, chẳng hạn như phổi, vú, tuyến tiền liệt, đến cột sống. Tuy nhiên, không phải tất cả các khối u đều là ung thư, do đó điều quan trọng là xác định nguyên nhân và có kế hoạch điều trị phù hợp.

U cột sống
U cột sống có thể phát triển ở bất cứ vị trí nào dọc theo chiều dài của cột sống, dẫn đến đau đớn và nhiều triệu chứng khác

Khối u cột sống là gì?

Cột sống là cột xương dài và linh hoạt, bảo vệ tủy sống. Cột sống bắt đầu từ đáy hộp sọ và kết thúc ở xương cụt, bao gồm cả một phần của xương chậu. Tủy sống là một cấu trúc hình trụ, đi qua trung tâm của cột sống, từ thân não (ngày bên dưới cùng của não) đến lưng thấp. Tủy sống chứa các bó dây thần kinh và các tế bào mang thông tin từ não đến phần còn lại của cơ thể và từ cơ thể đến não.

Khối u cột sống là một sự phát triển bất thường của các tế bào bên trong hoặc xung quanh cột sống, tủy sống. Các khối u có thể bao gồm:

  • Bên trong tủy sống (nội tủy)
  • Trong các mô (màng não) bao gồm phủ tủy sống (nội tủy và ngoại tủy)
  • Giữa màng não và xương cột sống (ngoài màng cứng)
  • Trong đốt xương sống

Các khối u cột sống có thể là lành tính (không phải ung thư) hoặc ác tính (ung thư). Nếu khối u tiếp tục phát triển có thể gây ra tổn thương các mô khác trong cột sống.

Các loại khối u cột sống

Các khối u bắt nguồn từ cột sống hoặc tủy sống được gọi là khối u tủy sống nguyên phát. Các khối u di căn hoặc thứ phát, là kết quả của bệnh ung thư di căn từ một khu vực khác trong cơ thể và di căn đến cột sống. Các khối u di căn phổ biến hơn nhiều so với các khối u nguyên phát.

Theo các bác sĩ, các khối u được phân loại nhiều nhiều cách khác nhau, bao gồm:

1. Vùng cột sống

Các khối u cột sống có thể được phân loại dựa trên vị trí của khối u, chẳng hạn như:

  • Cột sống cổ
  • Lồng ngực, là vị trí từ cổ đến giữa lưng
  • Thắt lưng
  • Xương cùng

Mặc dù khối u cột sống có thể xuất hiện ở bất cứ khu vực nào, tuy nhiên thường phổ biến ở vùng ngực và thắt lưng.

2. Khu vực bên trong cột sống

Đôi khi các khối u cột sống có thể được phân loại dựa trên các vị trí bên trong cột sống. Các loại khối u bao gồm:

  • Khối u nội tủy cổ: Loại khối u này nằm bên trong lớp bọc mỏng của tủy sống (màng cứng) những nằm ở bên ngoài của tủy sống. Có khoảng 40% các khối u cột sống phát triển tại vị trí này.
  • Khối u nội tủy: Loại khối u này phát triển bên trong tủy sống. Có khoảng 5% các khối u phát triển ở khu vực này.
  • Khối u ngoài màng cứng: Loại khối u này phát triển bên ngoài màng cứng (lớp màng mỏng bên ngoài tủy sống), bao gồm các đốt sống (xương hình thành cột sống). Có khoảng 55% các khối u cột sống nằm ở khu vực này.

3. Khối u nguyên phát

Cột sống là một cấu trúc phức tạp bao gồm một số tế bào khác nhau. Do đó, u cột sống nguyên phát bao gồm nhiều loại khác nhau, chẳng hạn như:

cột sống có khối u
Khối u nguyên phát có thể bắt nguồn từ các đốt sống, tủy sống, màng nội tủy hoặc các nguyên bào thần kinh
  • U tế bào gai: Đây là một khối u hình thành ở các tế bào nâng đỡ bên trong tủy sống. Khối u này có thể là lành tính hoặc ác tính.
  • U xương: Đây là một khối u bắt nguồn từ xương sống, nhưng phổ biến ở đùi và xương ống chân.
  • Khối u nguyên sống (U chordoma): Đây là một khối u ác tính, hiếm gặp, có thể hình thành bên trong cột sống và hộp sọ. Khối u này thường hình thành ở đáy cột sống (xương cùng) và xương cụt.
  • U màng nội tủy (Ependymoma): Đây là khối u phát triển trong lớp niêm mạc của các đường dẫn dịch tủy sống trong não và tủy sống.
  • U nguyên bào thần kinh: Đây là một khối u hình thành các các mạch máu kết nối với hệ thống thần kinh trung ương, bao gồm não và tủy sống.
  • U màng não: Đây là một khối u xảy ra ở mô (màng não) bao phủ tủy sống và não. Khối u này thường lành tính, tuy nhiên cũng có thể phát triển đến kích thước lớn và gây ảnh hưởng đến tính mạng.
  • U sợi thần kinh: Đây là một khối u lành tính phát triển trên các dây thần kinh trong cơ thể, bao gồm các dây thần kinh trong cột sống. Hầu hết các u xơ thần kinh liên quan đến các yếu tố di truyền.
  • U Schwannoma: Đây là một khối u của các tế bào thần kinh bao quanh các sợi thần kinh tủy sống, hệ thần kinh ngoại vi và các dây thần kinh sọ. Khối u này thường lành tính và hiếm khi phát triển thành ung thư.
  • U máu cột sống: Đây là một khối u hình thành từ các mô của mạch máu bên trong cột sống. U máu là khối u cột sống nguyên phát phổ biến nhất và thường lành tính.

4. Khối u cột sống thứ phát

Những khối u ung thư có thể phát triển tại các vị trí khác trong cơ thể và di căn đến cột sống, chẳng hạn như:

  • Ung thư phổi: Đây là loại ung thư di căn xương phổ biến nhất ở nam giới.
  • Ung thư vú: Đây là loại ung thư di căn cột sống phổ biến nhất ở nữ giới.

Các khối u cột sống thứ phát khác có thể bao gồm:

  • Ung thư tuyến tiền liệt
  • Ung thư bạch cầu
  • Ung thư hệ bạch huyết
  • Đa u tủy
  • Ung thư mô liên kết (Sarcoma)
  • Ung thư thận
  • Ung thư tuyến giáp
  • Ung thư đường tiêu hóa

Các bệnh ung thư này có thể lan rộng đến cột sống và dẫn đến các khối u thứ phát.

5. U cột sống ở trẻ em

Cột sống có khối u ở trẻ em là một tình trạng khó chẩn đoán và điều trị. Các khối u bao gồm:

  • U xương dạng xương
  • Khối u nguyên bào xương
  • U sụn xương
  • U hạt ái toan
  • Sarcoma Ewing
  • Sarcoma xương
  • U tế bào khổng lồ của xương
  • U sợi
  • U mạch máu

Không giống như ở người trưởng thành, hệ cơ xương của trẻ em chưa phát triển hoàn chỉnh. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị thường gặp nhiều khó khăn. Bác sĩ cần cân nhắc các yếu tố liên quan, chẳng hạn như độ vững của cột sống cũng như các vấn đề chức năng khi tiến hành điều trị.

Các khối u cột sống thứ phát rất phổ biến, chiếm khoảng 97% tổng số các trường hợp u cột sống. Theo các nghiên cứu, có khoảng 30 – 70% các trường hợp ung thư di căn sẽ di chuyển đến cột sống.

Các khối u nguyên phát, bắt đầu từ cột sống là không phổ biến. Khối u nguyên phát thường lành tính (không phải ung thư) chiếm 0.5% tổng số các khối u mới được chẩn đoán. Bên cạnh đó, các khối u nguyên phát ác tính rất hiếm khi được chẩn đoán.

Nguyên nhân gây khối u cột sống

Nguyên nhân gây u cột sống liên quan đến loại khối u là nguyên phát hay thứ phát. Các nguyên nhân và yếu tố rủi ro bao gồm:

1. Khối u cột sống nguyên phát

Các nhà khoa học không xác nhận về nguyên nhân cụ thể dẫn đến khối u nguyên phát. Một số nguyên nhân có thể là do tiếp xúc với hóa chất hoặc các chất gây ung thư. Các khối u tủy sống (gây ảnh hưởng đến một loại tế bào miễn dịch) thường phổ biến ở người bệnh có hệ thống miễn dịch suy yếu.

Các khối u cột sống nguyên phát đôi khi có thể xuất hiện trong gia đình. Do đó, các bác sĩ cho rằng một phần nguyên nhân gây khối u cột sống có thể là do di truyền.

2. Khối u cột sống thứ phát

Các khối u thứ phát (di căn) là khối u do ung thư hình thành ở các nơi khác nhau trong cơ thể và di căn đến cột sống, dẫn đến u cột sống.

khối u cột sống
Ung thư phổi là nguyên nhân phổ biến khiến các tế bào ung thư di căn đến cột sống

U cột sống di căn xảy ra khi các tế bào ung thư đã tách khỏi khối chính và xâm nhập vào dòng máu hoặc hệ thống bạch huyết. Các hệ thống này mang chất lỏng đi khắp có thể, vì vậy có thể mang các tế bào ung thư từ vùng này sang vùng khác.

Di căn có thể phát triển khi các tế bào ung thư từ khối u chính, chẳng hạn như từ khoang bụng, vỡ ra và gây ảnh hưởng đến các khu vực lân cận, chẳng hạn như xương, gan và phổi.

Bởi vì cột sống cũng cần nguồn cung cấp máu và gần các hệ thống dẫn lưu bạch huyết và tĩnh mạch. Do đó, các tế bào ung thư

3. Đối tượng nguy cơ

Cột sống có khối u có thể ảnh hưởng đến bất cứ đối tượng nào, tuy nhiên thường phát triển ở những người bị ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Các bệnh ung thư này dẫn đến khối u cột sống thứ phát hoặc di căn.

Các khối u nguyên phát thường phát triển ở người trong độ tuổi từ 65 đến 74 và ở trẻ em từ 10 – 16 tuổi.

Dấu hiệu nhận biết khối u cột sống

Một số khối u có kích thước rất nhỏ, do đó có thể không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên theo thời gian, người bệnh có thể bị đau lưng, đau cổ, suy giảm hệ thống thần kinh, dẫn đến tê và yếu.

Các triệu chứng khác khi cột sống có khối u phụ thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của khối u, chẳng hạn như:

1. Đau đớn

Đau lưng là dấu hiệu phổ biến nhất của các khối u lành tính (không phải ung thư) và ác tính (ung thư). Đau liên quan đến khối u ở cột sống có thể ảnh hưởng đến lưng giữa hoặc lưng dưới, vì khối u thường phổ biến đến những khu vực này của cột sống.

Nổi cục u sau lưng
Đau lưng dưới là dấu hiệu phổ biến nhất của u cột sống

Đau liên quan đến khối u thường có một số đặc điểm như:

  • Không liên quan đến chấn thương, căng thẳng hoặc các hoạt động thể chất. Tuy nhiên cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn khi căng thẳng, chẳng hạn như tập thể dục, hắt hơi hoặc ho.
  • Đau sâu bên trong xương.
  • Bắt đầu từ từ và tăng dần.
  • Đau dai dẳng, nghiêm trọng hơn vào ban đêm, đôi khi làm gián đoạn chất lượng giấc ngủ.
  • Đau đớn nghiêm trọng hơn theo thời gian, dẫn đến căng thẳng và rối loạn ngay cả khi nghỉ ngơi.
  • Không đáp ứng với các biện pháp bảo tồn và các loại thuốc giảm đau.

Các khối u cột sống cũng có thể dẫn đến cơn đau lan tỏa từ cột sống đến hông, chân, bàn chân hoặc cánh tay. Cơn đau thường là đau nhói hoặc đau sâu âm ỉ từ bên trong xương.

2. Các triệu chứng khác

Tùy thuộc vào vị trí của khối u, người bệnh có thể gặp nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác ngoài đau đớn. Các dấu hiệu này thường xảy ra khi khối u phát triển và chèn ép vào tủy sống hoặc rễ thần kinh, mạch máu hoặc xương cột sống.

Các triệu chứng bao gồm:

  • Tê, ngứa ran hoặc mất cảm giác ở chân, tay hoặc ngực.
  • Yếu cơ ở chân, tay hoặc ngực.
  • Co giật cơ hoặc co thắt cơ.
  • Cứng lưng hoặc cổ.
  • Mất khả năng kiểm soát ruột hoặc bàng quang, đi tiêu và tiểu không tự chủ.
  • Đi lại khó khăn, có thể bị té ngã.
  • Vẹo cột sống hoặc biến dạng cột sống do khối u lớn.
  • Tê liệt các bộ phận khác nhau của cơ thể ở nhiều mức độ khác nhau, tùy thuộc vào dây thần kinh mà khối u chèn ép.

Chẩn đoán khối u cột sống

Việc chẩn đoán chính xác khối u cột sống là điều rất quan trọng để xác định một kế hoạch điều trị hiệu quả. Chẩn đoán thường bao gồm kiểm tra các tiền sử y tế, thực hiện khám sức khỏe, xét nghiệm hình ảnh và sinh thiết, nếu cần thiết.

1. Tiền sử y tế

Một bệnh nhân bị đau lưng mới khởi phát sẽ được kiểm tra lịch sử y tế. Bác sĩ thường kiểm tra các thông tin như triệu chứng, tình trạng bệnh lý hiện có, bệnh lý trong quá khứ, chấn thương trước đây, thuốc (đã và đang sử dụng), chế độ ăn uống và lối sống. Bác sĩ cũng có thể trao đổi với người bệnh về lịch sử y tế gia đình để xác định các vấn đề di truyền.

Đối với bệnh nhân ung thư hiện tại hoặc tiền sử ung thư, nguy cơ phát triển khối u cột sống di căn thường cao hơn. Tùy thuộc vào loại ung thư, giai đoạn bệnh và các phương pháp chẩn đoán, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp chẩn đoán khác nhau.

2. Khám sức khỏe tổng quát

Bác sĩ có thể sờ nắn dọc theo cột sống (lưng hoặc cổ) và quan sát các bất thường về tổn thương, vết sưng, bất ổn hoặc các bất thường khác. Các xét nghiệm lâm sàng khác cũng có thể được thực hiện để kiểm tra cánh tay, chân hoặc các bộ phận cơ thể để xác định sức mạnh, cảm giác và phản xạ của người bệnh.

3. Xét nghiệm hình ảnh

Nếu nghi ngờ các khối u cột sống, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm hình ảnh để xác định tình trạng. Các xét nghiệm bao gồm:

Mổ u cột sống có nguy hiểm không
Bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm hình ảnh để xác định khối u
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT được chỉ định đầu tiên để xác định các vấn đề liên quan đến cột sống. Xét nghiệm hình ảnh này sử dụng tia X và máy tính để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang có độ chi tiết cao bên trong cột sống.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI là cách tốt nhất để xác định các mô mềm và là cách tốt nhất để phân biệt các khối u với các cấu trúc mạch thần kinh khác. Chụp MRI có thể giúp bác sĩ xác định khối u nằm bên trong hay bên ngoài tủy sống.
  • Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET): Chụp PET có thể giúp bác sĩ xác định bất thường xuất hiện ở cột sống có phải là khối u hay không. Trong xét nghiệm này, người bệnh sẽ được tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ, chất này sẽ đi vào máu. Sau đó một máy ảnh đặc biệt sẽ được sử dụng để chụp lại các vị trí cột sống để xác định các khối u.
  • Quét xương: Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ tiêm một chất phóng xạ vào máu và được hấp thụ bởi xương. Sau đó bác sĩ sử dụng một máy quét đặc biệt để quan sát xương và bất kỳ nơi nào trong cột sống.

4. Sinh thiết

Nếu thông qua xét nghiệm hình ảnh, bác sĩ nghi ngờ cột sống có khối u, bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết để xác định hoặc tìm hiểu thêm về khối u. Có hai loại sinh thiết khối u cột sống phổ biến bao gồm:

  • Sinh thiết qua da: Một cây kim sẽ được đưa qua da, đi vào khối u dưới sự hướng dẫn của tia X. Đây là loại sinh thiết phổ biến nhất được chỉ định để chẩn đoán khối u.
  • Sinh thiết mở: Sinh thiết này được xem là một dạng phẫu thuật, được lên kế hoạch để xác định khối u xương. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện các đường mở (rạch) hoặc cắt bỏ khối u và tiến hành kiểm tra ở phòng thí nghiệm.

Đôi khi sinh thiết là không cần thiết và không được chỉ định, chẳng hạn như trong trường hợp ung thư giai đoạn muộn hoặc ung thư di căn xương từ các bộ phận khác của cơ thể.

5. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu cũng có thể được chỉ định để chẩn đoán khối u cột sống và tầm soát ung thư. Các xét nghiệm máu cũng có thể xác nhận vị trí ban đầu của khối ung thư di căn đến cột sống, chẳng hạn như phổi, vú hoặc tuyến tiền liệt.

Cách điều trị khối u cột sống

Các biện pháp điều trị khối u cột sống phụ thuộc vào loại và vị trí của khối u. Ngoài ra, các điều kiện sức khỏe, bệnh lý tiềm ẩn và các vấn đề liên quan khác cũng được cân nhắc để có kế hoạch điều trị phù hợp nhất.

Mục tiêu chính của các phương pháp điều trị là loại bỏ hoàn toàn khối u, nếu có thể. Các mục tiêu khác bao gồm làm dịu cơn đau, duy trì hoặc cải thiện chức năng cột sống và các dây thần kinh, nâng cao chất lượng và tuổi thọ của người bệnh.

Tùy thuộc vào loại khối u, vị trí và các triệu chứng liên quan, các phương pháp điều trị bao gồm:

1. Điều trị khối u nguyên phát

Các khối u cột sống nguyên phát thường không có triệu chứng, lành tính và không thay đổi hoặc tiến triển theo thời gian. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể đề nghị theo dõi khối u bằng cách chụp MRI thường xuyên.

Bệnh u tủy sống được bao lâu
Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh tái khám định kỳ nhằm theo dõi sự phát triển của khối u

Một số khối u nguyên phát có thể cần được phẫu thuật loại bỏ. Khối u có thể được cắt bỏ hoàn toàn để điều trị các triệu chứng và phục hồi chức năng cột sống. Đối với các khối u khác, đặc biệt là những khối u hình thành bên trong tủy sống (nội tủy), phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn sẽ không được chỉ định nếu không có tổn thương thần kinh đáng kể.

Nếu khối u cột sống nguyên phát là ác tính, người bệnh sẽ được điều trị bằng cách phương pháp điều trị ung thư.

2. Điều trị khối u thứ phát

Đối với các khối u di căn cột sống, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và loại ung thư, các biện pháp điều trị có thể bao gồm:

Ung thư tủy sống giai đoạn cuối
Khối u thứ phát (di căn) được điều trị với các liệu pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như hóa trị và xạ trị
  • Hóa trị: Các loại thuốc hóa trị có thể tiêu diệt các tế bào ung thư trong cột sống và khắp cơ thể. Thuốc có thể được tiêm vào tĩnh mạch hoặc sử dụng theo đường uống dưới dạng thuốc viên. Đôi khi, bác sĩ cũng sử dụng thuốc hóa trị trước các phẫu thuật thu nhỏ khối u.
  • Xạ trị: Xạ trị sử dụng tia X liều cao để tiêu diệt hoặc thu nhỏ khối u. Thu nhỏ khối u có thể hỗ trợ giảm đau, loại bỏ cơn đau và các triệu chứng khác.
  • Phẫu thuật phóng xạ lập thể: Đây là một thủ thuật không phẫu thuật, không xâm lấn, cung cấp một chùm bức xạ hẹp chính xác đến khối u trong khi vẫn giữ bức xạ ở mức tối thiểu đến các mô lân cận.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật thường được chỉ định cho khối u di căn đến cột sống có khả năng chống lại bức xạ hoặc hóa trị. Phẫu thuật có thể giúp giảm đau, cải thiện các triệu chứng khác, bảo tồn chức năng thần kinh và ổn định cột sống. Bác sĩ phẫu thuật có thể đề nghị phẫu thuật mở  truyền thống hoặc thực hiện một phẫu thuật xâm lấn tối thiểu để loại bỏ khối u. Sau phẫu thuật, xi măng sinh học sẽ được bơm vào cột sống để hỗ trợ và ổn định cột sống, cải thiện khả năng vận động. Có khoảng 10% các trường hợp khối u di căn đến cột sống được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
  • Theo dõi khối u: Bác sĩ có thể đề nghị theo dõi chặt chẽ khối u để xác định các dấu hiệu phát triển và lây lan bằng cách đề nghị các xét nghiệm thường xuyên.

Các biện pháp điều trị phụ thuộc vào loại, vị trí và mức độ nghiêm trọng của khối u. Trước khi thực hiện bất cứ biện pháp điều trị nào, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được giải thích về các lợi ích và rủi ro tiềm ẩn.

Phòng ngừa khối u cột sống

Không phải tất cả các khối u cột sống đều có thể phòng ngừa. Tuy nhiên, người bệnh có thể phòng ngừa các khối u phụ thuộc vào từng loại, thứ phát hoặc nguyên phát.

1. Ngăn ngừa khối u nguyên phát

Các khối u nguyên phát không thể phòng ngừa được. Trong một số ít các trường hợp, khối u nguyên phát có thể liên quan đến các yếu tố di truyền, bao gồm:

  • Bệnh u xơ thần kinh loại 2: Tình trạng này có thể dẫn đến việc phát triển các khối u lành tính trong lớp màng đệm của tủy sống hoặc các tế bào thần kinh đệm hỗ trợ.
  • Bệnh Von Hippel-Lindau: Đây là một tình trạng di truyền hiếm gặp liên quan đến các khối u mạch máu lành tính trong não, võng mạc và tủy sống. Đôi khi các khối u có thể phát triển trong thận hoặc tuyến thượng thận.

Nếu trong gia đình có một thành viên (cha mẹ hoặc anh chị em) có một trong những tình trạng di truyền này, điều quan trọng là được tư vấn phù hợp và thực hiện các xét nghiệm di truyền để có kế hoạch điều trị phù hợp. Nếu xác định được khối u trong giai đoạn đầu, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị hiệu quả và mang đến kết quả tốt.

2. Phòng ngừa khối u thứ phát

Hầu hết các khối u thứ phát (di căn) đều không thể phòng ngừa. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán bệnh ung thư, người bệnh nên điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Cách tốt nhất để cố gắng phòng ngừa khối u cột sống thứ phát là sử dụng liệu pháp hỗ trợ hoặc chất bổ trợ mới nếu nhận được chẩn đoán ung thư khu trú. Mục tiêu của liệu pháp hỗ trợ là thu nhỏ khối u nguyên phát và ngăn chặn các tế bào ung thư phá vỡ khối u ban đầu và di căn đến cột sống.

Các biện pháp bổ trợ được chỉ định bởi bác sĩ chuyên môn. Do đó, điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Tiên lượng đối với khối u cột sống

Tiên lượng phụ thuộc vào độ tuổi và sức khỏe tổng thể của người bệnh cũng như khối u là lành tính hay ác tính, nguyên phát hay di căn. Các bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp chăm sóc phù hợp để giảm đau, phục hồi chức năng cột sống và ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra.

Nói chung, chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp là cách tốt nhất để cải thiện các triệu chứng. Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ hoặc gây cản trở đến sinh hoạt hàng ngày, người bệnh nên thông báo với bác sĩ ngay lập tức.

U cột sống là một tình trạng cần được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. Bác sĩ có thể phát triển một kế hoạch chăm sóc sức khỏe toàn diện nhằm giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều quan trọng là tái khám định kỳ sau khi được chẩn đoán để xây dựng biện pháp xử lý phù hợp.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Bệnh Đa U Tủy Xương Sống Được Bao Lâu
Bệnh đa u tủy xương sống được bao lâu phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, chẳng hạn như giai đoạn bệnh, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và tình trạng sức khỏe tổng thể. Điều quan trọng ...
Xem chi tiết
Bệnh Lao Xương Có Lây Không
Nếu thắc mắc bệnh lao xương có lây không, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị, chăm sóc sức khỏe theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều trị sớm và đúng ...
Xem chi tiết
Đa U Tủy Xương Có Di Truyền Không
Nếu đang thắc mắc đa u tủy xương có di truyền không, người bệnh có thể tham khảo các thông tin trong bài viết bên dưới và có kế hoạch chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa phù hợp. Xác ...
Xem chi tiết
Khám Ung Thư Xương Hàm Ở Đâu
Việc xác định khám ung thư xương hàm ở đâu chính xác, chất lượng và điều trị hiệu quả? Người bệnh có thể tham khảo một số gợi ý bên dưới và có sự lựa chọn phù hợp. [caption id="attachment_33593" ...
Xem chi tiết
Khám Ung Thư Xương Ở Đâu
Khám ung thư xương ở đâu tốt, chính xác và điều trị hiệu quả? Dưới đây là một số gợi ý phổ biến nhất, người bệnh có thể tham khảo và có kế hoạch điều trị chăm sóc sức khỏe ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua