Tràn Dịch Khớp Vai
Tràn dịch khớp vai xảy ra khi chất lỏng dư thừa tràn vào các mô xung quanh khớp, dẫn đến đau đớn, cứng khớp và hạn chế khả năng cử động linh hoạt. Bài viết bên dưới sẽ cung cấp các thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả nhất.
Tràn dịch khớp vai là gì?
Tràn dịch khớp vai xảy ra khi chất lỏng dư thừa tràn vào các mô khớp, khiến khớp trở nên to hơn bình thường hoặc sưng húp một chút so với các khớp khác, kèm theo đau đớn, khó chịu, cứng khớp và hạn chế khả năng cử động linh hoạt.
Thông thường, ở các khớp, chẳng hạn như đầu gối và vai, có một lượng chất lỏng tồn tại ở khớp, giúp các khớp hoạt động trơn tru, linh hoạt mà không gây đau đớn, tổn thương. Sự tích tụ chất lỏng ở khớp có thể do viêm, nhiễm trùng hoặc chấn thương.
Trong hầu hết các trường hợp, tràn dịch khớp vai không nghiêm trọng và đáp ứng các phương pháp tự chăm sóc, chẳng hạn như nghỉ ngơi, sử dụng thuốc hoặc tập thể dục phù hợp. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể loại bỏ một lượng chất lỏng ở khớp để kiểm soát cơn đau, giảm cứng khớp và sưng tấy, từ đó phục hồi khả năng vận động linh hoạt.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tràn dịch khớp vai
Các triệu chứng tràn dịch khớp thường tương tự nhau, bất kể nguyên nhân gây bệnh. Các triệu chứng có thể ở mức độ nghiêm trọng, từ nhẹ đến suy nhược cơ thể hoặc hạn chế khả năng cử động linh hoạt. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Sưng từ nhẹ đến nghiêm trọng
- Đau đớn, từ đau âm ỉ đến đau nhói, gây cản trở khả năng vận động
- Đỏ và nóng ở khớp, thường xảy ra do nhiễm trùng hoặc viêm
Tùy thuộc vào nguyên nhân và yếu tố rủi ro gây tràn dịch khớp vai, các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Bầm tím và chảy máu bên trong khớp, chẳng hạn như do chấn thương
- Sốt, ớn lạnh, khó chịu và suy nhược cơ thể, thường liên quan đến nhiễm trùng khớp
- Xuất hiện một cục u chứa đầy các chất lỏng, thường xảy ra khi chất lỏng tích tụ mà không thể tự hấp thu
- Mất cơ dần dần, ức chế cơ bắp
Trong một số trường hợp, tràn dịch khớp vai có thể là tình trạng khẩn cấp và cần đến bệnh viện ngay lập tức, chẳng hạn như:
- Chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như gãy xương, rách dây chằng
- Không thể di chuyển vai
- Không thể cầm, nắm, nâng đồ vật
- Khớp có màu đỏ, cảm thấy nóng khi chạm vào
- Mất cảm giác xung quanh khớp vai
- Sốt và ớn lạnh
Nguyên nhân nào gây tràn dịch khớp bả vai
Tràn dịch khớp vai có thể là dấu hiệu của nhiều nguyên nhân và tình trạng sức khỏe khác nhau, chẳng hạn như:
1. Chấn thương
Chấn thương là nguyên nhân phổ biến gây tràn dịch khớp, đặc biệt là khớp gối và khớp vai. Các chấn thương phổ biến như tai nạn giao thông, té ngã hoặc có lực tác động mạnh lên khớp.
Các chấn thương này cũng có liên quan đến các mô xương, mô liên kết, chẳng hạn như gân và dây chằng, sụn khớp. Ngoài ra, các căng thẳng lặp đi lặp lại trên khớp cũng có thể dẫn đến tràn dịch khớp. Nếu tràn dịch khớp vai xảy ra do lạm dụng và chấn thương lặp lại thường xuyên, người bệnh cũng có thể gặp các tình trạng khác, chẳng hạn như viêm bao hoạt dịch hoặc viêm bao gân.
Ngoài tràn dịch khớp, chấn thương cũng dẫn đến các dấu hiệu khác, chẳng hạn như đau đớn, sưng tấy, cứng khớp, khó co duỗi hoặc xoay khớp.
2. Nhiễm trùng
Nhiễm trùng khớp có thể xảy ra do các vết thương hở, vết rách da hoặc các thủ tục y tế xâm lấn (bao gồm thay khớp). Nhiễm trùng trong máu (nhiễm trùng toàn thân) đôi khi có thể gây xâm lấn vào các khớp, dẫn đến tràn dịch khớp ở khu vực bị tổn thương.
Dấu hiệu tràn dịch khớp do nhiễm trùng thường nghiêm trọng, diễn ra nhanh chóng, cực kỳ đau đớn, đặc biệt là khi di chuyển khớp. Khớp vai cũng có thể đỏ lên, ấm và khó chuyển động.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ tràn dịch khớp vai do nhiễm trùng bao gồm:
- Tuổi tác cao
- Bệnh tiểu đường
- Sử dụng thuốc tiêm vào đường tĩnh mạch (IV)
- Thay khớp
- Phẫu thuật khớp gần đây
- Viêm khớp
Tổn thương hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như nhiễm HIV, người được ghép tạng hoặc sử dụng thuốc hóa trị
3. Viêm khớp
Tràn dịch khớp vai cũng có thể xảy ra ở người bệnh viêm khớp. Tình trạng này có thể là mãn tính (xuất hiện từ từ và tăng dần) hoặc cấp tính (xuất hiện nhanh chóng và nghiêm trọng). Có hai loại viêm khớp chính có thể dẫn đến tràn dịch khớp, chẳng hạn như thoái hóa khớp (xảy ra khi các sụn, khớp hao mòn theo thời gian) và viêm khớp tự miễn (xảy ra khi các rối loạn tự miễn do viêm khiến hệ thống miễn dịch tấn công các khớp).
Trong trường hợp thoái hóa khớp, các triệu chứng tràn dịch khớp thường xảy ra khi có tổn thương khớp trên diện rộng. Vai và đầu gối thường là các khớp dễ bị ảnh hưởng nhất. Trong trường hợp viêm khớp tự miễn, tràn dịch khớp thường là mãn tính nhưng sẽ kèm theo các đợt cấp tính.
Một số dạng viêm khớp có thể gây tràn dịch khớp vai bao gồm:
- Viêm khớp dạng thấp: Đây là dạng viêm khớp tự miễn phổ biến, thường xảy ra đối xứng ở hai bên cơ thể.
- Bệnh gout: Tình trạng này thường gây sưng, đau, chủ yếu ở các ngón chân cái, tuy nhiên bệnh cũng ảnh hưởng đến khớp vai và đầu gối.
- Viêm khớp tự phát thiếu niên: Đây là một dạng viêm khớp xảy ra không rõ nguyên nhân ở trẻ em, có thể gây tràn dịch khớp và nhiều triệu chứng khác.
- Viêm khớp vẩy nến: Một dạng viêm khớp tự miễn dịch đi kèm với tình trạng vẩy nến trên da, gây đau đớn, cứng khớp, tràn dịch khớp.
Bệnh tràn dịch khớp vai có nguy hiểm không?
Tràn dịch khớp vai thường không nghiêm trọng và đáp ứng tốt các phương pháp điều trị không xâm lấn. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh dành thời gian nghỉ ngơi, nâng cao khớp, sử dụng thuốc hoặc vận động phù hợp.
Trong các trường hợp khác, tràn dịch khớp có thể liên quan đến nhiễm trùng, viêm khớp hoặc các chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như gãy xương. Nếu không được điều trị phù hợp, các tình trạng này có thể tiến triển, dẫn đến tổn thương, tàn tật nghiêm trọng và đôi khi là vĩnh viễn.
Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu tràn dịch khớp, hãy liên hệ với bác sĩ để xác nhận nguyên nhân cơ bản, mức độ nghiêm trọng và có kế hoạch điều trị, chăm sóc phù hợp nhất.
Ngoài ra, các tình trạng tự miễn gây tràn dịch khớp cũng có thể gây viêm khắp cơ thể, từ đó làm hỏng nhiều hệ thống cơ quan, nội tạng, mô. Chẩn đoán sớm và điều trị nhất quán là cách tốt nhất để kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
Chẩn đoán tràn dịch khớp vai như thế nào?
Tràn dịch khớp vai có thể bao gồm khám sức khỏe tổng thể, kiểm tra hình ảnh và đánh giá chất lỏng hoạt dịch tại phòng thí nghiệm. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kiểm tra tiền sử bệnh lý, các vấn đề sức khỏe liên quan và các triệu chứng khác để có kế hoạch điều trị, chăm sóc phù hợp nhất.
1. Kiểm tra thể chất
Đầu tiên, bác sĩ có thể kiểm tra khớp vai một cách thận trọng bằng cách chạm vào, sờ nắn hoặc ấn vào khớp với một lực nhất định để xác định mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng như nguyên nhân gây bệnh.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể kiểm tra, đánh giá tình trạng bên ngoài, chẳng hạn như:
- Mất sức mạnh ở khớp, khớp sưng to, căng cứng thường liên quan đến viêm khớp
- Thời gian phát triển các dấu hiệu nhanh chóng, đau đớn dữ dội, đỏ và đớn đớn thường có nguyên nhân là nhiễm trùng
- Rách dây chằng hoặc gãy xương bả vai thường gây sưng tây, mất khả năng nâng cao tay, cầm nắm đồ vật
2. Xét nghiệm hình ảnh
Sau khi kiểm tra khớp vai, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm hình ảnh để xác định nguyên nhân gây tràn dịch khớp. Các xét nghiệm thường bao gồm:
- Siêu âm: Xét nghiệm hình ảnh này không xâm lấn, sử dụng sóng siêu âm để giúp bác sĩ xác định các mô xương và mô liên kết.
- Chụp X – quang và chụp cắt lớp vi tính (CT): Cả hai kỹ thuật này đều sử dụng bức xạ ion hóa để tạo ra hình ảnh của xương và các mô liên kết. Xét nghiệm này thường được sử dụng để chẩn đoán gãy xương và viêm khớp.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kỹ thuật này sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh các mô mềm với độ chi tiết cao. MRI thường được sử dụng để xác định tổn thương sụn, dây chằng và cấu trúc khớp mà các xét nghiệm khác không thể phát hiện được.
3. Phân tích chất lỏng
Bác sĩ có thể dẫn lưu, hút dịch ra khỏi khớp vai. Điều này sẽ làm giảm áp lực lên khớp và giảm đau nhanh chóng.
Chất lỏng hoạt dịch sẽ được dẫn lưu bằng kim và ống tiêm, thường có độ đặc như lòng trắng trứng. Nếu chất lỏng hoạt dịch thay đổi về hình thức, kết cấu, màu sắc hoặc thành phần, có thể là dấu hiệu quả tràn dịch khớp vai.
Điều trị tràn dịch khớp vai như thế nào?
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị một số biện pháp điều trị như:
1. Tự chăm sóc tại nhà
Các triệu chứng tràn dịch khớp nhẹ đến trung bình, không quá đau đớn, khó chịu hoặc không gây ảnh hưởng đến khả năng vận động linh hoạt, có thể được chăm sóc và khắc phục tại nhà. Các biện pháp bao gồm:
- Chườm nóng, đặc biệt là nhiệt ẩm, chẳng hạn như khăn ấm, có thể giảm tràn dịch khớp và đau đớn. Chườm nóng cũng phù hợp để kiểm soát các triệu chứng viêm khớp, chấn thương.
- Chườm lạnh thường mang lại hiệu quả tốt hơn đối với các khớp bị sưng. Hãy chườm lạnh nếu tràn dịch khớp xảy ra do chấn thương hoặc viêm khớp.
- Sử dụng thuốc chống viêm không kê đơn chẳng hạn như NSAID (Ibuprofen) để giảm đau, chống viêm và ngăn ngừa các biến chứng.
- Nghỉ ngơi hợp lý có thể hỗ trợ chữa lành các triệu chứng tràn dịch khớp vai hiệu quả. Hãy thử giảm áp lực lên khớp vai bằng cách nâng cao khớp, hạn chế di chuyển và sử dụng khớp.
2. Điều trị y tế
Các phương pháp điều trị đầu tay tiêu chuẩn cho tràn dịch khớp vai bao gồm nghỉ ngơi, chườm đá, bất động và sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen hoặc Naproxen. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị các thủ thuật điều trị y tế chuyên sâu, chẳng hạn như:
- Thuốc kháng sinh: Thuốc có tác dụng chống nhiễm trùng, điều trị các cơn đau đớn, viêm khớp và ngăn ngừa các rủi ro nghiêm trọng.
- Chọc dò khớp: Bác sĩ có thể sử dụng kim tiêm và ống tiêm để rút chất lỏng hoạt dịch từ khớp vai để giảm áp lực lên khớp. Chất lỏng này sẽ được kiểm tra ở phòng thí nghiệm để xác định vi khuẩn, protein, một số tế bào máu, glucose hoặc các dấu hiệu về các tình trạng bệnh khác.
- Colchicine: Đây là một loại thuốc đặc trị điều trị gout, có tác dụng giảm đau, viêm và tràn dịch khớp.
- Steroid: Thuốc có thể được sử dụng dưới dạng uống hoặc tiêm, giúp ngăn chặn các hóa chất gây viêm, kiểm soát các triệu chứng tràn dịch khớp và ngăn ngừa các biến chứng phát sinh.
Nếu các triệu chứng nghiêm trọng, kéo dài hoặc không đáp ứng các phương pháp điều trị, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Phòng ngừa tràn dịch khớp vai
Mặc dù không phải tất cả các trường hợp tràn dịch khớp vai, tuy nhiên người bệnh có thể hạn chế nguy cơ xảy ra bằng cách:
- Bắt đầu một kế hoạch tập thể dục tác động thấp, điều này có thể tăng cường sức mạnh ở các khớp, bao gồm khớp vai, từ đó hạn chế các tổn thương và ngăn ngừa nguy cơ tràn dịch khớp.
- Khởi động trước khi tập thể dục, chẳng hạn như kéo giãn vai và thả lỏng, hạ nhiệt cơ thể sau khi tập thể dục, điều này có thể góp phần ngăn ngừa các chấn thương.
- Không lạm dụng khớp, chú ý đến tư thế và bảo vệ khớp để ngăn ngừa chấn thương, viêm khớp hoặc gãy xương.
Tràn dịch khớp vai có thể xảy ra do chấn thương, nhiễm trùng, lạm dụng hoặc viêm khớp. Bác sĩ có thể chọc hút dịch khớp để giảm áp lực, giảm đau, kiểm soát viêm và phòng ngừa các rủi ro liên quan. Bên cạnh đó, người bệnh cần thực hiện một số thay đổi trong lối sống, sở thích, dành thời gian nghỉ ngơi và vận động phù hợp để giúp kiểm soát các triệu chứng tràn dịch khớp. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc kéo dài, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!