Bà Bầu Bị Đau Gót Chân: Nguyên Nhân Và Cách Chữa An Toàn
Bà bầu bị đau gót chân là một tình trạng sức khỏe phổ biến, gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mẹ. Đau gót chân có thể xảy ra khi phụ nữ tăng cân, có những thay đổi ở bàn chân và xương chậu, gây đau đớn, khó chịu ở bàn chân, gót chân. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một số nguyên nhân gây đau gót chân ở bà bầu, người bệnh có thể tham khảo và có kế hoạch điều trị, chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Tại sao bà bầu bị đau nhức gót chân?
Mang thai có thể không thoải mái vì nhiều lý do. Phụ nữ mang thai sẽ phải đối mặt với nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau, chẳng hạn như ốm nghén, tăng cân, rạn da, sưng mắt cá chân và thèm ăn dữ dội. Bên cạnh đó, đau chân và đau gót chân cũng là một vấn đề sức khỏe phổ biến ở phụ nữ mang thai. Vậy tại sao bà bầu bị đau nhức gót chân?
Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai sẽ trải qua sự thay đổi trọng tâm, điều này gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể bao gồm lưng, cổ và thậm chí cả bàn chân, gót chân. Khi thai nhi lớn lên, cơ thể cần phải điều chỉnh để giữ cho bà bầu đứng thẳng. Sự thay đổi hormone trong thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng cuối, được xem là nguyên nhân chính dẫn đến đau gót chân ở bà bầu. Ngoài ra, có một số nguyên nhân và vấn đề sức khỏe khác cũng có thể dẫn đến tình trạng này, chẳng hạn như:
1. Tăng cân
Tăng cân khi mang thai là điều tự nhiên. Thông thường, phụ nữ có thể tăng từ 10 – 15 kg khi mang thai, thậm chí một số phụ nữ nhẹ cân có thể tăng nhiều hơn. Trong khi đó, phụ nữ thừa cân khi mang thai có thể tăng khoảng 5 – 6 kg.
Tăng cân có thể góp phần khiến bà bầu bị đau gót chân, lòng bàn chân và mu bàn chân. Một số nghiên cứu cho biết, việc tăng cân sẽ chuyển trọng tâm cơ thể về bàn chân để bù lại sự dịch chuyển trọng tâm cơ thể khi mang thai. Ngoài ra, tăng cân làm tăng diện tích cũng như thời gian bàn chân tiếp xúc với sàn nhà, dẫn đến tốc độ đi bộ chậm dần và gây đau bàn chân, gót chân.
2. Cơ thể sưng phù
Sưng phù và sưng tấy khi mang thai xảy ra khi các chất lỏng dư thừa tích tụ trong cơ thể. Phụ nữ mang thai thường bị phù hợp ở mắt cá chân và cả bàn chân. Phù nề khi mang thai là điều khá phổ biến, ảnh hưởng đến hơn ¾ phụ nữ, và tình trạng này có thể bắt đầu trong ba tháng giữa của thai kỳ.
Trình trạng phù nề xảy ra khi cơ thể cần sản xuất thêm chất lỏng cho cả bà bầu và em bé. Khi mang thai, cơ thể sẽ sản xuất nhiều hơn khoảng 50% chất lỏng so với bình thường. Điều này sẽ làm tăng lưu lượng máu và áp suất chất lỏng ở các chi dưới, dẫn đến ứ đọng chất lỏng, tích tụ ở mắt cá chân và bàn chân.
Mặc dù có thể gây khó chịu, tuy nhiên phù nề khi mang thai không phải là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nhưng phù nề nhẹ (sưng từ nhẹ đến trung bình) là một trong những nguyên nhân gây đau gót chân khi mang thai. Trong hầu hết các trường hợp, phù nề không đáng lo ngại đối với hầu hết phụ nữ mang thai. Điều quan trọng cần lưu ý là nếu tình trạng kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng hơn (hoặc gây đau gót chân dữ dội), bà bầu nên liên hệ với bác sĩ điều trị.
3. Thay đổi hormone
Mang thai sẽ gây ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cơ thể phụ nữ, bao gồm hormone, nội tiết tố. Một trong những hormone phổ biến nhất liên quan đến thai kỳ là relaxin. Relaxin xuất hiện với số lượng lớn trong ba tháng đầu của thai kỳ và tiếp tục tăng lên khi đến gần ngày sinh. Tương tự như tất cả các kích thích tố khác được tiết vào máu liên quan đến thai kỳ, relaxing giúp thư giãn các cơ, khớp, gân và dây chằng của cơ thể.
Relaxin đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh nở. Loại hormone này làm cho các dây chằng ở vùng chậu và cổ tử cung nới lỏng, mở rộng và mềm ra để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Tuy nhiên, relaxing không chỉ làm mềm và nới lỏng xương chậu, cổ tử cung mà cũng gây tác động đến toàn bộ cơ thể, bao gồm cả bàn chân.
Cụ thể, Relaxin làm suy yếu và làm mềm các cấu trúc hỗ trợ ở bàn chân, điều này khiến bà bầu bị đau nhức gót chân. Ngoài ra, tăng cân trong thai kỳ sẽ khiến trọng lượng cơ thể sẽ đè lên vòm bàn chân, tăng áp lực lên gót chân và làm suy yếu những cấu trúc vốn đã căng thẳng. Điều này khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng cũng như gây ảnh hưởng đến khả năng chuyển động linh hoạt.
Bà bầu bị đau gót chân phải làm sao?
Hầu hết phụ nữ đều lường trước những khó chịu, tuy nhiên nếu bàn chân bị đau nhức, đặc biệt là nếu bàn chân bị sưng nhiều, điều quan trọng là chú ý đến các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như viêm cân gan chân hoặc tổn thương dây chằng, và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Bà bầu bị đau gót chân có thể liên quan đến rất nhiều nguyên nhân và vấn đề sức khỏe khác nhau. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể rất đau đớn, khó chịu, kể cả sau khi sinh con. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đau, các biện pháp điều trị có thể bao gồm:
1. Thả lỏng chân hàng ngày
Một trong những cách tốt nhất để cải thiện tình trạng đau gót chân là thả lỏng chân, khoảng 5 – 10 phút mỗi ngày. Điều này sẽ giúp giải phóng áp lực ở chân, giảm đau và phục hồi khả năng chuyển động linh hoạt. Bà bầu có thể dành thời gian để massage chân, điều này sẽ giúp cải thiện lưu lượng máu, kích thích cơ bắp và giảm đau nhức.
Bên cạnh đó, có một số động tác thư giãn đơn giản, hiệu quả có thể giúp cải thiện tình trạng mẹ bầu bị đau gót chân. Các bài tập phổ biến bao gồm:
- Duỗi ngón chân cái: Bắt chéo chân sao cho chân bị đau đặt ở trên. Sử dụng ngón chân cái và ngón chân trỏ để nắm lấy ngón chân cái của chân còn lại. Từ từ kéo lên trên cho đến cảm thấy căng ở lòng bàn chân. Giữ yên trong 30 giây và lặp lại động tác.
- Căng bắp chân với tường: Đứng quay mặt vào tường, đặt tay lên tường ở độ cao ngang vai. Bước chân bị thương ra phía sau một đoạn khoảng 45 cm. Giữ đầu gối thẳng, đặt gót chân xuống sàn nhà. Uốn cong đầu gối trước, từ từ cúi người về phía trước cho đến khi cảm thấy căng dọc theo bắp chân sau.
- Duỗi bắp chân trên bậc thang: Bà bầu đứng quay mặt về phía cầu thang, đặt bàn chân ở bậc dưới cùng. Giữ thẳng đầu gối, từ từ hạ gót chân xuống cho đến khi cảm thấy căng dọc theo bắp chân.
- Căng bắp chân khi ngồi bằng khăn tắm: Ngồi duỗi thẳng chân, quấn khăn quanh lòng bàn chân, mỗi tay giữ một đầu khăn. Từ từ kéo khăn về phía cơ thể cho đến khi cảm thấy căng dọc theo lòng bàn chân và bắp chân.
- Lăn bóng bằng chân: Ngồi trên ghế và đặt một quả bóng tennis hoặc golf dưới lòng bàn chân trần. Đẩy chân từ từ để tạo áp lực lên quả bóng. Lăn bóng từ đầu bàn chân đến gót chân trong vài phút. Để giảm đau thêm, hãy đặt quả bóng vào tủ đông trước khi lăn trên bàn chân.
Các bài tập này có thể giúp cải thiện cơn đau từ nhẹ đến trung bình, cũng như góp phần tăng tính linh hoạt của bà bầu. Ngoài ra, tập luyện thường xuyên sẽ góp phần tăng cường sức mạnh cho các cơ ở bàn chân, điều này hỗ trợ giảm viêm, đau cũng như góp phần ngăn ngừa cơn đau tái phát.
2. Sử dụng miếng lót hỗ trợ
Một số bà bầu có sở thích đi chân trần trong nhà hoặc xung quanh nhà. Tuy nhiên, điều này có thể gây áp lực lên cơ thể, bàn chân, đặc biệt là trong ba tháng cuối của thai kỳ. Do đó, nếu bị đau gót chân khi mang thai, bà bầu được khuyến khích sử dụng các miếng đệm, lót, hỗ trợ gót chân khi di chuyển.
Có nhiều miếng đệm được thiết kế dành riêng cho phụ nữ mang thai, mang đến sự hỗ trợ hoàn hảo dành riêng cho bà bầu. Ngoài ra, các miếng đệm này cũng góp phần tạo sự thoải mái chung cho toàn bộ vòm bàn chân, từ đó giúp bà bầu chuyển động linh hoạt hơn.
Khi bị đau gót chân khi mang thai, phần lớn các vấn đề phát sinh là do căng thẳng gia tăng đối với cân gan chân hoặc dây chằng hỗ trợ vòm. Miếng lót giày có thể hỗ trợ cho bàn chân và giảm áp lực lên gót chân của bạn. Miếng lót cũng nâng nhẹ gót chân có thể làm giảm đáng kể tình trạng đau gót chân khi đi và đứng.
Hầu hết các loại đệm gót chân có thể sử dụng mà không cần chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên bà bầu, đặc biệt là bà bầu có tiền sử viêm cân gan chân hoặc đã từng đau gót chân trong quá khứ, nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
3. Dùng thiết bị chỉnh hình chân
Bên cạnh các miếng đệm bàn chân, bà bầu có thể được đề nghị sử dụng các miếng lót giày có thiết kế đặc biệt, nhắm vào các dây thần kinh dưới lòng bàn chân. Các miếng lót chỉnh hình này có thể giúp kích thích lòng bàn chân dẫn đến sự co lại và kích hoạt các cơ nhỏ của bàn chân, giúp các cơ này trở nên khỏe mạnh hơn. Cơ bàn chân càng khỏe thì càng có thể chống lại sự căng thẳng ngày càng tăng khi mang thai.
Hiện tại, có nhiều miếng lót chỉnh hình khác nhau nhằm phù hợp với tình trạng sức khỏe tổng thể của bà bầu. Nếu cần thiết, bà bầu có thể trao đổi với bác sĩ điều trị hoặc nhà trị liệu có chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
4. Sử dụng dầu xoa bóp chân
Sử dụng tinh dầu xoa bóp là một trong những cách tốt nhất cho bà bầu bị đau gót chân. Tinh dầu chứa nhiều khoáng chất tốt cho cơ thể, cần thiết cho hệ thống thần kinh, cơ và hỗ trợ cải thiện cơn đau ở gót chân. Thường xuyên xoa bóp với tinh dầu cũng giúp giảm chuột rút và hội chứng chân không yên ở phụ nữ mang thai.
Có rất nhiều loại tinh dầu khác nhau giúp giảm đau gót chân, chẳng hạn như:
- Dầu bạch đàn có tác dụng giảm đau, chống viêm, làm tăng serotonin, một chất hóa học trong não làm giảm cơn đau.
- Dầu gừng có tác dụng chống viêm, giảm đau, bao gồm các cơn đau dai dẳng, kéo dài. Việc xoa bóp dầu gừng vào gót chân 2 lần mỗi ngày có thể giúp thư giãn các cơ, gân và phục hồi khả năng chuyển động linh hoạt.
- Dầu nghệ có chứa curcumin ngăn chặn các cytokine, hỗ trợ chống viêm và giảm đau hiệu quả.
- Tinh dầu hoa oải hương có tác dụng chống viêm hiệu quả. Xoa bóp dầu oải hương lên gót chân có thể giảm đau cũng như góp phần cải thiện tình trạng mệt mỏi tổng thể.
Khi sử dụng tinh dầu xoa bóp cần chú ý liều lượng và cách sử dụng. Nên pha loãng tinh dầu với 2 – 3 giọt dầu vận chuyển, chẳng hạn như dầu dừa, dầu hạnh nhân, để tránh gây kích ứng da. Xoa bóp tinh dầu vào gót chân trong 10 – 15 phút và có thể tái sử dụng sau khoảng 6 giờ. Nếu nhận thấy các bất thường, đau đớn, khó chịu khi sử dụng tinh dầu, bà bầu nên hỏi ý kiến của bác sĩ.
5. Sử dụng đai bụng
Bà bầu có thể được chỉ định sử dụng đai bụng hoặc đai hỗ trợ xương chậu để giảm áp lực lên gót chân, từ đó cải thiện cơn đau hiệu quả hơn. Các loại đai này có thể tạo sự liên kết ở xương chậu, góp phần ổn định các cơ chính và giảm thiểu tác động lên gót chân.
Bằng cách sử dụng đai quấn bụng, các dây chằng xung quanh xương chậu sẽ được hỗ trợ, từ đó giảm căng thẳng cho lưng dưới và bụng khi mang thai. Ngoài ra, các đai này cũng mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ mang thai, chẳng hạn như hỗ trợ quá trình chuyển động linh hoạt, đặc biệt là trong ba tháng giữa và ba tháng cuối của thai kỳ.
Bà bầu bị đau gót chân là tình trạng bình thường ảnh hưởng đến nhiều phụ nữ. Nếu bị đau gót chân, bà bầu có thể tham khảo một số cách điều trị, cải thiện được hướng dẫn trong bài viết này. Trong trường hợp cơn đau nghiêm trọng hoặc kéo dài, bà bầu nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Phòng ngừa đau gót chân khi mang thai
Đối với bà bầu bị đau gót chân, bên cạnh các biện pháp điều trị, bà bầu cần lưu ý một số kế hoạch phòng ngừa cơn đau tái phát, chẳng hạn như:
- Dành thời gian nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Hãy đặt chân lên cao và thư giãn thường xuyên, đặc biệt là vào ban ngày. Đặc biệt, bà bầu cũng được khuyến cáo tránh đứng yên một chỗ trong thời gian dài, vì điều này sẽ khiến cơn đau gót chân trở nên nghiêm trọng hơn.
- Thường xuyên xoa bóp, massage chân là một cách tuyệt vời để giảm đau trong thời gian ngắn cũng như góp phần cải thiện cơn đau mãn tính.
- Tránh sử dụng giày cao gót trong mọi hoàn cảnh. Bà bầu nên đi giày bệt có đệm gót mềm, êm để hỗ trợ gót chân và vòm bàn chân. Ngoài ra, đi giày bệt cũng giúp giữ thăng bằng, hạn chế nguy cơ té ngã và ngăn ngừa tình trạng sưng phù khi mang thai.
- Chườm đá thường xuyên có thể giúp giảm viêm và giảm đau liên quan đến cân gan chân. Tuy nhiên, trước khi chườm đá, bà bầu nên hỏi ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
- Thực hiện các động tác giãn cơ hàng ngày để tăng cường sức mạnh và ngăn ngừa tổn thương gót chân, bàn chân.
Có nhiều cách khác nhau có thể điều trị và phòng ngừa tình trạng bà bầu bị đau gót chân. Tuy nhiên, điều quan trọng là hỏi ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn và có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp, hiệu quả nhất.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!