10 điều cần làm, cần tránh trước khi tiêm phòng COVID 19 – Bộ Y tế khuyến cáo
Theo dõi IHR trênDịch bệnh COVID – 19 hoành hành với mức độ nghiêm trọng gia tăng khó lường, xuất hiện nhiều biến thể mới khó điều trị, lây lan nhanh. Để phòng ngừa hiệu quả tình trạng này, biện pháp tiêm vaccine phòng ngừa là giải pháp tối ưu nhất. Dưới đây là 10 việc cần làm và cần tránh trước khi tiêm vaccine COVID – 19 người bệnh cần nắm rõ.
Với tốc độ lây lan khó kiểm soát của COVID – 19 cùng sự xuất hiện của nhiều biến thể phức tạp, tiêm phòng là phương pháp phòng ngừa cần được đẩy mạnh. Rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ thực hiện tiêm chủng vaccine COVID – 19 cho toàn dân.
Ghi nhớ 10 điều cần làm và cần tránh sau đây để chuẩn bị thật tốt cho quá trình tiêm phòng vaccine COVID – 19 suôn sẻ, an toàn:
- Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tùy thân, cung cấp thông tin về độ tuổi, công việc của mình để chứng minh bản thân đến lượt và được ưu tiên tiêm phòng vaccine ngừa COVID. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các bước khai báo y tế trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử khi cơ quan chức năng yêu cầu.
- Chuẩn bị sẵn hồ sơ, giấy tờ cần thiết liên quan đến bệnh sử, sức khỏe của bạn. Đặc biệt, nếu bạn đang mắc sẵn các bệnh lý nền như tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận, béo phì hoặc tiền sử dị ứng thuốc,…cần chuẩn bị đầy đủ bằng chứng xuất trình khi thăm khám để bác sĩ tư vấn tiêm phòng an toàn.
- Tránh dùng steroid trước khi tiêm: Trước khi tiêm chủng vaccine 1 tuần, bạn tuyệt đối tránh dùng steroid. Điển hình như prednisolone; dexamethasone thường dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp và các bệnh lý tự miễn khác. Hơn nữa, sau khi tiêm vaccine COVID – 19 cũng không được sử dụng steroid bởi có thể gây ức chế mạnh mẽ quá trình gây viêm, gây suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể, làm giảm đáp ứng đối với vaccine phòng ngừa. Nếu trong thời gian này, bạn phải đi khám và điều trị các bệnh lý khác, cần thông báo với bác sĩ điều trị để có điều chỉnh phù hợp, hạn chế chỉ định steroid trong đơn thuốc.
- Chú ý ngày, giờ đã hẹn để đi tiêm đúng đợt. Tuân thủ thực hiện 5K tại điểm tiêm chủng. Đến chính xác địa điểm tiêm chủng hẹn trước đúng giờ. Nên sắp xếp thời gian di chuyển phù hợp, trừ hao khoảng thời gian tắc nghẽn giao thông. Tại địa điểm tiêm chủng, chú ý giữ khoảng cách với người khác theo khuyến cáo trong thông điệp 5K.
- Không dùng thuốc giảm đau trước khi tiêm phòng COVID – 19. Theo các chuyên gia khuyến cáo, thuốc giảm đau như Ibuprofen, non-steroid ngay trước khi tiêm làm giảm hiệu quả của vaccine. Bởi thuốc giảm đau ngăn cản cơ chế hoạt động của vaccine với hệ thống miễn dịch, gia tăng tình trạng viêm nhiễm. Nếu cơ thể xuất hiện một số tác dụng phụ như đau tay, đau cơ, ớn lạnh,…là do hệ thống miễn dịch đang học cách tạo kháng thể chống lại virus.
- Chú ý bù đủ nước cho cơ thể trước trong và sau quá trình tiêm phòng. Bởi nước không chỉ quan trọng trong cuộc sống hàng ngày mà còn kiểm soát và ngăn ngừa sự khó chịu do vaccine COVID – 19 đã đề ra.
- Không uống rượu bia trước và trong ngày tiêm chủng. Hơn nữa, trong thời kỳ dịch bệnh, bạn cũng nên hạn chế uống rượu bia, nâng cao sức đề kháng, giúp hệ thống miễn dịch luôn ở trạng thái tốt nhất, ngăn ngừa virus xâm nhập và gây bệnh.
- Khi đi tiêm, chú ý mặc trang phục phù hợp, rộng rãi, thoải mái ở phần trên của cánh tay để quá trình tiêm chủng diễn ra thuận lợi.
- Chọn cánh tay không thuận để tiêm. Nhiều trường hợp tiêm xong bị đau nhức, khó chịu tại vị trí tiêm nên gặp khó khăn khi cử động cánh tay. Vì vậy, người bệnh nên lựa chọn cánh tay không thuận để tiêm đảm bảo không ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
- Dành thời gian tìm hiểu về những phản ứng phụ của vaccine trước khi thực hiện tiêm chủng. Sau khi tiêm, đợi ít nhất 30 phút để xem có phản ứng phụ nào nghiêm trọng hay không rồi mới rời khỏi địa điểm tiêm chủng. Báo ngay cho bác sĩ nếu thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào phát sinh. Sau quá trình tiêm, cần lưu giữ giấy xác nhận tiêm chủng COVID – 19. Không nên lái xe ngay sau khi tiêm vaccine phòng tránh những tình huống không mong muốn. Cập nhật trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử nếu gặp các vấn đề bất thường sau khi tiêm. Tuyệt đối không bôi, đắp thuốc hoặc bất kỳ thứ gì lên khu vực mới tiêm. Ghi nhớ tên, số điện thoại của bác sĩ theo dõi và cơ sở y tế gần nhất để liên hệ khi cần thiết.
Ngoài những việc đã được khuyến cáo ở trên, độc giả luôn nêu cao cảnh giác, chú ý thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa dịch COVID – 19. Đồng thời, sau khi tiêm vaccine, bạn cũng phải tiếp tục đeo khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn và thực hiện các biện pháp phòng chống khác theo quy định bởi cơ thể bạn sẽ chưa được bảo vệ ngay sau khi tiêm vaccine COVID – 19.
Nguồn: Sức khỏe đời sống
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!