Thoái Hoá Khớp Cổ Tay
Thoái hóa khớp cổ tay đặc trưng bởi tình trạng cổ tay bị đau và cứng. Chẩn đoán và điều trị sớm là cách tốt nhất để kiểm soát các triệu chứng, phục hồi chức năng vận động và ổn định sức khỏe tổng thể.
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp cổ tay
Thoái hóa khớp là dạng viêm khớp phổ biến nhất và khớp cổ tay là một trong những khớp dễ bị ảnh hưởng nhất. Khớp là bộ phận ở nơi hai hoặc nhiều xương gặp nhau. Các đầu xương sẽ được bao phủ bởi một mặt trơn, nhẵn, được gọi là sụn, giúp các xương di chuyển trơn tru, cũng như góp phần bảo vệ khớp khỏi căng thẳng.
Các khớp có thể trải qua tổn thương và phục hồi hiệu quả. Tuy nhiên đôi khi các tổn thương này có thể gây ra những thay đổi về hình dạng, cấu trúc khớp.
Thoái hóa khớp cổ tay có thể làm cho sụn khớp trở nên mỏng hơn và bề mặt khớp thô ráp. Điều này có nghĩa là các khớp không thể hoạt động trơn tru như bình thường, đồng thời có thể dẫn đến đau đớn và cứng khớp. Người bệnh có thể bị sưng, nổi cục ở cổ tay hoặc hình thành các gai xương, gây tổn thương các mô mềm, từ đó hạn chế khả năng chuyển động linh hoạt.
Chấn thương được xem là nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa khớp cổ tay. Các chấn thương, chẳng hạn như bong gân hay gãy xương, có thể gây thay đổi giải phẫu cấu trúc cổ tay. Chấn thương có thể làm hỏng sụn khớp. Khi các chấn thương nghiêm trọng, thậm chí có thể khiến sụn tách khỏi xương.
Bất kỳ chấn thương nào gây ra cử động khớp bất thường sẽ làm tăng áp lực lên sụn khớp. Theo thời gian, những thay đổi trong cơ học khớp sẽ gây ra tổn thương có thể dẫn đến thoái hóa khớp cổ tay.
Ngoài chấn thương, có một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến thoái hóa khớp cổ tay, chẳng hạn như:
- Béo phì: Chất béo dư thừa trong cơ thể có thể gây viêm toàn bộ các khớp trong cơ thể, đặc biệt là khớp cổ tay. Béo phì cũng làm tăng quá trình mất sụn, từ đó khiến tình trạng thoái hóa khớp trở nên nghiêm trọng hơn.
- Tiểu đường và tăng lipid máu: Cả hai tình trạng này đều có thể góp phần gây ra phản ứng viêm trong cơ thể, làm tăng nguy cơ viêm xương khớp.
- Di truyền: Di truyền đóng một vai trò trong bệnh thoái hóa khớp. Do đó, người bệnh có tiền sử gia đình viêm khớp hoặc thoái hóa khớp thường có nguy cơ cao hơn.
- Phụ nữ sau mãn kinh: Suy giảm estrogen ở phụ nữ sau mãn kinh làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp. Bởi vì estrogen có tác dụng bảo vệ sức khỏe xương, đặc biệt là làm giảm oxy hóa của sụn.
Các nguyên nhân và yếu tố rủi ro dẫn đến thoái hóa khớp cổ tay là không giống nhau ở mỗi người bệnh. Do đó, nếu thường xuyên đau cổ tay hoặc gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị, chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Dấu hiệu nhận biết thoái hóa khớp cổ tay
Các triệu chứng của thoái hóa khớp cổ tay có thể khác nhau giữa những những người bệnh. Các khớp bị viêm thường trông giống như sưng và đỏ, đồng thời có cảm giác ấm, mềm khi chạm vào. Người bệnh có thể bị đau, đặc biệt là khi sử dụng bàn tay, cổ tay, tuy nhiên đôi khi người bệnh cũng có thể bị đau ngay cả khi đang nghỉ ngơi. Tình trạng sưng tấy ở cổ tay cũng có thể khiến các mô mềm bị căng ra, khiến người bệnh cảm thấy tay yếu hoặc không ổn định.
Bàn tay và cổ tay được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, đau và cứng khớp hoặc lực nắm kém có thể dẫn đến nhiều khó khăn trong các hoạt động như:
- Mở nắp lọ hoặc chai
- Cầm bút hoặc dao kéo
- Cài nút hoặc kéo khóa quần áo
- Cạo râu, đánh răng hoặc lau khô người sau khi tắm
- Cầm nắm đồ vật hoặc đánh máy vi tính
Thoái hóa khớp cổ tay có xu hướng tiến triển theo thời gian. Cơn đau và các triệu chứng có thể kéo dài trong nhiều năm, sau đó được cải thiện. Tuy nhiên thoái hóa khớp là tình trạng không thể đảo ngược hoặc ngăn chặn. Do đó, nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ tái phát, trở nên nghiêm trọng hơn và dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Thoái hóa khớp cổ tay có nguy hiểm không?
Thoái hóa khớp cổ tay là tình trạng phổ biến, tiến triển theo thời gian. Nếu không được điều trị và chăm sóc phù hợp, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng, bao gồm:
- Hội chứng ống cổ tay: Thoái hóa khớp có thể dẫn đến sưng khớp cổ tay hoặc gân chèn ép dây thần kinh bàn tay. Tình trạng này dẫn đến tê, yếu, cảm giác như kim châm và hạn chế khả năng chuyển động ở bàn tay. Các triệu chứng thường trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm, thậm chí gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Tổn thương cấu trúc cổ tay: Thoái hóa khớp ở giữa các xương cẳng tay có thể làm tổn thương các gân duỗi thẳng ngón tay. Điều này làm giảm phạm vi chuyển động của bàn tay và gây biến dạng các ngón tay.
- Khó khăn trong các hoạt động hàng ngày: Những người bệnh thoái hóa khớp cổ tay thường không thể thực hiện một số hoạt động nhất định, chẳng hạn như mở chai lọ hoặc nâng vật nặng, như ấm nước.
Thoái hóa khớp cổ tay được chẩn đoán như thế nào?
Bác sĩ thường có thể chẩn đoán tình trạng thoái hóa khớp cổ tay từ các triệu chứng và các kiểm tra đơn giản mà không cần thực hiện bất cứ xét nghiệm nào. Tuy nhiên, bác sĩ cũng có thể đề nghị các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như:
- Chụp X – quang: Hình ảnh X – quang có thể giúp bác sĩ xác định các thay đổi về cấu trúc hoặc hình dạng của khớp.
- Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể giúp bác sĩ xác định tình trạng thu hẹp không gian khớp, gai xương, tình trạng xơ cứng xương dưới màng cứng hoặc tổn thương sụn. Hình ảnh MRI cũng được sử dụng để loại trừ các dạng viêm khớp khác ở cô tay.
- Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để phân biệt thoái hóa khớp với các tình trạng tương tự, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, bệnh gút hoặc lupus ban đỏ.
Thoái hóa khớp cổ tay là nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau khớp. Bác sĩ có thể đề nghị nhiều xét nghiệm và kiểm tra hình ảnh để loại trừ các tình trạng viêm khác, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp.
Cách điều trị thoái hóa khớp cổ tay hiệu quả nhanh chóng
Thông thường, các lựa chọn điều trị bảo tồn sẽ được đề nghị trước tiên và phẫu thuật là biện pháp cuối cùng được chỉ định khi các phương pháp khác không mang lại hiệu quả. Mục tiêu cuối cùng của các phương pháp điều trị là giảm đau, cải thiện chức năng khớp và nâng cao sức khỏe.
Tùy thuộc vào các trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị như:
1. Giảm đau
Kiểm soát cơn đau là điều đầu tiên và quan trọng khi điều trị thoái hóa khớp cổ tay. Giảm đau sẽ giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn và tăng khả năng thành công trong các hoạt động thể chất, từ đó cải thiện khả năng vận động linh hoạt của khớp.
Có một số cách giảm đau hiệu quả, chẳng hạn như:
- Chườm nóng: Chườm nóng có tác dụng giảm đau. Đôi khi chỉ cần cho tay vào nước ấm là đủ để cải thiện triệu chứng khó chịu hoặc cứng khớp vào buổi sáng. Chú ý nhiệt độ khi chườm nóng để tránh gây tổn thương da.
- Chườm lạnh: Đôi khi người bệnh có thể chườm lạnh để giảm sưng và cải thiện cơn đau. Hãy chườm một túi đá lên da trong 20 phút mỗi lần, có thể chườm lập lại sau 3 – 4 giờ. Không chườm đá trực tiếp lên da, điều này có thể gây bỏng lạnh.
- Nẹp hỗ trợ: Các một số loại nẹp và đai hỗ trợ cổ tay có thể giúp giảm đau, giữ cổ tay đúng vị trí và cải thiện sự linh hoạt trong các hoạt động hàng ngày. Ngoài ra, nẹp cũng giúp phục hồi chức năng khớp lâu dài. Tuy nhiên, người bệnh nên sử dụng nẹp theo đúng chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng.
2. Vận động cổ tay
Khớp cần được vận động thường xuyên để linh hoạt, giảm bớt tình trạng cứng khớp và tăng sức mạnh để cầm nắm và thực hiện các thao tác hàng ngày. Người bệnh được khuyến cáo cố gắng cử động cổ tay theo cường độ bình thường và thực hiện một số bài tập cụ thể để tăng cường sức mạnh. Tuy nhiên, cần tránh các bài tập gây căng thẳng cho tay, chẳng hạn như nâng tạ hoặc các động tác yoga trong đó cần sự hỗ trợ của bàn tay để nâng trọng lượng cơ thể.
Trao đổi với bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu để được hướng dẫn các bài tập phù hợp. Các bài tập này có thể bao gồm:
Nâng tay:
- Đặt cẳng tay lên một mặt phẳng, chẳng hạn như mặt bàn, với bàn tay ở bên ngoài mép bàn, lòng bàn tay hướng xuống.
- Đặt một chiếc khăn nhỏ cuộn lại bên dưới cổ tay để mang lại sự thoải mái.
- Giữ các ngón tay thư giãn, di chuyển bàn tay hướng lên trên cho đến khi cảm thấy căng nhẹ, sau đó quay trở lại vị trí ban đầu.
Xoay cổ tay:
- Cong khuỷu tay một góc 90 độ với lòng bàn tay úp xuống.
- Xoay cẳng tay sao cho lòng bàn tay hướng lên rồi hướng xuống.
- Bài tập này có thể tập luyện khi đứng hay ngồi đều được.
Vẫy tay:
- Đặt cẳng tay lên bàn, ngón tay cái hướng lên trên và một chiếc khăn cuộn lại bên dưới cổ tay.
- Di chuyển cổ tay lên xuống trong toàn bộ phạm vi chuyển động, như thế đang vẫy cổ tay.
Xoay ngón tay cái:
- Đưa tay ra trước mặt như thế đang ra tín hiệu dừng lại.
- Bắt đầu với ngón tay cái hướng ra ngoài. Di chuyển ngón tay cái qua lòng bàn tay sau đó quay lại vị trí bắt đầu.
Nhà vật lý trị liệu hoặc bác sĩ điều trị có thể đề nghị các bài tập phù hợp nhất với tình người bệnh. Duy trì vận động và tập thể dục có thể tăng cường sức mạnh, giảm bớt sự khó chịu và góp phần làm chậm quá trình thoái hóa.
3. Giảm áp lực lên cổ tay
Cánh tay và bàn tay được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Đối với người thoái hóa khớp cổ tay, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các biện pháp giảm căng thẳng, hạn chế áp lực và ngăn ngừa các tổn thương ở tay.
Nếu cần thiết, người bệnh có thể tham khảo các chuyên gia trị liệu để được hướng dẫn phù hợp nhất. Ngoài ra, có một số phương pháp giảm căng thẳng lên cổ tay hiệu quả, chẳng hạn như:
- Sử dụng các thiết bị như dụng cụ mở hộp bằng điện hoặc hoặc tay cầm to và mềm hơn để tránh việc dồn quá nhiều sức vào cổ tay.
- Sử dụng xe đẩy khi đi siêu thị, thay vì túi xách tay.
- Thường xuyên nghỉ giải lao nếu cần thực hiện các nhiệm vụ gây căng thẳng cho khớp. Nếu có thể người bệnh có thể chuyển sang các công việc ít gây tác động đến cổ tay.
- Sử dụng cả hai tay cho một số công việc mà người bệnh thường sử dụng một tay, chẳng hạn như cầm ấm nước hoặc túi đồ ăn.
4. Sử dụng thuốc
Thuốc điều trị thoái hóa khớp cổ tay có thể giúp giảm đau và cứng khớp, tuy nhiên thuốc không thể chữa khỏi hoặc ngăn ngừa tình trạng thoái hóa khớp. Thuốc được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất và tránh các tác dụng phụ phát sinh.
Một số loại thuốc phổ biến bao gồm:
- Kem và gel NSAID: Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có sẵn ở dạng gel và kem thoa ngoài da. Thuốc được sử dụng trực tiếp lên cổ tay hoặc khu vực đau nhằm giảm đau và khó chịu.
- Kem Salonpas: Thuốc thoa Salonpas mang đến cảm giác nóng tại vị trí thoa, từ đó cải thiện cơn đau cổ tay.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) đường uống: Bác sĩ có thể chỉ định một đợt sử dụng NSAID ngắn hạn, chẳng hạn như Ibuprofen, để giảm đau, chống viêm và sưng tấy. Các loại thuốc này có thể sử dụng dưới dạng kê đơn hoặc không kê đơn theo chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc giảm đau: Các loại thuốc như Paracetamol, có thể cải thiện cơn đau cổ tay từ nhẹ đến trung bình. Nếu cơn đau nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc giảm đau theo toa ngắn hạn.
- Tiêm steroid: Tiêm steroid có thể mang lại hiệu quả cao đối với các trường hợp thoái hóa khớp cổ tay, đặc biệt là đối với người bệnh bị viêm, sưng nghiêm trọng. Thuốc tiêm được chỉ định khi các loại thuốc thoa và thuốc uống không mang lại hiệu quả. Tiêm steroid có thể được lặp lại một vài lần trong năm nếu cần thiết, mỗi lần tiêm cách nhau vài tháng để tránh các tác dụng phụ, rủi ro phát sinh.
Việc sử dụng thuốc điều trị thoái hóa khớp cần theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn để đảm bảo an toàn, hiệu quả. Người bệnh không tự ý sử dụng hoặc kết hợp các loại thuốc để tránh các tác dụng không mong muốn.
5. Phẫu thuật
Nếu các biện pháp điều trị thoái hóa khớp cổ tay bảo tồn không mang lại hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng. Các phương pháp phẫu thuật bao gồm:
- Phẫu thuật cắt xương: Trong phẫu thuật này bác sĩ sẽ loại bỏ một phần nhỏ trong xương ở gốc ngón tay cái. Điều này có tác dụng giảm đau, duy trì khả năng vận động và cầm nắm tốt.
- Phẫu thuật cắt bao hoạt dịch: Trong phẫu thuật này bác sĩ có thể cắt bao hoạt dịch của khớp để chống viêm và phục hồi chức năng vận động linh hoạt.
- Thay khớp: Nếu các tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị thay khớp. Phẫu thuật thay khớp cổ tay chưa phổ biến, tuy nhiên có thể cải thiện khả năng chuyển động cũng như giảm đau, khó chịu ở khớp.
- Phẫu thuật ống cổ tay: Phẫu thuật này được thực hiện để giải tỏa áp lực lên dây thần kinh, cải thiện tình trạng tê, ngứa, mỏi cổ tay.
Phẫu thuật thoái hóa khớp cổ tay có tỷ lệ thành công cao và ít rủi ro. Tuy nhiên người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các biến chứng, nguy cơ và kế hoạch chăm sóc để nâng cao hiệu quả điều trị.
Phòng ngừa thoái hóa khớp cổ tay
Để hỗ trợ quá trình điều trị cũng như ngăn ngừa tình trạng thoái hóa khớp cổ tay trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể tham khảo một số lưu ý như:
- Chú ý đến công thái học: Người bệnh cần chú ý đến vị trí bàn phím, màn hình, độ cao của bàn – ghế, tư thế khuỷu tay, cổ tay, bàn tay để đảm bảo sự thoải mái tốt đa khi làm việc.
- Thường xuyên nghỉ ngơi: Người bệnh nên dành thời gian giải lao, duỗi vai, cổ, cổ tay và các ngón tay để ngăn ngừa các tổn thương phát sinh.
- Tập thể dục: Thực hiện các bài tập cổ tay 1 – 2 lần mỗi ngày hoặc bất cứ khi nào có thời gian rảnh, để đảm bảo các khớp chuyển động linh hoạt, an toàn.
- Bảo vệ cổ tay: Sử dụng nẹp hoặc băng bảo vệ cổ tay nếu chơi các môn thể thao va chạm, chẳng hạn như trượt tuyết, bóng rổ hoặc bóng đá.
- Bổ sung canxi: Những người sau 50 tuổi nên có kế hoạch bổ sung canxi để xương chắc khỏe, ngăn ngừa nguy cơ gãy xương, loãng xương, thoái hóa.
Thoái hóa khớp cổ tay là tình trạng phổ biến, gây đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu thường xuyên bị đau cổ tay hoặc gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!