Hồng Ban Nút
Hồng ban nút có thể dẫn đến các vết sưng đỏ, đau đớn dưới da, thường phổ biến ở cẳng chân, đùi và cẳng tay. Tình trạng da này có thể được cải thiện trong 2 đến 6 tuần nếu được chăm sóc phù hợp.
Hồng ban nút là gì?
Hồng ban nút (Erythema nodosum) là một dạng viêm mô da phổ biến. Đây là tình trạng viêm các mô mỡ bên dưới da (panniculitis), thường xảy ra do phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với nhiễm trùng hoặc phản ứng với các loại thuốc đã sử dụng.
Bệnh thường được biểu hiệu dưới dạng nổi u sẩn hoặc xuất hiện các cục u nhỏ ở dưới da, thường phổ biến ở ống chân. Tuy nhiên đôi khi tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.
Tại Việt Nam, nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây hồng ban nút là bệnh lao và nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết. Hầu hết các trường hợp bệnh xảy ra ở những người trong độ tuổi 20 đến 45. Phụ nữ có nguy cơ phát triển hồng ban nút cao gấp 5 lần nam giới.
Các triệu chứng bệnh có thể tự biến mất sau 3 đến 6 tuần. Sau khi được cải thiện, bệnh sẽ để lại những vết bầm tím tạm thời trên da hoặc các vết lõm mãn tính tại lớp mô mỡ bị tổn thương.
Trong trường hợp mãn tính, bệnh có thể kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên đôi khi bệnh có thể kéo dài trong vài năm. Hồng ban nút mãn tính có thể tái phát và đôi khi có thể đi kèm với một số bệnh lý tiềm ẩn khác trong cơ thể.
Dấu hiệu nhận biết hồng ban nút
Triệu chứng chính của hồng ban nút là xuất hiện các vết sưng, đỏ, đau đớn ở cẳng chân. Đôi khi các vết sưng này có thể xuất hiện ở đùi, cánh tay, cơ thể và mặt. Các nốt mẩn có thể có kích thước từ 3.81 cm đến 10.16 cm. Người bệnh có thể có 2 hoặc 50 các nốt đỏ trên cơ thể.
Các nốt sẩn này thường có màu đỏ khi xuất hiện, sau đó chuyển dần thành màu tím, giống như các vết bầm tím trên da. Tình trạng da này có thể gây đau đớn và cảm giác nóng rát.
Trong hầu hết các trường hợp, các nốt sẩn sẽ lành lại trong 2 tuần và các nốt sẩn mới sẽ được hình thành trong tối đa là 6 tuần.
Các triệu chứng liên quan khác có thể bao gồm:
- Sốt
- Mệt mỏi
- Đau khớp
- Đau chân
- Sưng mắt cá chân
- Nổi hạch ở ngực
- Ho
- Đau họng
- Nhiễm trùng phổi, cổ họng hoặc mũi
- Viêm kết mạc
- Giảm cân
- Đau bụng
- Tiêu chảy
Đôi khi, hồng ban nút có thể phát triển đột ngột và không dẫn đến bất cứ dấu hiệu nhận biết nào.
Nguyên nhân gây hồng ban nút
Có khoảng 50% tình trạng hồng ban nút không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra ở những người mang gen HLA B8 (chiếm 80%) và liên quan đến các tính chất di truyền (chiếm khoảng 6%).
Ban đỏ thường xuất hiện sau khi cơ thể bị nhiễm trùng hoặc sau khi người bệnh đã sử dụng một số loại thuốc. Các bác sĩ cho rằng, nguyên nhân gây hồng ban nút xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với vi khuẩn và một số chất khác trong cơ thể.
Tại Việt Nam, nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây hồng ban nút là bệnh lao và nhiễm khuẩn liên cầu. Bên cạnh đó, nhiễm virus viêm gan A, B, C, nhiễm khuẩn Chlamydia, Yersinia, Salmonela hoặc Mycobacterium leprae (bệnh phong) cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm mô da này.
Các nguyên nhân khác có thể bao gồm:
- Bệnh lý gây viêm trong cơ thể, chẳng hạn như bệnh Behcet, Sarcoidose, bệnh Crohn hoặc viêm đại trực tràng chảy máu
- Nguyên nhân liên quan đến thuốc (chiếm khoảng 3 – 10% các trường hợp), chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid, thuốc tránh thai, các dẫn xuất iod, sulfamil,…
- Mang thai (chiếm khoảng 2 -5% các trường hợp bệnh)
Hồng ban nút có nguy hiểm không?
Hồng ban nút thường không gây nguy hiểm và có thể tự cải thiện trong 3 đến 6 tháng. Tuy nhiên đôi khi tình trạng viêm mô da này có thể phát triển thành mãn tính và tái phát liên tục trong vài năm.
Viêm da do hồng ban nút mãn tính thường ít nghiêm trọng nhưng thường kéo dài và có thể gây khó chịu.
Chẩn đoán hồng ban nút
Hồng ban nút có thể được chẩn đoán thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng và mô bệnh học. Bác sĩ có thể kiểm tra các triệu chứng lâm sàng và đề nghị các xét nghiệm liên quan để chẩn đoán chính xác.
1. Dấu hiệu lâm sàng
Biểu hiện đặc trưng của tình trạng viêm mô da này là phát ban da màu đỏ, sẩn cứng và có dạng u cục.
- Hình thái: Cục u có thể nhìn hoặc sờ thấy ở dưới da, có hình tròn hoặc hình oval, với đường kính dao động từ 1 – 10 cm, tuy nhiên, kích thước phổ biến khoảng 1 – 2 cm. Các nốt u này thường rắn, ít di động, vùng da xung quanh nốt sẩn có thể bị sưng hoặc phù nề. Trong một số trường hợp, các sẩn cục có thể kết hợp lại với nhau tạo thành một mảng tổn thương lớn.
- Vị trí hình thành bệnh: Thường phổ biến ở mặt trước của cẳng chân, thường đối xứng và phát triển ở cả hai bên chân. Tuy nhiên, các nốt sẩn có thể hình thành ở bất cứ nơi nào có chất béo ở dưới da, chẳng hạn như đùi, cánh tay, mặt, thân. Hiếm khi các tổn thương hồng ban nút xuất hiện ở vùng mặt và cổ.
- Diễn tiến bệnh: Phát ban da thường đa dạng, màu sắc có thể thay đổi từ màu đỏ xuất huyết dưới da sau đó chuyển sang màu tím hơi xanh, vàng nhạt, nâu và cuối cùng là màu xanh lá cây. Các triệu chứng thường biến mất trong 10 – 15 ngày và không để lại sẹo hoặc di chứng teo da.
- Các triệu chứng kèm theo: Hồng ban nút thường kết hợp với các dấu hiệu tương tự như bệnh sốt, cúm và mang lại cảm giác mệt mỏi. Người bệnh cũng có thể bị cứng khớp, đau khớp, viêm màng hoạt dịch. Các triệu chứng này có thể xảy ra kết hợp hoặc trước các tổn thương da và có thể kéo dài đến 6 tháng.
2. Cận lâm sàng
Hội chứng viêm: Bạch cầu đa nhân trung tính tăng, tốc độ máu lắng trong giờ đầu tăng
Mô bệnh học: Sinh thiết da được chỉ định thực hiện trong trường hợp không điển hình. Kết quả có thể xác định tình trạng viêm có vách ở các tế bào mỡ dưới da cấp tính hoặc mạn tính.
Các xét nghiệm xác định nguyên nhân:
- Kiểm tra dịch cổ họng với xét nghiệm phân lập liên cầu khuẩn tan huyết và xét nghiệm ASLO.
- Chụp X – quang phổi (hoặc chụp CT phổi khi cần thiết), Test Mantoux và nội soi phế quản để kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn BK.
- Chụp X – quang phổi để kiểm tra hạch rốn phổi ở một bên thường xuất hiện ở các bệnh nhiễm trùng ác tính hoặc ung thư.
3. Chẩn đoán xác định
Thể điển hình: Các triệu chứng bệnh được thể hiện rõ ràng, được chẩn đoán dễ dàng, bệnh nhân có thể kèm theo sốt hoặc đau khớp.
Thể không điển hình: Cần sinh thiết da để xác định các tổn thương gây bệnh.
4. Chẩn đoán phân biệt
Hồng ban nút cần được chẩn đoán phân biệt với các tình trạng da bán cấp tính hoặc mãn tính khác.
Trong giai đoạn đầu cần chẩn đoán phân biệt với bệnh viêm quầng (erysipèle), mề đay cấp tính, viêm tắc tĩnh mạch nông, viêm tắc tĩnh mạch dạng nốt hoặc vết côn trùng cắn.
Trong giai đoạn tiến triển cần chẩn đoán phân biệt hồng ban nút với tình trạng viêm mạch hoại tử hoặc viêm nút quanh động mạch.
Điều trị hồng ban nút
Hầu hết các trường hợp hồng ban nút có thể tự cải thiện trong vòng 3 – 6 tuần và không dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Việc điều trị thường nhằm mục đích loại bỏ các nguyên nhân, chẳng hạn như bệnh lao hoặc liên cầu.
Tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản và các dấu hiệu liên quan, người bệnh có thể cải thiện các triệu chứng với các biện pháp như:
1. Chăm sóc tại nhà
Khi được nghỉ ngơi đầy đủ, hồng ban nút có thể tự khỏi hoàn toàn trong 1 – 2 tháng. Tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể kéo dài trong 6 tháng hoặc hơn. Điều này thường xảy ra khi người bệnh có các bệnh lý tiềm ẩn hoặc tình trạng nhiễm trùng không được điều trị phù hợp.
Trong giai đoạn đầu, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp điều trị, chẳng hạn như:
- Nghỉ ngơi tại giường, đặc biệt là khi người bệnh bị sưng hoặc đau đớn nghiêm trọng.
- Chườm đá lên vùng da bị ảnh hưởng trong 15 – 20 phút mỗi lần và vài lần mỗi ngày.
- Nâng cao khu vực bị ảnh hưởng để hạn chế lưu lượng máu và cải thiện các triệu chứng.
- Sử dụng thuốc giảm đau và chống viêm không kê đơn.
- Thay đổi các loại thuốc có thể gây hồng ban nút dưới sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
2. Điều trị y tế
Nếu các biện pháp tại nhà không mang lại hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định thuốc điều trị. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:
- Corticosteroid: Sử dụng với liều lượng 40 mg mỗi ngày (đối với thể không rõ nguyên nhân), các nốt hồng ban thường được cải thiện sau vài ngày. Nếu hồng ban kéo dài, sử dụng acetonide, với liều 5 mg / ml, dùng thuốc bằng cách tiêm trực tiếp lên trùng tâm các nốt hồng ban.
- Colchicin: Thuốc thường được chỉ định trong trường hợp hồng ban nút do bệnh Beςhcet. Liều lượng sử dụng 0.6 mg – 1.2 mg, sử dụng hai lần mỗi ngày.
- Trong trường hợp hồng ban nút do viêm đại tràng chảy máu hoặc bệnh Crohn, có thể chỉ định Hydroxychloroquin 200 mg / ngày. Hoặc có thể sử dụng cyclosporin A hoặc các loại thuốc sinh học, chẳng hạn như Infliximab, Rituximab…
- Thuốc chống sốt rét tổng hợp: Hydroxychloroquine với liều lượng 200 mg hai lần mỗi ngày.
- Muối iod (iodure de potassium): Có thể chỉ định sử dụng trong trường hợp tổn thương hồng ban nút kéo dài không rõ nguyên nhân.
3. Điều trị hồng ban nút ở phụ nữ mang thai
Khoảng 5% phụ nữ mang thai phát triển các triệu chứng hồng ban nút. Nguyên nhân thường là do nồng độ estrogen tăng lên khi mang thai.
Hồng ban nút ở phụ nữ mang thai được điều trị tương tự như các trường hợp không mang thai. Tuy nhiên, một số loại thuốc như NSAID không được khuyến khích sử dụng trong thai kỳ để tránh các rủi ro liên quan.
Phụ nữ mang thai thường được khuyến cáo nghỉ ngơi tại giường và mang vớ chân hoặc chườm lạnh để cải thiện cơn đau và các triệu chứng khác.
Trao đổi với bác sĩ sản phụ khoa để được hướng dẫn các biện pháp tốt nhất.
Tiên lượng cho bệnh hồng ban nút
Hồng ban nút thường tự khỏi sau 3 – 6 tuần và không dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên bệnh có thể tái phát (khoảng 12 -14%) nếu không được điều trị các nguyên nhân gây bệnh. Do đó, điều quan trọng là cần xác định được các nguyên nhân cơ bản (nếu có).
Có thể bạn muốn biết: Thoái hóa khớp là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!