Bà Bầu Bị Thoái Hóa Đốt Sống Cổ
Bà bầu bị thoái hóa đốt sống cổ có thể gây đau đớn và khó khăn cho các hoạt động hàng ngày, tuy nhiên không gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi. Điều quan trọng là đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Bị thoái hóa cột sống có nên mang thai không?
Việc mang thai là quyết định trọng đại trong đời đối với hầu hết mọi người, đặc biệt là đối với người bệnh thoái hóa cột sống hoặc có những hạn chế về thể chất khác. Thoái hóa cột sống có nên mang thai không phụ thuộc vào sức khỏe của người mẹ và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Theo các chuyên gia, người bệnh cần cân nhắc một số vấn đề như:
- Đã sẵn sàng có em bé hay chưa?
- Các triệu chứng thoái hóa khớp có được kiểm soát tốt không?
- Các vấn đề cần phải đối mặt khi mang thai, chẳng hạn như đau đớn hơn hoặc khó khăn khi chuyển động
Bởi vì thoái hóa cột sống sẽ gây ảnh hưởng đến thể chất, sức mạnh và sức chịu đựng. Do đó người bệnh cần phải đánh giá sức khỏe để xác định khả năng chịu đựng khi mang thai và khả năng chăm sóc em bé sau khi ra đời. Trẻ sơ sinh hoàn toàn phụ thuộc vào người khác, đặc biệt là người mẹ. Vì vậy hãy tự kiểm tra sức mạnh, độ bền thể chất để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé.
Người bệnh được khuyến khích kiểm tra một số vấn đề như:
- Nhấc vật nặng 4 – 5 kg đặt lên giường hoặc bế xuống giường hay không
- Cầm một vật nặng 4 – 5 kg bằng một tay trong khi đang ngồi ít nhất là 10 phút
- Có thể lên xuống cầu thang khi đang bế vật nặng 4 – 5 kg
- Đi bộ quanh nhà khi mang theo một vật nặng 4 – 5 kg trong 10 phút
- Có thể cúi cổ, cằm chạm vào ngực để nhìn thấy em bé đang ôm trong lòng
- Có thể vặn nắp bình sữa, trải qua một ngày trung bình mà không cần ngủ
Nếu đáp ứng các vấn đề trên, người bệnh thoái hóa cột sống có thể mang thai an toàn mà không gây ảnh hưởng đến cột sống. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là đến bệnh viện để được tư vấn và hướng dẫn tốt nhất.
Bà bầu bị thoái hóa đốt sống cổ có dấu hiệu gì?
Thoái hóa cột sống cổ xảy ra khi lớp sụn bảo vệ các đốt sống bị phá vỡ, khiến các chuyển động không còn trơn tru, cuối cùng là dẫn đến đau đớn, sưng, viêm. Hơn nữa, thoái hóa đốt sống cổ có thể gây ảnh hưởng đến các nang hoạt dịch ở cột sống, điều này làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, đau đớn và khó chịu hơn.
Tương tự như các đối tượng bệnh nhân khác, bà bầu bị thoái hóa đốt sống cổ có thể bị đau nhẹ hoặc dữ dội ở cột sống, đau đầu, cứng khớp hoặc đau lan tỏa đến vai, cánh tay, bàn tay. Cơn đau do thoái hóa đốt sống cổ thường được mô tả như sau:
- Cơn đau xuất hiện dần dần, có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian
- Cứng cổ và đau đớn nghiêm trọng hơn vào buổi sáng, sau đó được cải thiện khi chuyển động, di chuyển xung quanh
- Cơn đau có thể tỏa ra vai hoặc giữa hai bả vai, gây gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm
- Gây đau đầu, đặc biệt là ở phía sau đầu
Ngoài ra, đôi khi bà bầu có thể gặp một số triệu chứng khác, chẳng hạn như chóng mặt, buồn nôn, đánh trống ngực, khó chịu ở bụng hoặc hệ thống tiêu hóa. Nếu thoái hóa đốt sống cổ gây ảnh hưởng đến tủy sống có thể dẫn đến một số dấu hiệu như:
- Ngứa ran, tê hoặc yếu ở cánh tay, bàn tay, chân hoặc bàn chân
- Thiếu sự phối hợp hoặc khó khăn khi đi lại
- Phản xạ bất thường
- Co thắt cơ bắp
- Mất khả năng kiểm soát bàng quang và ruột, dẫn đến đại tiểu tiện không tự chủ
Nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống cổ ở bà bầu
Trong thai kỳ, cột sống, hệ xương khớp và toàn bộ cơ thể sẽ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về thể chất. Các vấn đề về cột sống có thể phát triển do trọng lượng cơ thể tăng lên, cột sống cong nhẹ khi tử cung lớn hơn, điều này có thể gây đau, tê và ngứa ran ở chân.
Có nhiều nguyên nhân và yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống khi mang thai, chẳng hạn như:
- Tăng cân: Trong thời gian mang thai khỏe mạnh, phụ nữ có thể tăng từ 10 – 15 kg. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến cột sống, dẫn đến đau cổ, đau thắt lưng cũng như khiến các triệu chứng thoái hóa cột sống trở nên nghiêm trọng hơn. Trọng lượng của em bé và tử cung đang lớn cũng góp phần gây áp lực lên các mạch máu, dây thần kinh và gây suy giảm chất lượng cuộc sống.
- Thay đổi tư thế: Mang thai sẽ làm thay đổi trọng tâm cơ thể, gây áp lực lên các cơ cổ, vai gáy và gây đau cổ. Ngoài ra, phụ nữ mang thai được khuyến khích nằm nghiêng bên trái, tư thế này gây áp lực liên tục đến phần bên trái của cơ thể, dẫn đến dẫn đến cứng cổ và đau đớn.
- Thay đổi nội tiết tố: Khi mang thai, cơ thể tạo ra một loại hormone gọi là relaxin cho phép dây chằng ở vùng xương chậu thư giãn và các khớp nới lỏng hơn để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Loại hormone này cũng gây ảnh hưởng đến dây chằng hỗ trợ cột sống, dẫn đến sự mất ổn định, tăng nguy cơ thoái hóa và đau đớn.
- Lối sống ít vận động: Việc giữ yên một tư thế khi mang thai có thể khiến cơ bắp bị đau, cứng.
- Căng thẳng: Căng thẳng về mặt cảm xúc và lo lắng trong thai kỳ có thể gây căng cơ ở cổ, gây ảnh hưởng đến cột sống, dẫn đến đau đớn nhiều hơn.
- Thiếu canxi: Trong thời kỳ mang thai, cơ thể cần nhiều canxi hơn để đảm bảo sự phát triển bình thường của thai nhi. Do đó, việc không bổ sung đủ lượng canxi cần thiết có thể dẫn đến thiếu canxi, tăng nguy cơ mắc các bệnh xương khớp, đặc biệt là loãng xương và thoái hóa cột sống.
Mang thai khi thoái hóa cột sống cổ có nguy hiểm không?
Nếu các triệu chứng thoái hóa cột sống khi mang thai tiến triển và hình thành các gai xương đủ lớn, có thể gây ảnh hưởng đến cột sống, dẫn đến hẹp ống sống cổ hoặc hẹp lỗ liên hiệp.
Khi không gian bên trong ống sống bị thu hẹp, tủy sống và rễ thần kinh ở cổ có thể bị chèn ép. Điều này sẽ dẫn đến một loạt các triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như khó cầm nắm đồ vật, gặp khó khăn khi đi lại hoặc phối hợp tứ chi. Nếu cột sống hoặc rễ thần kinh bị chèn ép lâu mà không được điều trị phù hợp, có thể dẫn đến tổn thương cột sống vĩnh viễn.
Đối với phụ nữ mang thai, các triệu chứng thoái hóa cột sống thường không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên điều quan trọng là có kế hoạch kiểm soát các triệu chứng cũng như điều trị bệnh thích hợp. Ngoài ra, cơ thể tương đối nhạy cảm trong thai kỳ. Do đó, đôi khi bà bầu có thể cần thử nhiều biện pháp điều trị khác nhau trước khi xác định phương pháp phù hợp nhất. Điều quan trọng là theo dõi phản ứng của cơ thể và thông báo cho bác sĩ nếu có bất cứ thắc mắc hoặc lo lắng nào.
Cách chẩn đoán bà bầu bị thoái hóa đốt sống cổ
Để chẩn đoán bà bầu bị thoái hóa đốt sống cổ, bác sĩ thường sẽ bắt đầu bằng cách kiểm tra các triệu chứng và tiền sử bệnh. Sau đó tiến hành khám sức khỏe toàn thân, tập trung cổ, vai gáy và lưng trên. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra các phản xạ và sức mạnh bàn tay, cánh tay, kiểm tra tình trạng mất cảm giác cũng như yêu cầu người bệnh di chuyển qua lại.
Các thăm khám ban đầu như sau:
- Xét xét lịch sử y tế của người bệnh: Bác sĩ có thể kiểm tra tiền sử bệnh, thói quen sinh hoạt hiện tại, các triệu chứng để xác định loại trừ các bệnh xương khớp khác.
- Kiểm tra thể chất: Bác sĩ có thể kiểm tra các điểm yếu ở cổ, suy giảm phạm vi chuyển động hoặc khi cơn đau lan đến cánh tay, bàn tay. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra dấu hiệu chèn ép tủy sống hoặc dây thần kinh để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Thông thường, có nhiều kỹ thuật nâng cao và xét nghiệm hình ảnh để xác định thoái hóa cột sống cổ. Tuy nhiên đối với bà bầu, các xét nghiệm này có thể được cân nhắc và chỉ được thực hiện khi có sự chỉ định, giám sát, đảm bảo an toàn từ bác sĩ điều trị.
Biện pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ ở bà bầu
Các lựa chọn điều trị thoái hóa đốt sống cổ khi mang thai phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và tần suất gây gián đoạn cuộc sống hàng ngày. Đối với phụ nữ mang thai, bác sĩ thường đề nghị các biện pháp điều trị tự nhiên, không dùng thuốc. Tuy nhiên nếu cơn đau nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc giảm đau.
Có nhiều cách để điều trị thoái hóa cột sống ở bà bầu, chẳng hạn như:
1. Điều trị không dùng thuốc
Bà bầu bị thoái hóa đốt sống cổ được khuyến cáo không sử dụng thuốc giảm đau hoặc bất cứ loại thuốc nào khác trừ khi nhận được sự chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, có một số biện pháp giảm đau tại nhà mang lại hiệu quả cao và an toàn đối với bà bầu, chẳng hạn như:
- Chườm nóng và lạnh: Chườm lạnh với túi vải bọc đá, lên vùng bị dau trong tối đa 20 phút mỗi lần, vài lần mỗi ngày có thể giúp cải thiện cơn đau hiệu quả. Sau 2 – 3 ngày, người bệnh có thẻ chuyển sang chườm nóng bằng cách đặt một miếng đệm sưởi, chai nước ấm lên vùng bị đau. Lưu ý, không chườm nóng lên vùng bụng khi mang thai.
- Cải thiện tư thế: Cúi xuống có thể gây áp lực lên cột sống cổ khi mang thai. Do đó, bà bầu được đề nghị thực hiện các tư thế chính xác khi ngồi làm việc, đi, đứng và ngủ. Khi ngồi vào bàn làm việc, hãy đặt một chiếc khăn tắm cuộn tròn sau lưng để làm điểm tựa, gác chân lên ghế thấp, ngồi thẳng lưng, vai hướng về phía sau.
- Duy trì vận động: Tập thể dục vừa phải rất tốt cho các khớp, bao gồm cột sống cổ. Bà bầu có thể đi bộ nhẹ nhàng xung quanh nhà từ 10 – 30 phút mỗi ngày để giảm đau tự nhiên.
- Thay đổi gối nắm: Sử dụng sai gối có thể gây ảnh hưởng đến cột sống cổ và gây đau lưng. Do đó hãy chọn một chiếc gối thoải mái khi nằm để hỗ trợ cột sống cổ. Ngoài ra, bà bầu cũng được đề nghị đặt một chiếc gối bên dưới đầu gối khi nằm ngửa và ở giữa đầu gối khi nằm nghiêng để hỗ trợ cột sống tốt hơn.
- Kéo giãn cột sống: Hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc nhà trị liệu về các động tác kéo giãn cột sống cổ an toàn khi mang thai. Điều này góp phần thư giãn cơ thể, giảm căng thẳng và nâng chất lượng cuộc sống.
- Châm cứu: Châm cứu là một kỹ thuật giảm đau thoái hóa cột sống cổ dựa trên nền tảng Y học cổ truyền. Phương pháp này có thể giảm đau cổ an toàn khi mang thai.
- Massage cổ: Bà bầu có thể nhờ chồng hoặc người thân xoa bóp vùng cột sống cổ, vai gáy, để giúp thư giãn cơ bắp, giảm đau.
- Vật lý trị liệu: Một nhà vật lý trị liệu có thể xây dựng một chương trình tập thể dục an toàn và phù hợp cho bà bầu bị thoái hóa đốt sống cổ. Điều quan trọng là bà bầu không được tự tập luyện tại nhà để tránh các rủi ro phát sinh.
- Nắn chỉnh khớp xương: Thao tác nắn chỉnh khớp xương có thể an toàn trong thai kỳ và hỗ trợ điều trị thoái hóa cột sống. Tuy nhiên, bà bầu cần hỏi ý kiến của bác sĩ cũng như đến cơ sở y tế được cấp phép khi thực hiện thủ thuật nắn chỉnh cột sống.
Một số lời khuyên cho bà bầu bị thoái hóa cột sống cổ:
- Nếu cần nhặt đồ vật rơi trên mặt đất, hãy ngồi xổm xuống bằng chân thay vì cúi xuống.
- Không đi giày cao gót và chọn giày gót thấp để hỗ trợ cột sống tốt hơn. Bên cạnh đó, do hormone có thể gây ảnh hưởng đến các khớp, do đó hãy mua giày với cỡ lớn hơn để đảm bảo sự thoải mái.
2. Thuốc thoái hóa đốt sống cổ cho bà bầu
Nếu cơn đau do thoái hóa cột sống cổ nghiêm trọng hoặc kéo dài, bà bầu có thể hỏi ý kiến của bác sĩ về các loại thuốc điều trị. Không tự ý sử dụng thuốc để tránh gây ảnh hưởng đến thai kỳ.
Trong hầu hết các trường hợp, bà bầu bị thoái hóa đốt sống cổ sẽ được chỉ định sử dụng Paracetamol để giảm đau. Các loại thuốc giảm đau khác, chẳng hạn như Aspirin, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) chẳng hạn như Ibuprofen hoặc Naproxen, không được khuyên dùng.
Trong các trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc giãn cơ an toàn trong thai kỳ. Các loại thuốc giảm đau tại chỗ, chẳng hạn như gel Salonpas, cũng có thể được sử dụng để cải thiện cơn đau.
Việc sử dụng thuốc điều trị thoái hóa cột sống cổ trong thai kỳ phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc để tránh gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Lên kế hoạch mang thai cho người thoái hóa đốt sống cổ
Tương tự như các vấn đề sức khỏe khác, thoái hóa cột sống cổ khi mang thai có thể phòng ngừa cũng như hạn chế mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Một số biện pháp ngăn ngừa thoái hóa đốt sống cổ khi mang thai, chẳng hạn như:
- Duy trì một tư thế tốt có thể tránh gây áp lực lên cột sống, hạn chế đau cổ, đau lưng.
- Tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng, chẳng hạn như bơi lội, dưới sự theo dõi của bác sĩ để ngăn ngừa cơn đau cổ khi mang thai.
- Luôn duy trì tầm mắt khi nhìn mọi thứ và cố gắng không cúi người, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai làm việc với máy vi tính. Nếu thõng vai hoặc cúi đầu khi làm việc có thể dẫn đến đau cổ vai gáy.
- Sử dụng gối thích hợp khi nằm ngủ để tránh gây căng thẳng lên cột sống.
Trước khi mang thai, bà bầu bị thoái hóa đốt sống cổ cần có kế hoạch và sự chuẩn bị phù hợp, chẳng hạn như:
- Hỏi ý kiến của bác sĩ và trao đổi với người thân để được hỗ trợ phù hợp nhất
- Tập thể dục thường xuyên để duy trì sức khỏe cơ bắp và sự linh hoạt của cột sống cổ
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp, đầy đủ chất để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh
- Bảo vệ khớp khỏi căng thẳng, chấn thương trong suốt thai kỳ
- Kiểm soát căng thẳng, thực hiện các kỹ thuật thư giãn phù hợp để hỗ trợ điều trị thoái hóa cột sống
Bà bầu bị thoái hóa đốt sống cổ cần được điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ để giảm đau cũng như ngăn ngừa ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Nếu cơn đau dữ dội hoặc kéo dài, bà bầu nên đến bệnh viện ngay lập tức để được chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!