Thoái Hóa Đốt Sống Xương Cụt
Thoái hóa đốt sống xương cụt có thể gây đau xương, đau khi quan hệ tình dục và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như ngồi hoặc di chuyển. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin chi tiết về tình trạng này, người bệnh có thể tham khảo để có kế hoạch điều trị, chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Thoái hóa đốt sống xương cụt là gì?
Xương cụt là xương có hình tam giác ở phần dưới cùng của cột sống. Tùy thuộc vào sự phát triển của mỗi cá nhân, xương cụt có thể bao gồm 3 – 5 ương khác nhau, được nối với nhau thông qua các khớp và dây chằng. Xương cụt là điểm kết nối của nhiều cơ sàn chậu. Những cơ này giúp hỗ trợ hậu môn, đại tiện, âm đạo ở phụ nữ và giúp cơ thể đi lại, chạy và di chuyển chân.
Thoái hóa đốt sống xương cụt xảy ra khi các sụn của các khớp trở nên mỏng hơn và bề mặt các xương thô ráp. Điều này khiến các xương cụt không thể di chuyển trơn tru, có thể cảm thấy đau và cứng khớp.
Các triệu chứng thoái hóa xương cụt có thể ảnh hưởng đến tất cả các đối tượng ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên tình trạng này phổ biến hơn ở phụ nữ và những người ngoài 50 tuổi. Chấn thương, có vấn đề về bệnh xương khớp khác, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, bệnh gút, có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa xương cụt.
Những người có lối sống kém vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc thừa cân, có nhiều nguy cơ thoái hóa xương cụt. Ngoài ra, tình trạng này cũng được cho là liên quan đến gen di truyền.
Dấu hiệu nhận biết thoái hóa xương cụt
Dấu hiệu đầu tiên của thoái hóa đốt sống xương cụt là đau đớn và cứng ở xương cụt. Tình trạng này cũng đi kèm với nhiều dấu hiệu khác, chẳng hạn như:
- Đau cục bộ tại xương cụt và không lan đến xương chậu hoặc các chi dưới. Cơn đau thường được mô tả là đau nhức nhẹ đến nặng, đau tăng lên khi di chuyển hoặc chịu áp lực.
- Đau nhiều hơn khi ngồi hoặc dồn trọng lượng lên xương cụt, chẳng hạn như ngả người ra phía sau trong tư thế ngồi. Tương tự, ngồi trên bề mặt không có đệm hoặc tựa lưng vào tường sẽ khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
- Việc di chuyển từ tư thế ngồi sang đứng hoặc ngược lại, có thể gây ảnh hưởng đến xương cùng và gây đau đớn.
- Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi đi đại tiện hoặc quan hệ tình dục, đặc biệt là ở phụ nữ.
- Có âm thanh lạo xạo hoặc nghe thấy âm thanh khi di chuyển xương cụt, chẳng hạn như thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng. Điều này cho thấy các sụn khớp bị mòn và các khớp xương ma sát khi di chuyển.
- Có cảm giác sưng tấy hoặc viêm ở xương cụt. Khu vực xương cụt có thể mềm khi chạm vào.
Các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân, tùy thuộc vào giải phẫu xương chậu của mỗi người và cấu trúc thân dưới của cơ thể. Trong hầu hết các trường hợp, thoái hóa đốt sống xương cụt có thể xuất hiện và tự cải thiện mà không cần điều trị. Tuy nhiên các triệu chứng có thể tái phát, trở nên tồi tệ hơn trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Nhận biết các triệu chứng sớm và điều trị thích hợp có thể làm chậm hoặc loại bỏ đáng kể các triệu chứng thoái hóa đốt sống xương cụt.
Nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống xương cụt
Các vấn đề sức khỏe ở xương cụt, bao gồm thoái hóa đốt sống xương cụt, thường phổ biến hơn ở phụ nữ. Có một số nghiên cứu cho biết, phụ nữ có cấu trúc xương cụt rộn hơn, có thể giảm số lần xoay cùng chậu, điều này khiến xương cụt dễ bị ma sát, tổn thương và thoái hóa.
Phụ nữ cũng có xu hướng đặt nhiều trọng lượng cơ thể lên xương cụt khi ngồi. Điều này dẫn đến áp lực lên xương cụt, dẫn đến dễ tổn thương, thoái hóa. Ngoài ra, việc sinh con có thể có thể dẫn đến nhiều chấn thương cấp tính ở xương cụt khi em bé di chuyển ra khỏi cơ thể.
Ngoài ra, có một số nguyên nhân và yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ thoái hóa đốt sống xương cụt, chẳng hạn như:
- Tuổi cao: Lão hóa tự nhiên, đặc biệt là ở người ngoài 50 – 60, sẽ làm thay đổi cấu trúc sụn, tăng viêm ở các khớp xương và hao mòn do sử dụng theo thời gian. Tất cả các yếu tố này góp phần dẫn đến thoái hóa xương cụt.
- Thừa cân: Các khớp xương cụt chịu áp lực cao gấp 5 lần ở những người thừa cân, béo phì. Trong lượng dư thừa sẽ dẫn đến căng thẳng cho các khớp, gây viêm toàn cơ thể và góp phần dẫn đến thoái hóa cột sống.
- Dị tật bẩm sinh: Có một số người sinh ra với cột sống cong vẹo, xương chậu bị lệch hoặc các thay đổi sinh học khác ở cột sống. Trong quá trình di chuyển, sử dụng, các khớp xương có thể chịu nhiều áp lực, ma sát hơn, từ đó làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp xương cụt.
- Chấn thương: Các chấn thương như gãy đốt sống xương cụt, va chạm, té ngã, có thể dẫn đến viêm khớp tích tụ và gây thoái hóa xương cụt sau nhiều năm.
- Căng thẳng lặp lại: Các hoạt động gây áp lực kéo dài lên xương cụt, chẳng hạn như cưỡi ngựa và ngồi trên bề mặt cứng trong thời gian dài, có thể gây tổn thương xương cụt.
- Di truyền: Khả năng thoái hóa đốt sống xương cụt có thể liên quan đến yếu tố di truyền. Một số gen có thể làm tăng khả năng phá vỡ sụn, ảnh hưởng đến cấu trúc khớp và làm tăng nguy cơ thoái hóa.
Mặc dù hầu hết người bệnh thoái hóa đốt sống xương cụt có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ, tuy nhiên đôi khi người bệnh không thuộc bất cứ nhóm nguy cơ nào, nhưng vẫn phát triển các triệu chứng bệnh. Điều quan trọng là đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp nếu nhận thấy các dấu hiệu thoái hóa.
Thoái hóa đốt sống xương cụt có nguy hiểm không?
Trong hầu hết các trường hợp, thoái hóa đốt sống xương cụt không nguy hiểm. Tuy nhiên, tình trạng này cần được chẩn đoán và điều trị phù hợp để tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Trong trường hợp nghiêm trọng, tình trạng này có thể dẫn đến yếu các chi và tê liệt không thể phục hồi.
Nếu bị thoái hóa đốt sống xương cụt, người bệnh cũng có thể phát triển nhiều vấn đề sức khỏe khác cần điều trị. Do đó, hãy theo dõi phản ứng của cơ thể và thông báo cho bác sĩ nếu:
- Gặp khó khăn khi đi lại, di chuyển, ngồi, đứng, kéo dài trong một tuần hoặc hơn
- Mất khả năng kiểm soát thân dưới
- Suy nhược chân, không thể đứng hoặc di chuyển trong thời gian dài
- Có cảm giác tê hoặc ngứa ran quanh bộ phận sinh dục hoặc phần thân dưới
- Mất sức mạnh ở chân
- Cảm thấy không thoải mái nói chung
Chẩn đoán thoái hóa đốt sống xương cùng
Thoái hóa đốt sống xương cùng thường được chẩn đoán bằng cách kiểm tra các tiền sử bệnh, khám sức khỏe tổng quát và thực hiện các xét nghiệm liên quan. Ban đầu, bác sĩ có thể sờ nắn khu vực xương cụt để xác định các tổn thương hoặc kiểm tra xương cụt thông qua trực tràng để đánh giá khả năng vận động của khớp xương cùng.
Tùy thuộc vào chẩn đoán ban đầu, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như:
- Chụp X – quang động có thể giúp bác sĩ kiểm tra các thay đổi ở xương cụt khi đứng, ngồi hoặc chuyển đổi tư thế từ đứng sang ngồi. Điều này giúp bác sĩ đánh giá chuyển động của xương cụt và có kế hoạch điều trị hiệu quả.
- Chụp CT hoặc MRI để xác định các tổn thương xương cụt, khối u, viêm hoặc các bất thường khác.
Các phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống xương cùng hiệu quả
Thoái hóa đốt sống xương cụt cần được điều trị để phục hồi chức năng vận động linh hoạt cũng như ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Tùy thuộc vào các trường hợp cụ thể, các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
1. Vật lý trị liệu
Tương tự như các kế hoạch điều trị thoái hóa cột sống khác, người bệnh thoái hóa đốt sống xương cụt sẽ được đề nghị vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Hiện tại có hại hình thức vật lý trị liệu bao gồm vật lý trị liệu thụ động và vật lý trị liệu tích cực.
Đối với vật lý trị liệu thụ động, bác sĩ chỉnh hình sẽ thực hiện các thao tác xoa bóp, tác động lên xương cụt để giảm đau. Bác sĩ cũng giúp điều chỉnh các sai lệch khớp, từ đó tăng sự ổn định, giảm đau và phục hồi chức năng xương cụt.
Việc duy trì hoạt động và thường xuyên tập thể dục là điều cần thiết để điều trị thoái hóa cột sống. Nhiều người bị đau xương cụt có xu hướng hạn chế hoạt động để tránh cơn đau, tuy nhiên việc hoạt động thể chất đúng cách sẽ giữ cơ, xương chắc khỏe, từ đó hỗ trợ điều trị thoái hóa xương cụt.
Tập thể dục cũng sẽ giúp người bệnh đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Điều này góp phần giảm áp lực lên xương cụt, hỗ trợ hông, chân.
Một số người bệnh có thể nghe âm thanh lạo xạo khi tập thể dục. Tuy nhiên điều này thường không nguy hiểm và không có nghĩa là các khớp đang bị tổn thương.
Có ba nhóm bài tập chính mà người bệnh nên cố gắng tập luyện, bao gồm:
- Các bài tập kéo giãn giúp duy trì và cải thiện khả năng chuyển động của cột sống
- Bài tập tăng cường giúp giữ cơ bắp và các khớp khỏe mạnh
- Các bài tập aerobic hoặc thể dục tác động thấp có thể giúp giảm đau xương cụt
Theo khuyến cáo, người bệnh nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc 20 phút mỗi ngày. Bắt đầu tập luyện từ từ và tăng dần để đạt hiệu quả tốt nhất.
Đôi khi người bệnh sẽ được đề nghị tránh các môn thể thao tác động mạnh, chẳng hạn như nâng tạ hoặc chạy bộ. Các bài tập này có thể gây áp lực lên cột sống và khiến tình trạng thoái hóa đốt sống xương cùng trở nên nghiêm trọng hơn.
2. Sử dụng thuốc giảm đau
Có một số loại thuốc khác nhau có thể giúp kiểm soát các triệu chứng thoái hóa đốt sống xương cụt. Tuy nhiên, các loại thuốc có thể tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ, do đó người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Các loại thuốc phổ biến bao gồm:
- Thuốc giảm đau Paracetamol có tác dụng giảm đau, tuy nhiên không có tác dụng chống viêm và sưng.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như Ibuprofen, giúp kiểm soát các cơn đau và giảm viêm xung quanh xương cụt.
- Các loại thuốc giảm đau dạng kem bôi, gel, giúp kiểm soát cơn đau tại chỗ và ít tác dụng phụ.
- Thuốc giãn cơ được sử dụng tạm thời để điều trị các cơn đau do co thắt cơ bắp.
- Thuốc giảm đau opioid được sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ để kiểm soát các cơn đau nghiêm trọng, dữ dội.
- Tiêm cortisone để giảm viêm, giảm sưng, đau và cứng khớp.
3. Thay đổi hoạt động
Điều chỉnh nhịp độ các hoạt động có thể giảm áp lực lên cột sống xương cùng, từ đó ngăn ngừa nguy cơ thoái hóa. Người bệnh cũng được đề nghị tìm sự cân bằng khi nghỉ ngơi và hoạt động, dành thời gian nghỉ ngơi nếu cảm thấy mệt mỏi, đau đớn.
Thay đổi tư thế cũng có thể làm giảm căng cơ. Các tư thế không đúng có thể ảnh hưởng đến các cơ và mô hỗ trợ cột sống. Điều này dẫn đến đau đớn và tăng nguy cơ thoái hóa đốt sống xương cùng. Cố gắng thay đổi các vị trí thường xuyên, hạn chế ngồi nhiều và giữ thẳng cột sống trong các hoạt động khi ngồi, làm việc hoặc đi bộ.
Cố gắng tránh vặn cột sống khi nâng vật. Thay vào đó, hãy giữ thẳng lưng và uốn cong đầu gối, giữ đồ vật cần nâng sát vào người và nâng lên nhờ vào sự kết hợp của toàn bộ cơ bắp.
Nhà vật lý trị liệu có thể hướng dẫn người bệnh về các tư thế phù hợp và nhịp độ hoạt động tốt cho hệ xương khớp. Điều quan trọng là thường xuyên vận động và tập luyện theo hướng dẫn để nâng cao sức khỏe xương khớp.
4. Kích thích dây thần kinh điện qua da
Kích thích dây thần kinh bằng điện xuyên da (TENS) là một cách giảm đau liên quan đến việc gửi các xung điện qua các điện cực gắn vào da. Người bệnh thường chỉ cảm thấy rung nhẹ hoặc ngứa ran khi điều trị TENS.
Liệu pháp TENS có thể được thực hiện tại phòng khám hoặc tại nhà. Bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn về các loại máy TENS, cách thực hiện, hiệu quả và các lưu ý của phương pháp này.
5. Phẫu thuật
Trong hầu hết các trường hợp, thoái hóa cột sống xương cùng thường đáp ứng các phương pháp điều trị không phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật điều trị.
Phẫu thuật cắt bỏ xương cụt hiếm khi được khuyến cáo và thực hiện. Mặc dù phẫu thuật này là một thủ thuật tương đối đơn giản, nhưng quá trình hồi phục sau phẫu thuật có thể kéo dài và gây khó chịu cho bệnh nhân. Ngoài ra, phẫu thuật cắt bỏ xương cụt có thể làm tăng nguy cơ tổn thương trực tràng, ruột kết và dẫn đến một số vấn đề đại tiện.
Các rủi ro tiềm ẩn khác có thể bao gồm vết thương lâu lành, nhiễm trùng cục bộ, có thể làm chậm quá trình phục hồi tổng thể. Tuy nhiên, không giống như các phẫu thuật cột sống khác, phẫu thuật đốt sống xương cùng không gây ảnh hưởng đến bất cứ dây thần kinh quan trọng nào.
Trao đổi với bác sĩ về các lợi ích và rủi ro để có quyết định điều trị hiệu quả nhất.
Phục hồi sau thoái hóa đốt sống xương cụt
Thoái hóa đốt sống xương cùng có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, có một số lưu ý để cải thiện cơn đau cũng như phòng ngừa các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:
- Nghỉ ngơi định kỳ, thả lỏng các khớp sau các hoạt động hoặc khi cần đứng lâu
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh khi cảm thấy đau, khó chịu ở xương cùng
- Giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh có thể giảm áp lực lên các khớp, từ đó hạn chế nguy cơ thoái hóa đốt sống xương cùng
- Thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức khỏe hệ xương khớp
- Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ chất, nhiều rau xanh, trái cây để chống viêm trong cơ thể, từ đó cải thiện tình trạng viêm xương khớp
Thoái hóa đốt sống xương cùng có thể gây đau đớn, suy yếu chân và ảnh hưởng đến chức năng di chuyển, vận động. Việc xác định các dấu hiệu và nắm rõ các nguyên nhân là cách tốt nhất để điều trị cũng như phòng ngừa tình trạng này. Hỏi ý kiến của bác sĩ nếu có bất cứ câu hỏi hoặc thắc mắc nào liên quan.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!