Đau Dây Thần Kinh Chẩm
Đau dây thần kinh chẩm là một dạng rối loạn đau đầu mãn tính. Rối loạn này xảy ra khi dây thần kinh chẩm bị tổn thương hoặc viêm dẫn đến đau đớn từ phần đỉnh của tủy sống đến da đầu. Cơn đau sắc nét và dữ dội, kéo dài từ vài giây đến vài phút. Đau có thể khởi phát nhanh chóng ngay cả khi chải tóc và chạm nhẹ.
Đau dây thần kinh chẩm là gì?
Dây thần kinh chẩm là một trong những dây thần kinh cột sống, thoát ra từ lỗ gian đốt sống cổ thứ I và thứ II (C1, C2). Dây thần kinh này có hai nhánh gồm nhánh lớn và nhánh nhỏ. Chúng chạy từ phần trên cùng của tủy sống đến da đầu. Đôi khi dây thần kinh chẩm vươn ra phía trước gần bằng trán.
Hầu hết cảm giác ở đỉnh và phía sau dầu được truyền đến não bởi hai dây thần kinh chẩm lớn hơn, mỗi dây thần kinh chạy dọc ở mỗi bên của đầu. Chính vì thế mà đau dây thần kinh chẩm thường liên quan đến dây thần kinh chẩm lớn.
Đau dây thần kinh chẩm là tình trạng tổn thương hoặc viêm dây thần kinh chẩm dẫn đến những cơn đau dọc theo dây thần kinh này. Tương tự như đau dây thần kinh số 5, dây thần kinh chẩm bị thương gây ra những cơn đau sắc nét và dữ dội, tương tự như điện giật hoặc dao đâm.
Cơn đau khởi phát nhanh chóng ở một bên da đầu. Đôi khi đau dây thần kinh chẩm cũng có thể lan ra phía trước, về phía một bên mắt. Cơn đau cực kỳ nhạy cảm với những va chạm nhẹ nhất, có thể kèm theo tê ở vùng ảnh hưởng. Tuy nhiên cơn đau chỉ kéo dài từ vài giây đến vài phút.
Nguyên nhân gây đau dây thần kinh chẩm
Đau dây thần kinh chẩm xảy ra khi những dây thần kinh này bị kích thích hoặc có áp lực dẫn đến tổn thương. Điều này thường do những nguyên nhân sau:
- Khối u, mạch máu hay những bất thường khác gây chèn ép dây thần kinh ở gốc cổ
- Căng cơ cổ
- Chấn thương ở cổ hoặc sau đầu
- Căng thẳng cổ mãn tính
Những nguyên nhân ít gặp hơn:
- Viêm xương khớp
- Thoát vị đĩa đệm cổ
- Bệnh tiểu đường làm tổn thương dây thần kinh
- Viêm mạch máu
- Bệnh gout
- Nhiễm trùng
- Viêm khớp cột sống cổ
- Chèn ép dây thần kinh ở cột sống cổ
Cơn đau cũng có thể tự phát hoặc xảy ra bởi sự kích hoạt của một cái chạm nhẹ.
Dấu hiệu nhận biết đau dây thần kinh chẩm
Khi bị đau dây thần kinh chẩm, người bệnh sẽ có những dấu hiệu và triệu chứng dưới đây:
- Đau sau đầu và cổ (triệu chứng đặc trưng)
- Đau đớn dữ dội, xuyên thấu, sắc nét như điện giật hoặc có cảm giác như bị dao đâm ở phía sau đầu và cổ
- Cơn đau xảy ra ở một bên đầu (tương tự như chứng đau nửa đầu nên dễ nhầm lẫn)
- Cảm giác bỏng rát và đau nhói thường bắt đầu ở gốc đầu, sau đó lan ra da đầu
- Đau sau mắt
- Cơn đau tự phát hoặc bị kích thích bởi một số hoạt động, chẳng hạn như chạm nhẹ, chải tóc, cử động cổ…
- Cơn đau khởi phát nhanh chóng, kéo dài từ vài giây đến vài phút. Tuy nhiên cảm giác đau quanh dây thần kinh có thể kéo dài sau đó
- Đau có thể lặp lại nhiều lần trong ngày
- Da đầu mềm
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Đôi khi cảm thấy tê bì hoặc mất cảm giác.
Những vị trí đau giúp xác định đau dây thần kinh chẩm:
- Sau gáy
- Đầu cổ
- Sau đầu
- Sau tai
- Da đầu
- Sau mắt
- Một bên đầu
Đau dây thần kinh chẩm có nguy hiểm không?
Đau dây thần kinh chẩm không phải là một tình trạng nguy hiểm hay đe dọa đến tính mạng. Thông thường cơn đau sẽ được cải thiện bằng thuốc hoặc những liệu pháp giảm đau tại nhà (như nghỉ ngơi, dùng nhiệt…).
Bên cạnh đó, bệnh nhân thường hồi phục hoàn toàn sau khi những tổn thương dây thần kinh được sửa chữa, cơn đau kết thúc hoặc giảm bớt.
Tuy nhiên nếu không được điều trị sớm, cơn đau có thể làm ảnh hưởng đến hiệu suất học tập và làm việc, giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày. Chính vì thế mà người bệnh cần tìm cách điều trị ngay khi tình trạng này khởi phát.
Chẩn đoán đau dây thần kinh chẩm như thế nào?
Đôi khi đau dây thần kinh chẩm rất khó được chẩn đoán do những triệu chứng của nó tương tự như đau nửa đầu và những rối loạn khác ở vùng đầu. Do đó người bệnh cần thăm khám nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường, đau nhói nghiêm trọng ở cổ, đau xuyên thấu trong đầu hoặc da đầu.
Trong khi thăm khám, người bệnh được hỏi về bệnh sử, vị trí và mức độ đau, thời điểm khởi phát triệu chứng đầu tiên… Điều này giúp tìm kiếm các tình trạng cơ bản. Nếu nghi ngờ đau dây thần kinh chẩm, chạm nhẹ hoặc ấn vào vùng chẩm để xem cơn đau có khởi phát hay không.
Ngoài ra các xét nghiệm hình ảnh sẽ được thực hiện để tìm kiếm nguyên nhân cơ bản và loại trừ những tình trạng khác. Cụ thể:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính để tạo ra hình ảnh cắt ngang của cột sống và đầu. Điều này giúp xác định những tổn thương xương, sự phát triển quá mức của các tế bào (như khối u) hoặc một tình trạng tiềm ẩn khác khiến dây thần kinh chẩm bị chèn ép.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI tạo ra hình ảnh chi tiết về xương và mô mềm ở đầu và cột sống cổ. Kỹ thuật này cho phép bác sĩ phát hiện khối u, tình trạng nghẽn mạch và những tổn thương xương khiến dây thần kinh chẩm bị chèn ép. MRI cũng giúp phát hiện sự chèn ép dây thần kinh từ đĩa đệm thoát vị.
- Xét nghiệm máu: Đôi khi bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra yếu tố nhiễm trùng.
Sau kết quả chẩn đoán cuối cùng, người bệnh được hướng đẫn điều trị với những phương pháp thích hợp nhất.
Điều trị đau dây thần kinh chẩm
Có nhiều lựa chọn điều trị cho chứng đau dây thần kinh chẩm. Dựa vào mức độ nghiêm trọng, bác sĩ có thể khuyên bạn dùng thuốc, vật lý trị liệu hoặc thử áp dụng những biện pháp điều trị tại nhà. Nếu tổn thương dây thần kinh nặng hoặc điều trị bảo tồn không đạt hiệu quả, những phương pháp xâm lấn sẽ được thực hiện.
1. Biện pháp chăm sóc và giảm đau tại nhà
Khi bị đau dây thần kinh chẩm, người bệnh có thể thử những biện pháp chăm sóc dưới đây để làm dịu cơn đau.
- Nghỉ ngơi
Khi cơn đau bùng phát, người bệnh nên dừng những hoạt động đang thực hiện, nghỉ ngơi tại chỗ và chườm ấm. Ngoài ra nên giữ tâm trạng thoải mái để thư giãn. Điều này giúp cơn đau nhanh chóng qua đi và hạn chế đau tái diễn. Tránh tiếp tục chạm vào vùng đầu cổ hoặc căng thẳng quá mức để không kích thích cơn đau.
- Chườm ấm
Chườm ấm lên vùng ảnh hưởng là một trong những cách giảm đau dây thần kinh chẩm hiệu quả. Biện pháp này có tác dụng thư giãn mạch máu, dây thần kinh và xương khớp. Đồng thời hạn chế căng cơ quá mức dẫn đến chèn ép dây thần kinh.
Ngoài ra chườm ấm còn giúp máu huyết lưu thông, giảm tê bì và xoa dịu cảm giác đau đớn. Biện pháp này nên được thực hiện mỗi ngày 3 – 4 lần, mỗi lần 20 phút.
- Massage nhẹ nhàng
Nếu dây thần kinh bị chèn ép do căng cơ vùng cổ, người bệnh có thể thử massage nhẹ nhàng. Biện pháp này giúp thư giãn, kích thích lưu thông máu, giảm co thắt và co cứng cơ. Từ đó hạn chế chèn ép dây thần kinh vùng chẩm và đau đớn.
Ngoài ra massage nhẹ nhàng cũng giúp xoa dịu nhanh cơn đau, cải thiện tâm trạng và tăng chất lượng giấc ngủ. Từ đó kiểm soát nhanh các triệu chứng đau thần kinh.
Đau dây thần kinh chẩm tăng mức độ nhạy cảm ở vùng đầu và cổ, có thể gây đau khi chạm vào. Do đó người bệnh cần massage đúng cách và nhẹ nhàng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn.
- Thuốc chống viêm từ thảo dược
Những loại thuốc chống viêm từ thảo dược mang đến nhiều lợi ích cho quá trình điều trị đau dây thần kinh chẩm.
-
- Capsaicin (ớt): Dùng thuốc bôi ngoài chứa Capsaicin hoặc ớt cayenne (chứa nhiều Capsaicin) có thể giúp cải thiện tình trạng. Chất này có khả năng xoa dịu nhanh những cơn đau nhẹ.
- Dầu cá: Nên thường xuyên tiêu thụ dầu cá hoặc những loại thực phẩm có chứa axit béo omega-3 khác (như cá hồi, cá trích, trứng cá muối, cá thu…). Đây là một loại axit béo lành mạnh, có đặc tính kháng viêm. Bổ sung omega-3 mỗi ngày có thể giúp kháng viêm, giảm đau thần kinh và tăng cường sức khỏe.
- Nghệ: Bệnh nhân bị đau dây thần kinh chẩm có thể dùng nghệ để cải thiện tình trạng. Thảo dược này chứa Cucrumin – một hoạt chất chống viêm mạnh. Chất này có khả năng kháng viêm, chống nhiễm trùng và giảm đau.
- Uống thuốc không kê đơn
Hãy thử sử dụng Acetaminophen cho những cơn đau nhẹ và NSAID như ibuprofen (Advil) cho những cơn đau nặng hơn. Những loại thuốc này có khả năng xoa dịu nhanh cơn đau, hạn chế đau dây thần kinh chẩm.
Các NSAID (thuốc kháng viêm không steroid) còn có tác dụng kháng viêm. Vì thế thuốc này đặc biệt phù hợp với những cơn đau liên quan đến tình trạng viêm bên trong.
2. Dùng thuốc kê đơn
Nếu những biện pháp tại nhà không giúp kiểm soát đau dây thần kinh chẩm, người bệnh sẽ được chỉ định những loại thuốc mạnh hơn.
- Thuốc giảm đau giãn cơ: Thuốc này phù hợp với những bệnh nhân bị đau dây thần kinh chẩm liên qua đến căng cơ vùng cổ. Thuốc có tác dụng giảm nhẹ cảm giác đau đớn, điều trị căng và cứng cơ.
- Thuốc chống động kinh: Một loại thuốc chống động kinh như gabapentin (Neurontin) hoặc carbamazepine (Tegretol) có thể được dùng trong điều trị đau dây thần kinh chẩm. Thuốc có tác dụng giảm đau dây thần kinh, chống co giật và kiểm soát động kinh cục bộ. Thuốc chống động kinh đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân bị đau dây thần kinh sau viêm dây thần kinh, nhiễm trùng (như herpes zoster), bệnh thần kinh đái thái đường và đau thần kinh sau phẫu thuật.
- Thuốc chống trầm cảm: Bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc chống trầm cảm nếu đau dây thần kinh kèm theo căng thẳng quá mức. Thuốc có tác dụng kiểm soát tâm trạng, giảm căng thẳng quá mức và các triệu chứng của trầm cảm. Đồng thời giúp làm dịu cơn đau và cải thiện giấc ngủ. Những loại thuốc chống trầm cảm có thể được sử dụng gồm Adapin (doxepin), Aplenzin (bupropion)…
- Thuốc kháng sinh/ kháng virus: Thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus được dùng cho những trường hợp bị viêm dây thần kinh chẩm do nhiễm trùng. Những loại thuốc này có khả năng loại bỏ tác nhân gây bệnh, ngăn đau tái diễn.
- Tiêm thuốc gây tê cục bộ hoặc steroid: Nếu không đáp ứng tốt với các thuốc nêu trên, người bệnh có thể được tiêm thuốc gây tê cục bộ hoặc steroid vào vùng chẩm. Phương pháp này có thể giúp giảm đau ngay lập tức, hiệu quả kéo dài đến 12 tuần hoặc lâu hơn.
3. Vật lý trị liệu
Đôi khi bệnh nhân sẽ được vật lý trị liệu để điều trị chứng đau dây thần kinh chẩm. Phương pháp này thường bao gồm những bài tập trị liệu cho vùng đầu và cổ. Việc luyện tập có thể giúp giảm đau, giảm căng cơ, tăng tuần hoàn máu, hạn chế sự nhạy cảm quá mức ở vùng chẩm.
Ngoài ra tập vật lý trị liệu vùng cổ còn giúp cải thiện tư thế, tăng cường sức mạnh cho cổ. Đồng thời kéo giãn nhẹ nhàng để thư giãn và hạn chế những căng thẳng quá mức ở cổ.
Dựa vào tình trạng, chuyên gia vật lý trị liệu có thể chỉ định thêm:
- Điện trị liệu
- Nhiệt trị liệu
- Massage trị liệu…
4. Tiêm Botulinum Toxin (Botox)
Bác sĩ có thể cân nhắc tiêm Botulinum Toxin (Botox) cho những bệnh nhân bị đau dây thần kinh chẩm liên quan đến một số chứng co thắt cơ. Chẳng hạn như loạn trương lực ở vùng cổ khiến cổ và đầu bị vẹo, rối loạn chuyển động của mắt hoặc co giật trên gương mặt…
Bác sĩ cũng có thể sử dụng phương pháp này cho những cơn đau kéo dài hoặc mãn tính, đau liên quan đến viêm dây thần kinh. Tiêm Botulinum Toxin giúp người bệnh giảm đau và xoa dịu nhanh tình trạng co thắt. Tùy thuộc vào tình trạng, Botulinum Toxin có thể được sử dụng với liều lượng khác nhau.
5. Phẫu thuật
Nếu đau không giảm khi áp dụng các phương pháp khác hoặc tái phát nhiều lần, phẫu thuật có thể được xem xét. Tùy thuộc vào tình trạng, những lựa chọn dưới đây sẽ được áp dụng:
- Giải nén vi mạch: Phẫu thuật giải nén vi mạch giúp điều chỉnh những mạch máu gây chèn ép dây thần kinh. Từ đó giúp giảm độ nhạy cảm và ngăn đau tái diễn.
- Kích thích dây thần kinh chẩm: Trong khi điều trị, bác sĩ có thể sử dụng máy kích thích thần kinh, giúp cung cấp xung điện để tác động tích cực đến những dây thần kinh chẩm. Phương pháp này có tác dụng ngăn chặn sự truyền tải tín hiệu đau đến não. Từ đó giúp kiểm soát đau dây thần kinh chẩm. Khi thực hiện, các điện cực được đặt dưới da gần dây thần kinh chẩm, sau đó truyền xung điện để kích thích dây thần kinh.
- Kích thích tủy sống: Tương tự như kích thích dây thần kinh chẩm, kích thích tủy sống bao gồm việc sử dụng những điện cực kích thích đặt vào giữa đốt sống và tủy sống. Sau đó sử dụng thiết bị tạo ra các xung điện để ngăn chặn quá trình gửi thông điệp đau từ tủy sống đến não.
- Cắt bỏ hạch C2 , C3: Đôi khi bệnh nhân có thể được phẫu thuật cắt bỏ hạch C2, C3. Quá trình này bao gồm việc phá vỡ hạch gốc cảm ở đốt sống cổ thứ hai và thứ ba. Nghiên cứu cho thấy, cắt bỏ hạch có thể giúp cơn đau thuyên giảm ngay lập tức, hiệu quả được duy trì trong một năm hoặc lâu hơn.
- Cắt bỏ khối u: Nếu có khối u chèn ép dây thần kinh chẩm, người bệnh sẽ được cắt bỏ khối u để giải nén dây thần kinh. Phương pháp này giúp điều trị nguyên nhân và ngăn đau dây thần kinh chẩm tái phát.
Tiên lượng
Đau dây thần kinh chẩm không ảnh hưởng đến tính mạng, có thể kiểm soát cơn đau mà không cần chữa khỏi rối loạn này. Nếu được điều trị sớm với những phương pháp chất lượng, tổn thương dây thần kinh chẩm và đau thần kinh có thể được khắc phục. Đồng thời ngăn ngừa những cơn đau trong tương lai.
Phòng ngừa đau dây thần kinh chẩm
Để phòng ngừa đau dây thần kinh chẩm, bạn cần áp dụng những biện pháp giúp ngăn ngừa viêm hoặc kích thích vùng chẩm. Cụ thể:
- Kéo căng và tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức mạnh cho vùng cổ, hạn chế căng cơ quá mức dẫn đến chèn ép dây thần kinh.
- Luôn thực hiện tư thế tốt trong sinh hoạt.
- Không nên giữ đầu ở tư thế cúi xuống trong thời gian dài.
- Hãy giảm bớt căng thẳng và cố gắng thư giãn các cơ nếu bị căng cơ.
- Hãy điều trị tốt những bệnh lý có khả năng kích thích dây thần kinh chẩm hoặc những dây thần kinh ở cột sống cổ. Chẳng hạn như nhiễm trùng…
- Hãy đến cơ sở y tế để đánh giá và điều trị tổn thương nếu bị thương ở cổ.
- Nếu dây thần kinh chẩm đã bị kích thích hoặc viêm, cần tránh chạm vào phía sau cổ hoặc đầu. Nếu cần thiết, hãy cố gắng chạm một cách hết sức nhẹ nhàng.
Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng đau dây thần kinh chẩm gây khó chịu, làm giảm chất lượng đời sống của bệnh nhân. Chính vì thế người bệnh nên thăm khám và điều trị ngay khi cơn đau bùng phát. Điều này giúp kiểm soát nhanh cơn đau và ngăn ngừa tái phát trong tương lai.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!