Bao hoạt dịch là gì? Có ở loại khớp nào?
Bao hoạt dịch là các túi chứa đầy chất lỏng, hoạt động như một tấm đệm ở giữa các mô mềm và xương, để bảo vệ xương khỏi chấn thương không mong muốn. Tổn thương bao hoạt dịch có thể dẫn đến đau đớn, hạn chế hoạt động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bao hoạt dịch là gì? Có ở khớp nào?
Bao hoạt dịch là các túi nhỏ chứa đầy các chất lỏng, nằm gần ở các đầu xương và khớp. Các túi chất lỏng này tạo ra một lớp đệm mỏng và hoạt động để giảm ma sát giữa các bề mặt mô mềm (chẳng hạn như gân, dây chằng, cơ, da) và xương khi vận động khớp.
Thông thường, một cơ thể khỏe mạnh có khoảng 140 bao hoạt dịch, phân bố ở các khớp động, hay còn gọi là khớp hoạt dịch. Khớp động là các khớp có thể di chuyển tự do trong cơ thể, chẳng hạn như khớp gối, khớp vai, khớp cổ tay hoặc các khớp ở chân. Mỗi bao hoạt dịch giống như một bóng nước nhỏ, chứa chất lỏng hoạt dịch bên trong để bảo vệ các khớp khỏi tổn thương và ma sát. Nếu bao hoạt dịch bị tổn thương và viêm, tình trạng này được gọi là viêm bao hoạt dịch.
Giải phẫu học và chức năng của bao hoạt dịch
1. Giải phẫu cấu tạo
Các bao hoạt dịch trong cơ thể được thành từ hai bộ phận chính, là màng hoạt dịch và chất lỏng hoạt dịch.
- Màng hoạt dịch là một màng mô mỏng tiết ra các chất lỏng hoạt dịch. Màng hoạt dịch khỏe mạnh thường rất mỏng và chứa các tế bào đặc.
- Chất lỏng hoạt dịch là một chất lỏng nhớt, trơn, thường được so sánh như lòng trắng trứng về bề ngoài và kết cấu. Chất lỏng hoạt dịch là thành phần giúp cơ thể hoạt động một cách dễ dàng mà không dẫn đến ma sát và tổn thương.
Các bao hoạt dịch thường rất nhỏ và mỏng, với đường kính trung bình dưới 4 cm và màng hoạt dịch dày khoảng 2 mm. Màng hoạt dịch là lớp màng bán thấm, cho phép một số vật liệu đi qua và rời khỏi túi. Do đó, đôi khi một chấn thương có thể khiến bao hoạt dịch chứa đầy máu và các tế bào bạch cầu.
2. Các loại hoạt dịch
Các chuyên gia y tế phân bao hoạt dịch thành ba loại chính, bao gồm:
- Bao hoạt dịch khớp (Synovial bursae): Đây là các túi chất lỏng phổ biến nhất, thường được tìm thấy ở gần các khớp trên cơ thể.
- Bao hoạt dịch xảy ra sau kích thích (Adventitious or accidental bursae): Túi chất lỏng này thường xuất hiện sau khi có áp lực tác động lặp lại thường xuyên. Chẳng hạn như một người đi giày chật trong thời gian dài hoặc có cấu trúc bàn chân bất thường có thể hình thành các bao hoạt dịch ở ngón chân cái hoặc phía sau gót chân.
- Bao hoạt dịch bên dưới da (Superficial bursa): Đây là một túi chất lỏng nằm ngay bên dưới da, ở giữa da và khớp xương. Các túi này thường nằm ở phần nhô ra của xương, chẳng hạn như mặt sau của khuỷu tay, hoạt động như một túi giảm áp lực và giúp khớp ít bị ma sát hơn khi chuyển động.
3. Chức năng
Chức năng chính của bao hoạt dịch là giảm ma sát giữa xương và các cấu trúc mô mềm, chẳng hạn như cơ, gân, dây chằng. Cụ thể, các túi chất lỏng này giúp các cấu trúc trong cơ thể trượt qua nhau một cách dễ dàng để hỗ trợ các chuyển động bình thường của cơ thể.
Ngoài ra, bao hoạt dịch cũng hấp thụ sốc để bảo vệ khớp khỏi chấn thương. Các bao hoạt dịch ở khuỷu tay, đầu gối và khớp vai có nhiệm vụ làm dịu các lực tác động trực tiếp và làm giảm tổn thương đến khớp.
Các điều kiện ảnh hưởng đến bao hoạt dịch
Có một số điều kiện y tế có thể gây ảnh hưởng đến bao hoạt dịch khớp, dẫn đến đau đớn, hạn chế cử động quanh khớp và ảnh hưởng đến chức năng cơ bản của người bệnh. Các điều kiện phổ biến bao gồm:
1. Viêm bao hoạt dịch
Viêm bao hoạt dịch xảy ra khi túi hoạt dịch bị viêm, dẫn đến đau đớn và khó cử động khớp. Các vị trí phổ biến thường bao gồm vai, khuỷu tay, đầu gối và hông. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng đến gót chân hoặc ngón chân cái.
Các triệu chứng viêm bao hoạt dịch phổ biến bao gồm:
- Đau đớn hoặc cứng khớp;
- Đau nghiêm trọng hơn khi di chuyển các khớp;
- Đỏ và sưng khớp.
Thông thường viêm bao hoạt dịch có thể được cải thiện bằng cách dành thời gian nghỉ ngơi tại nhà và bảo vệ khớp khỏi chấn thương thêm. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng sẽ được cải thiện trong vài tuần nếu được điều trị thích hợp. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát, do đó người bệnh cần có kế hoạch phòng ngừa phù hợp.
2. Viêm màng bao hoạt dịch
Viêm màng bao hoạt dịch xảy ra khi lớp màng bao bọc của bao hoạt dịch bị viêm. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này là do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, khiến các mô mềm suy yếu, dễ tổn thương và dẫn đến viêm. Bên cạnh đó, các yếu tố như tính chất nghề nghiệp, lạm dụng khớp hoặc chấn thương, đều có thể dẫn đến viêm màng bao hoạt dịch.
Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Đau đớn tại khớp bị ảnh hưởng;
- Tê hoặc ngứa ran, gây khó chịu, mất tập trung và ảnh hưởng đến các sinh hoạt bình thường;
- Khô hoặc tràn dịch khớp;
- Cứng khớp;
- Có âm thanh lục cục ở khớp khi chuyển động;
- Hạn chế khả năng vận động;
- Sưng đỏ, bầm tím ở khu vực bị tổn thương;
- Sốt, thường phổ biến vào buổi chiều tối.
Trong hầu hết các trường hợp, viêm màng bao hoạt dịch được điều trị bằng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, vật lý trị liệu và các biện pháp tự chăm sóc khác, chẳng hạn như chườm đá hoặc nâng cao khớp bị ảnh hưởng. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị chọc hút dịch khớp để cải thiện các triệu chứng.
3. Vôi hóa bao hoạt dịch
Vôi hóa bao hoạt dịch xảy ra nếu tình trạng viêm, kích ứng diễn ra trong một thời gian dài và không được điều trị phù hợp. Tình trạng này thường phổ biến ở vai và có thể dẫn đến viêm quanh khớp vai. Dấu hiệu hiệu phổ biến bao gồm:
- Cứng khớp bị ảnh hưởng;
- Đau khớp kéo dài;
- Hạn chế khả năng vận động.
Vôi hóa bao hoạt dịch thường được điều trị bằng thuốc chống viêm và tiêm cortisone. Khi tình trạng viêm được cải thiện, người bệnh sẽ được chỉ định vật lý trị liệu đề phục hồi phạm vi chuyển động.
4. Viêm bao hoạt dịch nhiễm trùng
Viêm bao hoạt dịch nhiễm trùng thường phổ biến ở khớp gối và khớp khuỷu tay. Không giống như các dạng viêm bao hoạt khác, viêm bao hoạt dịch nhiễm trùng là tình trạng nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế kịp thời để tránh các biến chứng tiềm ẩn.
Nếu bao hoạt dịch bị nhiễm trùng, người bệnh có thể nhận thấy một số dấu hiệu như:
- Đau hoặc cứng khớp;
- Da ấm khi chạm vào;
- Đỏ da;
- Sốt hoặc ớn lạnh;
- Cảm giác mệt mỏi nói chung.
Nguyên nhân chính dẫn đến viêm bao hoạt dịch nhiễm trùng là do các vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết cắt, vết xước da hoặc côn trùng cắn. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này có thể liên quan đến một số điều kiện sức khỏe, chẳng hạn như:
- Bệnh tiểu đường;
- Viêm khớp, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp;
- Nghiện rượu;
- Bệnh gout hoặc bệnh giả gout.
Viêm bao hoạt dịch nhiễm trùng cần được chăm sóc y tế kịp thời để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng lây lan. Bác sĩ thường kê một số loại kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và phục hồi tổn thương. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chọc hút dịch khớp bằng kim tiêm để dẫn lưu nhiễm trùng.
5. Bệnh gout
Bệnh gout xảy ra khi các tinh thể acid uric tích tụ ở các khớp, dẫn đến đau đớn và viêm. Đôi khi bệnh gout có thể gây ảnh hưởng đến các bao hoạt dịch, chẳng hạn như ở đầu gối, khuỷu tay.
Nếu có các triệu chứng hoặc nghi ngờ bị tổn thương bao hoạt dịch, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Phục hồi chức năng bao hoạt dịch
Nếu gặp vấn đề ở bao hoạt dịch, người bệnh có thể đến bệnh viện để được điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị phụ thuộc vào triệu chứng và nguyên nhân cơ bản, chẳng hạn như:
1. Thuốc
Nếu bao hoạt dịch bị nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê các loại thuốc kháng sinh để điều trị các triệu chứng. Thuốc có thể điều trị nhiễm trùng, giúp giảm đau và tăng khả năng cử động của người bệnh.
Trong trường hợp viêm bao hoạt dịch, bác sĩ có thể kê các loại thuốc chống viêm, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid không kê đơn hoặc steroid. Trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị tiêm corticosteroid.
2. Vật lý trị liệu
Nếu các vấn đề ở bao hoạt dịch gây ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh, bác sĩ có thể đề nghị vật lý trị liệu. Bác sĩ trị liệu sẽ đánh giá tình trạng chung của người bệnh, sau đó hướng dẫn các kỹ thuật điều trị phù hợp để giảm đau và cải thiện khả năng hoạt động của người bệnh.
Các phương pháp điều trị vật lý trị liệu phổ biến bao gồm:
- Tập thể dục: Duy trì vận động, tập thể dục thường xuyên có thể tăng cường phạm vi chuyển động ở khớp, cải thiện sức mạnh và ngăn ngừa các tổn thương có thể xảy ra.
- Chườm lạnh: Nếu bao hoạt dịch bị viêm, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh chườm lạnh để giảm lưu lượng máu lưu thông, cải thiện tình trạng viêm sưng và giảm đau.
- Chườm nóng: Đối với các cơn đau mãn tính, người bệnh có thể chườm nóng để tăng cường lưu thông máu, hỗ trợ giảm đau và viêm. Chườm nóng cũng giúp mang máu giàu oxy đến bao hoạt dịch bị tổn thương và hỗ trợ quá trình chữa lành.
- Xoa bóp: Nếu các mô bị căng khiến bao hoạt dịch bị chèn ép dẫn đến viêm, bác sĩ có thể tiến hành xoa bóp để giảm áp lực và căng. Xoa bóp massage có thể cải thiện lưu lượng máu, giảm đau và tăng cường khả năng di chuyển của cơ thể.
3. Phẫu thuật
Trong các trường hợp viêm bao hoạt dịch nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bao hoạt dịch bị tổn thương. Sau phẫu thuật bao hoạt dịch sẽ phát triển sau vài tuần và hỗ trợ các chuyển động khớp. Ngoài ra người bệnh cần thực hiện vật lý trị liệu và thực hiện các bài tập để giảm căng thẳng lên bao hoạt dịch để phòng ngừa các nguy cơ tổn thương trong tương lai.
Bao hoạt dịch là các túi nhỏ chứa đầy chất lỏng có nhiệm vụ tạo ra một lớp đệm và giảm ma sát ở các khớp. Tổn thương bao hoạt dịch có thể dẫn đến đau đớn, hạn chế chức năng và khả năng vận của khớp. Do đó, hiểu được cách hoạt động của bao hoạt dịch là cách tốt nhất để người bệnh có thể phòng ngừa và chăm sóc các vấn đề có thể xảy ra.
Tìm hiểu thêm: Viêm màng bao hoạt dịch: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!