Thoát Vị Đĩa Đệm L1 L2
Thoát vị đĩa đệm L1 L2 là tình trạng không phổ biến, nhưng có thể gây đau thắt lưng, chèn ép dây thần kinh và nhiều vấn để sức khỏe khác. Tham khảo thông tin trong bài viết và có kế hoạch chăm sóc sức khỏe hiệu quả, phù hợp với mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Thoát vị đĩa đệm L1 L2 là gì?
Cột sống thắt lưng bao gồm năm đốt sống, từ L1 đến L5, hỗ trợ trọng lượng của cơ thể, bao quanh và bảo vệ tủy sống, đồng thời cho phép cơ thể thực hiện nhiều chuyển động khác nhau. Có rất nhiều tình trạng gây ảnh hưởng đến khu vực cột sống thắt lưng, chẳng hạn như đau lưng dưới, viêm khớp, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm và hẹp ống sống.
Trong đó, đốt sống L1 và L2 là vị trí bắt đầu của cột sống thắt lưng, kết nối các đĩa đệm, dây thần kinh, dây chằng nhằm đảm bảo sự liền mạch và ổn định chức năng bình thường của cột sống. Thoát vị đĩa đệm L1 L2 xảy ra khi nhân nhầy bên trong đĩa đệm rò rỉ ra bên ngoài, gây chèn ép lên các mô, dây thần kinh, dẫn đến đau lưng và một số tổn thương thần kinh.
Thoát vị đĩa đệm L1 L2 không phổ biến khi so với thoát vị đĩa đệm L4 L5 và L5 S1. Các triệu chứng thoát vị đĩa đệm thường bắt đầu mà không có lý do rõ ràng. Tuy nhiên đôi khi có thể xuất hiện ngay sau khi người bệnh nhấc vật nặng, xoay lưng dưới hoặc thực hiện các chuyển động gây áp lực lên đĩa đệm.
Thoát vị đĩa đệm L1 L2 thường ảnh hưởng đến người trong độ tuổi 40 – 50, tuy nhiên bệnh có thể ảnh hưởng đến bất cứ đối tượng nào. Điều trị sớm và đúng cách là cách tốt nhất để phục hồi chức năng đĩa đệm.
Tham Khảo Thêm: Thoát Vị Đĩa Đệm L3 L4: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Điều Trị
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm L1 L2
Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi nhân nhầy bên trong đĩa đệm thoát ra bên ngoài, gây kích thích hoặc đè lên các rễ thần kinh xung quanh, dẫn đến thoát vị đĩa đệm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chẳng hạn như:
- Lão hóa: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thoát vị đĩa đệm là lão hóa tự nhiên trong cơ thể. Khi già đi, các đĩa đệm sẽ bắt đầu co lại, bắt đầu quá trình thoái hóa và hao mòn tự nhiên.
- Chấn thương: Các va chạm, chấn thương, chẳng hạn như tai nạn giao thông hoặc đôi khi là nâng một vật quá nặng, có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
- Di truyền: Một số nghiên cứu cho biết, những người có tiền sử gia đình mắc bệnh xương khớp, đĩa đệm, cột sống, thường có nguy cơ thoát vị đĩa đệm cao hơn những người khác.
Một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm L1 L2, chẳng hạn như:
- Tính chất công việc: Công việc thể chất, đòi hỏi phải nâng vật nặng và lao động chân tay có thể làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm thắt lưng.
- Hút thuốc: Hút thuốc lá sẽ làm hạn chế lưu lượng máu đến các đĩa đệm cột sống, làm tăng tốc độ thoái hóa và dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
- Béo phì: Trọng lượng dư thừa sẽ gây áp lực lên đĩa đệm cột sống và có thể dẫn đến thoát vị.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ thoát vị đĩa đệm cao hơn phụ nữ.
Dấu hiệu nhận biết thoát vị đĩa đệm L1 L2
Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết thoát vị đĩa đệm L1 L2 khác nhau ở mỗi người và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Các dấu hiệu phổ biến nhất có thể bao gồm:
- Đau thắt lưng: Đau thắt lưng là dấu hiệu đầu tiên của thoát vị đĩa đệm và có thể xuất hiện ngay trước khi bệnh khởi phát hoàn toàn. Cơn đau này sẽ tăng hoặc giảm, tùy theo các hoạt động, chẳng hạn như cơn đau thường nghiêm trọng hơn khi ngồi, đứng hoặc đi lại.
- Đau thần kinh tọa: Nếu thoát vị đĩa đệm nghiêm trọng có thể gây chèn ép các dây thần kinh tọa và gây đau kéo dài từ lưng dưới qua mông và đến chân.
- Tê và yếu cơ: Thoát vị đĩa đệm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tê, yếu cơ và ngứa ran xảy ra cùng lúc với cơn đau thần kinh tọa, có thể lan xuống chân và bàn chân.
Trong các trường hợp nghiêm trọng, thoát vị đĩa đệm L1 L2 có thể dẫn đến Hội chứng chùm đuôi ngựa. Chùm đuôi ngựa bắt nguồn từ đáy của tủy sống và kết thúc ở cột sống thắt lưng. Tổn thương chùm đuôi ngựa có thể dẫn đến mất khả năng kiểm soát bàng quang và ruột, gây yếu và mất khả năng vận động của chân. Đôi khi người bệnh cũng có thể gặp tình trạng tê ở đáy chậu, đặc biệt là khu vực mông, hậu môn, háng, đùi và khu vực sinh dục.
Thoát vị đĩa đệm L1 L2 có nguy hiểm không?
Mắc dù thoát vị đĩa đệm L1 L2 không phổ biến, tuy nhiên tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng, gây tổn thương đáng kể và lâu dài đến cột sống thắt lưng. Theo thời gian, thoát vị đĩa đệm có thể gây hẹp ống sống hoặc thu hẹp không gian xung quanh cột sống. Điều này gây áp lực lên các dây thần kinh, cột sống, gây tổn thương lâu dài và tăng nguy cơ:
- Đau lưng mãn tính
- Mất khả năng vận động chân và suy nhược cơ
- Chuột rút
- Tê
- Mất kiểm soát bàng quang và ruột
- Ngứa ra hoặc có cảm giác như châm chích
Trong một số trường hợp, cơn đau mãn tính do thoát vị đĩa đệm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Trong một nghiên cứu cho biết, người bệnh đau lưng mãn tính do thoát vị đĩa đệm có thể bị rối loạn tâm trạng, bao gồm rối loạn trầm cảm nặng và rối loạn lo âu tổng quát.
Điều trị thoát vị đĩa đệm L1 L2 như thế nào?
Thoát vị đĩa đệm L1 L2 có thể gây chèn ép lên các dây thần kinh ở cột sống dẫn đến đau đớn, yếu, tê ở lưng và chân. Đôi khi các triệu chứng này có thể trở nên nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, thoát vị đĩa đệm sẽ được cải thiện trong vài tuần, nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, các biện pháp điều trị có thể bao gồm:
1. Dành thời gian nghỉ ngơi
Đối với các triệu chứng thoát vị đĩa đệm nhẹ, người bệnh có thể dành thời gian nghỉ ngơi trong vài ngày. Nghỉ ngơi có thể làm giảm viêm, sưng tấy và giúp cột sống thắt lưng có thời gian phục hồi. Trong lúc đau bị đau, người bệnh cần tránh tập thể dục và thực hiện các hoạt động thể chất đòi hỏi việc phải cúi người hoặc nâng đồ vật.
Đôi khi bác sĩ có thể đề nghị người bệnh dành thời gian để nghỉ ngơi trên giường trong thời gian ngắn để phục hồi các đĩa đệm. Tuy nhiên, không nên nghỉ ngơi quá 1 – 2 ngày, người bệnh cần tiếp tục vận động để đảm bảo cơ và các khớp không bị căng cứng.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể chườm lạnh hoặc chườm nóng để giảm đau. Chỉ cần đặt một túi nước đá hoặc khăn ấm lên vùng lưng bị đau. Người bệnh có thể xen kẽ chườm nóng và chườm lạnh để nâng cao hiệu quả.
2. Sử dụng thuốc đúng hướng dẫn
Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn như Ibuprofen hoặc Naproxen, có thể được sử dụng để giảm đau, giảm sưng tấy, chống viêm và cải thiện chức năng cột sống. Thuốc có thể sử dụng mà không cần chỉ định, tuy nhiên người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn phù hợp nhất.
Không sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không quá 10 ngày liên tục, trừ khi nhận được chỉ định của bác sĩ. Lạm dụng hoặc quá liều có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch hoặc xuất huyết dạ dày.
Nếu cơn đau nghiêm trọng hoặc không đáp ứng NSAID, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc giảm đau opioid (thuốc giảm đau gây nghiện) như Codeine hoặc Oxycodone. Các thuốc này được sử dụng ngắn hạn và dưới sự theo dõi của bác sĩ để tránh gây nghiện hoặc phụ thuộc thuốc.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc giãn cơ để giảm co thắt cơ ở lưng và các loại thuốc giảm đau thần kinh để hỗ trợ giảm đau thần kinh do thoát vị đĩa đệm.
3. Vật lý trị liệu theo chỉ định
Vật lý trị liệu là một trong những cách tốt nhất để điều trị thoát vị đĩa đệm. Một nhà vật lý trị liệu có chuyên môn có thể hỗ trợ tăng cường sức mạnh ở cơ lưng thông qua các bài tập, massage, xoa bóp hoặc kích thích điện. Điều quan trọng là thực hiện các biện pháp đúng chỉ định để đảm bảo an toàn cũng như tránh các rủi ro phát sinh.
Một chương trình vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm L1 L2 phổ biến bao gồm:
- Các bài tập kéo dài để giúp cơ bắp linh hoạt hơn
- Các bài tập aerobic, chẳng hạn như đi bộ hoặc đạp xe trong phòng tập để tăng cường sức mạnh cột sống
- Xoa bóp, massage
- Chườm lạnh và chườm nóng
- Siêu âm trị liệu
- Kích thích cơ điện
Xem Ngay: Vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm là gì? Khi nào? Ở đâu?
4. Tiêm steroid ngoài màng cứng
Nếu biện pháp nghỉ ngơi, sử dụng thuốc giảm đau và vật lý trị liệu không mang lại hiệu quả như mong muốn, bác sĩ có thể đề nghị tiêm steroid ngoài màng cứng để điều trị các triệu chứng thoát vị đĩa đệm L1 L2. Steroid có thể giúp giảm sưng, chống viêm, từ đó cải thiện cơn đau, giúp người bệnh di chuyển dễ dàng hơn.
Tiêm steroid ngoài màng cứng sẽ được thực hiện thông qua hình ảnh X-quang hoặc CT để xác định vị trí tiêm phù hợp, an toàn. Một số trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần tiêm nhiều hơn một mũi steroid để giảm đau hiệu quả.
5. Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm
Hầu hết các trường hợp thoát vị đĩa đệm L1 L2 không cần phẫu thuật. Các phương pháp bảo tồn như nghỉ ngơi, sử dụng thuốc và vật lý trị liệu, có thể góp phần cải thiện các triệu chứng trong vòng 4 – 6 tuần. Tuy nhiên, nếu cơn đau nghiêm trọng hoặc không được cải thiện, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.
Các loại phẫu thuật thoát vị đĩa đệm phổ biến nhất bao gồm:
- Cắt bỏ một phần đĩa đệm: Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ loại bỏ phần đĩa đệm bị hư hỏng để giảm áp lực lên các dây thần kinh.
- Phẫu thuật cắt cung sau cột sống: Đôi khi bác sĩ có thể đề nghị cắt một phần cột sống, điều này có thể giúp giảm áp lực lên các dây thần kinh, hỗ trợ bảo vệ tủy sống, từ đó cải thiện các cơn đau lưng, đau chân và đau thần kinh tọa.
- Phẫu thuật hợp nhất cột sống: Phẫu thuật này sẽ nối hai đốt sống L1 và L2 lại với nhau, nhằm tạo ra sự ổn định, từ đó giảm đau và tổn thương các đốt sống. Tuy nhiên, phẫu thuật này sẽ dẫn đến cứng khớp và ảnh hưởng đến khả năng chuyển động linh hoạt.
- Thay đĩa đệm nhân tạo: Phẫu thuật này thường không phổ biến, tuy nhiên có thể được đề nghị khi các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả. Đĩa đệm nhân tạo thường được làm bằng nhựa hoặc kim loại, sẽ giữ cho cột sống ổn định và giúp di chuyển dễ dàng hơn.
Biện pháp phòng ngừa thoát vị đĩa đệm L1 L2
Hầu hết các trường hợp thoát vị đĩa đệm L1 L2 đáp ứng tốt điều trị, tuy nhiên bệnh có thể tái phát. Do đó, người bệnh cần bảo vệ cột sống để ngăn ngừa thoát vị đĩa đệm tái phát cũng như ngăn các đĩa đệm khác bị thoát vị. Các biện pháp bảo vệ lượng thường bao gồm tránh các chấn thương trực tiếp, ngăn ngừa chấn thương gián tiếp và kiểm soát các rủi ro phát sinh.
Dưới đây là một số lưu ý để bảo vệ cột sống:
- Tăng cường cơ bắp mỗi ngày bằng cách động tác thể dục, duy trì chuyển động linh hoạt. Có bắp khỏe mạnh có thể giúp hỗ trợ cột sống và ngăn ngừa thoát vị đĩa đệm tái phát.
- Xây dựng tư thế ngồi thoải mái, tránh áp lực lên thắt lưng và đĩa đệm. Nếu ngồi nhiều, người bệnh có thể sử dụng ghế công thái học, sử dụng bàn đứng để tránh gây áp lực lên cột sống. Ngoài ra, người bệnh có thể cân nhắc nghỉ giải lao, đi bộ, kéo căng lưng dưới và chân sau mỗi 60 phút.
- Bảo vệ lưng khi nâng đồ vật hàng ngày, bế con nhỏ, cũng góp phần bảo vệ lưng. Tránh uốn cong lưng và vặn người khi nâng đồ vật. Hãy uốn cong đầu gối, xoay bàn chân và hông, giữ đồ vật ở gần ngực khi nâng đồ vật.
- Nghỉ ngơi sau khi cúi người trong thời gian dài, có thể giúp cột sống có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi. Nên đứng thẳng trong vài phút, để các mô cột sống phục hồi và định hình lại sau khi khom lưng hoặc cúi người hoặc thực hiện các hoạt động gắng sức.
- Duy trì tư thế thẳng lưng ít nhất trong 1 – 2 giờ sau khi thức dậy, điều này giúp các đĩa đệm lấy lại áp suất bình thường và chịu tải trọng tốt hơn.
- Kéo giãn gân kheo có thể giúp giảm áp lực lên xương chậu và giúp giảm đau ở lưng dưới. Tuy nhiên trước khi thực hiện các động tác giãn cơ, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Thoát vị đĩa đệm L1 L2 thường không phổ biến, tuy nhiên có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu đau lưng hoặc chân, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm:
- Thoát Vị Đĩa Đệm L4 L5: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị
- Thoát Vị Đĩa Đệm Cột Sống Thắt Lưng L5 S1 – Điều Cần Biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!