Hoại Tử Xương

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Lương y Phùng Hải Đăng | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Hoại tử xương là tình trạng gián đoạn nguồn cung cấp máu khiến mô xương chết đi. Bệnh không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Trong giai đoạn tiến triển, bệnh nhân đau xương khớp dữ dội và hạn chế khả năng cử động. Quá trình điều trị cần diễn ra nhanh chóng để ngăn ngừa biến chứng.

Hoại tử xương
Hoại tử xương là tình trạng mô xương chết do gián đoạn/ giảm nguồn cung cấp máu nuôi dưỡng

Hoại tử xương là bệnh gì?

Hoại tử xương còn được gọi là nhồi máu xương hay hoại tử vô mạch (AVN). Bệnh lý này là tình trạng mô xương chết do gián đoạn nguồn cung cấp máu. Bệnh thường không gây triệu chứng trong thời gian đầu. Khi hoại tử tiến triển, bệnh nhân có thể cảm thấy đau đớn và khó cử động ở vùng có xương bị ảnh hưởng.

Bệnh thường gặp ở những người sử dụng steroid liều cao, nghiện rượu hoặc có chấn thương trước đó. Hoại tử xương cần được điều trị sớm và tích cực để ngăn biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như xẹp xương hoặc xẹp bề mặt khớp lân cận.

Thông thường người bệnh được sử dụng thuốc, tiêm tủy tự thân hoặc thay khớp để điều trị. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân được cân nhắc điều trị với những phương pháp thích hợp.

Dấu hiệu và triệu chứng của hoại tử xương

Hoại tử xương có thể ảnh hưởng đến bất kỳ xương nào trên cơ thể. Tuy nhiên các đầu xương dài của xương đùi (chỏm xương đùi) thường bị ảnh hưởng nhất, được gọi là hoại tử vô mạch chỏm xương đùi.

Những vị trí khác gồm vai, đầu gối, xương đùi, xương hàm và mắt cá chân cũng bị hoại tử. Bệnh có thể xảy ra ở một hoặc nhiều vị trí. Đôi khi tình trạng này đối xứng hai bên.

Bệnh thường không gây triệu chứng trong giai đoạn đầu. Trong giai đoạn phát triển, hoại tử xương gây ra những triệu chứng và dấu hiệu sau:

  • Đau xương và đau các khớp lân cận
  • Đau tăng dần theo thời gian, nghỉ ngơi có thể giúp triệu chứng thuyên giảm
  • Mức độ đau tăng lên khi hoạt động thể chất, cử động hoặc tăng áp lực lên xương tổn thương
  • Cơn đau thường đột ngột và lan rộng
  • Ở giai đoạn nặng, đau có thể xảy ra khi đang nằm
  • Ở người bị hoại tử vô mạch hông, cơn đau tập trung ở đùi, bẹn hoặc mông
  • Ngày càng cứng khớp
  • Khó hoặc không thể cử động ở vùng bị thương
  • Giảm khả năng nâng đỡ trọng lượng của xương
  • Đi khập khiễng nếu hoại tử xảy ra ở đầu gối hoặc hông
  • Khó đi bộ, đứng hoặc leo cầu thang.
Đau xương là dấu hiệu của hoại tử xương
Đau nhức xương và đau các khớp lân cận khi bệnh hoại tử xương tiến triển nặng

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của hoại tử xương

Hoại tử xương xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến xương bị gián đoạn khiến lưu lượng máu bị giảm hoặc mất đi. Điều này có thể do những nguyên nhân dưới đây:

  • Chất béo lắng đọng trong mạch máu

Những mạch máu nhỏ có thể bị tắc nghẽn khi có chất béo lắng đọng. Điều này làm cản trở quá trình lưu thông máu, giảm lưu lượng máu nuôi xương.

  • Chấn thương

Hoại tử xương có thể xảy ra sau một chấn thương nặng ở xương hoặc khớp, chẳng hạn như trật khớp (sai khớp), gãy xương. Những chấn thương khiến các mạch máu xung quanh bị hỏng, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu.

  • Phương pháp điều trị ung thư

Xương yếu và tăng nguy cơ hỏng mạch máu khi áp dụng các phương pháp điều trị ung thư có bức xạ (như hóa trị, xạ trị). Điều này khiến xương không được cung cấp đủ máu nuôi dưỡng.

  • Bệnh lý

Lưu lượng máu đến xương có thể bị suy giảm do một số bệnh lý gồm:

    • Bệnh Gaucher
    • Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm
    • Nhiễm HIV
    • Bệnh Caisson (hoại tử xương do loạn dưỡng)
    • Bệnh lupus ban đỏ hệ thống
    • Bệnh tiểu đường
    • Viêm tụy
    • Ung thư
    • Ở trẻ em, hoại tử xương vô mạch xảy ra ở hông thường liên quan đến hội chứng Legg – Calvé – Perthes. Bệnh lý này cũng có thể xảy ra sau quá trình điều trị những bệnh lý ác tính (chẳng hạn như bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính) và thực hiện cấy ghép toàn bộ (cấy ghép toàn bộ tế bào, cơ quan hoặc mô từ một người hiến tặng).
  • Một số thuốc điều trị

Hoại tử xương hàm dưới có thể xảy ra ở những bệnh nhân sử dụng Bisphosphonates kéo dài. Đây là thuốc ngăn ngừa mất mật độ xương. Thuốc này thường được dùng trong điều trị loãng xương và những bệnh ung thư như ung thư vú và u đa tủy.

Ngoài ra bệnh cũng thường xảy ra ở những người sử dụng corticosteroid liều cao (như prednisone). Bởi loại thuốc này có khả năng làm tăng lượng chất béo trong máu, tăng nguy cơ loãng xương và tắc nghẽn lưu lượng máu, giảm lượng máu lưu thông đến xương.

Dùng corticosteroid liều cao làm tăng nguy cơ hoại tử xương
Dùng corticosteroid liều cao làm tăng lượng chất béo trong máu và gây tắc nghẽn lưu thông máu
  • Nghiện rượu

Sử dụng rượu quá mức hoặc tiêu thụ rượu mỗi ngày trong vài năm làm tăng lượng chất béo tích tụ trong mạch máu. Từ đó làm giảm lượng máu nuôi dưỡng xương.

  • Hút thuốc lá

Hút thuốc lá thường xuyên có thể tăng đào thải canxi trong cơ thể, giảm chất lượng xương. Đồng thời gây tổn thương mạch và những vấn đề về lưu thông máu. Từ đó tăng nguy cơ loãng xương và hoại tử vô mạch.

  • Ghép tạng

Nguy cơ mắc bệnh tăng cao ở những bệnh nhân ghép tạng, đặc biệt là ghép thận.

  • Cục máu đông

Cục máu đông, tình trạng tổn thương và viêm động mạch có thể làm giảm lưu lượng máu đến xương.

Nhiều trường hợp không thể xác định nguyên nhân gây hoại tử xương.

Sinh lý bệnh hoại tử xương

Sau khi giảm hoặc loại bỏ nguồn cung cấp máu, những tế bào tạo máu bắt đầu chết đi do sự nhạy cảm với nồng độ oxy thấp. Tình trạng này thường diễn ra trong vòng 12 giờ. Những tế bào khác có thời gian chết lâu hơn. Cụ thể những tế bào xương như tế bào hủy xương, nguyên bào xương… chết đi trong vòng 12 đến 48 giờ; những tế bào mỡ hủy xương bắt đầu chết đi trong vòng 5 ngày.

Những tế bào tạo máu bắt đầu chết đi trong 12 giờ khi loại bỏ nguồn cung cấp máu
Những tế bào tạo máu bắt đầu chết đi trong 12 giờ khi giảm hoặc loại bỏ nguồn cung cấp máu

Sau khi tái tưới máu, quá trình sửa chữa xương bắt đầu. Quá trình này diễn ra theo 2 giai đoạn, bao gồm:

  • Giai đoạn 1: Hình thành mạch, những tế bào trung môn chưa biệt hóa phát triển và di chuyển từ mô xương sống lân cận vào những khoảng tủy chết. Đồng thời những đại trực bào xâm nhập làm phân hủy chất béo và những mảnh tế bào chết.
  • Giai đoạn 2: Những tế bào trung mô có sự biệt hóa tế bào thành nguyên bào sợi hoặc nguyên bào xương. Khi có điều kiện thuận lợi, lượng khoáng vô cơ còn lại bắt đầu hình thành khuôn khổ để các mô xương mới thành lập với đầy đủ chức năng.

Biến chứng của hoại tử xương

Hoại tử xương là một bệnh lý nghiêm trọng, cần được phát hiện và điều trị sớm. Việc trì hoãn hoặc không được điều trị có thể làm nặng hơn bệnh lý. Từ đó gây ra những biến chứng sau:

  • Xẹp xương hoặc/ và xẹp bề mặt khớp lân cận
  • Mất hình dạng trơn nhẵn của xương và tăng nguy cơ viêm khớp nặng
  • Tàn tật.

Chẩn đoán hoại tử xương như thế nào?

Hoại tử xương được chẩn đoán bằng cách kiểm tra lâm sàng và hình ảnh.

1. Kiểm tra lâm sàng

Bệnh nhân được khám sức khỏe kỹ lưỡng, kiểm tra triệu chứng và bệnh sử trong lần thăm khám sức khỏe đầu tiên. Bác sĩ có thể ấn nhẹ vào khu vực bị đau hoặc quanh khớp của bạn. Điều này giúp xác định xương hoại tử và đánh giá mức độ đau đớn.

Ngoài ra các khớp bị ảnh hưởng được di chuyển qua nhiều vị trí khác nhau. Điều này giúp đánh giá tình trạng suy giảm phạm vi và khả năng vận động của bạn.

2. Kiểm tra hình ảnh (cận lâm sàng)

Trong giai đoạn đầu, chụp cộng hưởng từ (MRI) và xạ hình xương là những kỹ thuật chẩn đoán được ưu tiên. Ngoài ra những kỹ thuật khác cũng được áp dụng để đánh giá mức độ tổn thương xương và xác định nguyên nhân gây bệnh.

Chụp X-quang chẩn đoán hoại tử xương
Chụp X-quang trong giai đoạn tiến triển có thể phát hiện một số bất thường liên quan hoại tử vô mạch
  • Chụp X-quang: Trong giai đoạn đầu, chụp X-quang cho thấy hoại tử vô mạch có vẻ bình thường. Trong những giai đoạn tiến triển, nó có vẻ mờ đục hơn vô tuyến. Điều này có thể xảy ra khi các xương gần đó tái hấp thu mô xương (tiêu xương) do tăng huyết phản ứng. Về phần xương bị hoại tử, chúng hầu như không có biểu hiện tăng độ mờ trên hình ảnh X-quang. Bởi xương chết không thể trải qua quá trình hủy xương do những tế bào hủy xương sống thực hiện. Những dấu hiệu muộn:
    • Dấu hiệu lưỡi liềm (giảm phóng xạ khi có sự sụp đổ của xương dưới sụn)
    • Những vùng lân cận có mật độ bức xạ vòng. Điều này liên quan đến quá trình vôi hóa mỡ tủy và xà phòng hóa sau nhồi máu tủy.
  • Quét xương: Bệnh nhân được tiêm vào cơ thể một lượng nhỏ chất phóng xạ qua đường tĩnh mạch. Chất này có thể di chuyển đến xương bị hoại tử, xương bị thương hoặc đang lành lại. Sau đó hiển thị dưới dạng điểm sáng trên ảnh. Điều này giúp đánh giá mức độ hoại tử xương trong giai đoạn sớm.
  • Chụp CT hoặc MRI: Chụp CT hoặc MRI được chỉ định cho những bệnh nhân có nghi ngờ hoại tử vô mạch. Những kỹ thuật này có thể cho thấy sự thay đổi bất thường của xương và tình trạng hoại tử.
  • Xét nghiệm máu: Đôi khi xét nghiệm máu được chỉ định để tìm kiếm những bệnh lý gây hoại tử vô mạch. Từ đó có những phương pháp chữa trị thích hợp.

Điều trị hoại tử xương

Trong điều trị hoại tử xương, những phương pháp được áp dụng để ngăn ngừa mất xương thêm và giảm nhẹ triệu chứng. Bệnh nhân có thể được phẫu thuật điều trị hoặc dùng thuốc và liệu pháp (điều trị không phẫu thuật) dựa trên những yếu tố sau:

  • Nguyên nhân
  • Độ tuổi
  • Giai đoạn bệnh
  • Số lượng xương bị tổn thương

1. Điều trị không phẫu thuật

Bệnh nhân được dùng thuốc và áp dụng những liệu pháp trong giai đoạn đầu của hoại tử xương. Những phương pháp này có khả năng ngăn tổn thương và đau thêm.

  • Nghỉ ngơi

Người bệnh được khuyên nghỉ ngơi hợp lý, giảm căng thẳng lên các xương bị thương bằng cách giảm trọng lượng và tránh những hoạt động không cần thiết. Điều này giúp giảm nhẹ cơn đau và làm chậm quá trình tổn thương.

Trong vài tháng đầu điều trị, những hoạt động thể chất cũng cần được hạn chế. Nếu việc di chuyển là cần thiết, hãy đi lại với nạng để đảm bảo giữ trọng lượng khỏi xương và khớp bị ảnh hưởng.

  • Sử dụng thuốc

Những loại thuốc được sử dụng dựa trên tình trạng của hoại tử xương, nguyên nhân và triệu chứng đi kèm:

Dùng thuốc chống viêm không steroid để kiểm soát cơn đau do hoại tử xương
Dùng thuốc chống viêm không steroid liều thích hợp để kiểm soát cơn đau do hoại tử xương
    • Thuốc chống viêm không steroid: Naproxen sodium (Aleve) hoặc Ibuprofen (Advil, Motrin IB) có thể được sử dụng trong điều trị đau do hoại tử xương. Thuốc này có tác dụng giảm đau cho các đợt đau nhẹ. Đồng thời ngăn ngừa và điều trị viêm.
    • Thuốc giảm cholesterol: Thuốc giảm cholesterol được chỉ định cho những trường hợp tắc nghẽn mạch máu do lắng động chất béo. Thuốc này có tác dụng giảm lượng chất béo và cholesterol trong máu. Từ đó tăng lượng máu lưu thông, ngăn hoại tử vô mạch tiến triển.
    • Thuốc trị loãng xương: Một số thuốc điều trị loãng xương như Alendronate (Fosamax, Binosto) có thể ngăn cản quá trình hủy xương, làm chậm sự phát triển của hoại tử vô mạch. Từ đó giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.
    • Thuốc làm loãng máu: Người bệnh được chỉ định thuốc làm loãng máu như warfarin (Coumadin, Jantoven) nếu hoại tử xương do cục máu đông. Thuốc này có tác dụng ngăn chặn những cục máu đông hình thành trong mạch cung cấp máu nuôi dưỡng xương của bạn.
  • Kích thích điện

Trong một số trường hợp, bệnh nhân được kích thích điện để điều trị hoại tử xương. Dòng điện nhẹ đi qua cơ thể có thể kích thích sự phát triển xương mới để thay thế cho những tế bào xương bị hư hỏng. Từ đó tái tạo lại các xương bị ảnh hưởng.

Thông thường dòng điện phù hợp được truyền vào cơ thể thông qua những điện cực gắn trên da. Trong nhiều trường hợp khác, kích thích điện sẽ được sử dụng trong quá trình phẫu thuật. Trong quá trình này, bác sĩ dùng nguồn điện thích hợp để tác động trực tiếp vào vùng bị tổn thương.

Bệnh nhân được vật lý trị liệu với các bài tập thích hợp. Những bài tập này giúp kéo giãn, làm mạnh các cơ quanh vùng tổn thương. Đồng thời cải thiện và duy trì phạm vi vận động của khớp.

Thời điểm, thời gian luyện tập và các bài tập cụ thể dựa vào tình trạng và chương trình vật lý trị liệu của chuyên gia. Người bệnh cần tuân thủ, luyện tập chậm rãi. Không gắng sức hay tập luyện hấp tấp để tránh gây đau hay tổn thương thêm cho khớp.

Vật lý trị liệu chữa hoại tử xương
Vận động trị liệu để làm mạnh cơ, cải thiện và duy trì phạm vi vận động của khớp ảnh hưởng

2. Điều trị phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật được cân nhắc cho phần lớn bệnh nhân, đặc biệt là phẫu thuật thay khớp. Bởi hoại tử xương thường không được phát hiện trong giai đoạn sớm. Những triệu chứng sẽ phát triển khi hoại tử tiến triển nặng.

Tùy thuộc vào tình trạng, những lựa chọn phẫu thuật có thể bao gồm:

  • Điều trị bằng thuốc nhân tạo

Bệnh nhân bị hoại tử xương có thể được chọc hút và cô đặc tủy xương. Thủ thuật này phù hợp với những bệnh nhân bị hoại tử vô mạch ở hông trong giai đoạn nhẹ (giai đoạn đầu của bệnh).

Trong tủy xương, tế bào gốc được lấy ra để sử dụng. Khi phẫu thuật, bác sĩ loại bỏ phần lõi của xương hông chết. Sau đó đưa tế bào gốc vào vị trí này. Điều này giúp tăng khả năng và tốc độ phát triển xương mới.

  • Giải nén lõi

Giải nén lõi được áp dụng để giảm bớt áp lực bên trong xương. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ loại bỏ một phần lớp trong xương bị thương. Điều này tạo không gian thừa trong xương, giảm áp lực, giảm đau, kích thích sản sinh những mạch máu mới và những mô xương khỏe mạnh.

Trong nhiều trường hợp, một thiết bị điện được sử dụng để kích thích quá trình tăng trưởng mạch máu mới. Điều này giúp cải thiện nguồn cung cấp máu đến xương tổn thương, tăng hiệu quả tái tạo xương hỏng.

  • Ghép xương

Ghép xương được thực hiện để giảm tình trạng yếu xương, củng cố các xương bị tổn thương do hoại tử vô mạch. Trong thủ thuật này, bác sĩ có thể lấy một phần xương khỏe mạnh từ chính cơ thể của bạn để cấy ghép vào vị trí có xương bị thương.

  • Phẫu thuật cắt xương

Phẫu thuật cắt xương (tạo hình lại xương) được thực hiện để phục hồi lại các xương bị ảnh hưởng bởi hoại tử vô mạch, định hình lại xương và giảm nguy cơ thay khớp.

Trong phẫu thuật cắt xương, một phần xương chêm được lấy ra từ phía dưới hoặc phía trên của khớp chịu trọng lượng. Điều này giúp trọng lượng của bạn được chuyển ra khỏi xương bị tổn thương.

  • Thay khớp

Thay khớp thường được áp dụng cho những bệnh nhân bị hoại tử xương nghiêm trọng, xương bị xẹp hoặc không thể sửa chữa xương bằng những lựa chọn điều trị khác. Trong khi phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ thay thế một phần khớp (bộ phận bị hỏng) hoặc thay toàn bộ khớp.

Thay khớp
Thay khớp hỏng khi xương bị xẹp hoặc không thể sửa chữa bằng những phương pháp khác

Trong phẫu thuật thay khớp (chẳng hạn như thay khớp háng, thay khớp gối), các chi tiết trong khớp hoặc toàn bộ khớp hỏng được thay thế bởi những vật liệu giả (được làm bằng kim loại hoặc nhựa).

Sau đó bác sĩ đóng vết thương bằng chỉ khâu. Sau phẫu thuật vài giờ, bệnh nhân có thể bắt đầu cử động, co cơ tĩnh. Cuối cùng áp dụng các bài tập phục hồi để sớm trở lại các hoạt động.

Tiên lượng hoại tử xương

Bệnh hoại tử xương có thể gây tàn tật. Điều này phụ thuộc vào diện tích liên quan, số lượng và phần xương bị ảnh hưởng, khả năng tự phục hồi của xương. Thông thường, các xương được xây dựng lại mỗi khi bị phá vỡ (quá trình này diễn ra liên tục).

Quá trình trên giúp xương cũ phục hồi cấu trúc và được thay thế bằng xương mới. Từ đó tăng cường mật độ khoáng xương, giữ cho xương khớp chất khỏe.

Tuy nhiên ở bệnh nhân bị hoại tử xương, các xương có xu hướng tổn thương vĩnh viễn, quá trình chữa lành không hiệu quả. Mặt khác hoại tử khiến quá trình phá vỡ mô xương diễn ra nhanh hơn quá trình cơ thể phục hồi và sửa chữa.

Chính vì thế việc không kịp thời điều trị có thể khiến hoại tử xương nhanh chóng tiến triển, xương xẹp xuống, bề mặt khớp bắt đầu bị phá vỡ. Từ đó gây đau và viêm khớp.

Ngược lại, tiên lượng thường cao ở những trường hợp điều trị sớm và tích cực trong giai đoạn đầu. Ở những giai đoạn tiến triển, bệnh nhân có nguy cơ thay khớp cao. Mặc dù vậy người bệnh có thể nhanh chóng phục hồi chức năng vận động sau vài tháng đến 1 năm tập phục hồi.

Phòng ngừa hoại tử xương

Để cải thiện sức khỏe chung và giảm nguy cơ hoại tử xương, hãy áp dụng một số biện pháp phòng ngừa dưới đây:

Tập thể dục hàng ngày phòng ngừa hoại tử xương
Tập thể dục hàng ngày để giữ mức cholesterol thấp, giảm nguy cơ nghẽn mạch và hoại tử xương
  • Hạn chế uống rượu bia. Không uống quá nhiều rượu hay uống rượu mỗi ngày trong thời gian dài.
  • Loại bỏ thói quen hút thuốc lá.
  • Thận trọng khi sử dụng các thuốc điều trị. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu cần phải sử dụng steroid liều cao hoặc dùng thuốc Bisphosphonates kéo dài. Lưu ý tổn thương xương thường nghiêm trọng hơn khi sử dụng steroid liều cao lặp lại nhiều lần.
  • Giữ mức cholesterol thấp để ngăn ngừa hoại tử xương. Điều này được thực hiện bằng những cách sau:
    • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Để thực hiện chế độ ăn giảm cholesterol, hãy giảm lượng chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống; tăng lượng chất xơ hòa tan trong ngũ cốc, các loại rau xanh, trái cây, củ quả, yến mạch; bổ sung đạm whey trong những sản phẩm từ sữa.
    • Tập thể dục hàng ngày: Tăng cường những hoạt động thể chất và tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày, 5 lần mỗi tuần. Điều này giúp giảm mức cholesterol, tăng cường sức khỏe chung và cải thiện hệ xương khớp. Ngoài ra tập thể dục thường xuyên giúp tăng HDL- cholesterol có lợi.
    • Giảm cân: Luyện tập và thay đổi cách ăn uống để giảm cân và giảm lượng cholesterol xấu trong máu.
  • Điều trị tích cực những bệnh lý làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu nuôi dưỡng xương.
  • Thận trọng trong mọi hoạt động để ngăn chấn thương.
  • Thăm khám xương khớp thường xuyên để sớm phát hiện các bất thường, điều trị hoại tử xương trong giai đoạn đầu để ngăn ngừa biến chứng.

Hoại tử xương là một bệnh lý nghiêm trọng, có thể làm ảnh hưởng đến nhiều xương trong cơ thể và tăng nguy cơ tàn tật. Chính vì thế bệnh nhân cần thăm khám định kỳ để sớm phát hiện tổn thương, điều trị tích cực các bệnh lý/ chấn thương làm tăng nguy cơ hoại tử. Ngoài ra cần áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp nếu hoại tử xương xảy ra.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Khám Ung Thư Xương Hàm Ở Đâu
Việc xác định khám ung thư xương hàm ở đâu chính xác, chất lượng và điều trị hiệu quả? Người bệnh có thể tham khảo một số gợi ý bên dưới và có sự lựa chọn phù hợp. [caption id="attachment_33593" ...
Xem chi tiết
Khám Ung Thư Xương Ở Đâu
Khám ung thư xương ở đâu tốt, chính xác và điều trị hiệu quả? Dưới đây là một số gợi ý phổ biến nhất, người bệnh có thể tham khảo và có kế hoạch điều trị chăm sóc sức khỏe ...
Xem chi tiết
Bệnh Lao Xương Có Lây Không
Nếu thắc mắc bệnh lao xương có lây không, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị, chăm sóc sức khỏe theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều trị sớm và đúng ...
Xem chi tiết
Xạ Hình Xương Có Phải Cách Ly Không
Xạ hình xương có phải cách ly không là thắc mắc của nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những người đang có con nhỏ. Đây là một xét nghiệm tiên tiến và được áp dụng rộng rãi. Xét nghiệm này ...
Xem chi tiết
Đa U Tủy Xương Có Di Truyền Không
Nếu đang thắc mắc đa u tủy xương có di truyền không, người bệnh có thể tham khảo các thông tin trong bài viết bên dưới và có kế hoạch chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa phù hợp. Xác ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua