Bệnh Scheuermann

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Bệnh Scheuermann là một tình trạng rối loạn xương tự giới hạn thời thơ ấu. Bệnh khiến những đốt sống phát triển không đồng đều so với mặt phẳng dọc, góc sau lớn hơn góc trước và gây gù cột sống. Ngoài ra bệnh còn tạo cảm giác đau nhiều ở lưng và có thể gây tàn phế ở trường hợp nặng.

Bệnh Scheuermann (thoái hóa xương sụn cột sống)
Bệnh Scheuermann (thoái hóa xương sụn cột sống) là một tình trạng rối loạn xương tự giới hạn thời thơ ấu

Bệnh Scheuermann là gì?

Bệnh Scheuermann (hay gù cột sống scheuermann, thoái hóa xương sụn cột sống) là một dạng hoại tử xương sụn cột sống không viêm, gây đau lưng và cong vẹo cột sống ở trẻ vị thành niên. Gặp nhiều ở bé trai hơn bé gái. Bệnh thể hiện cho những rối loạn xương tự giới hạn thời thơ ấu dẫn đến thoái hóa, các đốt sống phát triển không bình thường.

Ở những người mắc bệnh Scheuermann, các đốt sống không có sự đồng đều so với mặt phẳng dọc, góc sau lớn hơn góc trước và tạo thành điểm gù ở cột sống. Bệnh chủ yếu xảy ra ở thanh thiếu niên.

Khác với gù cột sống tư thế, tình trạng gù cột sống trong bệnh Scheuermann khiến bệnh nhân không thể điều chỉnh tư thế một cách có ý thức. Nguyên nhân là do phần đỉnh của đường cong khá cứng và nằm ở đốt sống ngực.

 Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh Scheuermann

Những triệu chứng của bệnh Scheuermann thường bắt đầu ở những trẻ có độ tuổi từ 10 đến 15. Thông thường bệnh sẽ gây ra những triệu chứng sau:

  • Gù cột sống hoặc lưng tròn tùy thuộc vào đỉnh của đường cong. Những đường cong ở vùng trên lồng ngực gây biến dạng thị giác nhiều hơn. Đau nhiều hơn khi những đường cong ở vùng dưới lồng ngực
  • Đau lưng và đau cổ. Trong thời gian đầu, cơn đau xuất hiện với mức độ từ thấp đến trung bình. Đau tăng lên theo thời gian làm giảm khả năng vận động
  • Đau ở phần đỉnh của đường cong, đau nhiều hơn khi đứng, ngồi hoặc hoạt động thể chất
  • Mất chiều cao đốt sống
  • Mệt mỏi và cứng cơ, đặc biệt là khi ngồi lâu
  • Da có thể đỏ trên phần đỉnh của đường cong
  • Chuột rút hoặc co thắt cơ
  • Tính linh hoạt bị hạn chế
  • Mất thăng bằng.

Một số triệu chứng nghiêm trọng hơn gồm:

  • Giảm chiều cao và tạo áp lực lên những cơ quan nội tạng do lưng cong. Điều này đẩy nhanh quá trình lão hóa tự nhiên của các cơ quan
  • Nếu xảy ra ở đốt sống ngực thứ bảy và thứ mười, bệnh nhân co thể bị cong vẹo nghiêm trọng, tổn thương tủy sống và gây đau nhức nhiều. Thậm chí tê và mất khả năng vận động ở các chi
  • Tàn phế ở trường hợp nặng
  • Ngực rộng và ngực thùng ở nam, dung tích phổi lớn, căng cơ gân kheo do cơ thể bù lại độ cong quá mức của cột sống
  • Khó thở hoặc gây ra một số vấn đề liên quan đến hệ hô hấp.
Dấu hiệu nhận biết bệnh Scheuermann
Triệu chứng của bệnh Scheuermann gồm gù cột sống, đau lưng, đau nhiều ở phần đỉnh của đường cong, mất thăng bằng

Nguyên nhân gây bệnh Scheuermann

Hiện tại nguyên nhân gây bệnh Scheuermann vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu tình trạng này thường xảy ra ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh (yếu tố di truyền). Ngoài ra nguy cơ mắc bệnh ở nam giới cao gấp đôi so với phụ nữ.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh bệnh Scheuermann

Bệnh Scheuermann là một tình trạng rối loạn xương tự giới hạn thời thơ ấu. Vì thế bệnh có xu hướng tự khỏi và không phát sinh thêm vấn đề bất thường khi trẻ trưởng thành. Tuy nhiên trong thời gian tiến triển, bệnh có thể gây ra những biến chứng, đặc biệt là khi không được điều trị. Cụ thể:

  • Gù cột sống không tự phục hồi
  • Đau mạn tính
  • Hạn chế khả năng vận động, thậm chí tàn phế ở trường hợp nặng
  • Dung tích phổi lớn và gây khó thở do tăng áp lực lên phổi.

Bệnh Scheuermann được chẩn đoán như thế nào?

Thông thường bệnh Scheuermann sẽ được chẩn đoán dựa trên các biểu hiện lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và dựa vào mức độ cong vẹo cột sống thông qua kỹ thuật đo góc Cobb và cân bằng sagittal.

1. Chẩn đoán lâm sàng

Bệnh nhân được đặt một số câu hỏi liên quan đến tiền sử bản thân và tiền sử gia đình. Đồng thời kiểm tra triệu chứng và đánh giá biểu hiện bên ngoài. Cụ thể:

  • Đánh giá mức độ nghiêm trọng của cơn đau, vị trí đau và những điều kiện làm tăng mức độ đau
  • Kiểm tra biểu hiện gù và cong vẹo cột sống, xác định những đốt sống bị ảnh hưởng
  • Kiểm tra dáng đi, đứng, độ linh hoạt và phạm vi hoạt động của người bệnh
  • Kiểm tra sức khỏe tổng thể và biểu hiện toàn thân để chẩn đoán xác định.
Bệnh Scheuermann có thể được chẩn đoán xác định dựa trên các biểu hiện lâm sàng
Bệnh Scheuermann có thể được chẩn đoán xác định thông qua tổn thương thực thể và những biểu hiện lâm sàng

2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Bệnh Scheuermann có thể được chẩn đoán thông qua những biểu hiện lâm sàng. Tuy người bệnh cần thực hiện thêm một số kỹ thuật để chẩn đoán xác định, đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh lý và xác định hướng điều trị thích hợp.

Một số kỹ thuật giúp chẩn đoán xác định gồm:

  • Đo góc Cobb và cân bằng sagittal: Đo góc Cobb và cân bằng sagittal cho phép đánh giá độ cong cột sống trong bệnh Scheuermann. Cụ thể:
    • Bệnh nhân có độ cong từ 45 độ trở lên
    • Trên mỗi đoạn ở 3 đốt sống liền kề có biểu hiện chêm vào nhau ít nhất 5 độ.
  • Chụp X-quang: Chụp X-quang được chỉ định với mục đích kiểm tra những bất thường ở cột sống, tình trạng chèn ép dây thần kinh, thoát vị đĩa đệm và gãy thân đốt sống. Ngoài ra kỹ thuật này còn giúp bác sĩ kiểm tra những bất thường ở xương sống, mức độ cong vẹo và khả năng gây biến chứng. Từ đó xác định các phương pháp điều trị bệnh.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính ít khi được chỉ định trong chẩn đoán Scheuermann. Tuy nhiên bệnh nhân sẽ được chẩn đoán hình ảnh bằng những kỹ thuật này nếu có nghi ngờ tủy sống bị chèn ép. Ngoài ra MRI và CT cũng được chỉ định khi có một số nguyên nhân nghiêm trọng khiến cột sống phát triển bất thường và gây cong vẹo.
  • Kiểm tra chức năng phổi: Tình trạng gù và cong vẹo cột sống có thể khiến dung tích phổi lớn, làm ảnh hưởng đến chức năng phổi và cản trở các hoạt động của hệ hô hấp. Chính vì thế bệnh nhân sẽ được kiểm tra, đánh giá chức năng phổi để kiểm tra mức độ nghiêm trọng. Đồng thời điều trị bằng các phương pháp thích hợp.

Phương pháp điều trị bệnh Scheuermann

Bệnh Scheuermann tự giới hạn sau khi cơ thể kết thúc quá trình phát triển tự nhiên. Vì thế trong nhiều trường hợp, bệnh Scheuermann có thể tự khỏi và không phát sinh thêm biến chứng. Tuy nhiên sự biến dạng của xương không thể tự điều chỉnh và thường duy trì tình trạng này sau khi bệnh nhân đã trưởng thành hoàn toàn.

Các phương pháp điều trị thường tập trung vào mục đích kiểm soát triệu chứng, cải thiện khả năng vận động cho bệnh nhân và chữa chứng gù cột sống.

1. Sử dụng thuốc

Thông thường những người bị Scheuermann sẽ được chỉ định điều trị với một số loại thuốc để kiểm soát triệu chứng. Đồng thời cải thiện độ linh hoạt và tăng khả năng vận động cho người bệnh.

Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc giúp kiểm soát tốt các triệu chứng do bệnh Scheuermann gây ra

Những loại thuốc thường được sử dụng gồm:

  • Thuốc giảm đau thông thường: Bệnh nhân được sử dụng một số loại thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, Acetaminophen trong thời gian đầu điều trị. Loại thuốc này có tác dụng giảm đau lưng và cải thiện cảm giác khó chịu cho bệnh nhân.
  • Thuốc chống viêm không steroid: Một số loại thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen, Naproxen… thường được sử dụng để kiểm soát cơn đau ở mức độ trung bình. Thuốc này có tác dụng chống viêm và giảm đau cho những trường hợp không quá nghiêm trọng.
  • Nhóm thuốc giảm đau gây nghiện: Codein và Morphin là hai loại thuốc giảm đau gây nghiện thường được sử dụng cho những bệnh nhân bị đau nặng do Scheuermann. Loại thuốc này có tác dụng giảm đau hiệu quả, mang đến cảm giác dễ chịu cho bệnh nhân. Tuy nhiên Codein và Morphin chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn để phòng ngừa tác dụng phụ và tình trạng lệ thuộc thuốc.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Nếu cơn đau làm ảnh hưởng đến tâm lý và giấc ngủ, bệnh nhân sẽ được yêu cầu sử dụng thuốc chống trầm cảm ba vòng. Loại thuốc này có tác dụng an thần và hỗ trợ giảm đau.

2. Sử dụng nẹp lưng

Nẹp lưng thường được sử dụng trước khi tình trạng gù và cong vẹo cột sống trở nên nghiêm trọng. Phương pháp điều trị này có thể giúp chấm dứt tình trạng hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh lý.

Tùy thuộc vào độ tuổi mắc bệnh và độ cong của điểm gù, người bệnh sẽ được sử dụng một loại nẹp phù hợp. Ngoài ra thời gian đeo nẹp có thể kéo dài tùy thuộc vào mức độ phát triển bất thường của cột sống. Hầu hết trường hợp gù lưng do Scheuermann trẻ sẽ được đeo nẹp liên tục cho đến khi trưởng thành hoàn toàn.

Nẹp lưng được sử dụng để điều chỉnh bất thường ở lưng
Nẹp lưng được sử dụng để điều chỉnh bất thường trước khi tình trạng gù và cong vẹo cột sống trở nên nghiêm trọng

3. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu thường được sử dụng trong suốt thời gian trưởng thành của trẻ để cải thiện tình trạng gù, cong vẹo cột sống và phòng ngừa tái phát. Đối với Scheuermann, bệnh nhân sẽ được thực hiện những bài tập kéo giãn cột sống lưng và kéo giãn cơ gân kheo. Những bài tập này có tác dụng ổn định độ cong tự nhiên của cột sống. Đồng thời giúp giảm đau và cải thiện khả năng vận động cho người bệnh.

Ngoài ra trong thời gian vật lý trị liệu, bệnh nhân còn được điều trị với một số bài tập khác (điển hình như Choroth) để cải thiện tính linh hoạt, tăng cường sức khỏe xương khớp và giảm độ cong bất thường của cột sống.

4. Phẫu thuật

Phẫu thuật thường ít được chỉ định trong điều trị Scheuermann. Bởi phẫu thuật vùng lưng thường gây ra những rủi ro không mong muốn và Scheuermann không phải là một bệnh lý quá nguy hiểm. Tuy nhiên nếu cơn đau không được kiểm soát tốt, bệnh nhân bị gù cột sống nặng, một quy trình phẫu thuật mở rộng sẽ được thực hiện.

Ngoài ra phẫu thuật chỉ được chỉ định thực hiện cho những trường hợp sau:

  • Thất bại khi điều trị bảo tồn
  • Có biểu hiện chèn ép tủy sống và dây thần kinh.

Thông thường người bệnh sẽ được phẫu thuật hợp nhất cột sống và sử dụng dụng cụ ổn định (que, vít) để cải thiện những khiếm khuyết của cột sống và giảm đau. Trong một số trường hợp khác, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật giải nén khi có chèn ép tủy sống và dây thần kinh.

Phần lớn bệnh nhân đều có đáp ứng tốt với phương pháp phẫu thuật. Tuy nhiên trong thời gian điều trị, một số vấn đề và rủi ro có thể xảy ra. Vì thế bệnh nhân cần thận trọng trước khi phẫu thuật và có kế hoạch chăm sóc phù hợp.

Sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ được nằm viện ít nhất một tuần. Ngoài ra người bệnh cần sử dụng nẹp và vật lý trị liệu trong nhiều tháng để đảm bảo cột sống được điều chỉnh, lành lại đúng với mặt phẳng dọc. Đồng thời phục hồi chức năng và hạn chế đau phát sinh.

Bên cạnh đó bệnh nhân cần lưu ý không mang vác vật nặng trên 2,3 kg, không làm việc gắng sức, ăn uống đủ chất và có thời gian nghỉ ngơi phù hợp từ 6 tháng đến 1 năm. Thông thường từ 1 đến 2 năm sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể trở lại lối sống bình thường.

Phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật chỉ được sử dụng cho những bệnh nhân thất bại khi điều trị bảo tồn, bị gù cột sống nặng

Tiên lượng

Phẫu thuật hợp nhất cột sống ở những bệnh nhân bị gù vẹo cột sống do Scheuermann là một phẫu thuật cực kỳ xâm lấn và có nguy cơ gây rủi ro. Theo kết quả nghiên cứu, nguy cơ phát sinh biến chứng sau phẫu thuật hợp nhất cột sống là 10%.

Những biến chứng có thể gặp gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Xuất huyết bất thường
  • Đau kéo dài do vết mổ
  • Viêm sâu hoặc viêm mô mềm
  • Chấn thương thần kinh
  • Suy giảm hô hấp.

Ngoài ra có 5% trường hợp cần phẫu thuật lại sau 1 năm đầu phẫu thuật điều trị gù cột sống do bệnh Scheuermann.

Bệnh Scheuermann (thoái hóa xương sụn cột sống) là một bệnh xương khớp không quá nghiêm trọng. Bệnh thường tự khỏi và không phát sinh thêm biến chứng khi cột sống kết thúc quá trình phát triển. Tuy nhiên sự biến dạng cột sống do Scheuermann có thể gây mất thẩm mỹ và làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Vì thế bệnh nhân được khuyên nên thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt khi có biểu hiện đau và cong cột sống tiến triển.

Câu hỏi liên quan
Thoái Hóa Cột Sống Có Tập Yoga Được Không
Thoái hóa cột sống là một bệnh lý phổ biến gây ra đau nhức và hạn chế vận động. Câu hỏi "Thoái hóa cột sống có tập yoga được không?" thường được đặt ra bởi nhiều người bệnh. Bài viết ...
Xem chi tiết
Thoái Hóa Đốt Sống Cổ Chữa Được Không
Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý lão hóa phổ biến, có thể gây đau cổ, cứng cổ cũng như gây ảnh hưởng đến khả năng chuyển động của cổ. Các triệu chứng bệnh thường không nghiêm trọng, có ...
Xem chi tiết
Thoái Hóa Cột Sống Có Nguy Hiểm Không
Thoái hóa cột sống là bệnh lý ai cũng có thể mắc phải. Vậy thoái hóa cột sống có nguy hiểm không và làm thế nào để phòng ngừa? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những thông tin hữu ích ...
Xem chi tiết
Thoái Hóa Cột Sống Có Quan Hệ Được Không
Nếu thắc mắc thoái hóa cột sống có quan hệ được không, người bệnh có thể tham khảo một số thông tin trong bài viết bên dưới. Việc sinh hoạt điều độ, nghỉ ngơi phù hợp là cách tốt nhất ...
Xem chi tiết
Mổ Thoái Hóa Cột Sống Bao Nhiêu Tiền
Mổ thoái hóa cột sống bao nhiêu tiền phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng như loại phẫu thuật được thực hiện. Dưới đây là một số thông tin về các phương pháp, chi phí ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua