Cổ Bị Gù
Cổ bị gù là tình trạng xuất hiện một đường cong bất thường ở cột sống cổ, khiến cổ bị gập xuống về phía trước. Điều này có thể ảnh hưởng đến các cơ, gân và dây chằng ở cổ, dẫn đến đau cổ, đau vai gáy và nhiều vấn đề xương khớp khác. Do đó, điều quan trọng là xác định các dấu hiệu và nguyên nhân cơ bản để có kế hoạch xử lý phù hợp nhất.
Gù cột sống cổ là gì?
Gù cột sống cổ hay cổ bị gù là thuật ngữ được sử dụng để mô tả chấn thương cổ do căng thẳng lặp đi lặp lại thường xuyên hoặc do hội chứng lạm dụng quá mức, trong đó một người cúi đầu hoặc gập người về phía trước và cúi xuống để nhìn vào điện thoại, máy tính hoặc sử dụng các thiết bị điện tử khác trong thời gian kéo dài.
Ngày nay khi công nghệ phát triển vượt bật, ngày càng nhiều người dành thời gian để sử dụng các thiết bị cầm tay, chẳng hạn như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy đọc sách điện tử. Áp dụng tư thế sai khi sử dụng các thiết bị điện tử này có thể khiến cột sống cổ bị uốn cong trong thời gian dài và dẫn đến gù cột sống cổ.
Các triệu chứng gù ở cổ có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị phù hợp, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để có kế hoạch xử lý và phòng ngừa phù hợp.
Nguyên nhân dẫn đến cổ bị gù
Gù cột sống cổ có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em, thanh thiếu niên và người đi làm. Có một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này bao gồm:
1. Trọng lượng đầu
Cổ bị gù xảy ra khi chấn thương do căng thẳng lặp đi lặp lại hoặc hội chứng lạm dụng quá mức ở cổ, do sử dụng các thiết bị di động trong thời gian dài hoặc cúi đầu xuống và không cử động cổ. Các hành động này thường là cúi đầu để nhắn tin, sử dụng điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng để lướt web, xem phim, chơi trò chơi hoặc làm việc.
Khi cúi xuống, trọng lượng của đầu sẽ dồn lên cột sống cổ. Điều này khiến các cơ, gân và dây chằng cổ phải hoạt động quá mức để nâng đỡ trọng lượng đầu và cần bằng trên đỉnh của cột sống cổ.
Thông thường, ở vị trí cân bằng, đầu sẽ tác động lên cột sống cổ một lực tương đương 3 – 5 kg. Các hoạt động thông thường như nhắn tin hoặc lướt web sẽ khiến đầu cúi về phía trước và hướng xuống một góc 45 hoặc 60 độ, lực này tác động lên cổ khoảng 20 – 27 kg. Cột sống cổ không thể chịu được áp lực này trong thời gian dài, do đó sẽ dần dần bị cong về phía trước, cuối cùng là dẫn đến gù cột sống cổ.
2. Bệnh thoái hóa đĩa đệm
Tình trạng thoái hóa đĩa đệm là một nguyên nhân dẫn đến gù cột sống, gù lưng và gù cổ. Ở bệnh lý này, các đĩa đệm trong cột sống sẽ bị mòn, xẹp dần theo thời gian. Điều này khiến các đĩa đệm bị xẹp xuống, mỏng đi, khiến đầu bị nghiêng về phía trước và cổ bị cong hoặc cúi xuống.
Các đĩa đệm suy yếu không thể nâng được trọng lượng đầu và đầu không được cân bằng trên cột sống. Điều này khiến cột sống cổ đổ dồn về phía trước và dần đến gù cột sống cổ. Tình trạng này thường xảy ra dần dần theo thời gian, do đó nhiều người không nhận ra sự tiến triển của bệnh.
3. Thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ là một loại viêm khớp cổ, xảy ra khi các đĩa đệm bị mòn theo thời gian. Điều này khiến các đầu xương của đốt sống cọ xát vào nhau, dẫn đến tổn thương, đau đớn và tăng nguy cơ gãy xẹp đốt sống.
Gãy xẹp đốt sống khiến cột sống bị sụp xuống, đầu bị nghiêng về phía trước và cổ bị cong. Nếu không được điều trị phù hợp, tình trạng này có thể dẫn đến viêm khớp và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
4. Chấn thương
Các chấn thương nghiêm trọng ở cổ hoặc cột sống có thể dẫn đến gãy nén ở đốt sống hoặc trật đốt sống. Điều này dẫn đến biến dạng cột sống và khiến cổ bị gù.
Các chấn thương nghiêm trọng bao gồm:
- Tai nạn giao thông
- Ngã từ trên cao
- Ngã ngựa
- Tác động mạnh đến cột sống khi chơi thể thao
Chấn thương cột sống cổ có thể dẫn đến biến dạng cột sống, tạo ra sự mất cân bằng. Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể gặp các vấn đề thần kinh do ống sống bị thu hẹp, được gọi là chứng hẹp ống sống. Áp lực này có thể dẫn đến tê, đau đớn và yếu cơ.
5. Rối loạn bẩm sinh
Rối loạn bẩm sinh hay dị tật bẩm sinh, là một dạng rối loạn xuất hiện từ khi mới sinh ra. Những người mắc chứng vẹo cột sống cổ bẩm sinh thường có các dấu hiệu ở các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như dị tật tiết niệu hoặc thận.
Gù cột sống có thể là một chấn thương bẩm sinh, chẳng hạn như cột sống không hình thành hoàn toàn, cột sống phát triển bất thường hoặc có các đốt sống hình tam giác khi trưởng thành. Điều này dẫn đến cột sống có đường cong không tự nhiên và các đốt sống xếp chồng lên nhau, khiến cổ cong về phía trước.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, nhiễm trùng cột sống như bệnh lao hoặc viêm tủy xương có thể dẫn đến các vấn đề cột sống. Những trường hợp này thường hiếm gặp những có thể khiến người bệnh bị gù cột sống, đi kèm cảm giác đau đớn, sưng tấy hoặc khó chịu.
Dấu hiệu nhận biết cổ bị gù
Triệu chứng phổ biến nhất khi cổ bị gù là đau đớn. Cơn đau xảy ra khi cột sống cổ bị cong quá mức, tạo ra nhiều áp lực lên cột sống, dẫn đến đau đớn. Ngoài ra, tình trạng này cũng dẫn đến nhiều triệu chứng và dấu hiệu khác nhau, chẳng hạn như:
1. Dấu hiệu phổ biến
Gù cột sống cổ là tình trạng phổ biến, dẫn đến các biến dạng cột sống có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Ngoài ra, cổ bị gù cũng dẫn đến một hoặc nhiều triệu chứng phổ biến như sau:
- Đau cổ, lưng trên và vai: Cơn đau này có thể xuất hiện ở một vị trí nhất định và cảm thấy đau nhói, đau nhức hoặc đau dữ dội, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Đôi khi cơn đau có thể lan rộng đến các khu vực lớn hơn, bao gồm vai gáy và vai trên.
- Tư thế vai tròn thế đầu cúi gập về phía trước: Các cơ ở cổ, ngực và lưng trên có thể bị suy giảm, mất cân bằng do tư thế đầu kéo về phía trước kéo dài. Sự suy giảm này có thể gây khó khăn cho việc duy trì tư thế tốt, dẫn đến việc hình thành tư thế vai tròn và người chùng về phía trước.
- Đau đầu: Các cơ ở cổ có thể bị cơ thắt, dẫn đến đau cổ, tuy nhiên các cơn đau này cũng có thể chuyển dần lên đầu. Ngoài ra, thời gian nhìn vào màn hình điện tử quá nhiều, bất kể từ thế, cũng có thể làm gia tăng nguy cơ đau đầu, mỏi mắt.
- Giảm khả năng vận động: Cổ, lưng trên và vai đều có thể bị căng, dẫn đến suy giảm khả năng vận động.
- Đau đớn hơn khi gập cổ: Các triệu chứng đau cổ có thể nghiêm trọng hơn khi gập về phía trước (từ vị trí bình thường hoặc vị trí gù cột sống cổ), chẳng hạn như khi nhìn xuống các ngón chân.
2. Các triệu chứng ít phổ biến
Ngoài ra, dấu hiệu phổ biến, có một số triệu chứng khác, ít phổ biến hơn, có liên quan đến tình trạng cổ bị gù, chẳng hạn như:
- Bệnh lý rễ tủy cổ: Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau đớn như điện giật, kim châm, tế hoặc yếu lan tỏa từ cổ xuống vai, cánh tay và bàn tay. Tình trạng này xảy ra khi các rễ thần kinh ở cổ bị kích thích hoặc bị nén, chẳng hạn như do thoái hóa đĩa đệm, viêm xương khớp. Các trường hợp nặng, tình trạng gù cổ sẽ đẩy nhanh hoặc khiến các triệu chứng này nghiêm trọng hơn.
- Đau hàm: Tình trạng lệch cột sống cổ hoặc mất cân bằng ở cơ cổ có thể dẫn đến đau hàm hoặc đau khớp thái dương hàm.
- Vấn đề cân bằng: Tư thế gù cột sống cổ khiến đầu cúi về phía trước trong thời gian dài có thể dẫn đến giảm khả năng kiểm soát cân bằng, do trọng tâm của đầu di chuyển xa hơn về phía trước cơ thể. Điều này có thể dẫn đến mất cân bằng cơ và thay đổi cơ thể kiểm soát tư thế ở cổ và thân.
Cổ bị gù có nguy hiểm không?
Hầu hết các trường hợp, tình trạng gù cột sống cổ là nhẹ và có thể điều trị bằng cách thay đổi tư thế, thực hiện các bài tập cổ và vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trong trường hợp không được điều trị hoặc trì hoãn điều trị, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn và dẫn đến đến một số tổn thương vĩnh viễn, chẳng hạn như:
- Mất đường cong bình thường của cột sống
- Khởi phát các triệu chứng viêm khớp sớm
- Sự lệch cột sống dẫn đến đau lưng, đau vai gáy và cong vẹo cột sống
- Thoái hóa cột sống
- Thoát vị đĩa đệm
- Tổn thương các dây thần kinh
- Tổn thương cơ
- Các vấn đề dạ dày và ruột
- Mất thể tích phổi, gây khó thở và nhiều vấn đề hô hấp khác
Chẩn đoán gù cột sống cổ
Để chẩn đoán tình trạng cổ bị gù, bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe, kiểm tra sức khỏe chất chất, tiền sử bệnh. Người bệnh cũng được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp X – quang, chụp CT hoặc chụp MRI.
Trong quá trình khám sức khỏe, bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp như:
- Sờ cột sống cổ bằng tay, dọc theo cột sống để kiểm tra các bất thường như sự thẳng hàng của xương, co thắt cơ hoặc các vùng bị tổn thương.
- Kiểm tra sức bền bằng cách xác định xem có điểm yếu nào trong các nhóm cơ cụ thể ở tay hoặc chân hay không.
- Kiểm tra cảm giác, bao gồm việc xác định phản xạ cơ bằng búa phản xạ. Các phản xạ kém hoặc suy yếu, có thể là dấu hiệu rễ thần kinh bị kích ứng.
- Các bài kiểm tra cử động được sử dụng để xác định phạm vi chuyển động của cột sống cổ. Các bài kiểm tra bào gồm uốn cong về phía trước, phía sau hoặc sang bên.
Nếu người bệnh có thói quen thực hiện các căng thẳng lặp lại thường xuyên, chẳng hạn như cúi đầu nhắn tin, thông thường bác sĩ có thể chẩn đoán gù cột sống cổ do tư thế và đề nghị vật lý trị liệu.
Nếu nghi ngờ các nguyên nhân nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như chèn ép rễ thần kinh, gãy xương hoặc các tình trạng y tế nghiêm trọng khác, bác sĩ có thể đề nghị các kiểm tra thêm để xác định nguyên nhân.
Điều trị cổ bị gù như thế nào?
Các biện pháp xử lý gù cột sống cổ bao gồm thay đổi tư thế, thực hiện các bài tập kéo căng để tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt ở cổ, ngăn ngừa các thói quen xấu khi sử dụng điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác.
Các phương điều trị thường nhằm mục đích giảm đau và điều chỉnh lại đường cong tại cột sống cổ. Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng gù cột sống cổ, các phương pháp điều trị bao gồm:
1. Điều chỉnh tư thế
Điều quan trọng khi điều trị tình trạng gù cột sống cổ là thay đổi tư thế. Cụ thể, khi sử dụng điện thoại di động hoặc thiết bị điện tử, người bệnh cần chú ý các tư thế như sau:
- Nâng điện thoại lên: Di chuyển điện thoại (hoặc các thiết bị khác) lên ngang tầm mắt để đầu không bị nghiêng về phía trước.
- Thường xuyên nghỉ giải lao: Dành thời gian nghỉ ngơi, tránh tiếp xúc với điện thoại hoặc tránh bất cứ tư thế nào khiến đầu cúi về phía trước. Nếu cần thiết, hãy sử dụng báo thức hoặc các ứng dụng khác để đảm bảo thời gian nghỉ ngơi phù hợp.
- Đứng thẳng: Tư thế tốt, với cằm đưa ra, vai kéo về phía sau, giữ cho cổ, đầu và cơ thể thẳng.
- Kéo căng cơ thể định kỳ: Định kỳ kéo căng cổ và lưng trên về phía sau để giãn cơ.
- Tập luyện đều đặn: Lưng và cổ khỏe, linh hoạt sẽ làm tăng khả năng chịu đựng căng thẳng và đảm bảo tư thế bình thường của cột sống.
Nói chung, người bệnh nên giữ cho cổ và cơ thể hoạt động nhiều hơn thay vì khom lưng, cúi đầu để sử dụng thiết bị điện tử. Hoạt động nhiều hơn là cách tốt nhất để tăng cường chất lượng cuộc sống cũng như phòng ngừa nhiều bệnh lý khác.
2. Chăm sóc y tế
Nếu các triệu chứng đau cổ không được cải thiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh nên đến bệnh viện để được chăm sóc phù hợp. Tùy thuộc vào các triệu chứng liên quan, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp như:
- Các loại thuốc, chẳng hạn như thuốc giảm đau không kê đơn như NSAID và thuốc giãn cơ để cải thiện các triệu chứng.
- Chườm lạnh hoặc liệu pháp laser lạnh để cải thiện cơn đau cổ.
- Liệu pháp nhiệt cũng có thể giúp giảm cứng cổ, đau cổ và nhức cổ.
- Xoa bóp nhẹ nhàng để giúp giảm đau và cứng cổ.
- Vật lý trị liệu, thực hiện các bài tập kéo căng, mở rộng, xoay cổ để cải thiện tư thế và giảm nguy cơ các chấn thương khác.
- Đeo nẹp cổ có thể giúp ổn định cổ, điều này giúp giữ cổ ở đúng vị trí và giảm đau.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, khi tình trạng gù cổ gây chèn ép dây thần kinh, người bệnh có thể cần được chẩn đoán thêm và phẫu thuật.
3. Các bài tập kéo giãn cổ
Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện một số bài tập kéo giãn cổ để giúp giảm đau và cải thiện tư thế. Các bài tập bao gồm:
Bài tập căng góc:
Đây là bài tập cơ bản có thể giúp kéo căng cơ cổ, cơ ngực và vai. Bài tập được thực hiện ở góc của căn phòng. Bài tập được thực hiện như sau:
- Đứng cách góc tường khoảng hai bước chân và quay mặt về phía góc tường
- Đặt hai bàn chân rộng bằng vai, hai cẳng tay ở hai bên góc tường và giữ cho khuỷu tay thấp hơn vai một chút
- Ngã người vào tường hết mức có thể mà không cảm thấy đau, tuy nhiên người bệnh có thể cảm thấy căng tức ở trước ngực và vai
- Giữ yên động tác trong 30 giây đến một phút
- Lặp lại động tác 3 – 5 lần mỗi ngày
Bài tập tăng cơ cổ:
Bài tập này giúp giảm đau cổ, tăng cường sức mạnh xương bả vai và các điểm gắn vào bả vai. Bài tập được thực hiện như sau:
- Nâng khuỷu tay phải cao hơn vai, sau đó đặt bàn tay vào canh cổ
- Tiếp theo xoay đầu về hướng bên trái và đưa cằm xuống, động tác này sẽ giúp kéo căng mặt sau của cổ
- Dùng bàn tay trái đưa lên đầu và từ từ kéo đầu về phía trước, động tác này sẽ làm tăng nhẹ độ căng
- Giữ yên trong 30 giây đến một phút, sau đó đổi bên
Cổ bị gù thường có thể được điều trị với các biện pháp nội khoa và các bài tập mà không cần phẫu thuật. Điều quan trọng là tập luyện đúng cách cũng như thay đổi tư thế để phòng ngừa các chấn thương liên quan đến cột sống cổ.
Phòng ngừa cổ bị gù như thế nào?
Tật gù cột sống cổ có thể tái phát sau khi điều trị nếu người bệnh tiếp tục các tư thế xấu. Do đó, điều quan trọng để phòng ngừa tình trạng này là thay đổi tư thế, giữ cột sống thẳng và phòng ngừa các bệnh lý liên quan.
Tư thế ngồi đúng:
- Giữ chân đặt trên sàn nhà hoặc trên một giá để chân.
- Không bắt chéo chân, mắt cá chân phải thẳng hàng với đầu gối.
- Khoảng cách giữa mặt sau của đầu gối của mặt trước của ghế có một khoảng trống nhỏ.
- Đầu gối và hông ở một góc 90 độ.
- Điều chỉnh tựa lưng sau cho ghế hỗ trợ thắt lưng và lưng giữa. Sử dụng gối tựa hoặc đệm lưng nếu cần thiết.
- Thư giãn vai và để cẳng tay song song với mặt đất.
- Thay đổi tư thế định kỳ, chẳng hạn như đi dạo xung quanh, đi lấy nước hoặc kéo giãn người, để tránh gây áp lực lên cột sống.
Tư thế đúng khi đứng:
- Chịu trọng lượng cơ thể vào bàn chân
- Giữ đầu gối hơi cong
- Giữ chân rộng bằng vai
- Đứng thẳng và cao với đầu vai hơi kéo về phía sau
- Giữ đầu thẳng, tai và vai thẳng hàng
- Chuyển trọng lượng từ các ngón chân sang gót chân, hoặc từ bàn chân này sang bàn chân kia nếu cần đứng trong thời gian dài
Tư thế nằm đúng:
- Sử dụng đệm nằm phù hợp, có độ mềm và đàn hồi tốt, nhằm tạo được sự thoải mái nhất.
- Tránh nằm sấp khi ngủ. Cố gắng nằm ngủ ngửa với một chiếc gối nhỏ kê bên dưới đầu gối.
- Nếu nằm nghiêng hãy đặt một chiếc gối nhỏ ở giữa hai đầu gối để giảm áp lực lên cột sống.
Nếu tình trạng gù cột sống cổ không được cải thiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh nên đến bệnh viện và trao đổi với bác sĩ chuyên môn. Gọi cho cấp cứu ngay khi tình trạng đau cổ đi kèm với các dấu hiệu như sốt, buồn nôn, giảm cân ngoài ý muốn, chóng mặt, đau đầu, ngứa ran, tê nhức cánh tay hoặc các triệu chứng khó chịu khác. Bất kỳ triệu chứng nào kèm theo đau cổ đều có thể liên quan đến một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng cần được bác sĩ chẩn đoán chính xác để có phương pháp điều trị chính xác.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!