Bệnh Tê Bì Chân Tay Ở Người Già
Bệnh tê bì chân tay ở người già là tình trạng rất phổ biến hiện nay. Ngoài gây khó chịu thì còn khiến cho chức năng vận động bị hạn chế. Hơn nữa nhiều trường hợp còn liên quan tới các vấn đề bệnh lý. Cần nắm rõ nguyên nhân để có biện pháp điều trị kịp thời và đúng đắn.
Nguyên nhân gây bệnh tê bì chân tay ở người già
Tê bì chân tay mô tả tình trạng mất cảm giác hay bị thay đổi cảm giác ở tay và chân. Đây là chứng rối loạn cảm giác thần kinh thường xảy ra ở các đầu ngón tay, ngón chân, bàn chân và cánh tay. Tình trạng này có xu hướng xảy ra khi dây thần kinh vận động bị tổn thương.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tê bì chân tay là cảm giác châm chích như bị kim châm, khó chịu, bỏng rát dưới da. Ngoài ra, nhiều người còn cảm thấy bị ngứa ran, đau hay yếu cơ ở tay chân và các bộ phận xung quanh. Có nhiều nguyên nhân gây ta tình trạng này. Phổ biến nhất là do chấn thương, áp lực hay tổn thương dây thần kinh.
Số liệu thống kê cho thấy, người già là đối tượng dễ bị tê bì chân tay nhất do nhiều nguyên nhân. Bao gồm cả các nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý.
Bệnh tê bì chân tay ở người già có thể liên quan tới một số vấn đề sau:
1. Nguyên nhân sinh lý
Đây được cho là nguyên nhân phổ biến khiến người già bị tê bì chân tay. Các yếu tố đặc trưng bao gồm:
- Thường xuyên ngồi cố định một chỗ khiến cho quá trình lưu thông máu bị cản trở. Từ đó làm giảm lưu lượng máu tới tay chân và gây ra cảm giác tê bì.
- Người già thường có cơ địa yếu và chậm thích nghi với sự thay đổi của thời tiết. Chính vì vậy mà khi thời tiết chuyển lạnh họ rất dễ bị ứ đọng khí huyết và mắc chứng rối loạn cảm giác.
- Người già hay phải sử dụng thuốc Tây do thường xuyên gặp phải các vấn đề sức khỏe bất thường. Trong nhiều trường hợp, tê bì chân tay là tác dụng phụ của một số loại thuốc Tây sử dụng kéo dài.
- Thừa cân – béo phì cũng là tình trạng khá phổ biến ở người già. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến cho hệ thống xương khớp phải chịu nhiều áp lực. Đồng thời chèn ép lên các rễ dây thần kinh và gây tê bì chân tay.
2. Thoái hóa xương khớp
Thoái hóa khớp là căn bệnh xương khớp phổ biến, chiếm khoảng 10.41% các bệnh cơ xương khớp ở nước ta. Bệnh xảy ra khi sụn khớp và xương dưới sụn bị thoái hóa gây ra đai đớn, cứng khớp và biến dạng khớp.
Tình trạng này thường xảy ra cùng với quá trình lão hóa chung của cơ thể. Chính vì vậy mà người già là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Trong nhiều trường hợp, bệnh thoái hóa khớp còn kích hoạt sự phát triển bất thường của các tế bào xương. Từ đó dẫn tới hình thành gai xương khiến cho các triệu chứng tồi tệ hơn.
Một số triệu chứng bệnh thoái hóa khớp ở người già bao gồm:
- Đau mỏi khớp
- Cứng khớp
- Tê bì chân tay
- Giảm khả năng vận động
3. Bệnh tiểu đường
Tiểu đường là bệnh lý phổ biến, thường gặp ở đối tượng người cao tuổi. Hơn nữa, đây là nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ phát triển các biến chứng của bệnh tiểu đường hơn là những người trẻ.
Đặc biệt là bệnh tiểu đường type 2 có liên quan tới lối sống không lành mạnh và tỷ lệ mắc bệnh tăng đều đặn theo độ tuổi.
Thực tế cho thấy, bệnh tiểu đường ở người già không kiểm soát tốt rất dễ gây ra biến chứng. Trong đó, thường gặp nhất là biến chứng dây thần kinh vận động, ảnh hưởng tới sức khỏe xương khớp.
Biến chứng dây thần kinh vận động từ bệnh tiểu đường sẽ khiến người bệnh bị tê bì chân tay. Cảm giác được mô tả gần giống như bị kiến bò. Trong nhiều trường hợp còn gây rối loạn cảm giác rất khó chịu.
Một số dấu hiệu giúp nhận biết sớm bệnh tiểu đường bao gồm:
- Thường xuyên đi tiểu
- Hay bị khát nước hơn
- Đói và mệt
- Khô miệng
- Ngứa da
- Sút cân nhiều
- Thị lực giảm sút
4. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là căn bệnh viêm khớp mãn tính liên quan đến tình trạng rối loạn tự miễn trong cơ thể. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch có sự nhầm lẫn và tấn công vào các mô tế bào khỏe mạnh.
Đây là bệnh lý có tiến triển phức tạp và gây ra nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe xương khớp. Các khớp ở bàn tay, ngón tay, cổ tay, khuỷu tay, bàn chân, ngón chân, mắt cá chân hay khớp gối là các vị trí dễ bị ảnh hưởng nhất.
Thực tế, đây là căn bệnh viêm xương khớp rất phổ biến ở những người cao tuổi. Trong đó nữ giới có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn là nam giới.
Các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp có thể bao gồm:
- Cứng khớp
- Sưng khớp
- Nóng da
- Tê bì chân tay
- Đau nhức nghiêm trọng ở khớp
- Cơ thể mệt mỏi, trì trệ, suy nhược
- Chán ăn, sụt cân
- Đau nhức cơ toàn thân
5. Hội chứng ống cổ tay, cổ chân
Hội chứng ống cổ tay, cổ chân đề cập đến tình trạng chèn ép dây thần kinh ở các khu vực cổ tay, cổ chân. Đây chính là nơi tiếp thu cảm giác cũng như điều khiển các cử động của bàn tay, bàn chân, ngón tay và ngón chân.
Người già cũng là đối tượng có thể gặp phải hội chứng ống cổ tay, cổ chân. Nguyên nhân có thể là do suy nhược tuyến giáp, vận động khớp tay/ khớp chân quá nhiều, thừa cân – béo phì hoặc biến chứng của bệnh tiểu đường.
Sự chèn ép các dây thần kinh ở cổ tay cổ chân có thể gây đau nhức, tê bì. Kèm theo đó là tình trạng rối loạn cảm giác rất khó chịu.
Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Ngứa ran hoặc tê bì chân tay
- Sức mạnh ở tay và chân yếu đi
- Triệu chứng nghiêm trọng hơn vào ban đêm
- Cơ ở tay và chân co lại
- Gặp khó khăn khi cầm nắm, di chuyển
- Chuột rút ngày càng nhiều
6. Bệnh mỡ máu cao
Ngoài tiểu đường thì mỡ máu cao cũng là một căn bệnh rối loạn chuyển hóa có thể liên quan đến tình trạng tê bì chân tay ở người già. Căn bệnh này gây tổn thương vi mạch. Trường hợp lấp khoảng 50% lòng mạch thì có thể gây ra hiện tượng thiếu máu nuôi dưỡng các dây thần kinh.
Rối loạn co thắt mạch máu là biểu hiện ban đầu của bệnh mỡ máu cao. Ngoài ra, tình trạng co thắt còn dẫn tới thiếu máu và gây tê bì chân tay. Tuy nhiên tình trạng này có thể được khắc phục nhanh chóng nếu sớm có biện pháp can thiệp đúng đắn.
Trong một số trường hợp, mạch máu bị chít hẹp có thể dẫn tới tắc mạch. Lúc này người bệnh thường phải đối diện với nhiều hệ quả nghiêm trọng. Điển hình như trợt loét, teo cơ cùng với nhiều vấn đề nguy hiểm phát sinh sau đó.
Các triệu chứng của bệnh mỡ máu cao có thể bao gồm:
- Huyết áp không ổn định
- Đau và tê bì chân tay
- Đau ngực
- Đột quỵ
7. Thoát vị đĩa đệm đa tầng
Như đã đề cập, bệnh tê bì chân tay ở người già thường liên quan đến tình trạng chèn ép dây thần kinh. Nhiều trường hợp, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ bệnh thoát vị đĩa đệm đa tầng.
Thoát vị đĩa đệm đa tầng đề cập đến tình trạng bị một lúc từ 2 đĩa đệm trở lên. Đây là bệnh lý có tiến triển phức tạp và có điều trị. Nguyên nhân có thể là do chấn thương, lão hóa, hoạt động sai tư thế, dị tật cột sống, thừa cân – béo phì…
Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau nhức nghiêm trọng tại khu vực bị tổn thương
- Cơn đau chạy dọc theo các dây thần kinh bị chèn ép
- Tê bì hoặc ngứa ran chân tay
- Đột ngột bị giảm vận động
- Rối loạn hoặc mất cảm giác ở các chi
- Có bất thường về đường cong sinh lý cột sống
- Thiếu máu não, chóng mặt, đau đầu nếu bị thoát vị đĩa đệm đa tầng cột sống cổ
Bệnh tê bì chân tay ở người già có nguy hiểm không?
Như đã phân tích, bệnh tê bì chân tay ở người già có liên quan đến nhiều yếu tố nguyên nhân khác nhau. Đối với từng nguyên nhân, mức độ nguy hiểm cũng sẽ có sự khác biệt.
Trường hợp chỉ là do các nguyên nhân sinh lý thông thường thì không đáng quan ngại. Việc can thiệp điều trị với các mẹo chữa tại nhà có thể cải thiện nhanh triệu chứng và làm giảm sự khó chịu.
Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, bệnh tê bì chân tay ở người già là hệ quả của các bệnh lý khác. Thường gặp nhất là các bệnh cơ xương khớp, nếu không sớm điều trị thì chức năng vận động có thể bị đe dọa.
Đặc biệt, bệnh tiểu đường cũng có thể là nguyên nhân gây tê bì chân tay ở người già. Đây là bệnh lý tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không kiểm soát tốt. Phải kể đến như biến chứng tim mạch, biến chứng về mắt, biến chứng về thần kinh, nhiễm trùng, biến chứng về thận…
Điều trị bệnh tê bì chân tay ở người già
Trong một số trường hợp, chứng tê bì chân tay ở người già có thể tự thuyên giảm mà không phải can thiệp điều trị. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp, triệu chứng có khả năng tiến triển nặng nề kéo theo các vấn đề nghiêm trọng hơn.
Tùy thuộc vào vấn đề nguyên nhân và biểu hiện triệu chứng mà có thể lựa chọn cách điều trị bệnh tê bì chân tay ở người già. Thường bao gồm các giải pháp khắc phục triệu chứng tại nhà và can thiệp điều trị y tế.
1. Các giải pháp tại nhà
Một số giải pháp tại nhà có thể giúp làm giảm chứng tê bì chân tay cùng các triệu chứng đi kèm khác. Đồng thời tăng cường chức năng vận động cho người lớn tuổi.
Các lựa chọn điều trị tại nhà có thể bao gồm:
+ Massage:
Massage là giải pháp đơn giản rất dễ áp dụng. Đặc biệt là có khả năng đáp ứng tốt với bệnh tê bì chân tay ở người già.
Giải pháp này có tác dụng thư giãn gân cơ, tăng cường tuần hoàn máu và giải phóng các dây thần kinh bị chèn ép. Từ đó có khả năng cải thiện chứng tê bì và đau nhức chân tay. Đồng thời mang đến cảm giác dễ chịu, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Thực hiện như sau:
- Xoa nhẹ 2 lòng bàn tay vào nhau đến khi nóng lên
- Sau đó massage nhẹ nhàng lên các vùng bị ảnh hưởng
- Thực hiện trong khoảng 15 – 20 phút
- Trước khi massage có thể thoa tinh dầu lên da để nâng cao hiệu quả
- Có thể thực hiện đều đặn 1 – 2 lần/ ngày
+ Chườm nóng:
Nhiều trường hợp, người già có thể bị tê bì chân tay do thời tiết chuyển lạnh. Lúc này có thể thực hiện giải pháp chườm nóng để cải thiện triệu chứng nhanh chóng.
Hơi nóng từ túi chườm có tác dụng làm ấm cơ thể và thư giãn gân cơ. Đồng thời tăng cường tốc độ lưu thông máu tới các vùng đang bị tổn thương.
Thực hiện như sau:
- Chuẩn bị 1 túi chườm ấm khoảng 60 – 70 độ
- Chườm đắp nhẹ nhàng lên cả tay và chân
- Thao tác trong khoảng 15 – 20 phút
- Thực hiện đều đặn 1 – 2 lần/ ngày
+ Dùng thảo dược tự nhiên:
Một số loại thảo dược ngoài giúp làm giảm đau nhức, tê bì thì còn giải phóng trì trệ và thúc đẩy tuần hoàn máu. Có thể sử dụng lá lốt, ngải cứu, nghệ, gừng… để hỗ trợ điều trị bệnh tê bì chân tay ở người già. Nhất là trong các trường hợp triệu chứng có liên quan đến các bệnh cơ xương khớp.
- Dùng lá lốt: Chuẩn bị 1 nắm lá lốt tươi đem rửa sạch rồi để ráo. Đun sôi 2 lít nước, cho lá lốt vào đun thêm 5 phút. Đổ nước ra chậu, chờ nguội bớt rồi dùng ngâm chân tay 15 phút.
- Sử dụng ngải cứu: Chuẩn bị 300g lá ngải cứu tươi rửa sạch rồi để ráo. Giã sơ qua rồi cho lên chảo sao nóng cùng 1 ít muối biển. Bọc thuốc trong miếng vải sạch. Chờ cho bớt nóng rồi chườm đắp lên tay chân tới khi nguội.
- Sử dụng gừng: Chuẩn bị 1 chậu nước nóng. Rửa sạch, đập dập và thái nhỏ 1 củ gừng bỏ vào. Cho thêm 1 ít muối vào khuấy đều. Chờ nước nguội bớt rồi dùng ngâm chân tay khoảng 15 phút.
2. Điều trị y tế
Điều trị y tế cho bệnh tê bì chân tay ở người già cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Đa phần các trường hợp đều là do bệnh cơ xương khớp, bệnh tiểu đường hoặc mỡ máu cao.
Mục đích của việc điều trị là để khắc phục triệu chứng và kiểm soát các bệnh lý tiềm ẩn. Đối với từng bệnh lý nguyên nhân sẽ có phác đồ điều trị cụ thể.
Trước khi đưa ra giải pháp điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và yêu cần làm xét nghiệm để chẩn đoán căn nguyên của triệu chứng. Điều trị có thể bao gồm sử dụng thuốc, điều chỉnh lối sống hay can thiệp phẫu thuật khi cần thiết.
Người bệnh cần nghiêm túc tuân thủ phác đồ mà bác sĩ đưa ra. Trường hợp phác đồ không đáp ứng tốt hay gây ra các vấn đề bất thường thì hãy chủ động báo cáo với bác sĩ để sớm có sự điều chỉnh phù hợp.
Chăm sóc và dự phòng
Bệnh tê bì chân tay đang ngày càng phổ biến ở người già. Để làm giảm nguy cơ gặp phải triệu chứng này cần chú ý đến các biện pháp chăm sóc và dự phòng. Bao gồm:
- Hạn chế mang vác nặng, di chuyển quá nhiều hay lao động quá sức.
- Tránh các tư thế gây chèn ép lên ổ khớp và dây thần kinh, điển hình như ngồi xổm.
- Nếu đang bị thừa cân – béo phì thì nên sớm có kế hoạch giảm cân an toàn.
- Chú ý bổ sung các thực phẩm có lợi cho xương khớp. Điển hình như rau xanh, trái cây, sữa và chế phẩm sữa, các loại hạt, cá béo…
- Tránh tiêu thụ thức ăn nhanh, đồ ăn cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ, đồ ngọt.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia và dùng các chất kích thích khác.
- Uống đủ nước (khoảng từ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày). Ngoài nước lọc có thể bổ sung thêm các loại nước ép từ rau củ quả tươi.
- Thường xuyên dành thời gian cho hoạt động thể chất. Nên tập luyện với cường độ vừa phải, phù hợp thể trạng.
- Tránh thức khuya, nên đi ngủ đúng giờ, đủ giấc
- Dành thời gian thư giãn để kiểm soát và làm giảm căng thẳng.
- Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất thiết yếu.
- Thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ.
Tuyệt đối không được chủ quan với bệnh tê bì chân tay ở người già. Nhất là trong trường hợp triệu chứng dai dẳng kéo dài hay trở nên nghiêm trọng. Tốt nhất nên chủ động thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị đúng cách.
Tham khảo2 thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!