Thoái Hoá Đốt Sống Cổ C5 C6

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Thoái hoá đốt sống cổ C5 C6 là tình trạng liên quan đến các thay đổi ở đốt sống, đĩa đệm và các khớp ở cổ, thường phổ biến ở người trên 50 tuổi. Bài viết dưới đây sẽ mô tả các triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và biện pháp điều trị hiệu quả nhất, người bệnh có thể tham khảo.

Thoái hoá đốt sống cổ C5 C6
Thoái hoá đốt sống cổ C5 C6 dẫn đến đau đớn dữ dội, thường xuyên và gây suy giảm chất lượng cuộc sống

Thoái hoá đốt sống cổ C5 C6 là gì?

Đốt số cổ C5 C6 nằm ở phần dưới cột sống cổ ngay phía trên đốt sống C7, hỗ trợ sự linh hoạt, nâng đỡ đầu, cổ. Các đốt sống này có chức năng chịu lực lớn, thường xuyên vận động và rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tư thế xấu, chấn thương, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm.

Thoái hoá đốt sống cổ C5 C6 là tình trạng thoái hóa khớp, xương, đĩa đệm cột sống cổ. Tình trạng này có thể gây đau cổ, cứng khớp, ngứa ran, tê và đau đầu cũng như có âm thanh lách cách ở đáy hộp sọ. Cơn đau cổ đôi khi có thể trở nên nghiêm trọng, dẫn đến co thắt cơ, đau nhói ở vùng vai, lưng, chân, đùi và mông.

Tình trạng thoái hóa đốt sống, thoái hóa đĩa đệm và các sụn có thể dẫn đến việc hình thành các gai xương bất thường ở cổ. Các gai xương có thể gây hẹp không gian bên trong cột sống và các lỗ liên hiệp (nơi dây thần kinh cột sống đi ra), tình trạng này được gọi là hẹp ống sống cổ. Nếu các dây thần kinh bị chèn ép có thể dẫn đến yếu tay, yếu chân, thiếu sự phối hợp cơ bắp hoặc mất khả năng kiểm soát bàng quang và ruột.

Hầu hết các trường hợp, thoái hóa đốt sống cổ không nghiêm trọng và đáp ứng các phương pháp điều trị bảo tồn, bao gồm thuốc men, vật lý trị liệu, bài tập cổ và phẫu thuật. Tuy nhiên nếu các triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh có thể được yêu cầu phẫu thuật để ngăn ngừa các biến chứng.

Dấu hiệu nhận biết thoái hoá đốt sống cổ C5 C6

Một số người bị thoái hóa đốt sống C5 C6 không có triệu chứng, tuy nhiên hầu hết người bệnh đều cảm thấy đau hoặc khó chịu nói chung ở một mức độ nhất định. Đau đớn và cứng cổ là các dấu hiệu phổ biến nhất. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng có thể xuất hiện thường xuyên, đau đớn dữ dội, dai dẳng, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Thoái hoá đốt sống C5 C6
Đau đớn và cứng cổ là các dấu hiệu thoái hóa đốt sống C5 C6 phổ biến nhất

Các triệu chứng phổ biến của thoái hóa đốt sống cổ bao gồm:

  • Đau cổ, cơn đau nghiêm trọng hơn khi hoạt động hoặc đứng lâu
  • Đau lan đến vai hoặc cánh tay
  • Cơn đau thường nghiêm trọng hơn vào buổi sáng và được cải thiện khi người bệnh bắt đầu di chuyển xung quanh
  • Có âm thanh phát ra từ cổ khi chuyển động
  • Đau đầu, đặc biệt là ở phía sau đầu

Nếu thoái hóa đốt sống gây chèn ép dây thần kinh cột sống C6, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:

  • Đau ở vai, cánh tay trên, cẳng tay, bàn tay, các ngón tay và ngón trỏ. Cơn đau có thể xuất hiện thường xuyên, nghiêm trọng hơn trong các chuyển động cánh tay hoặc cổ. Đôi khi cơn đau có thể lan từ cổ xuống cánh tay.
  • Tê ở mặt ngoài của cẳng tay, ngón cái và ngón trỏ.
  • Yếu ở vai, khuỷu tay, cổ tay. Các chuyển động ở khớp có thể bị ảnh hưởng hưởng.

Thoái hóa đốt sống C5 C6 cũng có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể gây suy nhược không thể phục hồi.

Nguyên nhân gây thoái hoá đốt sống C5 C6

Lão hóa là yếu tố chính dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ C5 C6. Ở người trên 50 tuổi, các đĩa đệm giữa các đốt sống trở nên ít dẻo dai hơn, cung cấp ít khả năng giảm xóc. Khi cơ thể lão hóa, xương và dây chằng có thể dày lên, dẫn đến lấn chiếm không gian bên trong ống sống và khiến các triệu chứng thoái hóa đốt sống trở nên nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh lão hóa tự nhiên, có một số nguyên nhân và yếu tố rủi ro khác có thể làm tăng nguy cơ thoái hoá đốt sống cổ C5 C6:

  • Di truyền: Có một số nghiên cứu cho thấy thoái hóa đốt sống có thể di truyền trong gia đình. Những người có tiền sử gia đình thoái hóa khớp có nguy cơ vỡ, tổn thương sụn khớp sớm hơn.
  • Chấn thương: Nếu đốt sống bị tổn thương, chẳng hạn như rách sụn hoặc bao bảo vệ khớp có thể dẫn đến viêm và hao mòn sụn khớp sớm hơn. Các chấn thương phổ biến thường bao gồm tai nạn giao thông, té ngã hoặc va chạm thể thao.
  • Trọng lượng: Những người thừa cân, béo phù có xu hướng thoái hóa đốt sống cao hơn những người khác, bao gồm thoái hóa đốt sống cổ. Cân nặng lớn sẽ khiến các đốt sống chịu nhiều áp lực hơn, tuy nhiên người thừa cân cũng có thể bị viêm nặng hơn.
  • Tính chất nghề nghiệp: Một số nghề nghiệp, chẳng hạn như các công việc liên quan nhiều đến chuyển động lặp đi lặp lại hoặc nâng vật nặng như công nhân xây dựng, có thể gây thêm căng thẳng cho cột sống và tăng nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ.

Ngoài ra, tư thế xấu và hút thuốc lá cũng là một trong những yếu tố nguy cơ có thể gây thoái hóa đốt sống cổ. Việc xác định các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ là điều quan trọng, cần thiết để điều trị thoái hóa đốt sống cổ C5 C6 cũng như ngăn ngừa các rủi ro phát sinh.

Thoái hoá đốt sống C5 C6 có nguy hiểm không?

Thoái hóa đốt sống cổ C5 C6 có thể dẫn đến hình thành gai cột sống cổ. Các gai xương này có thể phát triển quá mức, gây ảnh hưởng đến dây thần kinh cột sống, dẫn đến các triệu chứng bệnh lý rễ thần kinh cổ như đau đớn, ngứa ran, tê yếu lan từ cổ đến vai, cánh tay, bàn tay.

Nếu thoái hóa đốt sống gây ảnh hưởng đến tủy sống có thể dẫn đến rối loạn chức năng tủy sống. Tình trạng này dẫn đến nhiều dấu hiệu như đau đớn, ngứa ran, tê và yếu ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể bên dưới cổ. Ngoài ra, người bệnh tổn thương tủy sống có thể gặp khó khăn trong việc phối hợp khi đi lại, cài cúc áo sơ mi hoặc mất khả năng kiểm soát bàng quang và ruột.

Biện pháp chẩn đoán thoái hoá đốt sống cổ C5 C6

Để chẩn đoán tình trạng thoái hóa đốt sống cổ C5 C6, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách xác định tiền sử bệnh lý, kiểm tra các triệu chứng và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra đánh giá phạm vi chuyển động của cổ, kiểm tra phản xạ ở tay, chân nhằm xác định tính linh hoạt của người bệnh.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị người bệnh đi lại, di chuyển, thực hiện một số động tác, nhằm xác định các bất thường ở dáng đi hoặc triệu chứng của bệnh lý rễ thần kinh cổ.

Thoái hóa đốt sống cổ chèn dây thần kinh
Bác sĩ có thể đề nghị chụp MRI để xác định các tổn thương ở cột sống cổ

Bác sĩ cũng có thể đề nghị các xét nghiệm để xác định mức độ tổn thương ở cột sống cổ. Các xét nghiệm có thể bao gồm:

  • X – quang cột sống giúp bác sĩ xác định tình trạng thoái hóa xương, đốt sống và sụn.
  • MRI sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của mô mềm và xương. Xét nghiệm này có thể hỗ trợ bác sĩ xác định các tổn thương thần kinh, tùy sống.
  • Chụp tủy đồ giúp bác sĩ xác định các gai xương, đĩa đệm gây ảnh hưởng đến dây thần kinh như thế nào.
  • Điện cơ có thể giúp xác định các dây thần kinh ở cổ đang bị chèn ép do thoái hóa đốt sống cổ.

Điều trị thoái hoá đốt sống cổ C5 C6 như thế nào?

Các biện pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ C5 C6 phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và tần suất gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Thông thường, các triệu chứng thoái hóa đốt sống đáp ứng các biện pháp tự chăm sóc, chẳng hạn như sử dụng thuốc, dành thời gian nghỉ ngơi hoặc vật lý trị liệu. Nếu cơn đau kéo dài hơn 6 – 12 tuần hoặc có dấu hiệu trở nên nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.

Mục tiêu chính của các phương pháp điều trị là giảm đau, ngăn ngừa chèn ép dây thần kinh và phục hồi chức năng. Nếu được chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ C5 C6, các kế hoạch điều trị bao gồm:

1. Tự chăm sóc

Nếu các triệu chứng thoái hóa cột sống cổ không nghiêm trọng và không có nguy cơ biến chứng, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh các biện pháp điều trị như sau:

  • Dành thời gian nghỉ ngơi, đặc biệt là khi các triệu chứng bùng phát. Đôi khi hạn chế cử động cổ trong một thời gian ngắn, chẳng hạn như một buổi chiều hoặc một ngày, có thể cải thiện tình trạng viêm và ngăn ngừa cơn đau.
  • Chườm lạnh có thể giúp giảm đau, giảm viêm và ngăn ngừa tình trạng sưng tấy ở đốt sống bị ảnh hưởng.
  • Chườm nóng, chẳng hạn như chườm khăn nóng, miếng đệm nhiệt hoặc tắm nước ấm, có thể giúp giảm đau, cải thiện tâm trạng và phục hồi khả năng vận động linh hoạt.
  • Thường xuyên tập thể dục, duy trì hoạt động thể chất cần thiết cho sức khỏe các khớp, bao gồm đốt sống cổ.
  • Hạn chế một số hoạt động nhất định có thể hỗ trợ điều trị các triệu chứng thoái hóa đốt sống C5 C6. Chẳng hạn như người bệnh được khuyến khích không xoay vặn cổ thường xuyên để tránh gây áp lực lên cột sống.

2. Sử dụng thuốc

Có nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị thoái hóa cột sống cổ, bao gồm cả thuốc uống và thuốc bôi. Các loại thuốc kê đơn và không kê đơn phổ biến bao gồm:

Thoái hóa đốt sống cổ có chữa được không
Sử dụng thuốc điều trị thoái hóa cột sống cổ theo chỉ định của bác sĩ
  • Thuốc giảm đau tại chỗ, chẳng hạn như gel Salonpas, có thể cải thiện cơn đau ở cổ bằng cách làm nóng các cơ và ngăn ngừa các tín hiệu đau đến não
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) chẳng hạn như Ibuprofen và Naproxen, có tác dụng giảm đau, chống viêm.
  • Paracetamol giúp giảm đau bằng cách ngăn chặn việc truyền tín hiệu đau đến não. Thuốc này có thể sử dụng mà không cần toa thuốc của bác sĩ cũng như có thể kết hợp với nhiều loại thuốc khác để nâng cao hiệu quả.
  • Thuốc giãn cơ có thể giúp thư giãn các cơ bắp căng cứng, được sử dụng để điều trị các cơn đau liên quan đến cơ xương, chẳng hạn như đau cổ vai gáy liên quan đến thoái hóa đốt sống.
  • Thuốc giảm đau gây nghiện, chẳng hạn như Tramadol, được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để cải thiện các cơn đau nghiêm trọng, không đáp ứng các loại thuốc thông thường. Thuốc này có thể gây nghiện, do đó không được lạm dụng hoặc thay đổi liều lượng mà không hỏi ý kiến của bác sĩ.
  • Steroid đường uống được chỉ định để chống viêm, giảm đau cột sống cổ cấp tính và ngắn hạn. Sử dụng steroid đường uống có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, do đó không được sử dụng mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tiêm steroid ngoài màng cứng có thể giúp giảm viêm, giảm đau và hỗ trợ phục hồi sức khỏe đốt sống.

Việc sử dụng thuốc điều trị thoái hóa đốt sống cổ C5 C6 cần nhận được sự chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng để tránh các rủi ro phát sinh.

3. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu xây dựng một chương trình tập thể dục và kéo giãn cột sống, từ đó hạn chế ma sát, giảm đau và ngăn ngừa tình trạng thoái hóa đốt sống trở nên nghiêm trọng hơn. Mục tiêu của phương pháp vật lý trị liệu bao gồm:

  • Giảm đau và cứng cột sống cổ
  • Cải thiện phạm vi hoạt động của đầu, cổ
  • Phát triển sức mạnh ở cổ và cơ bắp cổ

Ngay cả khi không thể loại bỏ hoàn toàn cơn đau, vật lý trị liệu cũng đóng vai trò quan trọng để cải thiện tư thế cổ cũng như tăng cường khả năng vận động linh hoạt.

Có hai hình thức vật lý trị liệu phổ biến:

  • Vật lý trị liệu thụ động: Bác sĩ áp dụng các phương pháp giảm đau, phục hồi mà người bệnh không cần nỗ lực, chẳng hạn như chườm lạnh, chườm nóng, xoa bóp, điện trị liệu.
  • Vật lý trị liệu tích cực: Bác sĩ hướng dẫn người bệnh các kế hoạch phục hồi thông các động tác, bài tập kéo giãn nhằm cải thiện sức mạnh, tăng tính linh hoạt ở cổ, các cơ, từ đó duy trì tư thế tốt, giảm căng thẳng đến cột sống cổ.

Giai đoạn đầu của vật lý trị liệu điều trị thoái hoá đốt sống cổ C5 C6 có thể bao gồm nhiều phương pháp điều trị thụ động hơn, nhưng các phương pháp điều trị tích cực có thể sẽ được kết hợp theo thời gian để nâng cao hiệu quả.

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị lâu dài, mang lại hiệu quả bền vững vá ít tác dụng phụ. Khi được thực hiện đúng cách, vật lý trị liệu có thể tăng cường tính linh hoạt ở cổ, từ đó ngăn ngừa nguy cơ thoái hóa tái phát.

4. Đốt sóng cao tần

Đốt sóng cao tần (Radiofrequency ablation – RFA) là thủ thuật xâm lấn tối thiểu, sử dụng nhiệt từ đầu kim tiêm để gây ra các tổn thương thần kinh nhỏ tại khớp mặt C5 C6. Thủ thuật này hoạt động bằng cách ngăn chặn các tín hiệu thần kinh đến não, từ đó giúp giảm đau lâu dài, đến 1 – 2 năm sau thủ thuật.

Đốt sóng cao tần là thủ thuật an toàn và tương đối ít rủi ro. Tuy nhiên một số người có thể gặp các tác dụng phụ tiềm ẩn, chẳng hạn như nóng, rát, quá mẫn cảm, tê tại chỗ tiêm. Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể gặp các tác dụng rủi ro khác, chẳng hạn như:

  • Nhiễm trùng
  • Tổn thương mạch máu và dây thần kinh xung quanh
  • Tổn thương nhiệt tại các mô mềm, dây thần kinh

Tương tự như bất cứ phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ C5 C6 khác, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các lợi ích và rủi ro tiềm ẩn trước khi thực hiện thủ thuật.

5. Phẫu thuật

Phẫu thuật điều trị thoái hóa đốt sống cổ C5 C6 thường được chỉ định cho những trường hợp nghiêm trọng nhất. Bởi vì phẫu thuật không phải lúc nào cũng giúp giải quyết hoàn toàn các triệu chứng thoái hóa đốt sống và chỉ có thể giúp giảm đau ở mức tối thiểu đến trung bình. Ngoài ra, phẫu thuật cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến chứng, tác dụng phụ.

Video bài tập thoái hóa đốt sống cổ
Phẫu thuật được chỉ định khi các phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả

Các lựa chọn phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ bao gồm:

  • Cắt bỏ đĩa đệm và hợp nhất đốt sống: Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật loại bỏ phần đĩa đệm bị tổn thương và hợp nhất đốt sống C5 C6, nhằm tạo sự ổn định cho cột sống cổ.
  • Phẫu thuật cắt cung sau đốt sống: Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ tiếp cận cột sống từ phía sau, từ đó loại bỏ các gai xương dư thừa, mở rộng không gian ống sống và giảm các áp lực lên cột sống.

Mặc dù phẫu thuật cột sống thường an toàn và có tỷ lệ thành công cao, tuy nhiên mọi phẫu thuật đều có rủi ro. Do đó, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về lợi ích, rủi ro tiềm ẩn trước khi quyết định phẫu thuật.

Phòng ngừa thoái hóa đốt sống C5 C6 tái phát

Mặc dù không thể phòng ngừa tất cả các nguyên nhân và yếu tố rủi ro gây thoái hóa đốt sống cổ C5 C6, tuy nhiên người bệnh có thể hạn chế nguy cơ thoái hóa cột sống tái phát bằng cách:

  • Thay đổi lối sống, thường xuyên tập thể dục, duy trì các hoạt động thể chất
  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, dựa trên thực vật, thường xuyên tiêu thụ các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như rau xanh, trái cây, sữa chua
  • Uống đủ nước có thể giúp ngăn ngừa tình trạng cứng cổ và đau vai gáy, đau thần kinh cũng như góp phần nâng cao sức khỏe đĩa đệm
  • Sử dụng các tư thế tốt khi ngồi, đứng, đi, vận động, nâng vật nặng
  • Dành thời gian nghỉ ngơi khi cần thiết, tránh việc hoạt động quá mức
  • Giảm cân, duy trì trọng lượng khoa học có thể giúp giảm áp lực lên cột sống
  • Không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá
  • Ngủ với một chiếc gối hỗ trợ cổ, giữ cho cột sống thẳng hàng và hạn chế áp lực lên các đốt sống

Khi có dấu hiệu thoái hóa đốt sống cổ C5 C6, người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức để kiểm tra sức khỏe và đánh giá toàn diện. Điều trị sớm và hiệu quả là cách tốt nhất để bảo tồn chức năng cổ, cột sống cũng như ngăn ngừa nguy cơ thoái hóa cột sống tái phát.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Thoái Hóa Đốt Sống Cổ Chữa Được Không
Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý lão hóa phổ biến, có thể gây đau cổ, cứng cổ cũng như gây ảnh hưởng đến khả năng chuyển động của cổ. Các triệu chứng bệnh thường không nghiêm trọng, có ...
Xem chi tiết
Thoái Hóa Cột Sống Có Nguy Hiểm Không
Thoái hóa cột sống là bệnh lý ai cũng có thể mắc phải. Vậy thoái hóa cột sống có nguy hiểm không và làm thế nào để phòng ngừa? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những thông tin hữu ích ...
Xem chi tiết
Thoái Hóa Cột Sống Có Quan Hệ Được Không
Nếu thắc mắc thoái hóa cột sống có quan hệ được không, người bệnh có thể tham khảo một số thông tin trong bài viết bên dưới. Việc sinh hoạt điều độ, nghỉ ngơi phù hợp là cách tốt nhất ...
Xem chi tiết
Thoái Hóa Cột Sống Có Nên Tập Gym Không
Thoái hóa cột sống có nên tập gym không? Các chuyên gia cho biết người bị thoái hóa cột sống cổ hoặc lưng đều có thể tập gym. Tuy nhiên cần luyện tập đúng cách và lựa chọn những bài ...
Xem chi tiết
Thoái Hóa Cột Sống Có Châm Cứu Được Không​
Câu hỏi thoái hóa cột sống có châm cứu được không​ đang thu hút sự quan tâm của nhiều người trong việc tìm kiếm phương pháp điều trị hỗ trợ. Trong bài viết dưới đây, chuyên gia Xương khớp sẽ ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua