Thoái Hóa Khớp Gối Ở Người Cao Tuổi
Thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi xảy ra khi sụn khớp bị phá vỡ, tổn thương. Nếu tình trạng này xảy ra, các đầu xương ở khớp gối có thể cọ xát với nhau, dẫn đến đau, cứng hoặc sưng khớp. Tình trạng này không thể chữa khỏi nhưng có nhiều biện pháp khác nhau giúp cải thiện các triệu chứng cũng như làm chậm tiến trình của bệnh.
Thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi phát triển như thế nào?
Thoái hóa khớp là nguyên nhân chính dẫn đến đau nhức xương khớp, hạn chế khả năng vận động ở người cao tuổi. Cơn đau có thể đến rồi đi, trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian, và kèm theo nhiều triệu chứng khác, chẳng hạn như cứng khớp và hạn chế khả năng chuyển động. Thoái hóa khớp cũng có thể gây thay đổi xương bên dưới sụn và các mô mềm gần đó.
Tình trạng thoái hóa khớp gối diễn ra khi sụn bị phá hủy và các đầu xương bị tổn thương. Ở đầu gối, sụn khớp bao phủ mặt trên của xương chày (xương ống chân), mặt dưới của đùi (xương đùi) và mặt sau của xương bánh chè. Sụn bảo vệ bề mặt của các xương tại vị trí gặp nhau.
Ở người lớn tuổi, thành phần sụn khớp sẽ thay đổi, trở nên yếu và dễ bị tổn thương. Theo thời gian sụn khớp trở nên hư hỏng, suy yếu, hao mòn, dẫn đến thoái hóa khớp. Ngoài ra, khi sụn khớp bị tổn thương, cơ thể có thể cố gắng chữa lành bằng cách tạo ra các tế bào mới, nhưng không đủ để thay thế phần sụn bị thiếu. Điều này làm tăng khả năng hình thành các gai xương, gây tổn các mô mềm, dây chằng.
Sụn không chứa các dây thần kinh, do đó tổn thương sụn không nhất thiết phải gây đau. Thay vào đó, sụn đầu gối bị hư hỏng có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau, chẳng hạn như ma sát giữa các xương, thay đổi mô xương, tổn thương mô mềm, có thể gây đau đớn.
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi
Có nhiều nguyên nhân và yếu tố rủi ro khác nhau dẫn đến thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi, chẳng hạn như:
- Thay đổi sụn: Sụn hao mòn theo thời gian, dẫn đến ít khả năng hấp thụ sốc và căng thẳng ở các xương, từ đó dẫn đến ma sát, thoái hóa khớp.
- Cân nặng quá mức: Tăng cân theo tuổi tác là vấn đề phổ biến, xảy ra khi quá trình trao đổi chất trở nên chậm hơn và lối sống ít vận động. Thừa cân là yếu tố nguy cơ dẫn đến đau đầu gối và thoái hóa khớp gối.
- Cơ bắp yếu đi: Cơ thể sẽ mất 5% cơ bắp mỗi 10 năm ở những người sau 30 tuổi. Mất cơ đồng nghĩa với việc yếu hơn và ít vận động hơn, điều này có thể gây hại cho sức khỏe đầu gối và làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
- Lối sống ít vận động: Người lớn tuổi thường ít vận động, ngồi nhiều, ít đi bộ và hoạt động thể chất, điều này có thể làm tổn thương đầu gối. Thiếu vận động sẽ làm tăng tốc độ co lại và cứng của sụn, từ đó làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
- Chấn thương đầu gối trước đó: Việc từng chấn thương đầu gối trong những năm trẻ tuổi, chẳng hạn như gãy xương, chấn thương sụn hoặc chấn thương dây chằng, là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến thoái hóa khớp khi già đi.
Các yếu tố rủi ro sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, người bệnh có thể xây dựng lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục và vận động thể chất để ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình thoái hóa.
Các triệu chứng thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi là gì?
Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng thoái hóa khớp có thể xuất hiện và tự cải thiện, nhưng thường trở nên nghiêm trọng theo thời gian. Do đó, các triệu chứng ban đầu của thoái hóa khớp thường không được chẩn đoán và điều trị, cho đến giai đoạn muộn.
Đau đầu gối là triệu chứng phổ biến nhất khi bị thoái hóa khớp ở người cao tuổi. Cơn đau có thể xuất hiện ở mức nhẹ, nghiêm trọng hoặc xuất hiện những cơn đau dữ dội, ngắt quãng. Cơn đau có thể trở gây ảnh hưởng đến khả năng lên xuống cầu thang, ngồi xổm và được cải thiện khi nghỉ ngơi hoặc chườm đá.
Ngoài đau đớn, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng khác, chẳng hạn như:
- Sưng: Khi sụn mòn đi, xương đùi và xương chày sẽ cọ xát vào nhau, dẫn đến kích ứng, sưng. Ngoài ra, quá trình ma sát này có thể dẫn đến việc sản xuất dịch khớp dư thừa, dẫn đến sưng.
- Cứng khớp: Các xương ma sát với nhau và tình trạng sưng đầu gối có thể dẫn đến cứng khớp. Một số người có thể cứng khớp kéo dài đến 30 phút vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi yên trong thời gian dài.
- Đỏ và ấm khớp: Da tại khớp bị ảnh hưởng có thể trở nên đỏ và ấm. Tình trạng này có thể là dấu hiệu nhiễm trùng, cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
- Giảm phạm vi chuyển động: Thoái hóa khớp có thể khiến các khớp trở nên kém linh hoạt, gặp khó khăn trong các hoạt động uốn cong, duỗi thẳng hoàn toàn đầu gối.
- Các triệu chứng nghiêm trọng hơn khi không hoạt động: Khớp gối có thể bị cứng, sưng sau khi ngủ dậy hoặc ngồi yên trong thời gian dài. Người cao tuổi bị thoái hóa khớp gối thường cảm thấy đau và cứng khớp rõ rệt khi cố gắng ra khỏi giường vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.
- Có âm thanh lạo xạo: Thoái hóa khớp ở người cao tuổi có thể dẫn đến các âm thanh lạo xạo hoặc lộp bộp khi gập đầu gối, chẳng hạn như ngồi xổm.
Các triệu chứng và dấu hiệu thoái hóa khớp gối thường xuất hiện dần dần. Nhận biết sớm các triệu chứng là cách tốt nhất để có kế hoạch điều trị thích hợp, an toàn, góp phần làm chậm quá trình thoái hóa.
Thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi có nguy hiểm không?
Thoái hóa khớp ở người cao tuổi có thể dẫn đến nhiều thay đổi ở bề mặt khớp, gây đau đớn và khó khăn trong hoạt động hàng ngày. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng dẫn đến nhiều biến chứng và rủi ro, chẳng hạn như:
- Hình thành gai xương: Thoái hóa khớp có thể dẫn đến sự phát triển xương bất thường ở khớp gối. Các gai xương có thể tạo ra nhiều ma sát hơn, dẫn đến đau đớn và khó chịu.
- U nang và tổn thương tủy xương: Xương bên dưới sụn đầu gối có thể bị hư hỏng, dẫn đến hình thành các u nang (thường được gọi là u dưới sụn). Các khu vực u nang này được gọi là tổn thương tủy xương, gây đau đớn và ảnh hưởng đến khả năng chuyển động linh hoạt.
- Biến dạng khớp: Ở người cao tuổi, thoái hóa khớp gối có thể khiến các đầu xương lệch khỏi trục ban đầu, dẫn đến cong vẹo và biến dạng.
- Mất khả năng chuyển động: Nếu không được điều trị và chăm sóc phù hợp, thoái hóa khớp ở người cao tuổi có thể gây ảnh hưởng đến khả năng chuyển động linh hoạt. Lối sống ít vận động khiến lưu lượng máu đến đầu gối giảm, khiến tình trạng thoái hóa trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, thoái hóa khớp gối ở người già có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như tràn dịch khớp gối, vôi hóa khớp, viêm bao hoạt dịch. Thoái hóa khớp cũng có thể gây tổn thương các mô mềm xung quanh, dẫn đến mất sự ổn định và chức năng ở đầu gối. Xác định các triệu chứng và có kế hoạch điều trị phù hợp là cách tốt nhất để ngăn ngừa các tổn thương liên quan.
Biện pháp chẩn đoán thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi
Để chẩn đoán tình trạng thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi, bác sĩ có thể trao đổi về các triệu chứng, vị trí cơn đau và thời điểm cơn đau xuất hiện. Bác sĩ cũng có thể quan sát và cảm nhận đầu gối bị ảnh hưởng, đánh giá phạm vi chuyển động và dáng đi của người bệnh, từ đó xác định các tổn thương phát sinh.
Sau quá trình thăm khám sức khỏe ban đầu, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm chẩn đoán, chẳng hạn như:
- Chụp X – quang giúp bác sĩ xác định tình trạng mất sụn khớp và các gai xương ở đầu gối.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp bác sĩ quan sát hình ảnh mô mềm, sụn chêm, dây chằng, gân, cơ, xương và xác định các tổn thương liên quan. Hình ảnh MRI cũng giúp bác sĩ loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây đau đớn.
Các xét nghiệm khác, chẳng hạn như chọc hút dịch khớp, xét nghiệm máu, có thể giúp bác sĩ các tình trạng bệnh gút hoặc viêm khớp dạng thấp có thể gây đau đầu gối.
Điều trị thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi như thế nào?
Thoái hóa khớp ở người cao tuổi không thể chữa khỏi, nhưng có nhiều biện pháp giúp kiểm soát các triệu chứng cũng như ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị không phẫu thuật trước khi đề xuất phẫu thuật.
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, phương pháp điều trị có thể bao gồm:
1. Sử dụng thuốc giảm đau
Có nhiều loại thuốc giảm đau được sử dụng tạm thời để cải thiện các triệu chứng thoái hóa khớp gối ở người già, chẳng hạn như:
- Thuốc giảm đau không kê toa: Các loại thuốc như Paracetamol, có tác dụng giảm đau nhanh chóng và an toàn. Bác sĩ cũng có thể đề nghị người bệnh sử dụng thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như Aspirin, Ibuprofen, để giảm đau và viêm ở đầu gối.
- Thuốc theo toa: Khi cơn đau không đáp ứng các loại thuốc không kê đơn, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh sử dụng thuốc theo toa, chẳng hạn như Naproxen. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc ức chế COX-2 chẳng hạn như Celebrex, nếu cơn đau nghiêm trọng.
- Thuốc thoa ngoài da: Các loại thuốc giảm đại chỗ được sử dụng bằng cách thoa trực tiếp lên đầu gối để giảm đau, chống viêm. Thuốc giảm đau tại chỗ có ở dạng kê đơn và không kê đơn, ít tác dụng phụ, chẳng hạn như đau dạ dày hơn so với thuốc đường uống.
Sử dụng thuốc điều trị thoái hóa khớp gối theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất và tránh các rủi ro phát sinh. Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần theo dõi phản ứng của cơ thể và thông báo với bác sĩ nếu có bất cứ dấu hiệu không mong muốn nào.
2. Vật lý trị liệu
Trong hầu hết các trường hợp, kế hoạch điều trị thoái hóa khớp ở người cao tuổi luôn bao gồm chương trình vật lý trị liệu. Nhà trị liệu có thể kết hợp các động tác kéo giãn, tăng cường để điều hòa và ổn định chức năng đầu gối. Mục tiêu chính của chương trình vật lý trị liệu bao gồm:
- Tăng cường các cơ xung quanh đầu gối, mông và hông
- Kéo căng các cơ cứng, không linh hoạt, chẳng hạn như gân kheo
- Kích thích quá trình trao đổi chất lỏng và dinh dưỡng trong cơ thể, từ đó nâng cao sức khỏe và làm chậm quá trình thoái hóa
Người bệnh thường được đề nghị các hoạt động tác động thấp, chẳng hạn như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội hoặc thể dục nhịp điệu dưới nước. Các bài tập này có thể giúp giảm đau khớp, tăng cường cơ bắp chân, cải thiện tư thế và cải thiện tính linh hoạt của các khớp. Ngoài ra, các bài tập này cũng tốt cho tim mạch, nâng cao sức khỏe tổng thể và phòng ngừa các biến chứng phát sinh.
Các cơ mềm, dẻo, khỏe mạnh là cách tốt nhất để nâng đỡ khớp gối, giảm áp lực lên sụn và xương bị tổn thương, từ đó phục hồi chức năng khớp gối. Ngoài ra, nhà trị liệu có thể hướng dẫn người bệnh cách đi bộ, thực hiện các chuyển động phù hợp nhằm nâng cao sức mạnh đầu gối và ngăn ngừa các tổn thương phát sinh.
3. Duy trì hoạt động thể chất
Tập thể dục và duy trì hoạt động thể chất có thể giúp điều trị cũng như góp phần ngăn ngừa thoái hóa khớp trở nên nghiêm trọng hơn. Các bài tập phổ biến bao gồm:
Căng gân kheo:
Bài tập này giúp tăng sự linh hoạt và cải thiện phạm vi chuyển động của các khớp. Bài tập này cũng giúp giảm tỷ lệ đau và chấn thương đầu gối. Bài tập được thực hiện như sau:
- Nằm xuống sàn nhà
- Vòng một tấm khăn lớn quanh bàn chân phải
- Sử dụng tấm khăn để kéo chân lên cao
- Giữ yên trong 20 giây, sau đó hạ chân xuống
- Đổi chân và thực hiện lại động tác
Nâng chân thẳng:
Bài tập này giúp xây dựng cơ bắp, hỗ trợ đầu gối và ngăn ngừa nguy cơ mất khả năng chuyển động. Bài tập được thực hiện như sau:
- Nằm trên sàn nhà, nâng đỡ phần trên cơ thể bằng khuỷu tay
- Cong đầu gối trái, đặt bàn chân phải trên sàn nhà
- Giữ thẳng chân phải, mũi chân hướng lên trên, siết cơ đùi và nâng chân phải lên cao
- Giữ yên trong 3 giây
- Giữa cơ đùi siết chặt, từ từ hạ chân xuống
- Đổi chân và thực hiện lại động tác
Căng bắp chân:
- Đứng thắng, bám chắc vào ghế để giữa thăng bằng
- Cong chân phải, bước chân trái lùi về phía sau và từ từ duỗi thẳng
- Ấn gót trái xuống sàn nhà để căng bắp chân sau
- Giữa yên trong 20 giây, lặp lại 2 lần
- Đổi chân và thực hiện lại động tác
Nâng cao gót chân:
- Đứng thẳng người và giữ lưng ghế để được hỗ trợ, giữ thăng bằng
- Nhấc gót chân lên khỏi mặt đất và dùng các ngón chân của cả hai bàn để đứng thẳng
- Giữ yên trong 3 giây
- Từ từ hạ gót chân xương đất
- Thực hiện động tác 10 lần
Theo khuyến cáo, người cao tuổi bị thoái hóa khớp gối nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Hãy bắt đầu tập luyện với 10 phút mỗi ngày và tăng dần đến mức có thể chịu được.
Lúc đầu khi tập luyện, người bệnh có thể gặp một số cơn đau nhức nhẹ, tuy nhiên cơn đau này thường được cải thiện sau vài ngày. Tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu cần sử dụng thuốc giảm đau hoặc các biện pháp giảm đau khác. Đừng bỏ qua các cơn đau và hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
4. Tiêm nội khớp
Nếu các phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị tiêm một số loại thuốc điều trị. Một số loại thuốc tiêm phổ biến bao gồm:
- Tiêm Cortisone: Đây là mũi tiêm phổ biến nhất, có thể hạn chế khả năng mất sụn khớp ở đầu gối. Mục tiêu chính là mũi tiêm này là giảm viêm, giảm cứng, sưng và đau đầu gối.
- Tiêm axit hyaluronic: Mũi tiêm này giúp cung cấp chất lỏng bôi trơn ở khớp gối, từ đó giảm đau và phục hồi khả năng chuyển động linh hoạt.
- Tiêm tế bào gốc: Phương pháp này sử dụng nguồn tế bào gốc từ tủy xương hoặc chất béo (mỡ) để thu hoạch một số tế bào gốc trực tiếp từ bệnh nhân và tiêm vào khớp gối. Mũi tiêm này khuyến khích việc phát triển các mô mới, từ đó cải thiện tình trạng thoái hóa khớp.
- Phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu: Mũi tiêm này sử dụng các yếu tố trong máu của chính bệnh nhân để giảm đau, cải thiện chức năng và hỗ trợ quá trình chữa lành các mô.
Các mũi tiêm điều trị thoái hóa khớp ở người cao tuổi mang lại hiệu quả cao trong việc giảm đau, tuy nhiên không phải lúc nào các mũi tiêm này cũng hiệu quả. Do đó, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
5. Phẫu thuật
Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh thoái hóa khớp gối sẽ không cần phẫu thuật điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng nghiêm trọng, kéo dài, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để ngăn ngừa các biến chứng.
Phẫu thuật phổ biến nhất đối với trường hợp thoái hóa khớp gối là thay thế toàn bộ đầu gối. Các phẫu thuật khác ít phổ biến hơn, có thể bao gồm thay thế một phần khớp gối hoặc phẫu thuật nội soi.
Tùy thuộc vào các trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định loại phẫu thuật phù hợp. Phẫu thuật đầu gối thường an toàn và có tỷ lệ thành công cao, tuy nhiên người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các rủi ro trước khi thực hiện phẫu thuật.
Phòng ngừa thoái hóa khớp gối ở người già
Mặc dù không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa tình trạng thoái hóa khớp ở người cao tuổi, tuy nhiên có một số lưu ý có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh, chẳng hạn như:
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Dành thời gian nghỉ ngơi
- Thường xuyên vận động thể chất, tập thể dục
- Thay đổi thói quen tập thể dục, chẳng hạn như chạy trên bề mặt mềm, đạp xe hoặc bơi lội và tránh các môn thể dục tác động mạnh để đầu gối
Có nhiều cách kiểm soát các triệu chứng thoái hóa khớp ở người cao tuổi hiệu quả và an toàn. Điều quan trọng là chẩn đoán chính xác và điều trị sớm để đạt hiệu quả tốt nhất. Trao đổi với bác sĩ nếu có bất cứ thắc mắc hoặc câu hỏi nào liên quan.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!