Chấn Thương
Chấn thương là tình trạng khá phổ biến, thường xảy ra do những bất cẩn, va chạm hoặc tai nạn trong cuộc sống thường ngày. Tùy vào từng loại, triệu chứng, mức độ chấn thương sẽ có phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Nhìn chung, hầu hết các loại chấn thương đều có nguy cơ để lại biến chứng nghiêm trọng nếu người bệnh không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chấn thương là gì?
Chấn thương, hay còn gọi là tổn thương thể chất, là tình trạng tổn thương ở một hoặc một số bộ phận trên cơ thể do tác động từ bên ngoài gây ra. Chấn thương có thể do tai nạn, bị ngã, bị đánh, vũ khí sát thương, tập luyện thể thao và nhiều nguyên nhân khác gây ra. Một số chấn thương nghiêm trọng có khả năng gây ra tình trạng khuyết tật kéo dài hoặc thậm chí tử vong.
Chấn thương gồm 2 loại chính:
- Gãy xương: Là tình trạng xương bị biến dạng, gãy theo chiều dọc hoặc chiều ngang, có thể gãy thành 2 hay nhiều phần. Một người có thể gặp loại chấn thương này ở bất kỳ khu vực nào nếu cơ thể chịu tác động lực quá mức. Các vị trí dễ bị gãy xương như: xương sườn, xương đòn, xương cẳng tay, xương cẳng chân.
- Trật khớp: Là sự di chuyển bất thường giữa các đầu xương khiến cho các mặt khớp bị lệch khỏi vị trí bình thường. Chấn thương trật khớp có thể xảy ra ở hầu hết các khớp, thường gặp nhất ở các khớp như: khớp vai, khớp cùng đòn, khớp cổ tay, khớp bàn tay/ngón tay, khớp háng, khớp gối, bánh chè, khớp cổ chân, khớp khuỷu, khớp hàm.
Nguyên nhân gây chấn thương
Nguyên nhân gây chấn thương được chia làm hai nhóm chính, bao gồm:
- Nguyên nhân cấp tính: Khoảng 80 – 90% các trường hợp gãy xương, trật khớp đến từ nguyên nhân do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, bạo lực, luyện tập các môn thể thao…
- Một số nguyên nhân khác: Do bẩm sinh, bệnh lý (loãng xương, ung thư xương, viêm khớp, liệt cơ)…
Triệu chứng của chấn thương
Chấn thương gãy xương
- Đau, nhất là khi cử động hoặc chạm vào vùng bị thương
- Sưng tấy, đỏ, bầm tím ở khu vực xương bị tổn thương
- Tay chân xoắn, cong, biến dạng bất thường ở vị trí gãy
- Cảm giác nóng ran ở vùng xương hoặc khớp bị ảnh hưởng
- Chảy máu, xương nhô ra nếu đó là trường hợp gãy hở
- Có thể nghe thấy tiếng răng rắc khi gặp chấn thương
- Mất chức năng vùng bị chấn thương
- Nghiêm trọng hơn, có thể cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu…
Chấn thương trật khớp
- Bầm tím, sưng nề tại vùng khớp chấn thương
- Đau và cứng khớp
- Hạn chế hoặc mất vận động ở khớp
- Hõm khớp bị rỗng, thường gặp ở chấn thương khớp vai, khớp khuỷu
- Biến dạng toàn chi
- Khớp gồ lên bất thường do xương trật ra khỏi hõm khớp.
- Cử động đàn hồi, cố ý chỉnh khớp về vị trí bình thường thì khớp vẫn sẽ trở lại tư thế trật.
Mức độ nguy hiểm của chấn thương
Tình trạng chấn thương nếu không được xử lý đúng cách và điều trị kịp thời có thể kéo theo các biến chứng hoặc để lại những di chứng không mong muốn. Trong đó, phổ biến nhất là các tình trạng sau:
- Các mạch máu bị tắc nghẽn có thể vỡ ra, di chuyển khắp nơi trong cơ thể.
- Bó bột làm phát sinh các biến chứng như cứng khớp, loét do tì đè
- Hội chứng chèn ép khoang, lâu dài, sẽ gây ra co cứng cơ, tê liệt
- Tụ máu khớp, máu chảy vào khớp, gây sưng và đau.
- Vi khuẩn có thể xâm nhập qua vết rách gây nhiễm trùng xương
- Xương bị di lệch sau khi lành, gián đoạn phát triển xương
- Tổn thương các dây thần kinh, làm mất cảm giác, giảm khả năng vận động
Cách chẩn đoán chấn thương
Chẩn đoán hình ảnh là phương pháp thường được các bác sĩ dùng để xác định loại tổn thương do chấn thương, mức độ tổn thương và tình trạng tổn thương ở các mô, khớp, gân, cơ, dây chằng… lân cận.
Chụp X-quang
Sau khi tiến hành kiểm tra lâm sàng, nếu nghi ngờ người bệnh bị gãy xương hoặc trật khớp, các bác sĩ sẽ tiến hành chụp X–quang. Phương pháp này tạo ra những hình ảnh hai chiều về xương khớp, làm lộ các vết gãy hoặc các biểu hiện tổn thương khác. Đồng thời, chụp X-quang cũng giúp xác định chính xác vị trí tổn thương.
Một số phương pháp chụp hệ cơ xương khớp khác
Trong một số trường hợp, người bị chấn thương có thể được chỉ định thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác để kiểm tra kỹ phần xương khớp hoặc các mô xung quanh:
- Cộng hưởng từ (MRI): Ứng dụng từ trường mạnh để tạo ra những hình ảnh chi tiết của xương khớp, mô mềm và hệ thần kinh. MRI cung cấp hình ảnh nhanh và chính xác, thường được sử dụng để chẩn đoán rạn xương, các trường khợp chấn thương nghiêm trọng.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Tạo ra các lát cắt chi tiết của xương khớp.
- Máy quét xương: Phương pháp này được sử dụng để tìm kiếm những chỗ gãy xương không được hiển thị trên phim chụp X-quang.
Xét nghiệm
- Xét nghiệm huyết học: Giúp xác định nguy cơ mất máu khi bị chấn thương.
- Xét nghiệm sinh hóa: Giúp đánh giá mức độ thương tổn, tình trạng nhiễm trùng do chấn thương.
Phương pháp điều trị chấn thương
Bác sĩ căn cứ vào mức độ và vị trí chấn thương để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Ngoài ra, tuổi tác và tiền sử bệnh tật đôi khi cũng ảnh hưởng đến quá trình lành bệnh. Nguyên tắc cơ bản trong điều trị gãy xương, trật khớp là sắp xếp xương khớp về đúng vị trí, cố định lại cho đến khi khỏi hẳn.
Quy trình điều trị chấn thương xương khớp phổ biến như sau:
Điều trị cấp cứu ban đầu
Trước tiên, bệnh nhân gặp chấn thương cần được xử lý, kiểm soát các tình trạng khẩn cấp, có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng như tình trạng sốc do đau, sốc mất máu do gãy xương, trật khớp hở kèm tổn thương mạch. Bác sĩ cần giảm đau ngay cho bệnh nhân bằng các loại thuốc giảm đau nhanh.
Nếu nghi ngờ trật khớp hở, cần băng kín vết thương bằng gạc vô trùng, tiêm uốn ván và dùng kháng sinh phổ rộng (chẳng hạn như cephalosporin thế hệ 2 kết hợp aminoglycosid). Sau đó tiến hành phẫu thuật để cắt lọc và làm sạch, tránh nhiễm trùng.
Hầu hết các trường hợp gãy xương, trật khớp mức độ vừa và nặng cần cố định xương khớp bằng nẹp (nẹp bất động mềm để không tạo áp lực chèn ép mạch, không làm cứng khớp) để giảm đau và tránh những tổn thương thứ phát như tổn thương thần kinh, mạch máu, mô mềm xung quanh.
Điều trị chấn thương gãy xương
Một số phương pháp điều trị gãy xương phổ biến:
- Bó bột: Sử dụng bột làm từ thạch cao hoặc sợi thủy tinh đúc, hình thành một lớp bao bọc cứng, bảo vệ toàn bộ khu vực gãy xương. Bó bột thường được sử dụng trong trường hợp vết thương cần bất động trong nhiều tuần.
- Nẹp cố định: Dùng thanh nẹp cố định một bên của phần xương gãy, thường dùng để điều trị gãy xương kín.
- Cố định ngoài: Bác sĩ thường đặt ốc vít, đinh kim loại vào vi trí phía trên và dưới xương bị gãy. Các đinh ốc này kết nối với thanh kim loại bên ngoài da để cố định xương, giữ xương không bị xê dịch trong quá trình tự lành.
- Kéo liên tục: Các cơ, gân xung quanh vùng xương bị chấn thương được tác động một lực kéo nhẹ nhàng và liên tục, giúp ổn định các xương bị gãy.
- Phẫu thuật mổ hở và cố định trong: Thường được các bác sĩ sử dùng trong trường hợp gãy xương phức tạp. Thông qua vết mổ, phần xương bị gãy được bác sĩ sắp xếp và nắn lại. Sau đó cố định chúng lại bằng ốc vít hay các mảnh kim loại ngay trên bề mặt xương.
- Thay khớp: Biện pháp này được sử dụng trong trường hợp chấn thương nghiêm trọng phần trên của xương đùi hay gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi.
- Ghép xương hay kết hợp xương: Cần được thực hiện ngay lập tức nếu khoảng cách giữa các mảnh xương gãy quá lớn. Phương pháp còn được chỉ định trong trường hợp chậm lành xương, xương gãy không thể chữa lành.
Đối với những trường hợp gãy các xương nhỏ như ngón tay, ngón chân… bác sĩ có thể nắn chỉnh từ bên ngoài mà không cần bó bột.
Trong hầu hết trường hợp, cơn đau sẽ dần giảm đi và biến mất trước khi xương lành hoàn toàn. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống giảm đau, thuốc chống nhiễm trùng hoặc thuốc ngăn ngừa các biến chứng khác nếu cần thiết.
Ngoài ra, để thúc đẩy quá trình lành chấn thương, người bệnh có thể cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt, hạn chế chuyển động của vùng bị thương… đến khi gãy xương lành lại. Tuy nhiên, bất động một phần cơ thể trong thời gian dài có thể làm giảm sức mạnh cơ bắp và phạm vi chuyển động. Do vậy, sau giai đoạn điều trị cơ bản ban đầu, người bệnh có thể được yêu cầu tiến hành vật lý trị liệu để phục hồi chức năng khu vực gãy xương.
Điều trị chấn thương trật khớp
Trong điều trị trật khớp, nắn kín (không cần rạch da bộc lộ khớp) thường được bác sĩ ưu tiên lựa chọn khi có thể. Nếu nắn kín thất bại thì cần phẫu thuật đặt lại khớp cho đúng vị trí. Sau nắn trật thành công, người bệnh được khuyên nên:
- Bất động khớp bằng nẹp bất động hoặc bó bột, dùng nạng để cố định khớp, giúp giảm đau và kích thích phục hồi nhanh.
- Chườm đá lạnh và băng ép hỗ trợ giảm phù nề và giảm đau. Đá chườm cần được bọc kín bằng khăn hoặc túi nhựa, chườm càng sớm càng tốt (trong khoảng 15 – 20 phút đầu) và chườm liên tục trong 24 – 48h sau nắn.
- Kê cao chi bị chấn thương phía trên tim trong 2 ngày đầu để máu về tim không bị gián đoạn, giúp lưu thông máu trong tĩnh mạch tốt theo chiều trọng lực, giúp hạn chế phù nề, đau nhức.
- Sau 48 giờ, người bệnh có thể dùng biện pháp chườm ấm (chẳng hạn dùng tấm đệm sưởi ấm) trong 15 đến 20 phút mỗi ngày để làm giảm đau và hỗ trợ hồi phục thương tổn nhanh hơn.
Các phương pháp cố định khớp thường sử dụng là:
- Bó bột: Thường được sử dụng khi chấn thương trật khớp kèm với gãy xương đơn giản hoặc có các thương tích khác cần cố định trên 1 tuần.
- Dùng nẹp: Được các bác sĩ sử dụng để bất động khớp bị trật sau khi nắn về vị trí bình thường. Ngoài ra, nẹp bất động giúp giảm phù nề, ngăn ngừa nguy cơ bị hội chứng khoang sau nẹp. Một số loại trật khớp ở đầu chi cần phải dùng nẹp cố định cho đến khi hết sưng, phù nề.
- Cố định bằng đai đeo phù hợp để hỗ trợ khớp trật và giới hạn phạm vi vận động. Điều này rất hiệu quả trong điều trị trật khớp vai vì nếu bất động quá lâu sẽ dẫn tới viêm dính khớp vai, vai đông cứng.
Bất động kéo dài có thể gây cứng khớp, co kéo phần mềm, teo cơ nên bệnh nhân được khuyên tập các bài tập nhẹ nhàng trong quá trình cố định giúp cải thiện tầm vận động của khớp, sức cơ, tăng cường độ vững của khớp tổn thương.
Đối với bất kỳ chấn thương nào thì mục tiêu điều trị đều là rút ngắn thời gian lành bệnh để người bệnh quay về với sinh hoạt hàng ngày.
Tư vấn biện pháp phòng tránh chấn thương xương khớp
Thay đổi lối sống, tuân thủ một chế độ dinh dưỡng lành mạnh kết hợp vận động hợp lý có thể giúp phòng ngừa chấn thương hiệu quả. Cụ thể:
Chế độ dinh dưỡng
Để tăng cường sức mạnh của xương khớp nói riêng và cơ thể nói chung, mỗi ngày cần đảm bảo cung cấp cho cơ thể từ 1200 – 1500 mg canxi và 800 -1000 IU vitamin D. Có thể bổ sung canxi và vitamin D bằng cách:
- Tăng cường các loại thực phẩm giàu canxi trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày để giúp xương khỏe mạnh, nhất là phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh. Canxi có nhiều trong các loại thực phẩm như: Sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại rau lá có màu xanh đậm…
- Tăng cường bổ sung vitamin D để hỗ trợ hấp thu canxi. Bạn có thể bổ sung vitamin D bằng việc phơi nắng, ăn các loại cá giàu chất béo và trứng…
Sinh hoạt hàng ngày
Thói quen sinh hoạt và vận động cũng góp phần phòng ngừa tình trạng chấn thương khi xảy ra va chạm:
- Thực hiện các bài tập thể dục giúp tác dụng cải thiện khả năng chịu lực, tăng khối lượng cơ và mật độ xương, ví dụ như đi bộ, chạy bộ, tập tạ, bơi lội…
- Thực hiện các bài tập thể dục và vật lý trị liệu tăng cường khả năng giữ thăng bằng.
- Giảm nguy cơ té ngã: sắp xếp nhà cửa ngăn nắp, sử dụng thảm chống trượt, chú ý khi đi đường và nên dùng dụng cụ hỗ trợ đi lại nếu cần thiết…
Chấn thương là tình trạng thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, xảy ra một cách đột ngột và có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Các tổn thương ở xương khớp tuy không trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ khiến cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, khi xảy ra chấn thương, người bệnh cần gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!