Nứt Đốt Sống
Nứt đốt sống là một loại dị tật bẩm sinh, xảy ra khi cột sống của thai nhi chưa phát triển hoàn thiện trong tháng đầu tiên của thai kỳ. Bệnh có thể dẫn đến nhiều dấu hiệu khác nhau, từ nhẹ đến tổn thương thần kinh. Khi cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị sớm, chẳng hạn như phẫu thuật, tuy nhiên đôi khi các biện pháp điều trị có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Tật nứt đốt sống là gì?
Nứt đốt sống hay còn gọi là gai đôi cột sống, xảy ra khi cột sống của thai nhi phát triển chưa hoàn thiện trong tháng đầu tiên của thai kỳ. Đây là một dạng dị tật ống thần kinh. Ống thần kinh là cấu trúc hình thành trong thai kỳ, cuối cùng sẽ phát triển thành não, tủy sống và các mô bao bọc những cơ quan này.
Trong hầu hết các trường hợp, ống thần kinh sẽ hình thành sớm trong thai kỳ và đóng lại vào ngày thứ 28 sau khi thụ thai. Ở các trường hợp nứt đốt sống, một phần của ống thần kinh sẽ không đóng lại hoặc không triển đúng cách, điều này dẫn đến các vấn đề ở các xương cột sống và tủy sống.
Nứt đốt sống có thể nhẹ hoặc nặng, tùy thuộc vào loại dị tật, kích thước, vị trí và các biến chứng liên quan. Trong hầu hết các trường hợp, dị tật này thường nhẹ, không có triệu chứng và thậm chí là không cần điều trị.
Tuy nhiên trẻ có thể sinh ra với các dị tật nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như như vết thương hở trên cột sống, gây tổn thương đáng kể đến các dây thần kinh và duy sống. Vết thương hở và tổn thương cột sống có thể điều trị bằng phẫu thuật. Tuy nhiên các tổn thương thần kinh có thể không được điều trị dứt điểm, điều này dẫn đến tàn tật vĩnh viễn.
Tật nứt đốt sống có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào dọc theo xương sống, tuy nhiên thương phổ biến ở phần nhỏ nhất ở lưng hoặc thắt lưng thấp.
Các loại nứt đốt sống
Tật nứt đốt sống có thể xảy ra ở nhiều dạng khác nhau, tuy nhiên có ba dạng chính bao gồm:
1. Nứt đốt sống ẩn
Nứt đốt sống ẩn là tình trạng phổ biến và nhẹ nhất, thường chỉ liên quan đến một phần nhỏ của cột sống, thường không có triệu chứng và không cần điều trị.
Trong hầu hết các trường hợp, trẻ sinh ra với tật nứt đốt sống ẩn, lớp da trên lưng sẽ che phủ biến dạng của xương cột sống. Trong các trường hợp khác, vùng da phía sau khiếm khuyết sẽ có những thay đổi nhỏ, chẳng hạn như hình thành lúm đồng tiền, da có màu đỏ hoặc tím hoặc hình thành một búi tóc và nhúm lông.
Hiếm khi nứt đốt sống ẩn sẽ không có triệu chứng cho đến tuổi vị thành niên. Tại một số thời điểm nhất định trong đời, tủy sống sẽ gắn chặt vào xương sống. Ở những năm thiếu niên, khi có thể phát triển vượt bậc, các dây thần kinh của tủy sống sẽ bị kéo căng. Điều này có thể dẫn đến yếu và tê chân, nhiễm trùng bàng quang hoặc tiểu không kiểm soát.
Tủy sống càng bị kéo căng, các triệu chứng càng trở nên nghiêm trọng. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để làm giảm các triệu chứng. Phẫu thuật thường đơn giản và thành công.
2. Thoát vị màng tủy
Thoát vị màng tủy (Meningocele) là dị tật ít phổ biến nhất, trong đó màng não (màng bao quanh tủy sống) nhô ra qua lỗ mở, dẫn đến hình thành một khối u hoặc túi ở lưng. Tình trạng này có thể khiến em bé bị nhiễm trùng và đe dọa tính mạng, đôi khi cũng có thể gây tê liệt và rối loạn chức năng bàng quang hoặc ruột. Mặc dù tình trạng này tương đối nghiêm trọng, nhưng có thể điều trị thông qua phẫu thuật mà không gây tổn thương thần kinh.
Phẫu thuật điều trị thoát vị màng tủy có thể thực hiện vào bất cứ lúc nào trong thời kỳ sơ sinh, khi màng não, tủy sống đã phát triển bình thường và không bị tổn thương. Trẻ thường không có bất cứ vấn đề gì về thần kinh.
3. Thoát vị tủy – màng tủy
Thoát vị tủy – màng tủy (Myelomeningocele) là dạng dị tật nghiêm trọng nhất, xảy ra với tỷ lệ 1/1000 trẻ nứt đốt sống. Trong dị tật này, trẻ sinh ra với tủy sống không hình thành đúng cách và một phần của tủy sống chưa phát triển sẽ nhô ra phía sau. Có một túi chứa dịch não tủy và các mạch máu bao quanh, thường không được bảo vệ bởi da, điều này khiến các dây thần kinh và mô lộ ra ngoài.
Theo thống kê, có khoảng 70 – 90% các trường hợp thoát vị tủy – màng tủy sẽ bị não úng thủy do các khiếm khuyết ở đáy chậu. Não úng thủy là một dạng tích tụ quá mức các chất lỏng tủy sống ở não, dẫn đến tổn thương não, co giật hoặc mù lòa nếu không được điều trị phù hợp. Để ngăn ngừa tình trạng này, phẫu thuật sẽ được chỉ định để đưa các tấm chắn nhựa vào bên dưới da để thoát các chất lỏng dư thừa vào bên trong khoang bụng.
Trẻ sơ sinh bị thoát vị tủy – màng tủy thường bị liệt hoặc có cột sống yếu. Điều này ảnh hưởng đến các chi dưới và các chức năng thận, bàng quang. Trong các trường hợp nghiêm trọng, các chi trên và cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng.
Nứt đốt sống ở người lớn
Mặc dù nứt đốt sống thường xảy ra ở trẻ em, tuy nhiên đôi khi tình trạng này cũng xảy ra ở người lớn. Ở người lớn, tình trạng này dẫn đến một số rối loạn khác trẻ sơ sinh, chẳng hạn như:
- Quá trình lão hóa bình thường, bao gồm mất sức mạnh và tính linh hoạt của cơ bắp, sức chịu đựng kém và suy giảm khả năng cảm giác, có thể khiến các triệu chứng nứt đốt sống trở nên nghiêm trọng hơn.
- Lở loét trên da tại vị trí tủy sống dính vào các mô xung quanh. Các tình trạng cong vẹo cột sống, mất cảm giác, đau đớn (đặc biệt là ở chi dưới hoặc tinh hoàn) và nhiễm trùng hoặc rò rỉ đường tiết niệu.
- Thay đổi chức năng ruột, chẳng hạn như táo bón hoặc đau bụng.
- Các vấn đề về chỉnh hình, chẳng hạn như viêm khớp, đau lưng và loãng xương.
- Máu lưu thông kém, da bị mất cảm giác, không có khả năng tiết mồ hôi, dễ bị bầm tím và vết thương chậm lành.
- Huyết áp cao.
- Dị ứng nhựa mủ.
- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
- Béo phì.
- Phụ nữ bị nứt đốt sống có thể mang thai, tuy nhiên tình trạng này có thể khiến việc mang thai trở nên phức tạp và nhiều rủi ro hơn.
Các dấu hiệu nhận biết tật nứt đốt sống
Các triệu chứng của tật nứt đốt sống khác nhau, tùy thuộc vào từng loại dị tật. Các triệu chứng cũng có thể khác nhau ở mỗi trường hợp bệnh. Cụ thể, dấu hiệu và triệu chứng liên quan bao gồm:
1. Nứt đốt sống ẩn
Thông thường, nứt đốt sống ẩn không có bất cứ triệu chứng hoặc dấu hiệu nhận biết nào, bởi vì các dây thần kinh cột sống không bị tổn thương. Tuy nhiên, đôi khi các dấu hiệu có thể được biểu hiện thông qua da, chẳng hạn như hình thành một búi tóc hoặc một vết bớt nhỏ. Đôi khi vết da này có thể là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn, cần được chẩn đoán bằng MRI hoặc siêu âm.
2. Thoát vị màng tủy
Các triệu chứng thoát vị màng tủy có thể bao gồm:
- Hình thành một lỗ nhỏ ở phía sau lưng
- Có một túi nhỏ có thể nhìn thấy bằng mắt thường lúc mới chào đời
- Màng tủy có thể bị đẩy ra ngoài cơ thể thông qua lỗ đốt sống
- Có thể dẫn đến một số vấn đề ở bàng quang và ruột
Trong trường hợp cần thiết, trẻ có thể được chỉ định phẫu thuật.
3. Thoát vị tủy – màng tủy
Các triệu chứng thoát vị tủy – màng tủy bao gồm:
- Mở ống sống thông qua một số đốt sống, thường ở phần giữa hoặc phần dưới của lưng
- Màng và tủy sống bị đẩy ra bên ngoài lưng, được bọc trong một túi nhỏ
- Yếu hoặc liệt cơ chân
- Co giật
- Bàn chân bị biến dạng
- Hông không đều nhau
- Cong vẹo cột sống
- Có các vấn đề ở bàng quang và ruột
Hầu hết các trường hợp, nứt đốt sống không gây các triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên trong các trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể gặp một số vấn đề ở tủy sống và não, chẳng hạn như:
- Ít hoặc không có cảm giác ở chân, bàn chân, cánh tay, điều này khiến trẻ không thể di chuyển một số bộ phận cơ thể.
- Có vấn đề ở bàng quang hoặc ruột, chẳng hạn như rò rỉ nước tiểu hoặc khó đi đại tiện.
- Cong vẹo cột sống.
- Não úng thủy, gây co giật và ảnh hưởng đến thị lực.
Nguyên nhân gây nứt đốt sống
Nguyên nhân chính xác dẫn đến nứt đốt sống không được xác định rõ ràng. Tuy nhiên các bác sĩ cho rằng, sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và các yếu tố môi trường được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Mặc dù không rõ nguyên nhân, tuy nhiên có một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ dẫn đến dị tật này, chẳng hạn như:
- Thiếu folate: Folate là một dạng vitamin B9, là một loại vitamin quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của em bé khỏe mạnh. Thiếu folate có thể làm tăng nguy cơ nứt đốt sống và một số dị tật ống thần kinh khác. Folate có thể bổ sung thông qua thực phẩm hoặc các sản phẩm bổ sung trước sinh khác.
- Tiền sử gia đình: Những cặp vợ chồng từng sinh con bị nứt đốt sống có nguy cơ sinh những đứa con khác cũng bị nứt đốt sống. Ngoài ra, những phụ huynh có khuyết tật ống thần kinh có nguy cơ sinh con dị tật cao hơn.
- Một số loại thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống động kinh, có thể khiến cơ thể khó hấp thụ axit folic và dẫn đến dị tật ống thần kinh.
- Bệnh tiểu đường: Phụ nữ bị bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt lượng đường trong máu có nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh cao hơn.
- Béo phì: Béo phì và thừa cân trước khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ống sống thần kinh, bao gồm tật nứt đốt sống.
- Tăng nhiệt độ cơ thể: Có một số nghiên cứu cho biết, nhiệt độ cơ thể tăng cao (tăng thân nhiệt) trong những tuần đầu của thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ nứt đốt sống. Nhiệt độ cơ thể tăng, do sốt hoặc sử dụng phòng xông hơi, tắm nước nóng, có thể làm tăng nhẹ nguy cơ nứt đốt sống.
Để phòng ngừa nguy cơ nứt đốt sống, phụ nữ trong độ tuổi mang thai cần có kế hoạch bổ sung axit folic mỗi ngày. Phụ nữ mang thai nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể. Nếu cần dùng thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị để thay đổi loại thuốc hoặc liều lượng để giảm nguy cơ nứt đốt sống.
Nứt đốt sống có nguy hiểm không?
Nứt đốt sống có thể dẫn đến các triệu chứng nhẹ và các vấn đề thể chất nhỏ. Tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể dẫn đến nhiều rủi ro nghiêm trọng hơn. Dưới đây là một số biến chứng liên quan đến tật nứt đốt sống:
- Các vấn đề về di chuyển: Nứt đốt sống khiến các dây thần kinh điều khiển cơ chân không hoạt động bình thường, điều này dẫn đến yếu khu vực bên dưới cột sống, bao gồm yếu chân hoặc tê liệt. Một đứa trẻ có thể đi lại bình thường hay không phụ thuộc vào vị trí khuyết tật, kích thước và sự chăm sóc sau khi sinh.
- Các vấn đề chỉnh hình: Trẻ bị dị tật ống thần kinh có thể gặp nhiều vấn đề ở chân và cột sống do cơ ở chân và lưng yếu. Các vấn đề phụ thuộc vào vị trí khuyết tật, chẳng hạn như cong vẹo cộng sống bẩm sinh, trật khớp hông, biến dạng xương và khớp hoặc co cứng cơ.
- Các vấn đề về ruột và bàng quang: Các dây thần kinh điều khiển ruột và bàng quang có thể bị tổn thương, dẫn đến tiểu tiện hoặc đại tiện không kiểm soát.
- Tích tụ các chất lỏng trong não: Trẻ sơ sinh bị thoát vị tủy – màng tủy có thể bị tích tụ chất lỏng trong não, được gọi là não úng thủy.
- Các vấn đề về Shunt: Shunt được đặt trong não để điều trị não úng thủy, có thể ngừng hoạt động khi nhiễm trùng. Các dấu hiệu khi có các vấn đề ở Shunt bao gồm đau đầu, nôn mửa, buồn ngủ, cáu gắt, lú lẫn, những thay đổi trong mắt (mắt luôn nhìn xuống) và co giật.
- Nhiễm trùng các mô quanh não: Một số trẻ sơ sinh bị u tủy sống có thể bị viêm màng não, một bệnh nhiễm trùng các mô xung quanh não. Tình trạng này có thể gây đe dọa đến tính mạng và gây chấn thương não.
- Rối loạn nhịp thở khi ngủ: Cả trẻ em và người lớn bị nứt đốt sống có thể bị rối loạn nhịp thở khi ngủ, chẳng hạn như ngừng thở khi ngủ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
- Các vấn đề về da: Trẻ bị nứt đốt sống có thể có các vết thương ở bàn chân, cẳng chân, mông hoặc lưng. Trẻ thường không thể cảm nhận được vết phồng rộp hoặc đau. Các vết thương có thể trở nên sâu hơn, nhiễm trùng và gây khó khăn khi điều trị.
- Dị ứng nhựa mủ: Trẻ em bị nứt đốt sống có nguy cơ dị ứng với cao su tự nhiên hoặc các sản phẩm làm từ cao su cao hơn những người khác. Dị ứng dẫn đến phát ban, hắt hơi, ngứa, chảy nước mắt hoặc nước mũi. Tình trạng này cũng có thể dẫn đến sốc phản vệ, một tình trạng gây đe dọa đến tính mạng. Do đó, tốt nhất trẻ nên sử dụng găng tay và tránh các sản phẩm nhựa mủ.
- Các biến chứng khác: Có một số vấn đề phát sinh khác liên quan để trẻ bị nứt đốt sống, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu, rối loạn tiêu hóa và trầm cảm. Ngoài ra, trẻ cũng có thể phát triển một số vấn đề trong học tập, chẳng hạn như sự chú ý kém và khó đọc hoặc khó làm toán.
Chẩn đoán nứt đốt sống như thế nào?
Ở phụ nữ mang thai, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm sàng lọc trước sinh để kiểm tra chứng nứt đốt sống và các dị tật bẩm sinh khác. Tuy nhiên các xét nghiệm này có thể không chính xác, một số phụ nữ có xét nghiệm dương tính nhưng sinh con không bị nứt đốt sống. Ngược lại ngay cả khi xét nghiệm âm tính, vấn có một số khả năng nhỏ bị nứt đốt sống. Trao đổi với bác sĩ về các xét nghiệm trước sinh và rủi ro của chẩn đoán để có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp.
1. Xét nghiệm máu
Tật nứt đốt sống có thể được kiểm tra bằng cách xét nghiệm máu của phụ nữ mang thai, bao gồm:
- Xét nghiệm alpha-fetoprotein (MSAFP) huyết thanh của mẹ: Bác sĩ sẽ lấy một mẫu máu của mẹ để xét nghiệm alpha-fetoprotein (AFP), một loại protein do em bé sản xuất. Một lượng nhỏ AFP sẽ đi qua nhau thai và đi vào máu của mẹ. Tuy nhiên nồng độ AFP cao bất thường có thể là dấu hiệu khuyết tật ống thần kinh, bao gồm nứt đốt sống.
- Xác nhận nồng độ AFP cao: Nồng độ AFP thay đổi có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác, bao gồm tính toán sai tuổi thai hoặc đa thai. Do đó, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để theo dõi.
- Các xét nghiệm máu khác: Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm MSAFP hoặc một vài xét nghiệm máu khác, để sàng lọc các bệnh lý liên quan, bao gồm hội chứng Down, để có kế hoạch xử lý phù hợp nhất.
2. Siêu âm
Siêu âm là phương pháp chính xác nhất để xác định tật nứt đốt sống ở thai nhi. Siêu âm sẽ được thực hiện trong ba tháng đầu của thai kỳ (từ tuần 11 – 14) và ba tháng giữa (từ tuần 18 – 22). Tật nứt đốt sống thường được chẩn đoán chính xác trong ba tháng giữa của thai kỳ. Do đó, việc khám thai định kỳ là điều cực kỳ quan trong trong việc loại bỏ các dị tật bẩm sinh.
Các phương pháp siêu âm nâng cao cũng được chỉ định để chẩn đoán tật nứt đốt sống, chẳng hạn như cột sống hở hoặc các điểm bất thường cụ thể trong não. Ngoài ra, siêu âm cũng có thể đánh giá mức độ nghiêm trọng của dị tật bẩm sinh.
3. Chọc dò ối
Nếu siêu âm xác định tình trạng nứt đốt sống ở trẻ trước khi sinh, bác sĩ có thể yêu cầu chọc dò ối. Trong quá trình chọc dò màng ối, bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim để lấy một mẫu chất lỏng từ túi ối bao quanh em bé và kiểm tra ở phòng thí nghiệm. Việc kiểm tra này rất quan trọng để loại trừ các bệnh di truyền, mặc dù nứt đốt sống hiếm khi liên quan đến di truyền.
Trao đổi với bác sĩ về các rủi ro khi chọc dò ối, bao gồm cả nguy cơ sảy thai.
Biện pháp điều trị nứt đốt sống
Các biện pháp điều trị tật nứt đốt sống phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Dị tật nhẹ có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, các tổn thương nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến chức năng thần kinh, có thể cần được điều trị để tránh các rủi ro liên quan.
1. Phẫu thuật trước khi sinh
Chức năng thần kinh của trẻ có thể không phát triển nếu các triệu chứng nứt đốt sống không được điều trị. Phẫu thuật điều trị nứt đốt sống được thực hiện trước khi sinh diễn ra trước tuần 26 của thai kỳ. Các bác sĩ sẽ bóc tách tử cung của mẹ, mở rộng tử cung và điều chỉnh tủy sống của em bé. Đôi khi thủ thuật này được thực hiện bằng cách ít xâm lấn hơn, thông qua một công cụ phẫu thuật đặc biệt để đưa vào tử cung.
Nghiên cứu cho biết, phẫu thuật có thể giảm thiểu tình trạng khuyết tật và ít khi cần đến nạng hoặc các thiết bị tập đi khác. Phẫu thuật cũng có thể làm giảm nguy cơ não úng thủy và các rủi ro khác. Trao đổi với bác sĩ đề được tư vấn phù hợp về lợi ích cũng như các rủi ro tiềm ẩn, để có quyết định điều trị phù hợp.
Điều quan trọng trước khi phẫu thuật là đánh giá toàn diện liệu phẫu thuật có hiệu quả hay không. Phẫu thuật cần được thực hiện tại cơ sở y tế có chuyên môn và bởi một bác sĩ giàu kinh nghiệm. Thông thường, nhóm phẫu thuật bao gồm bác sĩ phẫu thuật thai nhi, bác sĩ phẫu thuật thần kinh nhi khoa, chuyên gia y học sản khoa, bác sĩ tim mạch thai nhi và bác sĩ sơ sinh. Do đó, điều quan trọng là đến các cơ sở y tế chất lượng để đảm bảo an toàn và hiệu quả phẫu thuật.
2. Sinh mổ
Nhiều trẻ bị thoát vị tủy – màng tủy thường có tư thế ngôi mông. Nếu em bé ở tư thế này, bác sĩ có thể đề nghị sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
3. Phẫu thuật sau sinh
Thoát vị tủy – màng tủy cần được phẫu thuật hỗ trợ cột sống trong 72 giờ sau khi sinh. Thực hiện phẫu thuật sớm có thể giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng liên quan đến các dây thần kinh tiếp xúc. Ngoài ra, phẫu thuật cũng giúp bảo vệ tủy sống khỏi các chấn thương nghiêm trọng hơn.
Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ đặt các dây thần kinh, tủy sống và mô vào bên trong cơ thể và bao phủ bằng da. Đồng thời, bác sĩ cũng có thể đặt một shunt trong não của bé để kiểm soát chứng não úng thủy.
4. Điều trị các biến chứng
Các tổn thương thần kinh là không thể điều trị và cần được chăm sóc thường xuyên bởi đội ngũ bác sĩ có chuyên môn. Trẻ có thể cần được phẫu thuật nhiều hơn để kiểm soát các biến chứng, chẳng hạn như chân yếu, các vấn đề bàng quang và ruột.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các biến chứng, các biện pháp điều trị bao gồm:
- Dụng cụ hỗ trợ di chuyển: Một số trẻ có thể bắt đầu các bài tập đi bằng cách sử dụng nẹp hoặc nạng. Một số trẻ có thể cần sử dụng xe tập đi hoặc xe lăn, dụng cụ hỗ trợ vận động cũng như tập vật lý trị liệu thường xuyên, điều này có thể giúp trẻ trở nên độc lập.
- Kiểm soát ruột và bàng quang: Bác sĩ có thể đề nghị chụp X – quang, kiểm tra thận, siêu âm, xét nghiệm máu và nghiên cứu chức năng bàng quang, để xác định các vấn đề có thể xảy ra khi trẻ lớn hơn.
- Phẫu thuật não úng thủy: Hầu hết trẻ sơ sinh bị thoát vị tủy – màng tủy cần đặt shunt để đưa chất lỏng vào ổ bụng. Ống này sẽ được đặt ngay sau khi sinh.
- Điều trị các biến chứng khác: Các thiết bị khác, chẳng hạn như ghế tắm, ghế đi lại và khung đứng, có thể giúp cải thiện các hoạt động hàng ngày. Các biến chứng khác, chẳng hạn như xoắn cột sống, các vấn đề tiêu hóa hoặc các vấn đề khác, có thể cần được theo dõi để tăng cường chất lượng cuộc sống.
5. Chăm sóc trẻ nứt đốt sống
Trẻ bị nứt đốt sống cần được theo dõi và quan sát chặt chẽ. Bác sĩ sẽ đánh giá sự tăng trưởng, nhu cầu tiêm chủng và các vấn đề y tế nói chung, để đảm bảo quá trình phát triển bình thường của trẻ.
Cha mẹ và người chăm sóc cần dành nhiều thời gian để trò chuyện cũng như khuyến khích trẻ về mặt tinh thần, xã hội.
Phòng ngừa nứt đốt sống như thế nào?
Nứt đốt sống có thể phòng ngừa bằng cách bổ sung đầy đủ axit folic khi mang thai. Axit folic cần được sử dụng trước khi mang thai ít nhất là một tháng và tiếp tục trong 3 tháng tiếp theo của thai kỳ. Điều này có thể ngăn ngừa nứt đốt sống cũng như các dị tật thần kinh khác.
Một số phương pháp phòng ngừa nứt đốt sống bao gồm:
1. Bổ sung axit folic trước khi mang thai
Cung cấp đầy đủ lượng axit folic trong những tháng đầu của thai kỳ rất quan trọng để phòng ngừa tật nứt đốt sống. Tuy nhiên bởi vì phụ nữ thường không phát hiện thai kỳ trong thời điểm này, do đó các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên bổ sung khoảng 400 mcg axit folic mỗi ngày.
Một số loại thực phẩm có chứa axit folic bao gồm mỳ ống, bánh mì nguyên cám, cơm, một số loại ngũ cốc.
2. Lên kế hoạch mang thai
Phụ nữ có kế hoạch mang thai cần bổ sung 400 – 800 mcg axit folic mỗi ngày. Hầu hết mọi người không thể nhận đủ lượng axit folic cần thiết thông qua chế độ ăn uống. Do đó, phụ nữ mang thai được khuyến cáo sử dụng các sản phẩm tổng hợp. Nhận đủ lượng axit folic cũng sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh khác, bao gồm sứt môi và hở hàm ếch.
Phụ nữ có kế hoạch mang thai cũng nên ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm các loại thực phẩm giàu folate hoặc giàu axit folic. Vitamin này có trong tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm:
- Các loại đậu
- Trái cây và nước trái cây họ cam, quýt
- Lòng đỏ trứng
- Sữa
- Bơ
- Các loại rau có màu xanh đậm, chẳng hạn như rau bina và bông cải xanh
Các tật nứt đốt sống có thể tự nhẹ đến nghiêm trọng. Một số dạng khuyết tật chỉ gây ảnh hưởng nhẹ đến hoạt động thể chất, tuy nhiên đôi khi trẻ có thể cần hỗ trợ và được chăm sóc đúng cách. Điều quan trọng là xác định mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và điều trị phù hợp. Phụ nữ mang thai và có kế hoạch mang thai, nên bổ sung axit folic dưới dạng tổng hợp cũng như xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, trái cây, để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!