Khô Khớp
Khô khớp là tình trạng giảm tiết dịch ở các khớp dẫn đến cứng khớp, đau, hạn chế khả năng mở rộng khớp và giảm tính linh hoạt. Tình trạng này thường gặp ở những người trẻ ít vận động và người lớn tuổi. Để cải thiện, người bệnh cần duy trì vận động kết hợp chế độ ăn uống đủ chất giúp kích thích sản sinh dịch nhầy bôi trơn.
Khô khớp là gì?
Khô khớp là hiện tượng giảm hoặc không thể tiết dịch nhầy bôi trơn ở các khớp. Tình trạng này dẫn đến cứng khớp, khó co – duỗi, giảm tính linh hoạt trong các hoạt động và thường xuyên đau nhức. Ngoài ra các khớp bị tổn thương còn phát ra tiếng kêu lụp cụp khi di chuyển, co hoặc duỗi khớp.
Bệnh thường gặp ở những người trẻ ít vận động và người lớn tuổi. Để cải thiện tình trạng, các yếu tố nguy cơ cần được loại bỏ. Ngoài ra bệnh nhân cần duy trì thói quen vận động kết hợp chế độ ăn uống khoa học để kích thích quá trình tăng tiết dịch nhầy. Đồng thời giảm nguy cơ thoái hóa khớp sớm – biến chứng thường gặp của bệnh.
Nguyên nhân gây khô khớp
Khô khớp xảy ra khi khả năng tiết dịch nhầy bôi trơn ở các khớp suy giảm, tổn thương sụn khớp hoặc xương dưới sụn. Nguyên nhân gây bệnh có thể bao gồm:
- Lười vận động: Khô khớp thường gặp ở những người lười vận động hoặc có công việc cần ngồi lâu như nhân viên văn phòng. Bởi điều này khiến quá trình tiết dịch ở các khớp bị ảnh hưởng và làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
- Thoái hóa xương khớp: Khi bị thoái hóa xương khớp, ổ khớp có xu hướng mất tính ổn định và cản trở quá trình tiết dịch nhầy bôi trơn các khớp. Điều này khiến khớp bị khô và co cứng. Thoái hóa xương khớp thường xảy ra ở những người trên 60 tuổi và người trẻ ít vận động.
- Chấn thương: Tổn thương sụn khớp sau chấn thương khiến bao khớp mỏng, bề mặt sần sùi, giảm độ đàn hồi và dễ bị nứt vỡ. Sau một thời gian, phần sụn thường có dấu hiệu hao mòn, giảm tiết dịch, hai đầu xương đối đầu và ma sát với nhau khi di chuyển. Điều này tạo cảm giác đau nhức, co cứng và khó khăn khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt.
- Vận động nặng: Những người thường xuyên làm việc gắng sức, vận động mạnh hoặc mang vác vật nặng sẽ làm tăng áp lực lên các khớp. Điều này khiến sụn và xương dưới sụn dễ tổn thương và hao mòn. Lâu ngày dẫn đến tình trạng khô khớp và mất tính ổn định trong ổ khớp.
- Thừa cân béo phì: Tổn thương khớp và khô khớp thường xảy ra ở những người thừa cân béo phì. Bởi trọng lượng dư thừa có thể làm tăng áp lực lên xương và các khớp dẫn đến xương yếu, mất tính ổ định của ổ khớp và dễ tổn thương. Tình trạng này thường xảy ra ở khớp gối, khớp cổ chân.
- Sinh hoạt kém lành mạnh: Thoái hóa khớp, yếu xương và giảm tiết dịch khớp thường xảy ra ở những người có thói quen sinh hoạt kém lành mạnh. Cụ thể như: Thường xuyên dùng rượu và thuốc lá, ngủ muộn dậy sớm, lạm dụng khớp quá mức, chế độ ăn uống nghèo nàn, không đủ chất dinh dưỡng.
- Bệnh lý: Ngoài thoái hóa khớp, khô khớp cũng có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân bệnh lý. Cụ thể như các dạng viêm khớp, viêm màng bao hoạt dịch khớp, hoại tử xương…
Triệu chứng bệnh khô khớp
Triệu chứng đau nhức tại khớp:
- Cứng khớp
- Khớp phát ra tiếng kêu lụp cục khi cử động
- Khó co duỗi khớp
- Hạn chế khả năng vận động
- Khó mở rộng khớp
Những triệu chứng đi kèm (tùy thuộc vào nguyên nhân):
- Đau khi cử động hoặc di chuyển
- Đau giảm nhanh hoặc mất đi khi nghỉ ngơi
- Sưng khớp, nóng đỏ quanh khớp tổn thương
- Thấy khớp lỏng lẻo và giảm khả năng chịu lực
- Giảm sức mạnh
Bệnh khô khớp có nguy hiểm không?
Khô khớp thường đi kèm với cảm giác đau nhức và giảm khả năng mở rộng khớp. Điều này khiến người bệnh khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Ngoài ra nếu không sớm khắc phục và loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, người bệnh có thể gặp một số vấn đề nghiêm trọng sau:
- Thoái hóa khớp tiến triển
- Yếu và khả năng vận động
- Biến dạng các khớp
- Teo cơ, biến dạng khớp
- Liệt khớp hoặc liệt chi
- Đau xương khớp mãn tính
Cách chẩn đoán bệnh khô khớp
Trong trường hợp bị khô khớp kéo dài và kèm theo những biểu hiện bất thường, người bệnh sẽ được chẩn đoán xác định với những kỹ thuật sau:
- Kiểm tra lâm sàng: Đầu tiên bác sĩ tiến hành kiểm tra bệnh sử và các biểu hiện bên ngoài như sưng, đỏ khớp. Sau đó bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện một số động tác giúp kiểm tra khả năng vận động, phạm vi mở rộng khớp. Đồng thời mô tả triệu chứng đau, cứng khớp, đánh giá mức độ nghiêm trọng và những khớp bị ảnh hưởng.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được chỉ định khi có nghi ngờ khô khớp là triệu chứng của các dạng viêm khớp, điển hình như viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm xương khớp… Xét nghiệm này cho phép kiểm tra loại vi khuẩn đang hoạt động, protein phản ứng C, tốc độ lắng máu… Từ đó xác định chính xác nguyên nhân làm giảm tiết dịch nhầy.
- Xét nghiệm hình ảnh: Thông thường X-quang sẽ được chỉ định để kiểm tra gai xương, tổn thương xương dưới sụn và những bất thường khác của xương. Ngoài ra chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng được thực hiện để kiểm tra toàn bộ ổ khớp, đánh giá mức độ tổn thương mô mềm, tình trạng hao mòn sụn và những bất thường khác khiến quá trình tiết dịch khớp không xảy ra.
Cách điều trị bệnh khô khớp
Để điều trị khô khớp, người bệnh cần loại bỏ căn nguyên và áp dụng các biện pháp điều trị. Nếu bệnh tiến triển do nguyên nhân cơ học, người bệnh có thể duy trì các biện pháp chăm sóc tại nhà. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng và bắt nguồn từ những nguyên nhân bệnh lý, người bệnh nên thăm khám kỹ lưỡng và tiến hành điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Một số biện pháp chăm sóc và điều trị khô khớp thường được áp dụng:
Chườm ấm
Để cải thiện tình trạng, người bệnh nên áp dụng biện pháp chườm ấm. Biện pháp này có tác dụng kích thích tuần hoàn máu và tăng sản sinh dịch nhầy bôi trơn khớp. Từ đó tăng khả năng chữa lành tổn thương, giảm cứng khớp và khô khớp.
Ngoài ra chườm ấm còn có tác dụng thư giãn các khớp xương tổn thương, giảm cảm giác đau nhức, hạn chế căng cơ, tăng phạm vi mở rộng khớp và khả năng vận động của người bệnh.
Chườm ấm nên được thực hiện 4 lần/ ngày, mỗi lần 20 phút. Có thể dùng chai thủy tinh hoặc túi chườm chứa nước ấm áp lên các khớp bị tổn thương.
Duy trì thói quen vận động và luyện tập
Lười vận động, ngồi lâu… là nguyên nhân phổ biến làm ảnh hưởng đến quá trình tiết dịch và gây khô khớp. Chính vì thế người bệnh cần duy trì thói quen vận động và luyện tập để ổn định ổ khớp, kích thích tiết dịch nhầy bôi trơn và sớm cải thiện tình trạng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy vận động và luyện tập mỗi ngày giúp ổn định lượng dịch khớp bôi trơn, phòng ngừa và điều trị khô khớp, cứng khớp, duy trì tính linh hoạt và khả năng vận động. Đồng thời giúp cải thiện phạm vi mở rộng khớp ở những người bị khô khớp.
Ngoài ra duy trì thói quen vận động còn làm dịu cơn đau, giảm cân và duy trì trọng lượng khỏe. Điều này làm giảm áp lực lên các khớp xương và hạn chế tổn thương khớp tiến triển.
Yoga, đi bội, bôi lội, chạy bộ, đạp xe… là những bộ môn thích hợp. Tuy nhiên cần tránh vận động gắng sức. Tốt nhất chỉ nên vận động và luyện tập 60 phút mỗi ngày.
Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh
Đối với khô khớp, người bệnh cần tăng cường bổ sung những loại thực phẩm giàu omega-3. Điển hình như hạt lanh, trứng cá muối, dầu gan các tuyết, cá hồi, cá mòi, cá trích… Thành phần dinh dưỡng này còn được gọi là axit alpha-linolenic (ALA).
Việc bổ sung axit alpha-linolenic (ALA) hàng ngày sẽ giúp người bệnh giảm viêm, kích thích tăng tiết dịch khớp bôi trơn, hạn chế cứng khớp và khô khớp. Từ đó giúp các chuyển động trở nên trơn tru hơn.
Ngoài ra người bệnh được khuyên ăn nhiều quả mọng, trái cây tươi và các loại rau củ giàu chất chống oxy hóa, vitamin C. Những thành phần dinh dưỡng này có tác dụng giảm viêm, hạn chế đau, giảm nguy cơ thoái hóa khớp và tổn thương xương.
Dầu cá cũng nên được bổ sung trong chế độ ăn uống của người bị khô khớp. Bởi loại thực phẩm này chứa axit docosahexaenoic (DHA) và axit eicosapentaenoic (EPA) – chất béo không bão hòa. Cả DHA và EPA đều có tác dụng phòng ngừa khô khớp và cứng khớp vào mỗi buổi sáng.
Dùng thuốc giảm đau không kê đơn
Nếu khô khớp kèm theo đau nhức hoặc/ và viêm khớp, người bệnh có thể thử dùng một số loại thuốc giảm đau chống viêm không kê đơn. Điển hình như Acetaminophen và NSAID.
- Acetaminophen: Cơn đau có thể nhanh chóng thuyên giảm khi dùng Acetaminophen với liều 500mg (1 viên)/ lần, mỗi 6 giờ 1 lần. Thuốc có tác dụng giảm đau ở mức độ nhẹ. Ngoài ra thuốc này còn có tác dụng hạ sốt hiệu quả.
- Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID): Nếu khô khớp kèm theo đau và viêm sưng, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid để cải thiện. Thuốc này có tác dụng điều trị viêm, giảm đau ở mức nhẹ và trung bình. Tuy nhiên cần dùng thuốc theo hướng dẫn của dược sĩ/ bác sĩ và chỉ nên điều trị ngắn hạn. Aspirin, Ibuprofen và Naproxen là những loại thuốc thường dùng.
Tiêm Steroid
Nếu khô khớp do viêm khớp và kèm theo những triệu chứng nghiêm trọng, tiêm Steroid có thể được chỉ định. Thuốc này có tác dụng ức chế miễn dịch, điều trị viêm, giảm đau và khô khớp do viêm.
Tuy nhiên Steroid không được chỉ định cho những trường hợp có viêm khớp đang tiến triển. Ngoài ra các triệu chứng có thể tái phát sau khi tiêm Steroid 3 – 12 tháng.
Lời khuyên cách phòng tránh bệnh khô khớp
Một số biện pháp có thể giúp phòng ngừa khô khớp hiệu quả. Bao gồm:
- Duy trì vận động và luyện tập với những bài tập có cường độ thích hợp.
- Không nên ngồi lâu một chỗ. Đối với nhân viên văn phòng, bạn cần thường xuyên vươn vai, đi lại, co duỗi khớp gối… mỗi 60 phút/ lần để hạn chế tình trạng khô khớp.
- Tránh vận động gắng sức, nên cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Ngoài ra cần hạn chế mang vác vật nặng để tránh tăng áp lực lên các khớp dẫn đến tổn thương.
- Duy trì trọng lượng khỏe mạnh. Nên ăn uống khoa học và luyện tập để giảm cân khi cần thiết.
- Thường xuyên xoa bóp để thư giãn và kích thích tăng tiết dịch nhầy ở các khớp.
- Điều trị khỏi các chấn thương và bệnh lý đang gặp phải.
- Bổ sung Glucosamine cũng là cách phòng ngừa thoái hóa khớp và khô khớp hiệu quả.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên bổ sung vitamin C, omega-3, chất chống oxy hóa, canxi và vitamin D. Những thành phần dinh dưỡng này có tác dụng phòng ngừa và trị viêm, đau khớp. Đồng thời chống thoái hóa và kích thích tăng tiết dịch khớp bôi trơn.
Khô khớp là tình trạng phổ biến, thường xảy ra do lười vận động và quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Hầu hết các trường hợp có thể kiểm soát và ngăn tái phát bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên nếu khô khớp bắt nguồn từ nguyên nhân bệnh lý, người bệnh nên thăm khám cùng với bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời tiến hành điều trị theo chỉ định để hạn chế rủi ro.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!