Sốt Thấp Khớp
Sốt thấp khớp là bệnh tự miễn dịch làm tổn thương và viêm các mô trong cơ thể. Bệnh xảy ra khi sốt ban đỏ hoặc viêm họng do liên cầu khuẩn không được điều trị, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em. Ngoài các mô ở khớp, bệnh còn gây tổn thương tim và mạch máu.
Sốt thấp khớp là gì?
Sốt thấp khớp là một biến chứng của bệnh viêm họng do liên cầu nhóm A và sốt ban đỏ không được điều trị. Đây là một bệnh tự miễn dịch làm viêm và tổn thương các mô khỏe mạnh trong cơ thể, bao gồm khớp, mạch máu và tim.
Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn/ phản ứng quá mức với nhiễm trùng liên cầu khuẩn trong bệnh viêm họng hoặc sốt ban đỏ (chưa được chữa trị). Điều này khiến nhiều tự kháng thể được sản sinh tấn công vào các mô của cơ thể. Từ đó gây ra tình trạng viêm, sưng tấy kèm theo sốt.
Bất kỳ ai cũng có thể bị sốt thấp khớp. Tuy nhiên bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến thanh thiếu niên và trẻ em (từ 5 đến 15 tuổi). Mặc dù vậy bệnh có thể xảy ra ở những trẻ dưới 5 tuổi và người trên 15 tuổi. Thông thường bệnh nhân được hướng dẫn dùng thuốc để kiểm soát bệnh lý.
Những triệu chứng của sốt thấp khớp
Sốt thấp khớp làm ảnh hưởng đến mọi bệnh nhân theo nhiều cách khác nhau, với mức độ nặng hoặc nhẹ. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân bị sốt thấp khớp cấp tính (thấp khớp cấp) khiến những triệu chứng xảy ra đột ngột và nghiêm trọng.
Đôi khi bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn với những triệu chứng nhẹ đến mức không phát hiện ra tình trạng nhiễm trùng. Tình trạng này được phát hiện khi sốt thấp khớp trong giai đoạn tiến triển.
Tùy thuộc vào bộ phận của cơ thể và tình trạng sức khỏe chung, những triệu chứng có thể rất khác nhau. Tuy nhiên chúng thường bao gồm:
Triệu chứng thường gặp
- Các khớp sưng tấy, thường gặp ở khuỷu tay, đầu gối và mắt cá chân
- Đỏ và mềm ở vùng có khớp bị ảnh hưởng
- Đau cơ
- Đau khớp hoặc mềm các khớp
- Đau đầu không rõ nguyên nhân, cơn đau có xu hướng liên tục
- Đau ngực
- Nhịp tim bất thường
- Khó thở
- Cơ thể luôn mệt mỏi
- Sốt, thường sốt trên 38 độ
- Co giật với những cử động không thể kiểm soát ở tay, chân cùng một số bộ phận khác trên cơ thể
- Sưng đỏ amidan
- Nổi mụn nhỏ dưới da
- Những mảng đỏ nhạt trên bụng và cánh tay
- Xuất hiện những hành vi bất thường như cười hoặc khóc không thích hợp. Thường xảy ra đồng thời với chứng múa giật Sydenham
- Đổ nhiều mồ hôi
- Nôn mửa
- Đau bụng
- Chảy máu cam
- Hôn mê
Triệu chứng hiếm gặp
- Phát ban ở dạng vòng tròn, phẳng, có màu đỏ, mép lởm chởm, trung tâm rõ ràng
- Xuất hiện các nốt không đau dưới da, vị trí gần khớp bị ảnh hưởng
- Xuất hiện nhiều chất lỏng xung quanh tim
- Tổn thương cơ tim.
Nguyên nhân gây sốt thấp khớp là gì?
Bệnh sốt thấp khớp xảy ra sau khi bệnh nhân bị sốt ban đỏ hoặc cổ họng bị nhiễm trùng liên cầu nhóm A nhưng chưa được điều trị. Tình trạng nhiễm trùng khiến hệ miễn dịch trong cơ thể phản ứng quá mức, các tự kháng thể được sản sinh chống lại những mô khỏe mạnh của cơ thể.
Những phản ứng của hệ thống phòng thủ (kháng thể) làm tổn thương các cơ quan và mô khỏe mạnh thay vì vi khuẩn. Cuối cùng dẫn đến bệnh sốt thấp khớp với những tổn thương ở mạch máu, tim và các khớp.
Sinh lý bệnh
Một loại protein trong vi khuẩn Streptococcus nhóm A có cấu trúc tương tự như một loại protein được tìm thấy trong một số cơ quan và mô nhất định của cơ thể. Thông thường, hệ thống miễn dịch nhận dạng và tấn công vào tác nhân gây nhiễm trùng.
Tuy nhiên sự trùng hợp giữa các protein có thể khiến hệ thống phòng thủ tấn công vào các mô khỏe mạnh của cơ thể. Đặc biệt là những mô của khớp, tim, da, mạch máu và hệ thần kinh trung ương. Từ đó dẫn đến tình trạng viêm (sưng) các mô.
Thuốc kháng sinh và một số loại thuốc khác theo chỉ định có thể kịp thời loại bỏ vi khuẩn ở người nhiễm trùng liên cầu khuẩn. Điều này giúp giảm nguy cơ sốt thấp khớp.
Nguy cơ sốt thấp khớp tăng cao nếu trẻ bị một hoặc nhiều đợt sốt ban đỏ hay viêm họng do liên cầu khuẩn không được điều trị dứt điểm hoặc không điều trị.
Yếu tố rủi ro
Những yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sốt thấp khớp:
- Tuổi tác: Bệnh sốt thấp khớp phổ biến hơn ở thanh thiếu niên và trẻ em từ 5 – 15 tuổi.
- Tiền sử gia đình: Một số gen truyền từ ba mẹ sang con cái có thể khiến trẻ mắc bệnh.
- Loại vi khuẩn liên cầu: So với những chủng vi khuẩn khác, nhiễm vi khuẩn liên cầu khiến trẻ có nhiều khả năng mắc bệnh.
- Yếu tố môi trường: Nguy cơ sốt thấp khớp tăng cao đối với những người sinh sống ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, quá đông đúc hoặc một số điều kiện khác khiến vi khuẩn dễ dàng lây lan từ người sang người. Ngoài ra sinh sống ở một khu vực tiếp xúc với liên cầu khuẩn nhiều lần, không đủ điều kiện y tế hoặc khó lấy thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Sức khỏe tổng thể: Bệnh sốt thấp khớp dễ xảy ra hơn ở những trẻ có hệ thống miễn dịch suy yếu, thường xuyên bị nhiễm trùng.
Bệnh sốt thấp khớp có nguy hiểm không?
Sốt thấp khớp là một bệnh lý nguy hiểm. Về cơ bản, bệnh lý này làm tổn thương các mô khỏe mạnh của tim, khớp và mạch máu. Điều này làm ảnh hưởng đến hệ vận động và sức khỏe của tim.
Ngoài ra sốt thấp khớp thường kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Những trường hợp viêm nặng có thể gây ra biến chứng lâu dài, cụ thể:
- Bệnh thấp tim (một dạng tổn thương tim vĩnh viễn). Biến chứng này có thể xuất hiện trong khi viêm nặng và các triệu chứng chưa được kiểm soát. Đôi khi bệnh thấp tim xuất hiện sau tổn thương từ 10 – 20 năm.
- Hẹp van tim làm giảm lưu lượng máu
- Tổn thương tim
- Suy yếu cơ tim và giảm khả năng bơm máu
- Rò rỉ trong van khiến máu chạy sai hướng
- Tổn thương van hai lá khiến nhịp tim hỗn loạn và không đều, làm tăng nguy cơ suy tim.
Khi những triệu chứng đầu tiên xuất hiện, trẻ cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức để được điều trị và ngăn ngừa biến chứng. Ngoài ra trẻ cần được đưa đến bệnh nếu đau họng kéo dài hơn ba ngày. Việc điều trị nhiễm trùng liên cầu nhóm A có thể giúp ngăn ngừa sốt thấp khớp.
Bệnh sốt thấp khớp có lây không?
Bệnh sốt thấp khớp không lây nhiễm từ người này sang người khác. Tuy nhiên bệnh sốt ban đỏ và viêm họng do nhiễm trùng dễ dàng lây lan thông qua những giọt bắn từ đường hô hấp, chẳng hạn như hắt hơi, ho… Điều này làm tăng nguy cơ bị sốt thấp khớp.
Chẩn đoán sốt thấp khớp
Trong lần thăm khám đầu tiên, người bệnh được kiểm tra các triệu chứng. Bao gồm những triệu chứng ở khớp (sưng, đỏ, đau, mềm khớp), triệu chứng toàn thân (sốt cao, nhịp tim nhanh, nốt sần dưới da…), tổn thương da (phát ban…). Đồng thời kiểm tra tình trạng đau họng hay sốt ban đỏ trước đó.
Nếu có nghi ngờ sốt thấp khớp, người bệnh sẽ được chỉ định một số xét nghiệm dưới đây:
- Xét nghiệm dịch tiết cổ họng: Bệnh nhân được ngoáy họng để kiểm tra dịch tiết ở cổ họng, xác định sự hiện diện của vi khuẩn liên cầu nhóm A. Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể tiến hành cấy dịch cổ họng hoặc thực hiện xét nghiệm liên cầu khuẩn nhanh chóng. Cấy dịch cổ họng mất vài ngày để có kết quả trong khi xét nghiệm liên cầu khuẩn nhanh chóng có thể cho ra kết quả trong vòng 10 phút. Tuy nhiên xét nghiệm nhanh có thể cho ra kết quả âm tính giả.
- Xét nghiệm máu: Đôi khi bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm máu để xác định nhiễm trùng liên cầu. Xét nghiệm này giúp đánh giá khả năng phòng thủ của cơ thể đối với vi khuẩn (phát hiện kháng thể) khi vi khuẩn không còn hiện diện trên những xét nghiệm. Ngoài ra xét nghiệm máu còn có tác dụng kiểm tra các chất cho thấy cơ thể bị viêm, chẳng hạn như protein phản ứng C.
- Điện tâm đồ (EKG): Điện tâm đồ cho phép bác sĩ kiểm tra hoạt động điện của tim bằng cách ghi lại những tín hiệu điện khi nó qua tim. Điều này có thể phát hiện sự phình to của những bộ phần của tim hoặc hoạt động bất thường của cơ quan này.
- Siêu âm tim: Trong xét nghiệm này, sóng âm thanh được sử dụng để mô phỏng hình ảnh lúc trái tim của bạn đang chuyển động. Điều này giúp bác sĩ dễ dàng hơn trong việc phát hiện những vấn đề ở tim.
Điều trị sốt thấp khớp như thế nào?
Mục tiêu của quá trình điều trị sốt thấp khớp:
- Tiêu diệt vi khuẩn liên cầu nhóm A và giảm nhẹ các triệu chứng
- Kiểm soát tình trạng viêm trong cơ thể
- Ngăn bệnh quay trở lại
- Ngăn ngừa biến chứng.
Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị sốt thấp khớp. Những loại thuốc thường được sử dụng gồm:
1. Thuốc kháng sinh
Bệnh nhân bị sốt thấp khớp được yêu cầu sử dụng thuốc kháng sinh (chẳng hạn như kháng sinh nhóm penicillin) để điều trị nhiễm trùng. Loại thuốc này có khả năng tiêu diệt vi khuẩn liên cầu nhóm A tiềm ẩn và còn soát lại. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân được sử dụng kháng sinh dạng viên uống hoặc thuốc tiêm.
Sau khi hoàn thành một đợt điều trị kháng sinh (điều trị đầy đủ theo chỉ định), người bệnh được đề nghị sử dụng một đợt kháng sinh khác (điều trị dự phòng). Điều này giúp đảm bảo vi khuẩn được loại trừ hoàn toàn và ngăn ngừa sốt thấp khớp tái phát.
Thông thường trẻ em được điều trị dự phòng bằng kháng sinh cho đến khi hoàn thành quá trình chữa bệnh tối thiểu 5 năm hoặc đến hết năm 21 tuổi (tùy thuộc vào tình trạng và độ tuổi mắc bệnh).
Đối với những trường hợp có sốt thấp khớp gây viêm tim, người bệnh sẽ được điều trị phòng ngừa với kháng sinh trong 10 năm hoặc lâu hơn.
2. Thuốc chống viêm
Ở bệnh nhân bị sốt thấp khớp, bác sĩ thường đề nghị thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để điều trị viêm và đau. Trong đó Naproxen (Naprosyn, Anaprox DS, Naprelan) và Aspirin thường được sử dụng.
Nhóm thuốc này có tác dụng điều trị viêm, giảm đau và hạ sốt. Những loại thuốc chống viêm không steroid thường mang đến hiệu quả điều trị trong thời gian ngắn.
Đối với những trường hợp không đáp ứng với NSAID hoặc có những triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể cân nhắc cho trẻ sử dụng Corticosteroid. Đây là một loại thuốc kháng viêm mạnh, chống dị ứng và ức chế hệ miễn dịch. Ngoài ra thuốc này cũng có tác dụng giảm đau do viêm nhanh chóng.
3. Thuốc chống co giật
Nếu sốt thấp khớp khiến trẻ bị co giật với những cử động không tự chủ (múa giật Sydenham), bác sĩ có thể đề nghị một loại thuốc chống động kinh. Trong đó Carbamazepine (Carbatrol, Tegretol) và thuốc chứa Axit valproic là những loại thuốc thường được sử dụng.
Ngoài thuốc, bệnh nhân được yêu cầu nghỉ ngơi tại giường bệnh, đặc biệt là khi có những vấn đề về tim mạch. Tránh những hoạt động không cần thiết cho đến khi viêm, đau và một số triệu chứng khác qua đi.
Sốt thấp khớp ảnh hưởng đến người bệnh theo nhiều cách khác nhau. Chính vì thế một số phương pháp khác có thể được chỉ định dựa trên mức độ nghiêm trọng và ảnh hưởng cụ thể của bệnh lý này đối với trẻ. Ở những trường hợp nặng và có biến chứng ở tim, phẫu thuật tim sẽ được chỉ định.
Biện pháp phòng ngừa sốt thấp khớp
Điều trị tích cực bệnh sốt ban đỏ và viêm họng do nhiễm trùng liên cầu khuẩn là cách duy nhất giúp ngăn ngừa bệnh sốt thấp khớp. Người bệnh cần sử dụng đầy đủ các loại kháng sinh thích hợp ngay khi nhiễm trùng xuất hiện. Quá trình điều trị kéo dài cho đến khi vi khuẩn liên cầu nhóm A được tiêu diệt hoàn toàn.
Tuy nhiên không phải lúc nào các triệu chứng cũng rõ ràng. Chính vì thế, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện nếu đau họng kéo dài trên 3 ngày hoặc đau họng kèm theo những triệu chứng khác. Cụ thể:
- Sốt
- Đau đầu
- Đau họng đột ngột
- Đau khi nuốt
- Đau dạ dày
- Buồn nôn hoặc nôn
- Mềm hoặc sưng hạch bạch huyết
- Khó nuốt
- Phát ban đỏ
- Sưng và đỏ amidan
- Sốt từ 38.3 độ trở lên, sốt kéo dài hơn 3 ngày
- Amidan có mủ hoặc mảng màu trắng
- Vòm miệng xuất hiện những đốm nhỏ màu đỏ.
Nếu trẻ bị viêm họng do nhiễm khuẩn liên cầu khuẩn hoặc ban đỏ, phụ huynh cần đảm bảo làm theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, thận trọng và chi tiết. Ngay cả khi cảm thấy tốt hơn, trẻ cần được sử dụng hết đợt thuốc kháng sinh. Nếu không dùng thuốc kéo dài, tình trạng nhiễm trùng vi khuẩn liên cầu nhóm A có thể không biến mất. Đồng thời khiến trẻ bị sốt thấp khớp.
Ngoài ra để giảm nguy cơ nhiễm trùng và bị sốt thấp khớp, một số biện pháp dưới đây cũng cần được áp dụng:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước
- Hắt hơi hoặc ho vào khăn giấy, vai hoặc khuỷu tay. Không nên ho hoặc hắt hơi vào bàn tay.
- Vứt khăn giấy sau khi xì mũi, hắt hơi hoặc ho một lần. Sau đó rửa tay sạch sẽ với xà phòng và nước.
- Dùng thuốc kháng sinh dài hạn nếu được chẩn đoán bị sốt thấp khớp. Điều này có thể giúp ngăn ngừa những đợt tái phát của bệnh sốt thấp khớp và tránh những đợt viêm họng trong tương lai.
Bệnh sốt thấp khớp là một tình trạng viêm làm tổn thương các mô ở tim, khớp và mạch máu, liên quan đến rối loạn tự miễn dịch. Bệnh lý này gây ra những triệu chứng nghiêm trọng và kéo dài. Đồng thời phát sinh những biến chứng lâu dài và nguy hiểm ở hệ tim mạch. Chính vì thế ngay khi phát hiện triệu chứng, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện để tiến hành kiểm tra. Sau đó điều trị tích cực bằng kháng sinh.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!