Bê Vác Vật Nặng Bị Đau Lưng – Cách Giảm Đau và Lưu Ý
Bê vác vật nặng bị đau lưng là tình trạng thường gặp, chủ yếu do thay đổi tư thế đột ngột và bê vật nặng không đúng cách. Trong một số trường hợp, cơn đau khởi phát từ những người có bệnh lý tiềm ẩn. Phần lớn trường hợp đau lưng khi bê vác vật nặng có thể kiểm soát và ngăn ngừa bằng các biện pháp đơn giản.
Bê vác vật nặng bị đau lưng như thế nào?
Bê vác vật nặng bị đau lưng là tình trạng đau lưng khởi phát ngay khi thực hiện hoạt động bê hoặc mang vác vật nặng. Điều này thường gặp ở người lớn tuổi, làm việc gắng sức. Tùy thuộc vào nguyên nhân và cơ chế, cơn đau có thể đột ngột tồi tệ hoặc âm ỉ và tăng dần mức độ theo thời gian. Đau có thể ngắn hạn hoặc kéo dài.
Bê vác vật nặng bị đau lưng do chấn thương cơ học
Đau lưng do chấn thương cơ học thường đột ngột, đau nhói ở một vị trí kèm theo cảm giác co thắt, người bệnh khó đứng thẳng hay tiếp tục thực hiện các hoạt động hiện tại.
Ngoài ra khi có chấn thương cơ học do bê vác vật nặng, vùng ảnh hưởng còn có dấu hiệu sưng tấy và bầm tím. Tuy nhiên các triệu chứng thường nhẹ và tự giảm sau vài ngày.
Bê vác vật nặng bị đau lưng do chấn thương cơ học xảy ra khi:
- Bê vác đồ vật không đúng tư thế
- Đột ngột thay đổi động tác
- Nâng và mang vác vật quá nặng.
Bê vác vật nặng bị đau lưng do bệnh lý
Đau lưng khi bê vác vật nặng thường gặp ở những người có bệnh lý ở cột sống. Chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống… Những bệnh lý này làm khởi phát cơn đau mãn tính, khởi phát hoặc đau nhiều hơn khi bê vật, đau kéo dài khiến người bệnh khó chịu.
Những triệu chứng đi kèm:
- Cứng khớp
- Co thắt
- Khó cúi xuống, hạn chế phạm vi chuyển động
- Ấn vào thấy đau nhói và lan tỏa
- Sưng vùng ảnh hưởng ở một số trường hợp.
Bê vác vật nặng bị đau lưng do đâu?
Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân bê vác vật nặng bị đau lưng. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp nhất:
1. Nâng vật sai kỹ thuật
Nâng vật sai kỹ thuật là nguyên nhân phổ biến khiến bệnh nhân bị đau lưng khi bê vác vật nặng. Khi thực hiện sai kỹ thuật, cột sống và cơ chịu nhiều áp lực, dây chằng bị kéo căng quá mức dẫn đến tổn thương. Từ đó làm khởi phát cảm giác đau đớn khó chịu.
Trong những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị căng cơ hoặc giãn dây chằng lưng với những vết xước trên mô. Chính vì thế, đau lưng do nâng vật sai kỹ thuật thường kèm theo cảm giác co thắt, sưng và bầm tím quanh khu vực bị ảnh hưởng.
2. Bê vác vật nặng đột ngột
Người bệnh có cảm giác đau thắt và nhói lên ở lưng khi bê vác vật nặng đột ngột. Điều này thường là biểu hiện của tình trạng căng cơ và tổn thương xương cột sống khi nâng vật. Nếu có tổn thương nặng, cơn đau tiếp tục âm ỉ kéo dài kèm theo co thắt và sưng. Nếu có tổn thương nhẹ, cơn đau có thể thuyên giảm trong thời gian ngắn.
3. Gắng sức
Bê vác vật nặng bị đau lưng thường gặp ở những người có công việc nặng nhọc, gắng sức trong thời gian dài hoặc trọng lượng của vật vượt khỏi khả năng của người bệnh. Bởi khi gắng sức, cột sống và dây chằng hỗ trợ chịu nhiều áp lực và nhanh chóng suy yếu theo thời gian. Điều này làm khởi phát cơn đau khi tiếp tục bê vác vật nặng.
4. Không khởi động trước khi bê vác vật
Chấn thương dễ xảy ra ở những người không khởi động trước khi bê vác vật nặng. Theo các nghiên cứu, khởi động có thể giúp thư giãn các khớp xương, cơ và dây chằng, tăng độ dẻo dai, tăng lưu thông máu và khả năng chịu lực. Điều này giúp người bệnh nâng vật dễ dàng mà không gây chấn thương.
Ngược lại không khởi động trước khi bê vác vật có thể khiến khớp xương và mô đột ngột chịu áp lực và tác động vật lý quá mức. Từ đó làm tăng nguy cơ chấn thương cột sống, cơ và dây chằng, cơn đau đột ngột khởi phát.
5. Bệnh lý
Một số bệnh lý như thoái hóa cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, trượt đốt sống thắt lưng, gai cột sống, loãng xương… làm tổn thương xương cột sống, dây thần kinh và mô lân cận. Điều này khiến chúng nhạy cảm, dễ bị kích thích và khởi phát cơn đau ngay khi bê vác vật nặng.
Những người bê vác vật nặng bị đau lưng do bệnh lý thường có cơn đau dai dẳng kéo dài, khó kiểm soát. Cơn đau khiến người bệnh khó chịu, co cứng, hạn chế vận động. Cần áp dụng liệu pháp nhiệt hoặc dùng thuốc để giảm bớt.
Bê vác vật nặng bị đau lưng có nguy hiểm không?
Đau lưng khi bê vác vật nặng chủ yếu do chấn thương cơ học, thường không nguy hiểm, triệu chứng có thể giảm nhanh bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà, chẳng hạn như sử dụng nhiệt, xoa bóp, dùng thuốc giảm đau không kê đơn…
Những trường hợp bê vác vật nặng bị đau lưng do bệnh lý cần tiến hành thăm khám và điều trị sớm. Điều này giúp khắc phục các bệnh, ngăn ngừa cơn đau khởi phát trong tương lai.
Việc không điều trị có thể khiến bệnh lý cột sống phát triển. Đồng thời làm tăng nguy cơ phát sinh những biến chứng dưới đây:
- Tổn thương dây thần kinh
- Hội chứng chùm đuôi ngựa
- Vỡ thân đốt sống
- Thoát vị đĩa đệm tiến triển
- Giảm khả năng vận động
Cách giảm đau lưng khi bê vác vật nặng
Những biện pháp chăm sóc dưới đây có thể giúp giảm đau lưng khi bê vác vật nặng:
1. Nghỉ ngơi hợp lý
Khi có một cơn đau lưng, người bệnh cần nghỉ ngơi hoàn toàn trong 24 – 48 giờ, ngừng các hoạt động đang thực hiện. Tuy nhiên không nên ngồi quá lâu. Điều này giúp thư giãn, giảm áp lực lên cột sống cùng các cơ và dây chằng ở lưng.
Khi vùng ảnh hưởng được thư giãn, cơn đau và cảm giác co thắt có xu hướng giảm dần, người bệnh sớm cải thiện khả năng vận động. Ngoài ra nghỉ ngơi khi bị đau còn giúp hạn chế tổn thương thêm. Đặc biệt là tình trạng căng cơ và giãn dây chằng.
2. Ngủ tốt hơn
Người bệnh có thể khó ngủ khi bị đau lưng. Ngược lại ngủ không đủ giấc có thể khiến cơn đau của bạn trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra tư thế ngủ xấu cũng làm trầm trọng thêm cơn đau.
Để giúp ngủ ngon và giảm nhẹ đau lưng sau nâng vật, hãy thử nằm nghiêng. Dùng một chiếc gối đặt giữa hai đầu gối để giảm căng thẳng cho lưng và giữ cột sống của bạn ở vị trí trung tính.
Nếu cần nằm ngửa, hãy đặt dưới đầu gối một chiếc gối. Đồng thời ngủ trên một tấm nệm không quá mềm. Tốt nhất nên dùng nệm cứng thoải mái.
3. Chườm đá
Nếu bê vác vật nặng bị đau lưng do chấn thương cơ học (căng cơ, giãn dây chằng…), người bệnh có thể sử dụng nước đá để cải thiện tình trạng. Đặt túi đá lạnh lên vùng lưng đau giúp giảm lượng máu lưu thông, co mạch, giảm đau và sưng viêm, hạn chế ứ huyết khiến vết bầm tím thêm nghiêm trọng.
Hướng dẫn cách dùng đá điều trị đau lưng:
- Dùng khăn bông bọc gọn túi đá lạnh hoặc túi rau củ đông lạnh
- Đặt túi chườm lên lưng đau mỗi lần 15 phút
- Thực hiện 3 – 4 lần trong 3 ngày đầu
- Tránh đặt trực tiếp nước đá lên lưng.
4. Sử dụng nhiệt
Lăn chai nước ấm hoặc đặt một miếng sưởi lên lưng có thể giúp giảm nhanh cơn đau, phù hợp với bệnh nhân bê vác vật nặng bị đau lưng do bệnh lý. Nhiệt độ cao từ liệu pháp nhiệt giúp giãn mạch, tăng tuần hoàn máu, giảm co thắt, giảm đau và cứng khớp. Điều này giúp người bệnh cải thiện khả năng vận động và sớm khắc phục tình trạng đau lưng.
Hướng dẫn sử dụng nhiệt điều trị đau lưng:
- Cho nước ấm vào chai thủy tinh hoặc dùng miếng đệm ấm đặt lên vùng bị đau
- Thư giãn trong 20 phút
- Thực hiện mỗi ngày 3 lần
5. Tắm muối epsom
Ngâm mình và tắm với nước muối epsom ấm có thể giúp cải thiện cơn đau khi bê vác đồ nặng. Nhiệt độ cao từ biện pháp này giúp cột sống và các mô thư giãn, tăng tuần hoàn máu trong cơ thể, giảm cứng khớp và đau nhức.
Ngoài ra muối epsom chứa magie. Khi dùng có thể giúp giảm đau, thư giãn cơ thể, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Điều này giúp người bệnh ngủ ngon, sớm khắc phục cảm giác đau nhức khó chịu.
6. Hoạt động bình thường
Tiếp tục những hoạt động bình thường và di chuyển là điều cần thiết cho quá trình điều trị đau lưng khi bê vác vật nặng. Các nghiên cứu cho thấy, người duy trì hoạt động sẽ có khả năng và tốc độ phục hồi nhanh hơn bình thường. Chính vì thế, sau 24 giờ hoặc ngay khi cơn đau thuyên giảm, người bệnh nên vận động nhẹ nhàng, đi lại và hoạt động bình thường.
7. Thực hiện bài tập kéo căng cho lưng
Những bài tập lưng và kéo căng đơn giản có thể giúp giảm đau lưng, hạn chế cứng khớp và tăng tốc độ phục hồi. Ngoài ra việc luyện tập mỗi ngày còn giúp tăng cường các cơ hỗ trợ, tăng sự dẻo dai và sức bền cho vùng lưng, cải thiện vận động. Từ đó hạn chế chấn thương và cơn đau tái diễn.
Một số bài tập kéo giãn tốt cho người bê vác vật nặng bị đau lưng
Sphinx Pose (tư thế nhân sư)
Bài tập Sphinx Pose có tác dụng thư giãn dây chằng thắt lưng và cơ, giúp tăng sự dẻo dai và giảm đau hiệu quả.
- Nằm sấp, duỗi thẳng chân, chống hai tay xuống sàn với cẳng tay phẳng trên sản, khuỷu tay hướng ra sau
- Nâng ngực và mặt lên cao khỏi sàn. Giữ nguyên vị trí của bụng và chân
- Cằm hướng ra trước, mắt hơi hướng lên trên
- Giữ nguyên tư thế này trong 15 giây, hít thở đều
- Lặp lại động tác 5 lần.
Locust pose (tư thế châu chấu)
Bài tập tư thế châu chấu – Locust pose có tác dụng giảm đau lưng dưới, tăng cường sức mạnh cho cơ, cải thiện sự dẻo dai cho cột sống. Đồng thời giảm nguy cơ chấn thương và đau lưng trong tương lai.
- Nằm sấp, duỗi chân ra phía sau, hai tay đặt bên hông
- Hít vào, nâng cao phần thân trên và chân của bạn, giữ chân thẳng và hướng ra sau. Đồng thời duỗi thẳng hai tay ra sau theo hướng của chân. Lúc này trọng lượng cơ thể dồn xuống bụng, cột sống uốn cong
- Giữ nguyên tư thế này trong 60 giây, kết hợp hít thở đều
- Thực hiện bài tập trong 3 phút.
Bridge pose (tư thế cây cầu)
Bridge pose (tư thế cây cầu) là một trong những bài tập kéo giãn cột sống lưng tốt nhất, thích hợp với người bị đau lưng khi bê vác vật nặng. Bài tập này có tác dụng tăng cường các cơ ở bụng và lưng, tăng sức mạnh và giữ cho cột sống ổn định. Đồng thời giúp giảm đau lưng hiệu quả.
- Nằm ngửa, đặt hai tay dọc theo thân người, lòng bàn tay úp, co hai đầu gối, lòng bàn chân phẳng trên sàn
- Nâng cao thân người lên khỏi mặt sàn, giữ nguyên vai, cánh tay và bàn chân. Đầu gối, hông và vai tạo thành một đường thẳng từ trên xuống, cằm hướng xuống ngực
- Giữ nguyên tư thế này trong 60 giây, hít thở đều
- Lặp lại động tác 3 lần.
Cobra Pose (tư thế rắn hổ mang)
Bài tập tư thế rắn hổ mang có tác dụng kéo giãn các cơ ở cánh tay, vai và phần trước thân, giảm đau lưng, tăng độ dẻo dai cho cột sống. Đồng thời cải thiện tính linh hoạt và sức mạnh.
- Nằm sấp, duỗi thẳng chân, chống hai tay xuống sàn, cẳng tay song song với mặt
- Khi hít sâu, mở rộng cánh tay và dùng lực đẩy thân người lên cao
- Giữ thẳng chân trên sàn, uốn cong lưng, mở rộng vai hướng về phía sau, mắt nhìn lên trần nhà
- Hít thở đều
- Giữ nguyên tư thế này trong 30 giây
- Lặp lại động tác từ 3 – 5 lần.
8. Thư giãn và luôn lạc quan
Thư giãn là một trong những biện pháp giúp giảm đau do căng cơ hiệu quả, tăng tốc độ phục hồi. Ngược lại căng thẳng quá mức có thể khiến căng cơ và cơn đau trở nên tồi tệ hơn.
Vì vậy trong thời gian kiểm soát cơn đau, người bệnh nên thư giãn và luôn lạc quan, giữ tâm trạng thoải mái. Những trường hợp khó kiểm soát căng thẳng có thể thử áp dụng biện pháp ngồi thiền, tập yoga hoặc thực hiện những sở thích cá nhân.
9. Liệu pháp xoa bóp
Nếu bê vác vật nặng bị đau lưng, người bệnh có thể thử xoa bóp để giảm nhẹ tình trạng. Các nghiên cứu cho thấy, xoa bóp lưng hàng tuần có thể giúp cải thiện cơn đau (đau lưng trên, đau lưng dưới) và khả năng vận động của bệnh nhân bị đau lưng mãn tính.
Ngoài ra việc thực hiện một số thao tác nhẹ nhàng trên lưng còn giúp tăng tuần hoàn máu tại chỗ, thư giãn khớp xương và các mô, giảm cứng lưng. Đồng thời cải thiện tính linh hoạt cho cột sống, giảm bớt những vấn đề liên quan đến cấu trúc cột sống.
10. Dùng thuốc giảm đau không kê đơn
Nếu đau nhiều và không giảm khi áp dụng những biện pháp nêu trên, người bệnh có thể thử dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Trong đó Acetaminophen và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) chẳng hạn như Ibuprofen được sử dụng phổ biến nhất.
Những loại thuốc này thích hợp cho những bệnh nhân bị đau lưng ở mức độ nhẹ và vừa. Acetaminophen có tác dụng giảm đau và hạ sốt trong khi NSAID giúp giảm đau và kháng viêm. Acetaminophen và NSAID không an toàn với tất cả trường hợp bị đau lưng. Chính vì thế thuốc cần được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc thông tin trên bao bì.
11. Điều trị y tế
Tình trạng bê vác vật nặng bị đau lưng thường không quá nghiêm trọng, cơn đau có thể giảm nhanh mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên người bệnh cần thăm khám khi đau lưng kèm theo những tình trạng sau:
- Đau nhức nặng nề và đột ngột, có cảm giác thắt chặt, không thể đứng thẳng
- Đau dai dẳng nhiều ngày và tăng mức độ theo thời gian
- Đau nặng và liên tục 24 giờ, dùng thuốc giảm đau không giảm
- Cơn đau khiến người bệnh không thể hoạt động như bình thường
- Vùng lưng đau phát ra tiếng kêu bất thường
- Đau kèm theo các biểu hiện nghiêm trọng khác, không giảm nhẹ bằng các biện pháp chăm sóc.
Thông thường người bệnh được kiểm tra lâm sàng kết hợp chụp X-quang, MRI hoặc CT để xác định chẩn đoán. Sau khi thăm khám, bệnh được dùng thuốc kê đơn dựa trên mức độ đau và nguyên nhân. Chẳng hạn như thuốc giảm đau Codeine (thường dùng với Paracetamol) và thuốc giãn cơ (chẳng hạn như Diazepam).
Ngoài ra bệnh nhân có thể được chỉ định vật lý trị liệu với các bài tập kéo giãn phù hợp và phẫu thuật khi cần thiết. Điều quan trọng trong điều trị đau lưng khi mang vác vật nặng là nắm rõ nguyên nhân và áp dụng phương pháp thích hợp.
Lưu ý và phòng ngừa bê vác vật nặng bị đau lưng
Để ngăn ngừa bê vác vật nặng bị đau lưng, người bệnh cần lưu ý giữ an toàn cho lưng bằng cách nâng vật nặng đúng cách. Cụ thể:
- Giữ cho cột sống ở vị trí trung tính khi nâng. Lưng thấp và có một đường cong nhẹ về phía trước
- Giữ đồ vật gần cơ thể, co đầu gối (ngồi xổm), hai tay giữ chặt đồ vật
- Duy trì lưng thẳng và nâng cao thân người bằng chân sẽ hạn chế căng thẳng cho cột sống.
Lưu ý:
- Không nâng những đồ vật mà trọng lượng của nó vượt khỏi giới hạn của bản thân.
- Trong khi nâng vật, nên di chuyển trên những con đường bằng phẳng, không có vật cản và không gồ ghề.
- Giữ cho vật sát vào người, thực hiện những cử động ở tay và chân đùi, chỉ dùng cơ bắp.
- Không dùng lưng để đẩy vật nặng lên.
- Không đi giày cao gót hoặc mặc quần áo quá chật khi khuân vác.
Ngoài ra người bệnh nên áp dụng thêm một số biện pháp chăm sóc dưới đây để giảm nguy cơ đau lưng khi nâng vật:
- Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng và giàu dinh dưỡng. Bổ sung đủ canxi, vitamin D, omega-3 và magie thông qua những loại thực phẩm lành mạnh. Chẳng hạn như dầu thực vật, trứng, tôm, cá biển, thịt, các loại đậu và hạt, ngũ cốc, rau xanh, bông cải xanh… Điều này giúp duy trì mật độ xương và hệ xương khớp chắc khỏe, giảm nguy cơ chấn thương và bệnh lý.
- Thường xuyên tập thể dục và hoạt động thể chất ngoài trời để tăng cường các cơ, cải thiện độ dẻo dai và sức bền của cột sống. Từ đó giúp giảm nguy cơ chấn thương.
- Nghỉ ngơi hợp lý. Tránh gắng sức trong mọi hoạt động.
- Tránh ngồi lâu hoặc đứng lâu một chỗ. Điều này làm tăng áp lực cho hệ thống xương khớp, dễ bị tổn thương và đau nhức.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Tránh tình trạng thừa cân béo phì.
- Thường xuyên massage để thư giãn xương khớp, phục hồi chức năng vận động và cải thiện hoạt động của cơ.
- Lựa chọn nệm phù hợp, có độ đàn hồi tốt và độ cứng vừa phải giúp hỗ trợ xương khớp, cải thiện giấc ngủ và tăng tốc độ phục hồi sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Bê vác vật nặng bị đau lưng thường không quá nghiêm trọng, cơn đau được kiểm soát nhanh bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên người bệnh cần theo dõi sức khỏe, thăm khám ngay nếu nghi ngờ đau lưng do những bệnh lý tiềm ẩn. Những trường hợp này sẽ được hướng dẫn điều trị y tế với các phương pháp thích hợp nhất.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!